Như lời tự bạch của tác giả - nhà văn Toan Ánh, phong tục Việt Nam thời kỳ gần đây đã chịu nhiều biến đổi, cùng với những đổi thay của thời cuộc. Có nhiều thuần phong mỹ tục không còn nữa, có nhiều tục quá phiền phức rườm rà đã được giản dị hóa, nhưng cũng vẫn còn nhiều tục, mọi tầng lớp đều muốn, cố duy trì trước mọi sự thay đổi của đất nước, lẽ tất nhiên đấy không phải là những tục dở… Có điều đáng buồn là những nghi lễ phong tục tốt đẹp của ta trong khi dần dần thay đổi, thì đột nhiên, trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta thấy nảy sinh nhiều tục mới, xét cho kỹ chẳng hay đẹp gì, nếu không muốn nói là đồi bại. Với bộ sách này, tác giả muốn khẳng định một lẽ: “Người Việt Nam từ xưa tới nay vẫn có những phong tục lễ nghi riêng của dân tộc, phong tục lễ nghi này đã tạo nên con người Việt có những đặc tính riêng đáng quý, nó khiến cho ta có thể tự hào với thế giới…”
Nếp cũ - Trẻ em chơi là một sưu tập, biên khảo công phu, khoa học những trò chơi dân gian của trẻ em nông thôn Việt từ xưa đến nay của một bậc lão niên luôn tận tụy cả đời cho những góp nhặt cất giữ và lưu truyền những di sản quý báu của tổ tiên. Về mặt hình thức, các trò chơi được tác giả phân loại rất rõ ràng theo loại hình và lứa tuổi tham gia trò chơi. Về mặt nội dung, các trò chơi được giới thiệu cụ thể về ý nghĩa, nguồn gốc, ích lợi, giới hạn của trò chơi. Tất cả đều được nhà văn Toan Ánh thể hiện bằng ngôn phong hết sức tươi trẻ, dung dị, gần gũi, không khô khan cầu kỳ hay đậm chất “hàn lâm”.
Sách được chia thành 3 phần:
- Phần 1: giới thiệu những trò chơi trong nhà như: hím à, ẩn trốn, kéo cưa, lừa xẻ, ô quan, đánh chắt…;
- Phần 2: giới thiệu những trò chơi ngoài trời như: dung dăng dung dẻ, thả đỉa ba ba, kéo co, nhảy cò cò…;
- Phần Phụ lục giới thiệu các trò chơi trong những dịp đặc biệt.
Ngày nay, nhiều trò chơi cho trẻ em, nhất là những trò chơi dân gian của xã hội nông nghiệp xưa không còn hoặc đã được cải biến ít nhiều. Song với những mô tả, hướng dẫn cách chơi được trình bày khá tỉ mỉ, Nếp cũ - Trẻ em chơi không chỉ có giá trị về mặt tư liệu, nghiên cứu mà còn dễ dàng áp dụng vào các giờ chơi trong trường học, giúp trẻ em mở mang kiến thức qua trò chơi, quen biết dần với nếp sống mới lớn, chơi với học đi liền nhau. Trong lúc chơi, các em luyện tập ý chí, thân thể, sự khéo léo, rèn luyện đức tính, trau dồi khả năng tiếp thu… Vừa học vừa chơi tạo cho các em có tâm hồn thoải mái, nảy sinh sáng kiến và bắt đầu có óc sáng tạo. Câu chuyện Lương Thế Vinh với trái bồng là một ví dụ điển hình. |