Mô tả sản phẩm: Laptop gaming Razer Blade Pro core I7-7700HQ
Thiết kế: full nhôm, hoàn thiện cao cấp, tách biệt với số đông:
Thiết kế của Blade Pro thường được ví như chiếc MacBook Pro màu đen bởi toàn bộ vỏ được làm bằng nhôm, bề mặt phủ sần anodize và sơn màu đen. Cảm giác khi cầm Blade Pro rất khác, nó rất cao cấp và thật sự thì không nhiều mẫu máy trong phân khúc laptop chơi game mỏng đầu tư kỹ vào khâu hoàn thiện như Razer Blade Pro. Mình ở Tinh Tế làm việc hàng ngày và hầu như ai đi qua cũng lập tức để ý đến chiếc máy, có người dừng lại tò mò, có người lại hỏi vì trầm trồ.
So với các thế hệ trước thì Razer đã thiết kế lại bản lề, trọng lượng giữa màn hình và thân máy đã phù hợp hơn, cho phép mở màn hình bằng một tay rất mượt mà.
Độ mỏng của Razer Blade Pro là 22,5 mm và trọng lượng khoảng 3,6 kg. Hiện tại danh hiệu chiếc laptop chơi game mỏng nhất đã không còn thuộc về Blade Pro nhưng xét về cấu hình và độ mỏng này thì phải thừa nhận Razer đã rất liều lĩnh khi nhét vào nó một con CPU Core I dòng K và GPU GeForce GTX 1080.
Với kích thước 17,3″ cùng với số đo các vòng như vậy thì Razer Blade Pro không hẳn là một mẫu laptop chơi game di động, chính xác ra là nó gọn nhưng không nhẹ. Nó vẫn nặng ngang ngửa với những chiếc máy chơi game cấu hình cao nhưng độ mỏng lại khiến chúng ta dễ mang theo trong balo cũng như di chuyển từ bàn này sang bàn khác khi cần.
Blade Pro có khá nhiều cổng kết nối, cạnh trái có 2 cổng USB 3.1 Gen1 (USB-A), RJ-45 KillerLAN, jack âm thanh 3,5 mm và jack cắm nguồn thiết kế khá lạ hình chữ nhật nhỏ hơn cổng USB tí. Cạnh phải có HDMI, thêm một cổng USB 3.1 Gen1 (USB-A) và 1 cổng Thunderbolt 3 (USB-C) kiêm luôn USB 3.1 Gen2 (10 Gbps), DisplayPort và lần này trên Blade Pro đã có khe đọc thẻ SD – một thứ mà nhiều thế hệ Blade trước đây không có và Razer trang bị khe này theo phản hồi của người dùng.
Đáy máy đơn giản là một tấm nhôm nguyên khối, gắn kết với thân bằng khá nhiều ốc sáu cạnh. Razer đã trang bị 2 miếng cao su dày để nâng máy lên, vừa tạo độ nghiêng để chúng ta gõ phím tốt hơn, vừa giúp máy tản nhiệt hiệu quả hơn nhờ gầm máy thoáng khí.
Bàn phím cơ Ultra Low Profile, bàn rê lớn đặt phải, có phím cuộn chỉnh volume:
Bàn phím cơ là một điểm mới đáng chú ý trên dòng Blade Pro 2017 và cũng chỉ được trang bị trên phiên bản Blade Pro 4K, phiên bản Blade Pro FHD dùng bàn phím thường. Razer gọi cái bàn phím này là bàn phím cơ Ultra-Low-Profile đầu tiên trên thế giới ý chỉ thiết kế bàn phím chiclet với keycap thấp tương tự như những chiếc bàn phím laptop khác nhưng bên dưới mỗi phím vẫn là switch cơ học.
Cảm giác gõ trên chiếc bàn phím này khá lạ bởi nó phản hồi rất tốt nhờ công tắc cơ học, có điểm kích hoạt và lực nhấn 65 g, thậm chí có cả tiếng clicky nhưng hành trình của phím ngắn khiến mình cảm thấy hơi hụt tay khi gõ bởi mình gõ bàn phím ThinkPad đã quen với hành trình dài. Sau một hồi điều chỉnh, mình bắt đầu gõ quen và gõ rất nhanh trên chiếc bàn phím cơ này.
