Mô tả sản phẩm: Samsung Galaxy Note 4 (Samsung SM-N910H/ Galaxy Note IV) Bronze Gold for Asia-Pacific
Khi nói đến phabet (smartphone màn hình lớn) thì không thể không nhắc đến dòng Galaxy Note của Samsung và gần đây nhất đó chính là 'siêu phẩm' Note 4.
Lúc mới ra mắt phiên bản đầu tiên cách đây 4 năm, Note nhận được rất nhiều châm biếm về kích thước quá cỡ của nó. Tuy nhiên theo thời gian, cùng với xu hướng sử dụng điện thoại màn hình lớn và đặc trưng cây bút thông minh, Galaxy Note đã chứng minh cho mọi người thấy Samsung không phải là kẻ chỉ mãi theo sau học hỏi người khác mà hãng này cũng là người tạo ra một định nghĩa mới về điện thoại để giờ đây nó đã trở thành một trào lưu để nhiều hãng khác cho ra đời các phabet của riêng mình (Sony Z Ultra, HTC One Max, iPhone 6 Plus…).
Nhiều người vẫn thường bảo, một năm Samsung tung ra 2 dòng sản phẩm flagship, một là Galaxy S và hai là Galaxy Note. Trong khi nhiệm vụ của chiếc Galaxy S là đưa ra những công nghệ mới, những điều thú vị mới của Samsung thì Galaxy Note hoàn thiện những khuyết điểm của mỗi dòng S đó. Thật vậy, nếu như Galaxy S5 đã từng phải nhận rất nhiều ‘gạch đá’ nhất là mảng thiết kế thì giờ đây rất khó để có thể nói điều tương tự với Galaxy Note 4.
Video giới thiệu Samsung Galaxy Note 4:
Về thiết kế
Khi cầm Note 4 trên tay, có thể hiểu tại sao tôi từng có nhận xét trong bài đánh giá chiếc Galaxy Alpha rằng nó (Alpha) là chiếc điện thoại sẽ tạo ra một sự thay đổi lớn trong thiết kế của Samsung. Rõ ràng, tất cả những tinh hoa thiết kế của Alpha đều được áp dụng vào Note 4 một cách chỉnh chu và hoàn thiện hơn.
Sau Alpha thì Note 4 là chiếc điện thoại thứ 2 sử dụng thiết kế viền kim loại (nhôm) vát kim cương. Chất liệu mới này đem lại cảm giác hoàn toàn khác với bất kỳ sản phẩm trước đây, kể cả Galaxy Note 3 và Galaxy S5. Nó khiến cho Note 4 có một vẻ ngoài thật sang trọng, tinh tế. Cảm giác đó sẽ càng thật hơn khi bạn cầm máy trên tay. Các chi tiết trên viền kim loại như nút nguồn, nút tăng giảm âm lượng, lỗ micro, lỗ cắm headphone và vết vát ở hai cạnh bên đều được làm cẩn thận, tỉ mỉ. Nhược điểm duy nhất của thiết kế này chính là việc chất liệu kim loại vát sẽ tạo ra cảm giác hơi cấn vào tay chứ không nhẹ nhàng như viền benzel nhựa trước kia.
Mặt sau vẫn giữ nguyên âm hưởng của Galaxy Note 3 với nắp nhựa vân giả da nhưng đã loại bỏ đi các vệt giả chỉ khâu. Thực tế khi sử dụng, mặt lưng của Galaxy Note 4 dù đẹp nhưng lại làm mất đi cảm giác rất nhiều so với mặt ‘da’ của Galaxy Note 3, cảm nhận khi chạm vào giống như nhựa hơn là ‘da’. Mặt lưng này cũng khá trơn, vì vậy người dùng cần chú ý cẩn thận khi thao tác với Galaxy Note 4 để tránh những rủi ro có thể xảy đến. Ngoài ra, mặt phía sau còn bao gồm camera ‘lồi truyền thống’ của Samsung, đèn flash, cảm biến vân tay và khe loa. Thật tình, tôi không thích việc khe loa bị đẩy từ đáy máy, gần cổng sạc xuống mặt sau, lý do là nó sẽ khiến cho âm thanh bị giảm độ lớn và cũng vì vị trí đó làm xấu toàn bộ mặt sau của máy.
Mặt trước Galaxy Note 4 theo kiểu thiết kế truyền thống với nút home cứng, hai nút cảm ứng back và đa nhiệm, dòng chữ Samsung, khe tai nghe và mặt vân sọc ngang. Mặt kính trên Note 4 được vát cong nhẹ (Samsung gọi là 2,5D) ôm từ kính xuống phần viền máy giống hệt như trên iPhone 6 và Lumia 930. Vì đây là lần đầu thực hiện công nghệ này nên các đường nối giữa viền máy và mặt kính vẫn chưa được hoàn thiện tuyệt đối, bạn vẫn có thể nhìn ra khe hở giữa hai thành phần trên.
