Mô tả sản phẩm: Sony Cyber-shot RX10
Sony đã tạo ra một sản phẩm có chất lượng ảnh chụp vượt trội trong bất cứ điều kiện chụp nào. RX10 vừa có thể cạnh tranh với smartphone, vừa có thể trở thành một sản phẩm thay thế cho DSLR.
Thiết kế
Phần lớn nhiều dùng hiện đang sử dụng RX10 theo kiểu cầm máy lên tay, bật máy và... chụp. Có dáng vẻ giống như một chiếc DSLR song RX10 thực chất lại là một chiếc máy ảnh phổ thông (point-and-shoot). Phía trên thân máy chỉ có duy nhất một bánh xe chọn chế độ và một bánh xe chỉnh độ sáng đơn giản. Lưng máy có một thanh cuộn để lựa chọn ảnh hoặc thay đổi các cài đặt chính, cộng với 2 nút tùy biến để bạn có thể thay đổi các tùy chọn một cách dễ dàng.
RX10 là một model rất thích hợp để bắt đầu học nhiếp ảnh. Menu điều chỉnh của Sony có gần như tất cả các cài đặt và tùy chọn bạn cần. Có lẽ, người dùng sẽ sử dụng chế độ chụp ưu tiên khẩu độ (tùy chỉnh khẩu độ và ISO), và để cho máy tự chọn các tùy chỉnh còn lại.
Tuy vậy, chế độ tùy chỉnh bằng tay (Manual) sẽ trở nên rất bất tiện. Ngay cả các khâu đo sáng hoặc chọn điểm lấy nét cũng rất khó khăn. Lý do là RX10 được thiết kế để sử dụng một cách càng đơn giản càng tốt. Chiếc máy ảnh này sẽ không trở thành lựa chọn số 1 của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.
Song, RX10 có đầy đủ các đặc điểm cần thiết để trở thành lựa chọn máy ảnh "đỉnh" hết mức có thể cho người dùng phổ thông. Máy có thân hình cứng cáp, có thể chóng chọi với thời tiết, có thể sống sót qua một ngày chụp trong tuyết hoặc một lần rơi ra khỏi túi đựng. Cân nặng của RX10 lên tới gần 910 gram, song bạn vẫn có thể cầm chiếc máy ảnh này bằng một tay một cách dễ dàng nhờ có tay cầm khá lớn. Tuy vậy, với độ dày lên tới hơn 15cm và chiều rộng gần 13cm, bạn khó có thể nhét RX10 vào túi áo. Bạn sẽ cần đặt RX10 trong một túi đựng riêng.
Ống kính của RX10 là lý do vì sao chiếc máy ảnh này lại to lớn tới vậy. Ống kính này có thể zoom từ 24mm tới 200mm, có khẩu độ lên tới f2.8. Đây là một trong các ống superzoom tuyệt vời nhất mà chúng tôi đã từng dùng, đủ để chụp một bức ảnh đẹp bất kể là bạn đang đứng cách vật mẫu 5 cm hay 5 mét.
So với các ống superzoom "khủng" như Nikon P520 (42X), ống zoom 8,3X của RX10 có vẻ không mấy ấn tượng. Điều làm nên sự khác biệt cho ống superzoom của RX10 là khả năng chụp đẹp ở cả góc rộng và khi chụp tele. Vấn đề lớn nhất đối với ống kính này là quá trình phóng to/thu nhỏ mất rất nhiều thời gian, bởi ống kính của RX10 được điều khiển điện tử nhằm gia tăng độ mượt cho các đoạn video quay được. Thời gian để zoom của RX10 lên tới gần 10 giây, do đó bạn chắc chắn sẽ không muốn dùng chiếc máy ảnh này tại các sự kiện thể thao.
Chắc chắn phần lớn những người mua RX10 đều là những người nâng cấp từ smartphone hoặc máy ảnh phổ thông, và do đó muốn chuyển sang dùng một chiếc máy ảnh có viewfinder (kính ngắm) điện tử "có vẻ chuyên nghiệp" như RX10. Trong khi kính ngắm quang học sẽ mang lại hình ảnh chính xác hơn, kính ngắm điện tử của RX10 có chất lượng khá tốt. Điểm mạnh của kính ngắm điện tử (EVF) so với kính ngắm quang học là EVF có thể hiển thị tất cả các thông tin cần thiết, và do đó bạn có thể tùy chỉnh tất cả các cài đặt cần thiết mà không cần rời mắt khỏi ống kính.
