Với ống kính zoom quang 10x, Sony Cyber-shot DSC-H3 được xếp vào hàng máy ảnh siêu zoom, nhưng lại có thân hình cực kỳ gọn nhẹ. Máy có cảm biến 8 chấm và khá nhiều tính năng chỉnh tay.
Sony Cyber-shot DSC-H3 là một mẫu máy ảnh siêu zoom (superzoom) mới ra năm nay, không được trang bị kính ngắm điện tử nhưng bù lại, có thân hình rất nhỏ gọn. Nếu là người thích ngắm qua màn hình LCD hơn là qua kính ngắm, thì Sony H3 đích thị là chiếc máy ảnh mà bạn đang tìm kiếm. Tuy nhiên, nếu đã khám phá ra những tiện ích lớn của chiếc kính ngắm trong một số tình huống cụ thể, thì có lẽ những chiếc máy ảnh superzoom khác của Sony có trang bị kính ngắm như H7 hay H9 sẽ hợp với bạn hơn.
Sony Cyber-shot DSC-H3 sở hữu nhiều điểm ưu việt trong thiết kế và tính năng, nhưng vẫn tồn tại một số nhược điểm. Mặc dù thân hình nhỏ nhắn của H3 sẽ giúp người dùng tiện lợi hơn trong những chuyến đi xa, nhưng nó cũng khiến cho phần diện tích dành cho các phím bấm bị thu hẹp lại. Thêm vào đó, việc Sony đặt nút chỉnh zoom đúng vào vị trí của ngón tay cái, trên lý thuyết, sẽ giúp cho việc thao tác được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, người dùng rất dễ chạm phải phím bấm này một cách vô tình trong khi đang ngắm hoặc đang chụp.
Nếu nút chụp được chuyển lùi sang trái một chút, đồng thời bánh xe chọn chế độ chụp tịnh tiến lên phía trước, thì nút chỉnh zoom có thể được dịch nhiều hơn sang bên phải, dành lại phần không gian rộng rãi hơn cho ngón tay cái. Dẫu sao, đó cũng chỉ là thiếu sót lớn nhất về mặt thiết kế của chiếc máy ảnh này. Phần tay cầm của máy tuy có bị chê là hơi nhỏ nhưng vẫn rất hữu dụng. Có thể khi cầm máy, ngón tay út sẽ thừa ra, nhưng người dùng vẫn cảm thấy vô cùng thoải mái với phần tay cầm này.
Toàn bộ mặt trước của máy là ống kính Carl Zeiss Vario-Tessar có zoom quang 10x, khẩu độ f3,5 - f4,4, dải tiêu cự 38 - 380 mm. Đi kèm với đó là cảm biến CCD 8,1 Megapixel. Mặt sau máy là màn hình LCD 2,5 inch, độ phân giải 115.000 pixel. H3 cũng được Sony trang bị cho hệ thống ổn định ảnh quang Super Steady Shot, đảm bảo mang lại những bức ảnh đẹp ngay cả khi người chụp rung tay trong khi bấm máy.
Menu của Sony Cyber-shot H3 được chia thành 2 phần. Nếu bấm vào nút Menu trên bề mặt máy, người dùng có thể điều chỉnh các thông số liên quan đến chế độ chụp, như kích thước ảnh, khả năng dò tìm mặt, bù phơi sáng, flash, ISO, cân bằng trắng và một vài chi tiết khác. Nếu bấm vào nút Home, máy sẽ hiện ra một danh mục khác, cho phép người dùng có thể điều chỉnh các thông số liên quan đến cấu hình máy.
Chúng đều có giao diện rất trực quan, nhưng có một chi tiết hơi lạ là trong danh mục hiện lên sau khi người dùng bấm nút Home, có một lựa chọn truy nhập vào menu chụp ảnh. Tuy nhiên, khi chọn chức năng này, trên màn hình chỉ hiện ra dòng chữ chỉ dẫn rằng bạn phải bấm vào nút Menu trên thân máy, chứ không thể truy nhập trực tiếp vào menu chụp ảnh như bạn mong đợi.