Về cấu hình và hiệu năng
Có thể khẳng định rằng, Galaxy Note 4 là chiếc điện thoại có cấu hình ‘khủng’ nhất tính đến thời điểm hiện tại. Máy sở hữu vi xử lý Qualcomm Snapdragon 805 (4 nhân x 2.7Ghz) hoặc vi xử lý Exynos 5433 (4 nhân Cortex A57 x 1.9GHz + 4 nhân Cortex A53 1.3GHz) tùy thị trường. Điều đặc biệt mà hãng điện thoại Hàn Quốc hầu như không nhắc đến trong buổi ra mắt ngày 3/9 vừa qua chính là việc Note 4 là chiếc Android đầu tiên của Samsung chạy bộ vi xử lý 64 bit (Exynos 5433).
Các điểm số Benmark đều cho thấy Exynos 5433 đạt điểm rất cao, ngang ngửa với vi xử lý Tegra K1 sắp ra mắt của ‘lão làng’ Nvidia. Đây là tiền đề để Samsung xuất xưởng các thế hệ điện thoại thông minh sở hữu bộ nhớ RAM ‘không tưởng’ 6GB theo như các tin đồn gần đây. Dù vậy thì Galaxy Note 4 vẫn chỉ dừng lại ở con số 3GB RAM như Note 3 mà thôi. Dĩ nhiên với bộ xử lý ‘ngoại hạng’ thì Galaxy Note 4 không gặp bất cứ khó khăn nào trong lúc vận hành, kể cả với những tác vụ nặng như xem phim, chơi game… Máy hoạt động cực kỳ mượt mà và khoảng cách giữa Android và iOS về khoản này thì tôi không còn có thể nhận ra được nữa.
Chất lượng màn hình
Khác với truyền thống ‘phóng to’ qua các năm của dòng Note, Galaxy Note 4 vẫn chỉ sử dụng màn hình kích thước 5.7 inch công nghệ Super AMOLED nhưng với mật độ điểm ảnh đạt mức 2K (QHD – 2560 x 1440 px), tức là gấp đôi so với Note 3.
Đó cũng là lý do Samsung chuyển sang sử dụng font chữ mới, cực kỳ thanh mảnh trên Note 4, tạo cảm giác sang trọng hơn và tinh tế hơn. Tuy nhiên, về thực tế, khi đặt Note 3 và Note 4 ở cạnh nhau với cùng một tấm hình thì hầu như người dùng rất khó chỉ ra rằng màn hình nào đẹp hơn. Cả 2 chiếc Note đều cho ra độ màu rất đẹp và sâu, đúng như chất của màn hình Super AMOLED. Màu của Note 4 thì có độ bão hòa nhẹ hơn 1 chút so với Note 3, nhưng chỉ là một chút thôi. Khi để xa và che đi thiết kế thì chính tôi cũng không thể phân biệt đâu là Note 3 và đâu là Note 4.
Điểm cải tiến lớn nhất của Note 4 đến từ việc giảm thiểu độ ám màu vốn dĩ là một nhược điểm trên màn hình AMOLED. Bản thân Galaxy Note 3 khi đặt cạnh các màn hình công nghệ khác, nhất là công nghệ IPS thì thường tỏ ra đuối sức khi màu trắng bị ám xanh nhẹ. Bản thân Samsung từng tuyên bố họ làm ám xanh là có chủ ý để khách hàng cảm thấy dịu mắt và thích hơn. Dù điều đó có phải là ‘biện minh’ hay không nhưng với Note 4 thì Samsung đã làm tương đối tốt trong việc khử đi độ ám xanh của Galaxy Note 3 (mặc dù vẫn còn). Nhìn vào màn hình Note 4 gợi cho tôi cảm giác đang sử dụng phiên bản thu nhỏ của dòng Galaxy Tab S, đó cũng là lý do tại sao trang DisplayMate lại đánh giá màn hình Galaxy Note 4 tốt nhất trong tất cả các điện thoại hiện nay.
Về camera và âm thanh
Bỏ qua tất cả những ưu và khuyết kể trên, tôi xin phép được nói đến một trong những điều tôi thích nhất trên chiếc Galaxy Note 4 - camera. Không phải động thái ca ngợi Note 4 lên tận mây nhưng thật sự mà nói thiết bị này sở hữu khả năng chụp ảnh tuyệt vời so với các thiết bị Samsung khác.
