Mô tả sản phẩm: LG Optimus 3D P920

Sức hấp dẫn đầy ma thuật của công nghệ 3D đang mạnh hơn bao giờ hết nhưng các nhà sản xuất vẫn đang phải vượt qua rất nhiều khó khăn để đáp ứng nhu cầu giải trí này theo một cách thức rẻ hơn. Trong khi kính 3D tỏ ra khá phù hợp trong các rạp chiếu phim, việc đeo chúng trong khi xem TV ở nhà lại không thực sự hấp dẫn. Công nghệ 3D vẫn còn trong thời kì bắt đầu, người dùng sẽ phải chờ đợi một sự cải tiến.
Trong lúc những nhà sản xuất khác đang cố gắng tìm hướng đi, LG đã vượt lên dẫn đầu. Họ đã giới thiệu chiếc điện thoại di động đầu tiên sử dụng màn hình 3D: LG Optimus 3D. Mặc dù màn hình và cặp máy ảnh là những đặc điểm nổi trội nhất, nó có đủ mọi thứ để trở thành một siêu phẩm mà không cần đến công nghệ 3D. LG Optimus 3D được trang bị vi xử lý lõi kép, chip đồ họa thế hệ mới nhất và hệ điều hành Android Froyo.
Thiết kế tổng quan
Mặc dù lớp vỏ được chế tạo hoàn toàn từ chất liệu plastic, LG Optimus 3D vẫn là một thiết bị bắt mắt. Mặc trước là sự kết hợp giữa 2 miếng kim loại ở trên và dưới, các phím cảm ứng và một màn hình LCD. Mặt sau máy có biểu tượng LG và một dải kim loại nằm bên trên lớp vỏ plastic mềm. Điểm yếu duy nhất trong thiết kế của Optimus 3D là độ dày của máy mà khi đặt cạnh nhưng đối thủ khác khiến nó trở nên kém hấp dẫn. Tuy vậy, trên thực tế không thể "nhét" toàn bộ các tính năng (bao gồm cả máy ảnh kép và màn hình lập thể) vào một cấu trúc mỏng hơn.
LG Optimus 3D bên cạnh Galaxy S II và Optimus 2X
Độ dày tăng lên cũng tác động bất lợi đến cảm giác cầm và sử dụng. Bạn sẽ cảm thấy khó hơn để giữ chiếc Optimus 3D trên tay cũng như chạm tay tới mọi điểm trên màn hình.
Về vị trí các nút bấm và các cảm biến, chúng ta sẽ thấy cách bố trí tương đối quen thuộc. Bên trên màn hình có camera để gọi điện video, cảm biến khoảng cách và loa thoại.
Bốn nút cảm ứng đều nằm bên dưới màn hình, bao gồm các nút Menu, Home, Back và Search.
Cạnh bên trái của LG Optimus 3D có các cổng kết nối HDMI và microUSB, được đậy bằng những nắp nhựa.
Phím 3D riêng nằm trên cạnh bên phải cùng với nút điều chỉnh âm lượng. Cả 2 nút bấm đều phẳng và đặt ở những vị trí khó ấn. Nút 3D có chức năng khởi động giao diện 3D mà LG đã làm riêng cho điện thoại Optimus 3D.
Cạnh trên cùng của máy có nút Power/Lock, microphone thứ 2 và giắc cắm tai nghe 3.5mm. Nút Power có chung vấn đề với nút điều chỉnh âm lượng và nút 3D.
Trên lưng máy, chúng ta dễ dàng nhận thấy có tới 2 ống kính 5 megapixel, đèn flash ở giữa, và một loa ngoài.
Pin của điện thoại tháo ra được. Nằm bên dưới cục pin là khe cắm thẻ nhớ microSD.
