Mô tả sản phẩm: Lenovo Vibe Z K910 Dual SIM
Với chiều dày 7,9 mm, chiếc điện thoại Vibe Z của Lenovo nổi bạt nhờ kiểu dáng khá quyến rũ trong khi trọng lượng cũng không quá nặng nếu phải so với những đối thủ có kích cỡ màn hình tương đương. Vibe Z đang được Lenovo bán chính thức tại thị trường Việt Nam với giá 11,49 triệu đồng, một mức giá khá tốt so với các máy Android cao cấp khác đang có mặt trên thị trường.
Thiết kế
So với các máy 5,5" khác (như LG G Pro, Note 2) thì Vibe Z khá mỏng và nhẹ với chiều dày chỉ có 7,9 mm và nặng 147 gram. Mặt sau của máy được vát mỏng sang các cạnh, tạo tư thế tỳ vào lòng bàn tay nên không hề tạo cảm giác cấn khó chịu.
Vỏ của máy bằng nhựa, nắp lưng không tháo được, mặt sau được làm họa tiết chấm li ti để tránh nhìn thấy các vết bám mồ hôi. Điểm làm mình chưa hài lòng ở thiết kế của Vibe Z đó là nút nguồn đặt ở cạnh trên, hơi cao so với tầm với của ngón trỏ vì màn hình của máy lớn, nếu đặt phím nguồn sang cạnh phải thì sẽ hợp lý và dễ sử dụng hơn.
Nhìn chung, Vibe Z có thiết kế đẹp, gọn gàng, chất lượng hoàn thiện tốt, các chi tiết mối nối, cổng ngoài, phím bấm được làm sắc sảo, không có khe hở thừa.
Bộ 3 ứng dụng độc quyền
Để nâng cao tính khác biệt của mình so với các đối thủ, Vibe Z được hãng trang bị 3 phần mềm tiện ích bao gồm SECUREit, SYNCit và SHAREit.
- SECUREit: đây là một ứng dụng bảo mật khá hay, chứa rất nhiều các tiện ích nhỏ gộp lại và cũng rất dễ sử dụng. Bạn chỉ cần nhấn 1 cái, máy sẽ quét và kiểm tra toàn bộ hệ thống để đảm bảo máy bạn được bảo vệ ở mức cao nhất, nhấn 1 cái để quét virus hoặc tăng tốc điện thoại bằng cách xóa bớt file rác, dọn dẹp bộ nhớ... Ngoài ra nó còn có các chức năng chống spam tin nhắn SMS, spam cuộc gọi, bảo vệ dữ liệu bằng mật khẩu khi bị mất điện thoại bằng...
- SYNCit: đây là ứng dụng sao lưu dữ liệu với các loại sao lưu: danh bạ, tin nhắn và danh sách cuộc gọi lên máy chủ của Lenovo hoặc lưu vào thẻ nhớ.
- SHAREit: ứng dụng gửi file với tốc độ cao (thông qua Wi-Fi) giữa các máy có cài ứng dụng này, tốc độ gửi file nhanh hơn Bluetooth gấp nhiều lần và được thực hiện thông qua kết nối Wi-Fi giữa hai máy. Phần mềm này cũng được cung cấp miễn phí trên Google Play nên máy Android nào cũng cài được.
Màn hình
Màn hình của Vibe Z có chất lượng hiển thị tốt, màu sắc chính xác tuy nhiên mình vẫn cảm giác thấy màu trên màn hình hơi nhạt so với thực tế ở một số trường hợp nhất định (không phải toàn bộ màu đều nhạt hơn), ví dụ như màu hồng, màu vàng, đồng thời tông màu đen cũng được đẩy lên sáng hơn một chút cho nên không thể hiện được hết nét đẹp của những tấm hình sử dụng sắc màu tối làm chủ đạo.
Vibe Z sử dụng tấm nền IPS, đặc điểm của IPS là cho chất lượng hiển thị rất tốt và không bị ngả màu khi nhìn nghiêng. Bạn và bạn bè có thể cùng ngồi xem màn hình của máy từ nhiều góc độ khác nhau mà vẫn cảm nhận được hết vẻ đẹp từ những thứ hiện ra trên đó mà không bị thiếu sáng, không bị ngả màu giống như các loại công nghệ màn hình khác.
Độ phân giải của màn hình này là 1920x1080 điểm ảnh, tức Full-HD, đây là một yếu tố bắt buộc có đối với một chiếc máy được xếp vào hạng cao cấp như Vibe Z. Mật độ điểm ảnh của máy khoảng 401 ppi nên hình ảnh hiển thị rất đẹp, không bị rổ và bể font. Tuy nhiên, khi xem hình thì mình vẫn cảm giác nó không được mịn cho lắm.
