Mô tả sản phẩm: Nokia Lumia 1320 (Nokia Batman/ RM-996) Phablet Yellow
2013 là một năm khá thành công của dòng sản phẩm Nokia Lumia, khi doanh số bán các máy Lumia tăng mạnh. Dòng sản phẩm này rất thành công ở phân khúc điện thoại giá rẻ và cũng thu hút được chú ý nhất định ở các phân khúc cao hơn. Tuy nhiên, có một phân khúc mà trước đó hãng điện thoại Phần Lan chưa khai thác: điện thoại màn hình lớn hay còn gọi là phablet.
Bước vào thời điểm cuối năm 2013, Nokia đã thể hiện quyết tâm với phân khúc còn lại bằng hai sản phẩm là Lumia 1520 và Lumia 1320. Trong khi Lumia 1520 là một sản phẩm cao cấp, được trang bị nhiều công nghệ độc đáo thì Lumia 1320 lại gây chú ý với mức giá dễ chịu cùng pin dung lượng cao.
Việt Nam là một trong những thị trường đầu tiên bán chiếc phablet này của Nokia. Giá bán của máy là 7,5 triệu đồng, thuộc phân khúc tầm trung. So với Lumia 1520 thì Lumia 1320 sẽ ít phải cạnh tranh với các sản phẩm đã có tên tuổi, do hiện tại chưa có nhiều sản phẩm có màn hình lớn ở phân khúc tầm trung.
Thiết kế
Nhìn qua thì Lumia 1320 rất giống một chiếc Lumia 625 phóng to lên, với kiểu dáng bo tròn, lớp vỏ sau mịn và trùm kín các cạnh máy. Lumia 1320 có kích thước tương đương Lumia 1520, dày hơn một chút, nhưng cảm giác khi cầm thì lại dễ chịu hơn do các góc máy bo tròn chứ không vuông như Lumia 1520. Phần nắp lưng gần cạnh máy hơi cong cũng góp phần tạo cảm giác thoải mái hơn khi cầm. Dù sao thì máy vẫn khá to, nên nhiều thao tác vẫn phải dùng đến hai tay. Trọng lượng của máy là 220 gam, vừa phải so với kích thước.
Lumia 1320 (bên phải) to hơn nhiều so với Lumia 525
Ở mặt trước, mặt kính của Lumia 1320 phẳng chứ không cong về phía viền, giúp việc dán màn hình dễ dàng hơn. Phần nút cảm ứng ở dưới màn hình vẫn hơi thừa chứ không hợp lý như Lumia 1520. Máy cũng có ba nút cứng như mọi điện thoại Lumia khác ở cạnh phải: nút camera, bật tắt và điều chỉnh âm lượng. Tuy máy khá lớn nhưng vị trí đặt các nút khá thuận tiện khi sử dụng.
Mặt sau của máy sử dụng chất liệu polycarbonate mịn
Vỏ của Lumia 1320 vẫn sử dụng lớp vỏ mịn bằng chất liệu polycarbonate với thiết kế đơn giản, không có nhiều chi tiết, gồm có loa ngoài ở phía dưới, camera và đèn trợ sáng phía trên và logo Nokia ở giữa. Nắp lưng máy không bị bóng và bám vân tay nhiều. Ngoài màu đỏ trong sản phẩm chúng tôi đánh giá, Lumia 1320 có các màu sắc khác gồm trắng, đen và vàng.
Phần phím cảm ứng ở phía dưới vẫn hơi rộng
Nắp lưng của Lumia 1320 cũng có thiết kế giống Lumia 525 hay Lumia 625, trùm hết lên bốn cạnh của máy. Khi tháo nắp lưng ra thì người dùng chỉ có thể thay thẻ nhớ và SIM, còn pin đã gắn liền bên trong. Máy sử dụng chuẩn MicroSIM (SIM nhỏ) và thẻ MicroSD, hai khe cắm này được đặt chồng lên nhau ở bên phải.
Người dùng có thể tháo nắp sau của Lumia 1320, nhưng chỉ để thay thẻ nhớ và SIM
Nhìn chung, Lumia 1320 sử dụng những chất liệu tốt, cho cảm giác cầm khá dễ chịu và chắc chắn, tuy nhiên với một máy có màn hình lớn như vậy thì người dùng cần phải xác định trước là sẽ phải dùng đến hai tay trong phần lớn quá trình sử dụng.
Màn hình
Màn hình của máy lớn, hiển thị tốt dưới ánh nắng khi nhìn trực diện, nhưng góc nhìn không rộng lắm
Lumia 1320 sử dụng màn hình 6 inch, sử dụng công nghệ hiển thị IPS độ phân giải HD với mật độ điểm ảnh 244 PPI. Ngoài ra máy còn được trang bị một số tính năng đặc trưng về màn hình của Nokia như ClearBlack (chống chói khi nhìn ngoài trời) và cảm ứng siêu nhạy, cho phép cảm ứng bằng găng tay hoặc các vật cứng.
