Mô tả sản phẩm: Dell XPS 14 L421x (TX54501) (Intel Core i5-3317U1.7GHz, 4GB RAM, 32GB SSD + 500GB HDD, VGA NVIDIA GeForce GT 630, 14 inch, Windows 8 64 bit)
Ưu điểm: Dell XPS 14 có cấu trúc chắc chắn và mạnh mẽ. Nó cũng mỏng và có ngoại hình hấp dẫn, với cấu hình mạnh mẽ và card đồ họa rời.
Nhược điểm: Nó khá nặng khi so sánh với các máy tính ultrabook 14-inch khác.
Nhận định chung: Là sản phẩm hàng đầu của dòng máy tính xách tay của Dell, XPS 14 là một đối thủ cạnh tranh xứng đáng với MacBook Pro, và chúng có thẩm mĩ tương tự nhau. Tuy nhiên, sản phẩm của Dell có giá cả thấp hơn đáng kể.
Thiết kế
Khi đóng nắp lại, Dell XPS 14 có kiểu dáng rất giống MacBook Pro với vỏ nhôm cùng các cạnh bóng bẩy. Một điểm giống MacBook Pro nữa là XPS 14 cũng có một đèn nguồn màu trắng ở phần trước vỏ phát ra các tia sáng nhấp nháy khi máy ở chế độ ngủ và sáng hẳn khi máy hoạt động. Sự khác biệt so với laptop của Apple chỉ dừng lại khi chúng ta mở nắp máy và nhìn vào thân máy được làm bằng chất liệu magie đen với bàn phím kiểu island-style cũng màu đen.
Do được trang bị pin dung lượng cao, Dell XPS 14 khá nặng, lên tới 2,1 kg. Cân nặng này sẽ làm mỏi cổ tay bạn nếu cố gắng cầm máy bằng một tay. Máy cũng khá dày. Với kích thước 33,5 x 23,3 x 2,03 cm, tất nhiên đây không thể là mẫu ultrabook mỏng nhất.
Bàn phím và trackpad
Bàn phím có đèn nền với kiểu thiết kế island-style của XPS 14 có sự sắp xếp tốt về phím bấm. Phần để tay cũng được thiết kế tốt giúp cổ tay người dùng không bị mỏi. Tuy nhiên, hành trình phím không được tốt khiến người dùng dễ bấm trượt khi gõ.
Đèn nền bàn phím hoạt động ở 2 chế độ sáng gồm mức thiết lập thấp và mức thiết lập bình thường. Người dùng nên bật chế độ thứ 2 để sử dụng tính năng đèn nền hiệu quả hơn.
Mặc dù bề mặt đen mượt khiến cho người dùng dễ bị trơn trượt khi sử dụng, nhưng trackpad (kích thước 9,9 cm x 7,1 cm) của trackpad Synaptics trên XPS 14 cho khả năng điều hướng chính xác.
Trackpad đặc biệt gây ấn tượng với khả năng hỗ trợ động tác tay. Trackpad của máy tỏ ra rất nhạy ở việc nhận dạng các điều khiển như zoom nhúm ngón tay, xoay, quét 3 ngón tay (dùng để quay lại hoặc xem ảnh kế tiếp khi xem 1 album ảnh), chuyển tác vụ, thu nhỏ tất cả ứng dụng. Thậm chí thao tác giữ 3 ngón tay để mở trình duyệt cũng hoạt động mượt mà.
Độ nóng
Dell XPS 14 tỏ ra khá mát trong các bài test nhiệt độ. Sau khi stream 1 video ở chế độ toàn màn hình 15 phút, nhiệt độ đo được ở bàn phím là 32,2 độ C, ở trackpad là 26,6 độ C. Tuy nhiên, mặt dưới máy chạy nóng hơn với nhiệt độ đo được là 36,6 độ C.
Màn hình
Màn hình WLED backlit 14 inch của Dell XPS 14 cho độ phân giải 1600 x 900 pixel giúp hình ảnh hiển thị sắc nét, sáng khi quan sát trực diện (nhìn thẳng vào màn hình) nhưng có hiện tượng phai màu khi nhìn ở những góc khác. Màn hình cho độ sáng 400 lux và là một trong những màn hình cho độ sáng cao nhất hiện nay, đánh bại độ sáng trung bình của dòng notebook mỏng nhẹ (186 lux), MacBook Pro 13 inch (286 lux), và cả HP Envy 14 Spectre (249 lux). Chỉ có màn hình của ASUS ZenBook Prime UX31a có độ sáng tương tự với 423 lux.