Camera
Toàn bộ ảnh dưới đây đều được chụp vào buổi sáng, trời nhiều nắng và chụp trong nhà, tắt Flash. Vibe Z có thân mình mỏng chỉ 7,9 mm nhưng cảm giác cầm máy để chụp không hề khó khăn với trọng lượng máy 147 gram. Một điều đáng tiếc là máy không có phím cứng dùng để chụp hình nên bạn phải nhấn nút chụp trên màn hình. Chip xử lý Snapdragon 800 của máy cho một hiệu năng rất tuyệt vời trong suốt quá trình chụp, máy chạy nhanh, mượt, không lag, không giựt, tốc độ lấy nét nhanh và thời gian lưu hình gần như tức thì.
Máy có thể chụp ảnh liên tục 100 tấm bằng cách nhấn giữ nút chụp hình, tốc độ chụp khá nhanh và chỉ tốn khoảng 12 giây cho toàn bộ 100 tấm hình đó, tốc độ trung bình 8,3 tấm/giây. Chất lượng lấy nét trong lúc chụp tiên tục đạt từ mức khá trở lên. Vì đây là một chiếc điện thoại, không phải máy ảnh chuyên nghiệp nên khi dùng chức năng chụp liên tục, bạn nên giữ yên máy, để cho máy chụp liên tục và hy vọng sẽ bắt đúng khoảnh khắc mà bạn mong muốn, chứ ta không nên vừa chụp liên tục vừa lia máy vì như thế chắc chắn ảnh sẽ bị mờ, đến máy ảnh đôi khi còn không lấy nét được nên ta không nên kỳ vọng và hiểu sai về chức năng chụp liên tục trên smartphone.
Chất lượng ảnh
Sáng nay mình chỉ chụp lòng vòng xung quanh cafe Tinh Tế, điều kiện ánh sáng không chênh lệch nhiều trừ mấy cảnh chụp trời có ánh nắng gắt. Chất lượng ảnh nhìn chung cho chất lượng khá, đúng sáng nhưng không được chi tiết cho lắm kể cả khi đã chuyển qua chế độ chụp cận cảnh (Macro) và cố gắng để máy thật gần chủ thể chụp.
Khi chụp ngoài trời thì ảnh hơi đục, nhất là những tấm có ánh sáng mạnh hay chụp bầu trời. Chụp trong nhà khá tốt vì ảnh không quá sạn (noise) và vẫn đảm bảo đủ độ sáng.
Các chức năng và tùy chỉnh camera
Camera của Vibe Z có hàng chục hiệu ứng ảnh và chế độ chụp (xem hình dưới), khả năng tùy chỉnh của máy cũng rất phong phú: cho phép thay đổi ISO, cân bằng trắng, thước đo sáng, tăng giảm EV, sáng/tối, tương phản, độ bão hòa màu (Saturation), độ sắc nét...
Giao diện ứng dụng chụp ảnh:
Ảnh chụp thử bằng máy ảnh:
Giao diện người dùng (theme)
Khả năng chỉnh sửa theme của Vibe Z rất mạnh nhưng các bộ icon có sẵn thì thật sự hơi thất vọng. Đầu tiên mình sẽ nói về điểm mạnh của nó trước, máy có tổng cộng 8 theme khác nhau cho chúng ta thay đổi và đặc biệt ở chỗ nó cho phép dùng theme này với bộ icon của theme kia, không chỉ có icon mà toàn bộ các thành phần khác ví dụ như khu vực thông báo Notifications, màn hình khởi động, bàn phím số… đều có thể thay thế hoán chỗ chỗ nhau giữa các theme. Nhờ đó, bạn hoàn toàn có thể tạo cho mình một theme cá nhân ghép lại từ những cái mà bạn thích từ các theme khác.
Tuy nhiên, nó cũng có điểm dở đó là số lượng icon không nhiều, ở đây mình đang nói đến icon của các phần mềm cài thêm (ví dụ như Facebook, Evernote…) chứ không phải các ứng dụng mặc định. Khi bạn chuyển qua các theme sử dụng icon hình tròn, máy sẽ tự động thêm một cái khung hình tròn bao bên ngoài icon Facebook, rất xấu, đây chỉ là hiệu ứng gọt cho icon Facebook tròn đi chứ không phải là icon thiết kế riêng cho ứng dụng Facebook, không chỉ có Facebook mà nhiều ứng dụng khác cũng bị đối xử tương tự nếu máy không có sẵn icon tùy biến cho ứng dụng đó.