Lumia 1320 là điện thoại Windows Phone tầm trung có màn hình lớn nhất hiện nay, và cũng giống như Lumia 1520, kích cỡ tới 6 inch giúp cho trải nghiệm sử dụng Lumia 1320 khác hẳn những điện thoại Windows Phone trước đây. Màn hình lớn giúp các nội dung chữ, hình ảnh và phim đều hiển thị to hơn, "đã mắt" hơn. Kể cả việc nhập dữ liệu với bàn phím tiếng Việt cũng dễ dàng hơn nhiều khi màn hình to.
Một số người cho rằng độ phân giải 1280 x 720 pixel là hơi thấp đối với một màn hình 6 inch, nhưng trong thực tế sử dụng, tôi nhận thấy màn hình vẫn đáp ứng tốt việc hiển thị, khi nhìn vào ở khoảng cách tầm 30 cm thì các chữ trên trang web vẫn hiển thị liền lạc, không thấy bị "rỗ". Về màu sắc thì màn hình của máy hơi ngả vàng khi hiển thị màu trắng, nhưng với các màu tươi như vàng và đỏ thì hiển thị tốt. Độ sáng của máy ở mức khá, nhưng khả năng hiển thị màu đen lại hơi kém, thể hiện rõ khi nhìn màn hình Glance Screen.
Khi sử dụng ngoài trời, màn hình của Lumia 1320 vẫn hiển thị khá tốt do được trang bị tính năng ClearBlack chống chói. ClearBlack tuy vậy lại khiến góc nhìn của màn hình chỉ ở mức khá, nhìn ở các góc khác nhau thì màu sắc có hơi biến đổi. Về điểm này thì Lumia 1320 không thể so với các điện thoại Lumia cao cấp như Lumia 1020 hay Lumia 1520.
Khi sử dụng thiết bị chuyên dụng để đánh giá, màn hình Lumia 1320 thể hiện tốt khi có độ lệch màu thấp, dải màu gần với tiêu chuẩn, tuy nhiên độ tương phản hơi kém, do độ sáng tối thiểu của màn hình không đủ thấp.
Máy ảnh
Máy ảnh của Lumia 1320 có độ phân giải 5 megapixel, độ mở ống kính f/2.4 và tiêu cự 28 mm, tương đương với Lumia 525 về thông số, nhưng có thêm đèn LED trợ sáng. Về mặt phần mềm, Lumia 1320 có sẵn ứng dụng Nokia Camera, sự kết hợp giữa Nokia Pro Cam (ứng dụng chụp ảnh với nhiều điều chỉnh chuyên nghiệp) và Nokia Smart Cam (chụp hình với nhiều hiệu ứng thông
Với màn hình lớn, không gian để xem trước khung hình chụp trên Lumia 1320 là rất rộng. Tuy nhiên, hình ảnh hiển thị trên màn hình lại không đẹp, đôi lúc hơi nhòe, có lẽ do cảm biến của máy có độ phân giải không cao. Do chất lượng phần cứng không thực sự tốt nên phần mềm Nokia Camera cũng không phát huy được sự vượt trội so với phần mềm chụp ảnh gốc của máy. Do vậy, nếu cần ứng dụng chụp nhanh, đơn giản thì ứng dụng chụp ảnh gốc trên Windows Phone có lẽ sẽ hiệu quả hơn.
Nhìn chung, chất lượng ảnh chụp từ Lumia 1320 chỉ ở mức trung bình. Điểm thất vọng lớn nhất của máy ảnh có lẽ là khả năng lấy nét. Khi trời sáng thì Lumia 1320 lấy nét tốt, nhưng khi điều kiện sáng không tốt, hoặc chụp trong nhà thì máy lấy nét khá lâu và thiếu chính xác. Tuy nhiên khi lấy nét chuẩn thì ảnh của máy có độ nét tương đối tốt.
Về độ sáng thì ở chế độ tự động, ảnh chụp của Lumia 1320 có độ sáng khá giống với thực tế. Khi chụp ở điều kiện ánh sáng tự nhiên thì màu sắc của ảnh thể hiện chuẩn, nhưng khi chụp các khung cảnh có ánh sáng nhân tạo (đèn huỳnh quang, neon…) thì màu sắc của ảnh thể hiện không chuẩn. Ảnh chụp dưới ánh đèn huỳnh quang thường bị biến đổi màu sắc ở phần tâm ảnh, còn ảnh chụp đèn đường hoặc đèn hắt từ các tòa nhà thường hơi nghiêng về màu xanh.
