Mô tả sản phẩm: Sony Cybershot DSC-RX100
Ngay khi ra mắt, Sony Cyber-shot RX100 đã gây ấn tượng với người dùng ở kích cỡ bộ cảm biến lên tới 1 inch trong khi chỉ là một máy ảnh compact. RX100 có thể nói là một trong những máy ảnh bỏ túi đáng giá nhất hiện nay, với một cảm biến kích thước lớn, ống kính rất sáng, nhiều chế độ chụp, màn hình LCD chất lượng cao…
Lần đầu tiên được giới thiệu vào khoảng giữa tháng 5/2012 tại Mỹ, DSC-RX100 là model máy ảnh ngắm chụp dòng Cyber-shot đầu tiên được Sony trang bị cảm biến kích thước lớn cùng ống kính Carl Zeiss cao cấp hứa hẹn mang lại chất lượng hình ảnh tốt nhất cho người dùng.
Sony Cyber-shot DSC-RX100 được trang bị cảm biến Exmor CMOS kích thước đến 1 inch (độ phân giải 20,9 megapixel) hỗ trợ các khung hình tỷ lệ 1:1, 3:2, 4:3 và 16:9. Nếu so với các dòng máy Micro Four Thirds và model sử dụng cảm biến APS-C với ống kính thay đổi được, cảm biến của máy tuy vẫn nhỏ hơn – nhưng nếu so về ngoại hình, chỉ Cyber-shot DSC-RX100 mới có thể bỏ gọn vào túi áo hay túi quần jean một cách dễ dàng.
Thiết kế và cảm nhận
Cảm biến 1 inch với độ phân giải 20.2-megapixel của Sony Cyber-shot RX100 được đặt phía sau một ống kính 3.6x f/1.8, trong một thân máy chỉ lớn hơn chiếc Canon S100 chút ít.
Về thiết kế, bạn sẽ không hiểu tại sao Sony lại sao chép một cách mù quáng thiết kế của các máy ảnh S90, S95, và S100 của Canon. Trong so sánh về hình thức với chiếc Canon S95 dưới đây, bạn có thể thấy dường như hai chiếc máy không khác nhau là mấy, và những ai đang dùng máy ảnh dòng S của Canon có thể thấy rất quen thuộc.
Như bạn có thể thấy, do cảm biến của RX100 lớn hơn so với S95, cho nên ống kính của máy cũng phải lớn theo và do đó khi ở trạng thái mở, ống kính nhô ra nhiều hơn so với S95. Mặc dù vậy, độ mỏng của RX100 khi ở trạng thái tắt cũng rất ấn tượng như ảnh dưới đây. Ở mặt trước, vị trí của đèn hỗ trợ AF và vòng xoay điều chỉnh nằm ở gốc ống kính là hoàn toàn tương tự nhau trên hai máy.
Đèn flash thực sự không thể nằm ở nơi nào khác, cho nên không có gì để nói, nhưng các nút bật nguồn, nút màn trập hay cần gạt điều chỉnh zoom thì đều tương tự như Canon S95. Bánh xe xoay chọn chế độ chụp cũng vậy, khó mà có thể nói chúng không giống nhau.
Ở mặt sau, cũng vẫn là cách bố trí các phím điều hướng bốn chiều với một bánh xe và nút thiết lập nằm ở giữa. Tuy nhiên, bánh xe có khả năng điều chỉnh các thiết lập vẫn là độc quyền của máy ảnh Canon S-series.
Nhìn từ phía trước, Sony Cyber-shot RX100 trông khá đẹp. Một đường viền nằm ở một phần ba phía trên máy ảnh gợi lên nét đẹp của máy ảnh Leica. Thương hiệu Carl Zeiss in rõ trên ống kính. Các thành phần ống kính phía trước lõm chứ không lồi.