Vibe Z sử dụng giao diện riêng, gộp màn hình Homescreen và màn hình ứng dụng lại làm một, tức là không còn App Drawer như trước. Không biết các bạn thế nào chứ mình không thích kiểu giao diện này vì nó làm cho màn hình chủ của máy rất lộn xộn. Trước đây, mình thích ứng dụng nào thì mới cho nó ra Homescreen, còn bây giờ trên Vibe Z có bao nhiêu ứng dụng là nó đẩy ra màn hình ngoài hết, bạn phải tốn công sắp xếp nó vừa phải suy nghĩ coi đặt thế nào cho đẹp để vừa đảm bảo dễ tìm vừa đảm bảo tính thẩm mỹ cho mặt tiền của máy.
Các tính năng đặc biệt
Vibe Z được trang bị cho rất nhiều tính năng riêng, nhiều đến nỗi máy có nguyên một cái tab riêng trong phần menu cài đặt để liệt kê các thứ linh tinh đó, dưới đây là toàn bộ các tính năng, bạn có thể thấy nhiều cái trong số này cũng có trên các máy khác, chức năng y chang nhau:
- Pocket Mode: tự động tăng âm lượng loa ngoài khi bạn để máy trong túi và có cuộc gọi đến.
- Decrease tone volumn: tự động giảm âm lượng loa ngoài khi bạn nhấc máy lên.
- Smart Answer: tự động bắt máy khi bạn kê máy lên tai để nghe, không cần nhấn nút OK.
- Smart Call: khi đang xem danh bạ hoặc tin nhắn, kê máy lên tai để tự động gọi cho người đó.
- Smart Dialer: kích thước các phím số trong màn hình gọi điện thoại sẽ tự động điều chỉnh và xê dịch tùy theo hướng cầm của tay, nếu bạn cầm bằng tay trái và nghiêng máy về bên trái thì các phím số sẽ chuyển hết sáng bên trái cho dễ bấm và ngược lại.
- Shake to Lock: lắc máy để khóa máy.
- Smart Standby: màn hình máy sẽ tự động sáng lên khi bạn nhìn trực diện vào nó.
- Smart Sleep: máy tự động tắt màn hình khi đặt xuống bàn hay lên một mặt phẳng.
- Wide touch: cái này giống như phím ảo mà người dùng iPhone hay đặt trên máy của họ, khi nhấn vào đó thì các phím khác sẽ hiện ra bao gồm Back, Favorites, Shortcuts…
- Multi-Windows: cho phép bạn mở nhiều ứng dụng cùng lúc trên một màn hình, mỗi ứng dụng sẽ là một cửa sổ nhỏ giống như giao diện trên Windows.
Hiệu năng
Mặc dù có cấu hình cao nhưng một số theme có sẵn của máy chưa được tối ưu hết nên xảy ra tình trạng là máy hơi giựt khi kéo thanh Notifications xuống (theme mặc định thì không bị). Các thao tác chuyển màn hình và tốc độ mở app khá nhanh. Tốc độ chụp ảnh cũng rất nhanh, nhất là khi chụp liên tục, tốc độ lên tới hơn 8 tấm/giây và chụp liên tục 100 tấm trong vòng có khoảng 12 giây.
Về mặt điểm số benchmark, Vibe Z ghi điểm khá cao ở các phần mềm thông dụng như Geekbench 3, AnTuTu X và Quadrant Advanced khi so sánh với các máy Android cao cấp khác.
Pin
Pin 3.000mAh của máy xài được khoảng 1 ngày rưỡi, hiện giờ máy mình còn 35% pin sau khoảng thời gian sử dụng là 22 tiếng 1 phút, trong đó tổng thời gian mở màn hình là 2 tiếng 56 phút. Chủ yếu mình dùng máy để duyệt web, lướt facebook và xem video liên tục hơn 1 tiếng đồng hồ trên YouTube. Với lượng pin còn lại thì máy báo còn có thể chạy được 12,5 tiếng nữa.
Lenovo đã trang bị hẳn cho Vibe Z một tiện ích riêng dùng để quản lý pin tên là Power Manager, trong đây ngoài các tính năng theo dõi pin cơ bản còn có nhiều chế độ khác giúp bạn kéo dài thời lượng pin ví dụ như chế độ báo thức, chế độ bình thường, chế độ "câu giờ"...
Kết luận
Trong số các máy điện thoại Android cao cấp thì mình thích Vibe Z ở chỗ máy mỏng và nhẹ, dễ cầm, không thích ở chỗ phím nguồn đặt quá cao và giao diện người dùng không đẹp và bóng bẩy như các hãng khác. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể lên Google Play và tải về một bộ Launcher khác để khắc phục nhược điểm này.
Theo Tinhte.vn