Được trang bị máy ảnh sau 16MP sử dụng cảm biến của Sony thay cho công nghệ ISOCEL của Samsung như trên Galaxy S5, Galaxy Note 4 đã cho thấy khả năng kết hợp tuyệt vời giữa phần cứng và phần mềm. Bản thân tôi cũng không hiểu tại sao với cùng 1 hãng sản xuất nhưng camera 16MP trên Note 4 lại khiến tôi hài lòng hơn rất nhiều so với camera 20.7MP trên Sony Xperia Z3 Compact. Với một điều kiện chụp phong cảnh tương đối ngược sáng, Xperia Z3 Compact lại cho ra hình ảnh bị chói và sáng quá mức cần thiết trong khi Note 4 lại thể hiện khả năng chụp đáng kinh ngạc với độ bão hòa màu trung thực, không hề bị chói.
Điểm thứ hai tôi thích ngoài màu sắc và chi tiết hình ảnh chính là tốc độ chụp. Chiếc phabet của Samsung cho tốc độ lấy nét gần như là tức thì và tôi cảm giác nó còn nhanh hơn tốc độ lấy nét trên cảm biến ISOCEL của Galaxy S5. Bên cạnh đó, Samsung còn tích hợp khả năng chụp ảnh phím cứng thông qua nút tăng giảm âm lượng (lấy nét tự động), giúp bạn có thể nắm bắt mọi khoảnh khắc ngay trong chốc lát mà không sợ bị rung hay nhòe hình với công nghệ chống rung quang học OIS.
Chống rung quang học là một điểm mà nhiều người từng chỉ trích Samsung tại sao không đem lên các dòng điện thoại của họ trước đây. Giờ đây nó sẽ là một tin vui cho những ai từng cảm thấy không thoải mái với những bức ảnh bị nhòe của điện thoại Samsung. Ngoài ra, khả năng chụp ban đêm của Note 4 cũng được cải thiện so với Galaxy Note 3 (dù vẫn có tình trạng bị nhiễu hạt/noise khi chụp tối và điều này là không tránh khỏi với máy ảnh trên điện thoại).
Ảnh chụp thử từ camera của Galaxy Note 4:
Điểm đặc biệt kế tiếp mà tôi vẫn cực kỳ thích khi sử dụng điện thoại của hãng điện tử Hàn Quốc này kể từ Galaxy S3 chính là giao diện và tính năng chụp ảnh. Samsung họ luôn trang bị cho người dùng một giao diện chụp ảnh đi kèm với hàng loạt những chế độ chỉnh sẵn dễ dàng để sử dụng. Chỉ cần một vài thao tác tìm hiểu ban đầu là mọi người có thể sẵn sàng để sử dụng máy ảnh trên mọi điều kiện và nhu cầu khác nhau. Điều này rất phù hợp cho một số các chị em và những người không chuyên về thông số máy ảnh.
Các tính năng này trên Note 4 thừa hưởng khá nhiều từ điện thoại chụp ảnh Galaxy K Zoom, có thể kể đến bao gồm: chụp chân dung (xử lý da mặt), chụp ‘tự sướng’ camera sau (tự động chụp khi nhận diện gương mặt đã vào vị trí cài sẵn), chụp xóa phông (chụp macro), chụp toàn cảnh, chụp 2 camera… Samsung còn cung cấp khả năng tải về hàng loạt các tính năng chụp hình khác do chính hãng này phát triển.
Camera trước trên Note 4 cũng là điểm cải tiến đáng chú ý. Độ phân giải được nâng từ mức 2.1 lên thành 3.7 MP cho khả năng chụp ‘tự sướng’ nét hơn. Tuy nhiên, tính năng chụp ‘tự sướng’ góc rộng 120 độ (Wide selfie) mà Samsung từng giới thiệu rất nhiều tại buổi ra mắt hôm 3/9 lại tỏ ra rất khó sử dụng khi phải quay camera giống như kiểu chụp toàn cảnh (panorama) ở như trên camera sau. Nếu người dùng quay bị lệch lên xuống thì hình ảnh ghép nối lại rất xấu. Tính năng này thật sự phải cần làm quen rất lâu mới có thể thành thạo được.
Đối với âm thanh, loa ngoài của Note 4 được cải thiện khá nhiều, cho ra chất âm rõ và trong trẻo, không bị hiện tượng bệt âm nhẹ như Galaxy Note 3 (nhưng cũng vẫn chưa thể bằng được công nghệ Boom Sound trên HTC One M8). Còn khi cắm tai nghe thì chất lượng của 2 chiếc Galaxy Note trên là như nhau và không có sự chênh lệch đáng kể.
Về tính năng và phần mềm
Tính năng là một trong nhiều điều đặc biệt mà ít có nhà sản xuất điện thoại khác nào có thể đem đến như các điện thoại của Samsung. Nhà sản xuất điện tử này luôn muốn mang lại cho khách hàng rất nhiều các tính năng tích hợp (hữu dụng có, vô dụng cũng có). Note 4 cũng không nằm ngoài ngoại lệ khi sở hữu: cảm biến vân tay, cảm biến đo nhịp tim, đo nồng độ Oxy trong máu, đo mức độ căng thẳng (stress) và cảm biến tia cực tím UV.