Không giống như S-series của Canon, vòng xoay nằm ở gốc ống kính của RX100 xoay tự do chứ không có các nấc để dừng lại, tuy nhiên mỗi khi bạn xoay tới một mức thiết lập được hỗ trợ thì loa sẽ phát ra âm thanh click nhẹ.
Ở điều kiện ánh sáng yếu, đèn flash tự động bật lên nhờ một bản lề cơ thường thấy trên một số máy ảnh Micro Four Thirds như chiếc Sony NEX-F3 chẳng hạn. Khi muốn đóng đèn flash lại, bạn phải lấy tay ấn nó xuống. Đó là một đèn flash nhỏ nhưng cho kết quả chụp khá tốt ở góc rộng, tuy nhiên sẽ hơi thiếu sáng khi chụp ở mức zoom xa nhất. Hai lỗ nhỏ ở mặt trên là microphone dùng để ghi âm thanh stereo.
Ở giữa nút nguồn (On/Off) có một đèn LED nhỏ màu hổ phách để cho biết máy đang được sạc pin. Sony RX100 không có bộ sạc pin đi kèm mà sẽ có một cổng USB nhỏ để sạc điện trực tiếp. Kèm theo máy là một cáp micro USB dùng để sạc máy ảnh và tải ảnh vào máy tính. Điều này tuy khá tiện lợi cho việc mang máy khi di chuyển, tuy nhiên lại khó duy trì được mức pin dài cho hai pin kèm theo máy. Cổng USB được ẩn đằng sau một cánh cửa ở bên phải của nút Movie trong hình ảnh phía dưới đây.
Trên mặt sau của máy, ngoài các nút chức năng được truy cập tới qua các nút bấm 4 chiều, còn có một nút hình dấu ? mà khi bấm vào sẽ hiển thị các trợ giúp cho các tình huống chụp ảnh khác nhau. Điều này có vẻ không hữu ích lắm đối với đối tượng khách hàng cao cấp mà dòng máy ảnh này hướng tới, tuy nhiên nếu bạn là người mới dùng máy ảnh mà chọn model này thì có thể cảm ơn Sony vì nút trợ giúp này.
Nhìn chung, hình thức của Sony RX100 khá ổn, với kết cấu máy chắc chắn, thân máy bằng nhôm, các nút bấm và vòng xoay chỉnh đáp ứng tốt.
Sony đã chọn một thiết kế đơn giản cho chiếc RX100 này. Mặc dù không có phần để tì tay, nhưng máy đủ dày để có thể cầm chắc trong tay. Do vòng ống kính lớn hơn nên bạn sẽ còn ít chỗ để đặt tay, bạn nên cầm máy bằng hai tay hoặc sử dụng dây đeo tay để tránh làm rơi máy. Sony đã bố trí hai móc ở hai bên để bạn luồn dây đeo, do đó bạn nên sử dụng dây đeo cổ để bảo vệ chiếc máy đẹp đẽ này. Máy hơi dày đối với túi áo sơ mi, nhưng thích hợp để bỏ vào túi quần hoặc túi xách.
Hiệu năng
Bỏ qua phần thiết kế không có gì nổi bật, chúng ta quan tâm nhiều hơn tới chất lượng ảnh mà bộ cảm biến 1 inch mang lại. Như chúng ta đều biết, các máy ảnh thông thường chỉ được trang bị cảm biến 1/2.3 inch. Cảm biến 1 inch của RX100 được ca ngợi như một cột mốc quan trọng của máy ảnh kỹ thuật số.
Màn hình LCD 3-inch của máy rất tốt, với thiết kế 1.229 k-dot có tên gọi Xtra Fine LCD. Sony cho biết họ đã thêm một tính năng mới mà họ gọi là WhiteMagic cho màn hình này, trong đó sử dụng thêm điểm ảnh màu trắng để tăng độ sáng và hiển thị chi tiết hơn trên màn hình. Do đó, màn hình thể hiện màu sắc khá tốt, hầu như không nhìn thấy các điểm ảnh màu trắng, cho dù là nhìn thật gần.