Tuy vậy, do RX10 là một sản phẩm hướng về người tiêu dùng phổ thông, có lẽ phần lớn người dùng sẽ sử dụng màn hình LCD 3 inch ở lưng máy. Màn hình LCD của RX10 rất sắc nét, đủ sáng để dùng ngoài trời, đồng thời cũng có thể lật về 2 phía để bạn có thể chụp khi cầm máy ở trên đầu hoặc ở dưới thắt lưng (rất tiếc, không có chế độ "tự sướng"). Trong khi việc sử dụng kính ngắm sẽ đem lại cảm giác rất "chuyên nghiệp", màn hình LCD của RX10 đủ tốt để bạn có thể vừa phối hình, vừa nhìn vào mẫu vật trong thế giới thực.
Nhờ có kết nối Wi-Fi và NFC tích hợp sẵn, bạn có thể dùng ứng dụng PlayMemories của Sony để điều khiển RX10 từ smartphone. Tuy vậy, ứng dụng này vẫn còn khá chậm và quá đơn giản, đồng thời cũng đòi hỏi bạn phải tự kết nối mỗi lần bạn muốn sử dụng. Ứng dụng này cho phép bạn copy dữ liệu từ RX10 lên smartphone khá dễ dàng và cũng cho phép bạn nhấn cò từ xa, song vẫn chưa đủ mượt mà để sử dụng thường xuyên.
Có thể nói rằng RX10 là "bước chuyển tiếp" giữa máy ảnh phổ thông và DSLR. Máy có kích cỡ hơi lớn, song vẫn có chất lượng thiết kế rất tốt và trau chuốt. Những người dùng sành sỏi có thể sẽ thích RX10, nhưng chiếc máy ảnh này cũng không phải là quá khó sử dụng đối với người dùng thông thường. Sony đã tạo ra một chiếc máy ảnh cho phép người dùng phổ thông tạo ra những bức ảnh đẹp trong bất kì trường hợp nào mà không cần tới sự trợ giúp từ những người "sành sỏi" hơn. Tất cả những gì bạn cần là cầm máy lên và chụp.
Chất lượng ảnh chụp
Trong suốt một tuần sử dụng RX10, chúng tôi khẳng định chiếc máy ảnh này gần như… không thể chụp một bức ảnh xấu. Cảm biến 20.2 MP độ lớn 1 inch bên trong RX10 gần như giống hệt cảm biến của RX100, và chất lượng ảnh chụp cũng rất tương đồng: ảnh sắc nét, màu sắc sống động và chính xác, dải nhạy sáng thậm chí còn tốt hơn mong đợi của nhiều người.
Ống kính f2.8 của RX10 tạo ra DOF rất tốt, đặc biệt là khi zoom in (phóng to): các ống kính có thể zoom gần và giữ được nền mờ tốt như RX10 sẽ có giá gần bằng giá của cả chiếc máy ảnh này. Các bức ảnh ở ISO 3200 vẫn khá "sạch", và thậm chí ảnh ở ISO 5000 vẫn là đủ dùng cho Instagram và Facebook. Vi xử lý tín hiệu hình ảnh Bionz X của Sony có thể giảm nhiễu khá tốt ở ISO cao, mặc dù chụp ảnh trong vùng rất tối có thể khiến ảnh bị mịn và mờ.
Hiển nhiên, RX10 không đủ sức để thay thế hoàn toàn cho những chiếc DSLR cao cấp như Alpha A7, hoặc thậm chí là những chiếc máy ảnh không gương lật như X100s. Ngay cả những model DSLR có giá mềm hơn như Canon T5i cũng có chất lượng ảnh tốt hơn.
Các máy DSLR có cảm biến APS-C sẽ chụp thiếu sáng tốt hơn, đặc biệt là khi kết hợp cùng ống kính chất lượng cao. Tuy vậy, các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp vẫn có thể mang theo RX10 thay vì phải mang theo nhiều mẫu DSLR và nhiều loại ống kính khác nhau, bởi RX10 sẽ tạo ra chất lượng đủ tốt trong rất nhiều trường hợp sử dụng khác biệt.
Điểm hấp dẫn nhất của RX10 là tính đa dạng của chiếc máy ảnh này: đủ tốt cho cả người dùng chuyên nghiệp và đủ đơn giản cho người dùng phổ thông. Có thể khẳng định rằng chất lượng ảnh chụp của RX10 là đủ tốt để bạn không phải nâng cấp lên các dòng DSLR như NEX-6.