Một số ảnh chụp từ Lumia 1320:
Phần mềm và hiệu năng
Lumia 1320 được cài sẵn Lumia Black, bản cập nhật mới nhất của Windows Phone 8. Bản cập nhật này tận dụng tối đa diện tích của hai điện thoại Lumia màn hình lớn (Lumia 1320 và Lumia 1520) với cột Live Tile thứ ba. Bên cạnh đó, những tính năng như khóa xoay màn hình, tắt ứng dụng chạy ngầm hay hỗ trợ Bluetooth 4.0 LE (tiết kiệm năng lượng) cũng đã được bổ sung. Ngoài ra, Lumia Black còn có một số ứng dụng thú vị mới. Tuy nhiên, Windows Phone hiện tại vẫn chưa có nhiều ứng dụng tận dụng được kích thước màn hình lớn. Đến cả các live tile ở màn hình ngoài cũng chưa có tùy chọn kích thước ngang tương đương 3 cột, mà chỉ đến 2 cột mà thôi.
Về mặt cấu hình, Lumia 1320 được nâng cấp một chút so với những máy cao cấp đời trước như Lumia 1020, Lumia 920. Cụ thể, máy vẫn dùng vi xử lý lõi kép nhưng có xung nhịp cao hơn (1.7 GHz so với 1.5 GHz), nhân đồ họa mạnh hơn. Do vậy khi sử dụng các ứng dụng đánh giá hiệu năng thì Lumia 1320 cho điểm cao hơn một chút.
So sánh điểm benchmark giữa Lumia 1320 và Lumia 1020
Tuy nhiên, trong trải nghiệm bình thường thì tốc độ của Lumia 1320 không vượt trội so với hai điện thoại trên, một phần là do hệ điều hành Windows Phone đã được tối ưu tốt. Sự khác biệt lớn nhất về tốc độ có thể nhận thấy trong việc xử lý ảnh: do máy ảnh của Lumia 1320 có độ phân giải thấp hơn, vi xử lý lại mạnh hơn nên việc lưu ảnh hay thêm hiệu ứng ảnh (chúng tôi sử dụng Creative Studio của Nokia) đều nhanh hơn.
Trong các thao tác sử dụng bình thường, Lumia 1320 không bị nóng lên nhiều, kể cả khi xem phim trong thời gian dài. Chỉ khi chơi game trong thời gian khoảng 15 phút trở lên, máy mới bị ấm lên ở phần trên màn hình.
Thời gian sử dụng pin
Lumia 1320 được trang bị pin với dung lượng 3400 mAh, tương đương Lumia 1520 nhưng độ phân giải màn hình lại thấp hơn nhiều. Do đó tôi trông đợi máy sẽ có thời gian sử dụng pin tốt hơn chiếc phablet cao cấp. Trong thời gian sử dụng thực tế, khi tôi dùng máy để lên mạng bằng kết nối 3G trong 45 phút, chơi game Asphalt 8 trong 1 tiếng và để máy ở trạng thái chờ trong 2 tiếng, dung lượng pin còn lại vẫn còn 70%. Như vậy, trong ngày bạn có thể dùng máy với cường độ sử dụng cao khoảng 4 giờ mà vẫn thoải mái.
Khi sử dụng các bài đánh giá tiêu chuẩn cho pin, Lumia 1320 cũng thể hiện ở mức khá. Cụ thể, ở bài đánh giá xem phim, khi bật một phim HD chạy liên tục với độ sáng 70%, cắm tai nghe và để mức âm lượng 70%, tắt kết nối WiFi, 3G và GPS thì sau 6 giờ 8 phút, máy còn 10% pin. Khi chúng tôi chơi game Asphalt 8 trong điều kiện ngắt các kết nối mạng (WiFi, 3G) và vị trí, thì pin hạ tới mức 10% sau 4 giờ 4 phút.
Kết luận
Nokia chỉ mới ra mắt hai chiếc phablet, nhưng hãng đã thực hiện tốt cả hai sản phẩm này. Lumia 1320 là chiếc điện thoại tầm trung với thiết kế tốt, màn hình đẹp, thời gian sử dụng pin khá. Ngoại trừ máy ảnh thiếu ấn tượng thì Lumia 1320 khó có điểm gì để chê trách. Các nỗ lực của Nokia và Microsoft cũng khiến cho ứng dụng trên Windows Phone phong phú hơn, tuy vẫn còn khoảng cách khá xa so với hai nền tảng hàng đầu iOS và Android.
Trong khi Lumia 1520 khó cạnh tranh được với những phablet Android cao cấp như Samsung Galaxy Note 3 hay HTC One Max thì Lumia 1320 có vẻ lại "rộng cửa" hơn hẳn. Phân khúc phablet tầm trung hiện nay chưa có sản phẩm nào nổi bật, có chăng chỉ có dòng Samsung Galaxy Grand hoặc Galaxy Mega. So với những sản phẩm này, Lumia 1320 có những lợi thế như màn hình nét hơn hay chạy mượt hơn. Với giá bán 7,5 triệu đồng, Lumia 1320 là một lựa chọn tốt cho phablet tầm trung.
Theo vnreview.vn