Trên thực tế, Sony không nói khoác về màn hình LCD với độ phân giải cao WhiteMagic của RX100. Màn hình thể hiện màu sắc khá rực rỡ và chi tiết, ngay cả dưới ánh sáng mặt trời.
Ống kính: Với dải tiêu cự tương đương 28-100mm, ống kính 3.6x chiếm một phần lớn trên Sony RX100. Khi bật máy lên, ống kính vươn ra phía trước và bạn sẽ có cảm giác trọng tâm của máy lệch về phía trước, do đó bạn cần phải giữ máy thật chắc nếu không có dây đeo. Ống kính vận hành khá trơn tru và mở ra nhanh, tuy không hoàn toàn là yên lặng nhưng âm thanh phát ra hầu như không đáng kể. Bạn sẽ ngạc nhiên vì ống kính đồ sộ như thế có thể thu lại khá gọn gàng trong thân máy.
Với các ảnh chụp thử, ảnh thể hiện khá tốt ở phần trung tâm nhưng ở các góc thì thấy có một số chi tiết bị mềm (soft), thậm chí bị méo. Tình trạng này cũng gặp trên video, mặc dù các máy cũ hơn của Sony không bị như vậy.
Ngoài ra, có một sự chuyển đổi màu sắc hơi khác thường khi zoom từ góc rộng đến mức tele trong chế độ Manual White Balance Mode (chế độ cân bằng trắng thủ công), từ chỗ có màu hơi ánh tím ở góc rộng chuyển sang màu xanh lá ở góc chụp xa, nhất là vùng xung quanh các cạnh. Điều này cũng xảy ra với cả chiếc S100 của Canon.
Sony RX100 có tốc độ tự động lấy nét khá nhanh, từ 0,153 giây ở góc rộng và 0,266 giây ở góc xa tele. Đây là tốc độ lấy nét thường thấy trên máy DSLR, và là một lợi thế hơn so với Canon S100. Chiếc S100 có độ trễ màn trập khoảng 0,571 giây, trong khi RX100 có độ trễ đáng chú ý là 0,013. Kết quả là, bạn sẽ ngạc nhiên với tốc độ sẵn sàng của máy. Sony RX100 cũng lấy nét rất tốt trong điều kiện ánh sáng yếu, thực sự làm việc tốt hơn mà không có đèn hỗ trợ AF.
Menu: Nhấn nút Function, máy sẽ đưa bạn tới menu cho phép điều chỉnh các thông số bằng vòng xoay chỉnh (ring), nơi bạn có thể thay đổi các thiết lập ISO, nhưng nếu bạn sử dụng các phím mũi tên để di chuyển sang trái và phải, bạn có thể chọn EV, cân bằng trắng, lựa chọn DRO/HDR, hiệu ứng hình ảnh, và chế độ Focus. Ở tùy chọn Picture Effects, bạn có tất cả 33 tùy chọn có sẵn cho 13 hiệu ứng hình ảnh, với mỗi hiệu ứng có ít nhất khoảng 3 cách khác nhau để chụp, khá phức tạp. Tuy nhiên, do tùy chọn Off luôn hiện ra nên đôi lúc bạn sẽ bấm nhầm và phải quay lại từ đầu.
Panorama: Việc chụp ảnh toàn cảnh Panorama khá dễ dàng với chiếc RX100 này, kết quả tuyệt vời. Sony RX100 sử dụng một chế độ quét toàn cảnh thông minh, cho phép loại bỏ các chi tiết định vị khung hình khi có vật thể di chuyển, do đó bạn sẽ không nhận thấy những đường nối giữa các khung hình được chụp.
Trong bức ảnh trên, có một lỗi xảy ra khi có một người bị mất một nửa hình, nhưng nhờ có nhiều vật cản xung quanh nên khó nhận thấy. Bức ảnh này được thiết lập ở chế độ chụp Standard, hướng chụp là Down và máy ảnh được cầm theo chiều dọc.
