Mô tả sản phẩm: Không có vua
Trích đoạn sách:
"Cô Sinh về làm dâu nhà lão Kiền đã mấy năm nay. Khi về, cô Sinh mang theo bốn bộ quần áo mỏng, một áo dạ mặc rét, hai áo len, một vỏ chăn hoa, bốn cái xoong nhôm một cái xoong bột, một cái phích hai lít rưỡi, một cái chậu tắm, một tá khăn bông, tóm lại là một đống tiền, nói như bà mẹ cô Sinh làm nghề buôn gạo ở chợ Xanh.
Cậu Cấn chồng cô Sinh là thương binh. Họ quen biết nhau trong dịp tình cờ. Hai người cùng trú dưới hiên nhà trong một trận mưa. Chuyện này đã có người viết (thế mới biết nhà văn ở ta xông xáo!) Theo đồn đại, đại để đấy là một xen (scène) về tình yêu giản dị, trong sáng, không vụ lợi cuộc sống là duy vật biện chứng, hài hòa, đẹp, đáng yêu, v.v....
Cấn là con trưởng. Dưới Cấn có bốn em trai, chênh nhau một, hai tuổi. Đoài là công chức ngành giáo dục, Khiêm là nhân viên lò mổ thuộc Công ty thực phẩm, Khảm là sinh viên đại học, Tốn, con út bị bệnh thần kinh, người teo tóp, dị dạng.
Nhà lão Kiền sáu người. Toàn đàn ông. Bà Nhớn, vợ lão Kiền, mất đã mười một năm, lúc đó lão Kiền năm mươi ba tuổi, cái tuổi oái ăm, lấy vợ nữa cùng dở, không lấy vợ nừa cũng dở. Lão Kiền chọn cái dở ít hơn, ở vậy... Nhà lão Kiền trông ra mặt đường. Lão làm nghề chữa xe đạp. Cấn làm nghề cắt tóc (khi mới quen Sinh, anh nói làm nghề dịch vụ). Được tiếp thu một nền giáo dục gia đình bình dân (cha dạy học, mẹ buôn gạo), Sinh không phải là người có nhiều định kiến hẹp hòi. Hơn nữa, trong tính cách, thậm chí ở cô có phần phóng túng. Trình độ văn hóa hạn chế (Sinh tốt nghiệp phổ thông cơ sở) nhưng điều đó không can hệ gì. Với phụ nữ, học vấn giữ vai trò thứ yếu tạo nên sức mạnh thần thánh ở họ, điều này không phải chứng minh. Về làm dâu, lúc đầu Sinh khá ngỡ ngàng với không khí tự do trong nhà: ăn cơm chẳng ai mời ai, sáu người đàn ông, ai cũng cởi trần, mặc quần đùi cười nói thản nhiên, chan chan húp húp như rồng cuốn. Sinh phục vụ cơm nước ba lần một ngày. Được cái việc nặng Sinh không phải làm, có Tốn giúp đỡ. Tốn suốt ngày lau nhà, giặt giũ. Nó không có khả năng làm việc gì khác. Cứ cái xô nhựa với tấm giẻ lau, khoảng vài tiếng nó lại lau nhà một lần. Nó không chịu được bẩn. Quần áo ai thay ra, nó cũng giặt mà giặt rất sạch, phơi phóng cẩn thận. Tốn ít nói, nếu ai hỏi gì, chỉ cười bẽn lẽn, trả lời nhát gừng. Vừa làm, nó vừa ti tỉ hát, không hiểu học được khi nào bài hát của bọn bợm rượu:
A ha... Không có vua
Sớm đến chiều say sưa
Tháng với ngày thoi đưa
Tớ với mình dây dưa,
Tình với tính hay chưa
...
Phê bình văn học:
"Không có vua", gợi nhớ từ "loạn cờ" được nhân vật Thủy - cô con dâu trong Tướng về hưu sử dụng. Khi nghe ông Thuấn ngỏ ý muốn giúp ông Cơ và cô Lài dọn đỡ việc nhà, cô Thủy liền phản đối: “Cha là tướng, về hưu cha vẫn là tướng. Cha là chỉ huy. Cha mà làm lính thì dễ loạn cờ". “Không có vua” hay “loạn cờ” là trạng thái nhân thế đảo điên, không tôn ti trật tự, không chuẩn mực giá trị, không điểm tựa tinh thần. Nói như Nietzsche: “Thượng đế đã chết”. Con người ta không muốn/thể sắp xếp lại thế giới.
Trong thế giới "không có vua", cha con, anh em gầm gừ, chửi bới, cạnh khóe, cấu xé nhau, không tiếc lời nanh độc giành cho nhau; em "sòng phẳng" trả "tiền công" cắt tóc cho anh trai; cha chồng nhìn trộm con dâu tắm, em chồng ngang nhiên sàm sỡ, đòi ngủ với chị dâu; con giơ tay biểu quyết để cha chết... Trong cái thế giới "loạn cờ" ấy, sự tận thiện tận mĩ của Sinh trở nên lạc loài, chẳng khác nào “bông hoa lài cắm bãi cứt trâu”. - Hoàng Đăng Khoa.