Layout phím rộng rãi và không có phím số bởi phần phím số được tận dụng để đặt bàn rê. Hệ thống phím chức năng Fn bao gồm một số nút đa phương tiện và điều mình thích là Razer trang bị đến 2 nút Fn để bạn có thể bấm tổ hợp phím chức năng thuận tiện hơn.
Bàn phím được trang bị đèn backlit Chroma – công nghệ đèn RGB tương tự trên những chiếc bàn phím cơ Razer. Qua phần mềm Synapse 2.0, bạn có thể chỉnh các hiệu ứng đèn cũng như tùy biến đèn trên từng phím theo ý mình. Có một điều mà Razer vẫn chưa cải tiến qua các thế hệ Blade đó là đèn backlit không chiếu sáng các ký tự phụ trên keycap thành ra chúng ta phải nhớ vị trí của các phím đó để dùng với tổ hợp, nhất là khi dùng ban đêm.
Bàn rê từng là thứ độc đáo nhất trên Razer Blade Pro nhưng giờ thì bình thường hơn. Như thế hệ Razer Blade Pro trước 2015, bàn rê của máy là một chiếc màn hình cảm ứng được gọi là Razer Switchblade. Nó vừa có chức năng bàn rê, vừa hiển thị những thông tin về hệ thống cũng như game và đi kèm với 10 nút chức năng có thể tùy biến được phía trên. Tuy nhiên, Switchblade bị khai tử bởi nó thiếu ứng dụng và không phát huy mấy chức năng khi chơi game nên chuyển sang thế hệ Blade Pro 2017, Razer đã trang bị bàn rê đa điểm thông thường dạng clickpad với 2 phím chuột tích hợp bên dưới, diện tích bàn rê lớn hơn và bề mặt mượt mà hỗ trợ đa điểm ngon hơn. 2 phím chuột tích hợp dễ bấm và độ nẩy tốt.
Phía trên bàn rê giờ có thêm một nút cuộn để chỉnh âm lượng rất đẹp, thêm nữa là 4 nút đa phương tiện. Quanh bàn rê cũng có viền đèn Chroma, hỗ trợ tùy biến như bàn phím. Mình rất thích nút cuộn này bởi nó tiện vô cùng, giống như nút cuộn trên những chiếc bàn phím cơ của Logitech hay Corsair ngày trước.
Một điều mình không thích khi sử dụng Blade Pro hàng ngày là phần viền trước của máy rất sắc, nó không được vát kim cương nên khi đặt tay gõ phím thì viền cấn vào cổ tay, không thoải mái và mình thường phải tìm miếng vải hay giấy để lót cho êm.
MÀN HÌNH
- Razer Blade Pro GTX 1060:
Thông số: 17.3 inch 16:9, 1920 x 1080 pixel 127 PPI, IPS, 120Hz. Model: AU Optronics B173HAN01.6
Điểm chấm được (Thiết bị chấm: Spyder5Elite): 91% sRGB, 61% AdobeRGB, 350 NITS
Điểm mạnh: tần số quét 120Hz cho hình ảnh mượt mà. Và tấm nền IPS có góc nhìn rộng.
Khả năng thể hiện màu sắc rất tốt, độ sáng cao và độ tương phản cao.
Nhược điểm: Độ phân giải FHD trên màn hình 17.3″ là hơi thấp.
Màn hình cũng có tính năng cảm ứng nhưng mình ít khi đụng đến, nó hơi thừa thải và khiến giá của máy đội lên. Màn hình cảm ứng rất nhạy, hỗ trợ 10 điểm chạm và mình cũng chỉ tận dụng nó để thao tác nhanh khi làm việc, chạm nhiều chỉ khiến màn hình mau bẩn hơn.
Mình đã thử nhiều tựa game và nhận thấy GTX 1080 cho phép chúng ta chơi tốt game ở độ phân giải 4K, đồ họa cao ở tỉ lệ khung hình trên 30 fps. Để kích hoạt G-Sync, chúng ta cần bật G-Sync trong driver Nvidia từ trước và tắt V-Sync trong game. Mình sẽ có một bài demo về tính năng này cụ thể hơn để anh em dễ hình dung.