Bạn có thể chọn một trong 4 hướng để chụp. Để chụp được tòa nhà cao này, tác giả đã chọn hướng chụp là Down và quét máy ảnh sang trái, tuy không đạt được 180 độ nhưng bức ảnh đã thể hiện được toàn bộ ngôi nhà.
Ở bức ảnh này, hình ảnh nhận được khi lia máy theo chiều ngang ở chế độ chụp Wide. Thực tế, đường ray chạy qua trước cửa tòa nhà là theo một đường thẳng.
HDR: Sony RX100 cung cấp chế độ chụp HDR với khá nhiều tùy chọn phơi sáng, bao bồm chế độ tự động, hoặc dao động giữa các mức 1.0EV - 6.0EV. Trong các ảnh chụp mẫu dưới đây, các kết quả không cho thấy sự khác nhau rõ rệt, một số vùng tối xuất hiện đậm hơn so với các vùng khác mặc dù chế độ phơi sáng vẫn giữ nguyên. Hai bức ảnh cuối gần như giống hệt nhau.
Chụp đêm: RX100 lấy nét khá nhanh và hoạt động tốt khi chụp đêm. Tuy nhiên, ở các góc chụp rộng, ảnh thường bị lóa sáng, như bạn thấy trong bức ảnh crop ở dưới.
Chế độ giảm nhiễu Multi-Frame: Bạn phải mất một chút thời gian để tìm ra chế độ chụp giảm nhiễu Multi-Frame. Nó nằm trong menu Ring Function, chọn ISO, sau đó xoay qua chế độ Auto để tới chế độ ISO. Chế độ này khá hữu dụng trong một số tình huống nhất định với thiết lập ISO thấp. Ở mức ISO cao, như ISO 25600, thì không nên vì ảnh quá mềm.
Các ảnh trên là crop của các ảnh chụp một chiếc ghế xếp nằm dưới ánh sáng lờ mờ trong một đêm tối. Hai ảnh trên được chụp ở ISO 3200 và 6400, sau đó tác giả chuyển sang chế độ Multi-Frame NR và máy tự chọn các mức ISO 16.000, 20.000 và 25.600, trong đó bức ảnh chụp ở ISO 25.600 quá sáng nên không được đưa vào series ảnh này. Bức ảnh chụp ở ISO 6400 là tốt nhất, mặc dù tốc độ màn trập chậm hơn. Chế độ Multi-Frame NR có vẻ không đắc dụng trong trường hợp này, nên các chi tiết và màu sắc thể hiện kém hơn. Có thể tính năng này sẽ thể hiện tốt hơn trong các tình huống chụp khác.
Video: Chất lượng quay video của RX100 khá tốt, bạn có thể thiết lập ISO bằng tay hoặc tự động, tối ưu hóa Dynamic Range và nhiều hiệu ứng hình ảnh khác. Bạn thậm chí có thể chọn các chế độ Program, Manual, ưu tiên khẩu độ, ưu tiên tốc độ.
Kết luận
Đánh giá chung của chuyên gia Imaging Resource là có cảm tình với RX100, nhất là màn hình rất đẹp, độ phân giải cao và cảm biến lớn. Tuy nhiên, ống kính bị lóa khi chụp vào ban đêm, màu vàng được tái tạo kém, chu kỳ đèn chậm, ảnh bị mềm ở các góc chụp rộng. Xét về tổng thể, chất lượng ảnh của RX100 khá tốt, tốc độ chụp nhanh và dễ dàng bắt kịp các đối tượng chuyển động. Máy cung cấp nhiều tùy chọn khi chụp, cho phép những tay máy không chuyên có thể thỏa sức thử nghiệm. Mức giá cao có thể là hạn chế khiến nhiều người ngần ngừ khi chọn mua chiếc máy ảnh này.
Theo Imaging Resource