Giống như rất nhiều mẫu máy ảnh siêu zoom khác, Sony H3 cũng được trang bị các tính năng chỉnh tay độ phơi sáng, dẫu chỉ có hai chế độ về độ mở và chúng cũng biến đổi tùy theo mức tiêu cự mà bạn đang sử dụng tại thời điểm chụp. Không có chế độ ưu tiên độ mở hay ưu tiên màn trập ở chiếc máy ảnh này, nhưng vẫn còn đó một loạt các chế độ cảnh mặc định khác, trong đó có bao gồm chế độ program và chế độ chụp tự động hoàn toàn.
Sony cho biết, người dùng H3 có thể chuyển ảnh và video từ máy ra màn hình TV độ nét cao, nhưng phải chi thêm ít tiền để mua một đoạn dây cáp video component VMC-HD1. Đây là một tính năng khá thú vị, nhưng nếu chiếc camera đời mới này được trang bị cổng kết nối HDMI thì sẽ tiện lợi hơn cho người sử dụng. Dẫu sao, xem ảnh trên màn hình độ nét cao vẫn luôn mang đến những trải nghiệm thú vị, hơn là việc xem trên các màn hình thông thường giống như ở những mẫu máy ảnh khác.
Nhìn chung, Sony Cyber-shot DSC-H3 có tốc độ hoạt động khá nhanh, dẫu cho khi sử dụng đèn flash, người chụp sẽ phải giữ máy hơi lâu một chút. Máy khởi động và chụp xong bức ảnh đầu tiên trong vòng 1,8 giây, hơi chậm do ống kính phải mất một khoảng thời gian để nhô ra.
Nếu không sử dụng flash, tốc độ chụp trung bình của Sony Cyber-shot DSC-H3 là 1,3 giây. Khoảng thời gian đó tăng lên gấp đôi (2,6 giây) khi đèn flash được bật lên. Tốc độ trập của chiếc máy ảnh này rất cao, chỉ mất 0,4 giây trong khung cảnh nhiều ánh sáng và độ tương phản cao. Trong điều kiện kém lý tưởng hơn, ánh sáng mờ, độ tương phản thấp, thời gian đóng cửa màn trập của H3 cũng chỉ tăng lên mức 1 giây. Trong chế độ chụp liên tiếp, tốc độ trung bình của Sony Cyber-shot DSC-H3 là 2 khung hình/giây.
Chất lượng ảnh chụp bởi Sony H3 sẽ rất cao nếu bạn sử dụng máy ở ISO 100 hoặc 200, dẫu cho những méo dạng khá lớn của ống kính và những tua diềm màu màu tía vẫn xuất hiện ở mép của các vật thể có độ tương phản cao, cũng như mép của bức ảnh. Tuy nhiên, đến ISO 400, nhiễu đã xuất hiện nhiều hơn mong đợi. Mặc dù các bức ảnh vẫn có chất lượng khá tốt, và các chi tiết nhiễu cũng đã bị mất đi sau khi in ảnh ra, nhưng vẫn có một lượng lớn chi tiết bóng và chi tiết nhỏ bị mất đi tại ISO 400.
Lên đến mức ISO 800, lượng nhiễu chỉ tăng lên chút ít so với mức ISO 400, nhưng lượng chi tiết bóng và chi tiết nhỏ tiếp tục giảm xuống. Tại ISO 1.600, nhiễu trở nên dày đặc hơn. Tuy độ nhạy sáng tối đa của chiếc máy ảnh này là ISO 3.200, nhưng nó gần như vô dụng bởi các bức ảnh chụp ở mức ISO này chỉ toàn nhiễu, không còn một chi tiết bóng nào. Những dòng chữ rõ ràng và sắc nét ở ISO 200 hoặc thấp hơn, thì đến ISO 3.200 đã trở nên không thể đọc nổi. Do đó, người dùng chiếc máy ảnh siêu zoom này được khuyến cáo là nên sử dụng máy ở mức ISO 1.600 trở xuống, đặc biệt, nếu có thể thì chỉ nên chụp ở mức ISO 100 hoặc 200.
Tóm lại, Sony Cyber-shot DSC-H3 là một lựa chọn sáng giá cho những ai thích sở hữu một chiếc máy ảnh có khả năng chụp xa tốt, lại có thân hình nhỏ gọn.
(theo http://sohoa.net)