Điều đáng tiếc nhất là Note 4 đã bị loại bỏ đi 2 tính năng khá cần thiết là chống nước và cổng USB 3.0 giúp nâng cao tốc độ sạc. Dù bị tiêu giảm còn cổng kết nối USB 2.0 nhưng theo lời Samsung giới thiệu thì Note 4 đi kèm với công nghệ sạc nhanh giúp tăng tốc độ sạc từ 0% - 50% chỉ trong vòng 30 phút. Và người dùng cũng nên chú ý để tránh những rủi ro đáng tiếc trong quá trình sử dụng, nhất là khi đi dưới mưa hoặc sử dụng trong nhà tắm.
Nói đến dòng Galaxy Note thì không thể không nhắc đến cây bút S-pen đã làm nên thương hiệu của này. Đa phần những tính năng của cây S-pen trên Note 4 cũng tương tự như trên Note 3 nhưng được nâng cấp lên đáng kể bao gồm tính năng lựa chọn văn bản nhanh, cắt màn hình, cửa sổ đa nhiệm, kéo thả nội dung… Những tính năng này khiến cho tôi có cảm giác đang sử dụng trên hệ điều hành Windows hơn là trên Android.
Ngoài ra, S-pen của Note 4 cũng nhận diện được gấp đôi lực nhấn trên cây S-pen của Note 3. Điều thú vị là cây S-pen của Note 3 cũng có thể sử dụng trên Note 4 và cũng nhờ điều đó tôi mới thấy được khả năng nhận lực khác nhau giữa 2 cây viết này (viết trên Note 4 cho ra các nét vẽ đậm nhạt giống hệt như khi sử dụng giấy và viết). Tôi hoàn toàn không có lời nào chê trách tính năng S-pen trên Note 4 bởi lẽ những ai đã từng sử dụng nó sẽ hiểu được lý do tại sao.
Galaxy Note 4 vẫn sử dụng giao diện Touchwiz truyền thống của Samsung nhưng được cải tiến, tiếp tục đi theo ngôn ngữ thiết kế phẳng như trên Galaxy S5. Có thể nhiều người sẽ thích và nhiều người không thích Touchwiz nhưng đừng quên với Android, bạn hoàn toàn có thể thay đổi bất kỳ giao diện nào khác để phù hợp với ‘khẩu vị’ của chính mình.
Về pin và thời lượng sử dụng pin
Galaxy Note 4 được trang bị viên pin 3220 mAh, tức chỉ tăng 20mAh so với Note 3. Dù phải gánh màn hình 2K nhưng nhờ khả năng tiết kiệm điện đến hơn 30% của vi xử lý Exynos 5433 nên thời lượng sử dụng Note 4 ngang ngửa với Galaxy Note 3.
Thực tế trải nghiệm, với 100% pin và cường độ sử dụng lớn: chụp hình, nghe nhạc, lướt web với wifi từ 9g sáng đến 7g tối thì pin Note 4 còn lại khoảng dưới 30% và buộc bạn phải đi sạc nếu muốn sử dụng tiếp trong ngày hôm sau. Nếu ít sử dụng thì pin của Note 4 hoàn toàn có thể duy trì được trong khoảng trên dưới 3 ngày. Bên cạnh đó Note 4 còn được thừa hưởng tính năng siêu tiết kiệm pin (Ultra Power Saving) có thể kéo dài thời gian hoạt động của máy lên đến 24g chỉ với 10% pin. Đây là một tính năng hay và cực kỳ cần thiết trong điều kiện người dùng không thể sạc pin trong một thời gian dài.
Tổng kết
Với thành tích 10 triệu máy bán ra của Galaxy Note 3 thì Samsung hoàn toàn có thể đặt kỳ vọng cho con số 15 triệu máy Galaxy Note 4 trong những tháng sắp tới. Không thể phủ nhận rằng, hãng điện tử Hàn Quốc đang phải đối mặt với khó khăn rất lớn khi Apple đã chính thức đưa ra thị trường ra chiếc điện thoại Phabet iPhone 6 Plus với kích thước gần bằng Galaxy Note 4. Đây sẽ là trở ngại rất lớn trong việc thuyết phục khách hàng lựa chọn Note 4 thay cho iPhone 6 Plus.
Tuy nhiên, với những nỗ lực đáng khen, sự chịu khó lắng nghe nhu cầu khách hàng về thiết kế và phần mềm, đặc biệt hơn là sự ‘độc quyền’ của S-pen sẽ giúp cho Galaxy Note vẫn là một sản phẩm đặc biệt và duy nhất trong phân khúc phabet trên thị trường hiện nay. Galaxy Note 4 xứng danh siêu phẩm và là một niềm tự hào của người Á châu.