Mô tả sản phẩm: Cá bống mủn cơm niêu
Cá bống mủn cơm niêu
Dọc theo bờ sông Gò Bồi (Tuy Phước, Bình Định) toàn là tre cùng những cây dừa nước nhoài cành ra ngoài dòng buông đám rễ ngoằn ngoèo xuống nước. Trong đám rễ cây ấy có một loài cá sống lặng lẽ: Cá bống mun. Cá chen trong rễ cây, lẩn trong bùn đen.
Cá thường đồng cỡ nhau. Thân chỉ bằng mút đũa con, đen bóng. Mỗi lần xúc đều có cá, khi nhiều, cá búng rảy tưng tưng, tha hồ mà lượm bỏ vào giỏ đeo bên lưng.
Khi bán cá bống mun, người ta đong từng chén. Cá mua về luôn còn sống, đổ cá vào rổ tre, lấy lưng gáo dừa chà sát, cá không đen như mực nữa mà chuyển sang màu vàng mỡ gà. Khi xát, bụng cá vỡ, rơi những con ốc gạo ra. Nhặt rác và ốc bỏ đi. Cá ướp với đường, muối, ớt và kho bằng trã đất. Thắng dầu hay mỡ đổ vào, lửa liu riu. Món cá bống kho đó, người địa phương gọi là "cá bống mủn". Một vài nơi gọi là "cá ngó đuôi" vì con nào cũng cong lại như nhìn đuôi mình.
Cá bống mủn ăn với cơm gạo đỏ, nấu bằng nồi đất nhỏ gọi là "niêu". Nồi nấu chừng một lon gạo, vừa bụng một người khỏe. Cơm niêu thơm mùi rạ, thơm ngào ngạt mỗi khi giở vung, nghe mùi là nước bọt chực tuôn ra. Các bà ở quê tôi nấu rất khéo, cơm khô mà không sống, cháy mà không khê, cơm hông vàng ươm như rạ tháng tám.
Gắp dăm con mủn bỏ vào chén gạo đỏ là thấy ngon rồi! Cơm này ăn với cá bống, và một miếng với dăm con mủn, mùi thơm đã kích thích khứu giác, vị giác. Mới nhai thấy cơm bùi, hơi ráp. Càng nhai vị bùi hóa ngọt, vị mặn hòa với béo, một tí cay làm tăng hương vị. Nhai càng kỹ càng ngon, cái ngon thấm sâu vào gai lưỡi, kẽ răng muốn nhai hoài ăn hoài, ăn cho đến "cành hông" vẫn còn thòm thèm.
(THEO VNEXPRESS.NET)