Chất lượng video của RX10 cũng rất tốt, với độ phân giải tối đa là Full HD 1080p ở tốc độ 60 khung hình/giây. Cả hình ảnh lẫn âm thanh đều đạt mức tuyệt vời. Nút quay video chuyên dụng ở lưng máy cho phép bạn quay video ngay lập tức, bất kể là bạn đang sử dụng giao diện nào của RX10. Với ống zoom cơ học, các đoạn video quay được trông đều rất chuyên nghiệp.
Điểm yếu lớn nhất của RX10, cũng giống như rất nhiều sản phẩm khác của Sony, là khả năng tự động lấy nét (AF) khá kém. Ngay cả khi bạn đứng trước một vật mẫu rất rõ ràng, RX10 vẫn mất nhiều thời gian để chọn điểm nét. Đôi khi, hệ thống AF của RX10 sẽ chụp phải một bức ảnh out nét. Mặc dù trường hợp này không xảy ra quá thường xuyên, vấn đề AF quá chậm vẫn có thể gây khó chịu cho những người chỉ có vài giây để chụp lại "khoảnh khắc vàng". Không rõ vì sao RX10 lại mắc phải vấn đề này: ống kính rất nhanh và vi xử lý hình ảnh cũng có tốc độ khá ấn tượng.
Ngoại trừ tốc độ lấy nét quá chậm, RX10 hoạt động rất nhanh. Quá trình bật máy để chụp chỉ mất 2 giây. RX10 gần như không bị trễ cò và cũng có thể chụp 2 khung hình/giây khi chụp ở chế độ thường. Mỗi lần sạc pin cho phép bạn chụp khoảng 500 bức ảnh. RX10 sạc pin qua cổng microUSB, do đó bạn sẽ không phải lo lắng về dây sạc, song quá trình sạc qua microUSB cũng rất chậm so với thông thường.
Hiển nhiên RX10 không phải là một chiếc máy ảnh có thể chụp được bức ảnh đẹp hết-mức-có-thể ở mọi lúc mọi nơi. Song, quá trình sử dụng RX10 sẽ mang lại cho bạn cảm giác rằng bạn đang mang theo rất nhiều chiếc DSLR và rất nhiều ống kính. Thay vì phải đổi máy, phải thay ống kính, bạn chỉ cần sử dụng RX10 để tạo ra một bức ảnh ở mức khá-tốt.
Kết luận
Máy ảnh phổ thông đang bị smartphone lấn át bởi thế mạnh duy nhất của chúng so với smartphone là chất lượng hình ảnh. Trong thời đại mà con người chỉ thích chia sẻ lên Instagram và Facebook, chất lượng hình ảnh của máy ảnh phổ thông trở thành một yếu tố thừa thãi.
Song, RX10 và các mẫu superzoom nói chung đang đi theo hướng khác hẳn: tăng tính đa dạng của sản phẩm, cho phép bạn tạo ra những bức ảnh đẹp ở mọi lúc mọi nơi, từ một bãi biển rực rỡ cho tới một căn phòng tối. Đây là một chiếc máy ảnh mà ai cũng có thể dùng, trong bất kì trường hợp nào. Đây là chiếc máy ảnh superzoom tốt nhất trên thị trường hiện nay, với chất lượng hình ảnh và tính dễ sử dụng đủ để cho tất cả mọi người có thể vừa lòng.
Tuy vậy, ở mức giá 1.300 USD (27,4 triệu đồng; giá gốc tại Mỹ), RX10 sẽ không phải là một lựa chọn dễ dàng. Đối tượng duy nhất của RX10 là những người đủ tiền để theo đuổi thú chơi DSLR, không ngại mang theo mình những chiếc DSLR cồng kềnh song lại ngại đầu tư quá nhiều vào một bộ sưu tập ống kính. Ngay cả chiếc RX100 với mức giá 700 USD (khoảng 14,8 triệu đồng) cũng đã là một lựa chọn khó khăn với nhiều người, do đó sẽ có rất, rất ít người lựa chọn RX10.
Song, nếu bạn sẵn sàng bỏ ra khoản đầu tư 1300 USD cho RX10, bạn sẽ nhận thấy rằng đây là một chiếc máy ảnh hoàn toàn xứng đáng với tầm giá của mình. Nếu bạn không hiểu biết nhiều về nhiếp ảnh, RX10 sẽ giúp cho bạn chụp được những bức ảnh "đẹp ngỡ ngàng" mà không cần phải tìm hiểu quá nhiều. Thậm chí, nếu bạn là nhiếp ảnh gia "pro" chưa biết sẽ chụp được gì trong chuyến đi tiếp theo, RX10 là lựa chọn an toàn nhất cho bạn: chụp bất cứ thứ gì, ở bất cứ đâu.
Theo The Verge