Những người có nhu cầu dùng máy cho công việc sẽ rất hào hứng với một màn hình độ phân giải cao bởi với số điểm ảnh nhiều hơn, màn hình hiển thị được thêm nhiều text, email, hay nội dung 1 website mà họ không phải cuộn chuột quá nhiều. Đáng tiếc màn hình gương với lớp kính cường lực Gorilla glass của XPS 14 không cho độ chính xác màu tốt nhất.
Âm thanh
Âm thanh từ loa của XPS 14 dường như không tốt bằng mẫu Dell XPS 15 năm ngoái. Tuy nhiên, việc chơi nhạc là rất tuyệt vời nhờ máy được trang bị phần mềm âm thanh Waves Maxx audio. Khi thử chơi các bài hát với bass nặng như "Forget Me Nots" và "Summer Madness", âm cực kì chính xác và người nghe thậm chí có thể phân biệt được âm giữa 2 loa của máy.
Phần mềm Waves Maxx audio cho phép chỉnh sửa bass / treble bằng tay cũng như các thiết lập sẵn cho nhiều thể loại nhạc cũng như phim ảnh. Thiết lập MaxxSense cũng giúp bạn thiết lập tối ưu cho âm thanh của máy. Nếu vô hiệu hóa Waves Maxx, nhạc tỏ ra khá bé và thiếu sức sống.
Cổng và Webcam
XPS 14 không được trang bị ổ đĩa quang. Bên cạnh phải, bạn có 1 jack cắm headphone, đầu đọc thẻ SD 3-trong-1, khe khóa máy Kensington. Bên mặt trái, máy có 2 cổng USB 3.0, cổng mạng Ethernet, cổng mini DisplayPort và cổng ra HDMI.
Webcam 1,3 MP của máy có thể chụp được các hình ảnh màu sắc tốt và sắc nét dưới điều kiện đủ ánh sáng. Chất lượng ảnh cũng có thể chấp nhận được trong điều kiện thiếu sáng. So với các webcam laptop khác, có thể nói webcam của XPS 14 cho chất lượng ảnh tốt hơn nhiều. Ảnh không có hiện tượng nhiễu.
Hiệu năng
Với chip Intel Core i7-3517U tốc độ 1,9 GHz, RAM 8 GB, card đồ họa rời Nvidia GT 630M, ổ cứng 500 GB tốc độ 5.400 rpm kèm ổ Flash cache 32 GB, XPS 14 cho hiệu năng ổn định và đáp ứng tốt các tác vụ cho công việc, giải trí, chơi một số game nhẹ. Chơi game nặng có vẻ đây là một nhiệm vụ khó khăn cho XPS 14.
Đồ họa
Model có card đồ họa rời Nvidia GT 630M cho máy đủ sức mạnh để chơi các game tầm trung nhưng không đủ để gọi XPS 14 là một laptop chơi game. Thử nghiệm với 3DMark06 để đo sức mạnh đồ họa tổng thể, Dell XPS 14 cho số điểm 6.886, cao hơn so với mức điểm trung bình của các laptop cùng dòng (5.060) và cao hơn đối thủ Envy 14 Spectre (3.438 điểm).
Thời lượng pin
Với thỏi pin dung lượng 69 Watt-hour, XPS 14 "sống sót" sau 8 tiếng 14 phút với bài test lướt web liên tục qua WiFi. Đây là thời lượng pin ấn tượng so với thời lượng pin của các model laptop mỏng nhẹ vốn chỉ trụ được khoảng 6 tiếng 18 phút. Đối thủ HP Envy 14 Spectre chỉ cho pin 6 tiếng 24 phút còn thời lượng pin của ASUS ZenBook Prime là 6 tiếng 28 phút. Samsung Series 9 15 inch có thời lượng pin đạt 6 tiếng 59 phút. MacBook Air 13 inch là model duy nhất có thể sánh với XPS 14 ở khoản này với khoảng 8 tiếng 10 phút.