TờThe Truth About Carscông bố một loạt danh sách xe bán chạy tại 159 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, bên cạnh Top 100 trên thế giới và Top 318 tại châu Âu.
Ở Mỹ, bảng xếp hạng gồm 265 mẫu xe đã bán ra trong quý một của năm 2012. Đứng cuối bảng là Suzuki Forenza/Reno chỉ một chiếc. Còn quán quân là Ford F-series với 143.827 xe, đây cũng làmẫu bán tải ăn khách thứ 2 tại Mỹkể từ năm 1990.
Trong quý một năm 2012, Ford F-series bán chạy nhất tại Mỹ. |
Sau F-series, những cái tên trong top 10 rất quen thuộc với khách hàng ở châu Á, ngoại trừ Chevrolet Silverado hay Dodge Ram. Đó là những Toyota Camry, Nissan Altima, Honda Civic, Honda CR-V, Toyota Corolla, Ford Focus và Ford Fusion.
Ở một thị trường lớn khác là Nga đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ khi trong tháng 3, có 252.816 xe đăng ký, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự thay đổi lớn khác là việc sụt giảm doanh số của Lada 2107 do mẫu xe này sẽ bịdừng sản xuất từ cuối năm nay.
Một hãng xe đến từ châu Á ghi dấu ấn mạnh mẽ là Hyundai. Hãng xe Hàn ra mắt sản phẩm có tên Solaris vào đầu năm 2011. Đây là Accent thế hệ mới đã được thay đổi để phù hợp với điều kiện đường xá ở Nga và nhanh chóng lấy được thiện cảm của khách hàng địa phương, giúp nó dành được vị thế mà trước đó chưa có hãng xe nước ngoài nào đạt được.
Tuy nhiên, với người Nga, xe nội địa vẫn là Nhất. Mẫu Lada Kalina xếp vị trí đầu tiên trong cả hai bảng xếp hạng: xe bán chạy trong tháng 3 và trong 3 tháng đầu năm. Hyundai Solaris lần lượt đứng thứ 2 và thứ 3. Một số cái tên quen thuộc trong top 10 như Ford Focus, Kia Rio hay Volkswagen Polo.
Ở Đức, Volkswagen chứng tỏ sự ảnh hưởng từ cái tên "xe của nhân dân" khi phổ biến hơn bao giờ hết. Trong cả năm 2011, có 4 mẫu VW trong top 30 xe bán chạy nhất. Đứng ở vị trí đầu bảng, VW Golf có 258,059 xe bán ra, chiếm 8,1% thị phần. Hai vị trí tiếp theo là VW Passat và VW Polo. Trong top 10, chỉ có một mẫu xe ngoại là Ford Focus, còn lại đều là xe Đức.
"Xe của nhân dân" Volkswagen - thương hiệu phổ biến nhất ở Đức. |
Tại Pháp, doanh số có giảm chút ít 2% trong năm 2011, ở mức 2,2 triệu xe, nhưng đó vẫn là năng lực vượt trội trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay. Lần đầu tiên kể từ năm 2006, Renault Clio thế hệ thứ 3 là xe bán chạy nhất tại Pháp với 123.827 xe và chiếm 5,6% thị phần.
Trong top 10 xe ăn khách ở Pháp, chỉ có 2 mẫu xe ngoại là VW Polo và Dacia Duster, còn lại là sản phẩm nội địa của Renault, Peugeot, Citroen.
Hyundai và Kia thực sự là những ông vua ở Hàn Quốc, khi cả hai lần lượt chiếm tới 5 và 4 vị trí trong top 10 xe bán chạy, chỉ chừa một chỗ còn lại cho Chevrolet Spark.
Trung Quốc là quốc gia duy nhất nơi mà Buick, thương hiệu xe sang thuộc tập đoàn General Motors, chiếm vị trí số một. Vốn bị thống trị bởi các mẫu xe "nhà" Volkswagen, thị trường Trung Quốc đang đón nhận lại các loại xe Mỹ. Trong 9 tháng đầu năm 2011, GM bán được 1,9 triệu xe, còn VW đứng thứ hai với 1,7 triệu chiếc. Đứng thứ 3 là một cái tên quen thuộc, Chevrolet Cruze. Honda CR-V cũng gây ấn tượng với vị trí thứ 6.
Tại một thị trường khổng lồ khác trên thế giới là Ấn Độ, các sản phẩm của Maruti chiếm phần lớn thị phần. Trong top 15, ngoài Maruti, Tata và Mahindra, chỉ có 2 "kẻ lạ" là Hyundai (i10, Santro, i20) và Ford Figo.
Khách hàng ở Pakistan là fan của Toyota Corolla và các loại Suzuki. Corolla đứng thứ nhất với 44.098 xe bán ra trong năm 2010. Riêng Suzuki có tới 6 mẫu trong top 10 xe bán chạy. Các vị trí còn lại là Honda (City và Civic) và Daihatsu Cuore.
Các hãng xe Nhật và Hàn Quốc lại được đặc biệt yêu thích ở Bolivia. Trong top 10 xe bán chạy năm 2010/2011 chỉ có những cái tên Toyota, Nissan, Suzuki, Mitsubishi, Hyundai và Kia.
Toyota cũng là thương hiệu ăn khách nhất ở Nam Phi, với mẫu bán tải Hilux đứng vị trí số một và 3 mẫu khác có trong top 10. Tình hình tương tự ở Indonesia, với quán quân thuộc về Toyota Avanza.