Màn hình 3D
Màn hình lập thể LCD 4.3-inch độ phân giải WVGA có lẽ là tính năng độc đáo nhất trên thiết bị này. Các kĩ sư của LG đã phải nỗ lực rất nhiều để ra mắt thiết bị tại triển lại ở Barcelona đúng thời hạn. Màn hình của Optimus 3D có góc nhìn cũng như độ sáng, độ tương phản ở mức bình thường bởi công nghệ LCD chưa thể sánh ngang với công nghệ Super AMOLED Plus được. Đồng thời, nó cũng chưa thể đạt tới khả năng hiển thị rõ nét dưới ánh sáng mặt trời như màn hình Retina của Apple.
Tính năng trình chiếu 3D chỉ hoạt động trong landscape mode và dựa trên công nghệ "rào chắn thị sai". Công nghệ này sử dụng một lớp màn hình bổ sung nhằm đảm bảo mỗi con mắt sẽ nhìn thấy những tập hợp điểm ảnh khác nhau, đem đến cảm giác về độ sâu. Điểm yếu là mỗi mắt chỉ nhận được một nửa độ phân giải theo chiều ngang của màn hình.
Khả năng hiển thị 3D chỉ khả dụng trong những ứng dụng được thiết kế đặc biệt, nhưng hiện tại số lượng những ứng dụng như thế còn rất ít. Giao diện Android trông giống như những smartphone khác mà bạn từng thấy.
Giao diện người dùng
Ngoại trừ tính năng 3D, trải nghiệm sử dụng trên LG Optimus 3D không có sự khác biệt nào so với Optimus 2X. Điện thoại của LG vẫn chạy hệ điều hành Android 2.2 Froyo mặc dù Android 2.3 Gingerbread đã được giới thiệu hơn nửa năm trước.
Số lượng trang homescreen có thể được đặt tối đa là 7, trong đó bạn tùy chọn được 1 trang chủ mặc định. Giao diện Android rất quen thuộc và giống với nhiều thiết bị khác.
Cấu hình phần cứng
Vi xử lý lõi kép 1GHz đưa Optimus 3D trở thành một ứng cử viên tốt trong bảng benchmark tổng hợp của chúng tôi. Nó sử dụng một chipset TI OMAP 4430 với 2 lõi Cortex-A9 và GPU PowerVR SGX540 cộng với RAM 512MB.
Chỉ số BenchmarkPi cho thấy LG Optimus 3D đạt khả năng tương ứng với Optimus 2X, kém hơn Samsung Galaxy S II một chút và cao hơn HTC Sensation một chút.
Tính năng chụp ảnh độc đáo với bộ camera kép
LG Optimus 3D được trang bị 2 ống kính máy ảnh đi cùng nhau có độ phân giải 5 megapixel, tuy nhiên độ phân giải cực đại cho các bức ảnh chụp 3D chỉ giới hạn ở 3 megapixel. Giao diện ứng dụng chụp ảnh rất thuận tiện, mặc dù nhiều thiết lập quan trọng đều nằm sâu bên trong phần menu mở rộng. Giao diện chụp ảnh 2D giống hệt giao diện chụp ảnh trên những thiết bị LG khác, ngoại trừ nút chuyển đổi sang tính năng 3D. Trong chế độ chụp ảnh 3D, bạn sẽ có thêm những tùy chọn bổ sung như một thanh điều chỉnh độ sâu 3D và lấy nét 3D.
Các tính năng chụp ảnh tương đối đầy đủ, bao gồm nhận diện khuôn mặt, lấy nét tự động liên tục, lấy nét chạm, định vị ảnh, cùng với những khung hình và hiệu ứng cài sẵn. Thời gian trễ khi chụp liên tiếp 2 bức ảnh chỉ vào khoảng 1 giây, một sự cải thiện tốt so với những mẫu điện thoại LG cũ hơn.
Chất lượng ảnh chụp ở chế độ 2D không thực sự ấn tượng. Mức độ nhiễu được giữ ở mức ổn định nhưng số lượng chi tiết đẹp lại bị thiếu nhiều. Độ tương phản thấp trong một vài bức ảnh và màu sắc hơi nhạt. Khi chụp ảnh 3D, độ phân giải giảm xuống chỉ còn có 3 megapixel nên trông tệ hơn ảnh chụp 2D.
Theo GSMArena.com