Mô tả sản phẩm: Bánh răng bừa
Bánh răng bừa
Bánh răng bừa còn được gọi là bánh lá hay bánh tẻ. Nó được làm từ bột gạo dẻo, giòn. Đây là loại bánh truyền thống để cúng vào ngày rằm, ngày giỗ và Tết Nguyên đán.
Bánh răng bừa là tên thường gọi ở thôn Bến, xã Phụng Công, huyện Văn Giang, Hưng Yên. Loại bánh này có từ xa xưa. Cái tên xuất xứ là do hình dáng giống cái răng bừa vẫn dùng để bừa ruộng.
Để có chiếc bánh ngon phải kén gạo ngon từ lúa trồng trên đất làng Phụng Công, giống gạo thơm nức, dẻo, ngọt. Gạo giã hoặc xay thành bột với nước, phải pha nước vừa đủ, không được khô hoặc nhão. Đặt nồi bột lên bếp giữ lửa không quá to hoặc quá nhỏ. Mỗi lần đánh bột mà cánh thợ làm bánh gọi là giáo bột, phải chọn người thật khỏe để đánh thật nhanh, thật mạnh thì bột mới dẻo và mịn, đánh đến khi nào thấy nặng tay, bột bắt đầu đặc là được.
Cách pha chế và đánh bột là bí quyết riêng của từng nhà. Bánh răng bừa Phụng Công không có hàn the mà vẫn dẻo, giòn. Nhân bánh từ hành khô phi thơm lừng, thả thịt ba chỉ xắt hạt lựu rồi nước mắm nhĩ, hạt tiêu, mộc nhĩ thái mịn đảo đều tay, khi thịt hơi săn, tỏa mùi thơm là được.
Gói bánh hay còn gọi là lấy bột cũng là khâu quan trọng, đòi hỏi phải khéo tay, bột phết đều, gọn trong lòng lá, nhân đặt chính giữa. Bánh gói xong giống hệt cái răng bừa, ở giữa phình ra, hai đầu nhỏ lại. Lá gói bánh là lá dong trồng ở đất bãi phù sa ven sông Hồng, mềm, dai và có mầu xanh rất riêng. Mầu lá ngấm vào bột bánh, xanh mướt, trông thật hấp dẫn. Luộc bánh phải bằng nước sôi, nếu luộc bằng nước lạnh, bột tan, bánh sẽ bị nhão.
Bánh răng bừa nóng hổi chấm với nước mắm ngon pha chanh ớt, rắc hạt tiêu.