Mô tả sản phẩm: Canh khoai môn - cá tràu
Canh khoai môn - cá tràu
Khoai môn nấu với cá tràu, húp chưa khỏi cổ, gật đầu khen ngon. (Ca dao Nam Trung Bộ)
Khoai môn nấu canh là loại khoai mịn, trồng ở những vồng đất ráo. Nhổ nguyên cả bụi khoai môn, cả củ lẫn rễ non, cắt bỏ một phần ba cọng phía trên, đem rửa sạch, dùng dao cạo qua lớp vỏ lụa của củ, thái từng lát như lát khoai lang. Cọng khoai thì tước bỏ lớp ngoài rồi cắt thành đoạn dài bằng ngón tay. Cho rổ khoai vào nồi nước, đặt lên bếp nấu chừng 30 phút thì khoai "bở".
Cá tràu vài ba con loại bằng cán dao, làm sạch vảy, móc bỏ mang, nướng chín trên than hồng rồi cho vào nồi canh. Mươi phút sau cá chín, dùng đũa ăn rũ xương, lấy thịt. Bỏ vào nồi một nhúm tấm gạo nếp, nhỏ vào mấy giọt dầu đậu phụng. Nấu thêm mươi phút nữa, thì có nồi canh, hay đúng hơn là nồi cháo khoai môn.
Một hòn than củi nhỏ, đỏ rực, được thả vào nồi canh để khử cái "ngấy cổ" của khoai môn. Dùng chiếc đũa xới cơm quay mấy vòng cho khoai, cá, tấm nhuyễn nhừ.
Nồi canh khoai môn như thế, chưa ăn được, cần phải có bát mắm cáy (mắm nêm), loại mắm cá nục nhuyễn. Cho gia vị vừa đủ vào bát mắm, rồi đặt giữa mâm ăn.
Cả nhà quây quần lại, mỗi người được mẹ múc cho một bát canh rồi tự mình lấy mắm, nêm vào cho vừa ăn.
Củ khoai bùi bùi, rễ khoai dai dai, cọng khoai bở ra, trôi tuột vào cổ, kéo theo cái béo ngầy ngậy của tấm gạo nếp, cái thơm nưng nức của mắm cá nục. Thỉnh thoảng lại có một mẩu thịt cá lóc mềm mềm chạm vào đầu lưỡi...
Ở nhà quê, nồi canh khoai môn cá tràu thường thay bữa cơm chiều. Xa quê lên tỉnh, thỉnh thoảng tôi vẫn nấu nồi canh khoai môn cá tràu để cả nhà cùng ăn, vừa ngon miệng, vừa có dịp kể chuyện quê nhà.
Canh khoai môn cá tràu, cũng như canh mít cá chuồn là những món ẩm thực bình dân của dải đất Nam Trung Bộ mến yêu.
(Theo Văn hóa nghệ thuật ăn uống)