Có nhiều cách để “khởi đầu” một bộ máy tính hoàn chỉnh. Chẳng hạn nếu sắm bộ máy tính sử dụng BXL 4 nhân Quad Core, bạn cần xem xét bo mạch chủ (BMC) hỗ trợ (có thể sử dụng tiện ích Intel Desktop Processors and Desktop Boards Compatibility Tool, tải về từ http://processormatch.intel.com/COMPDB/default.aspx). Tiếp đó, chọn các phần cứng khác cho phù hợp dựa vào khả năng hỗ trợ của BMC (tham khảo thông tin này tại website của nhà sản xuất - NSX).
Bo mạch chủ (Mainboard)
Tuy cùng sử dụng 1 chipset nhưng mỗi NSX thường có vài sản phẩm khác nhau để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng. Thậm chí có những NSX đã dành hẳn 1 dòng BMC cho game thủ có khả năng ép xung cao, như Maximus Formula/SE, Maximus Extreme, Blitz Formula/SE... của Asus. Dù BMC sử dụng chipset Intel X38 vẫn còn đang “nóng hổi”, các nhà sản xuất tiếp tục làm thị trường BMC thêm phần sôi động khi trình làng BMC Intel X48, đẩy giá các BMC thế hệ trước xuống gần “tầm với” của người dùng hơn; nhất là dòng BMC chipset Intel P35/ICH9 (cầu bắc/cầu nam). Do vậy, với tiêu chí “tiết kiệm nhưng hiệu quả”, chúng ta sẽ chọn BMC sử dụng chipset P35 hướng đến game thủ và có khả năng ép xung. Tham khảo các BMC Asus, Gigabyte và MSI ở bài “Đón xuân với BMC xịn” cũng trong số này hoặc Asus Blitz Extreme (ID:A0710_46) và Blitz Formula (ID:A0709_50).
Bộ xử lý (CPU)
Nếu là “tín đồ cuồng nhiệt” của công nghệ, hẳn bạn muốn sở hữu BXL mới nhất Core 2 Extreme QX9770 của Intel hoặc Phenom 9600 của AMD (ID: A0801_46) để “tận hưởng” sức mạnh 4 nhân. Tuy nhiên, qua các thử nghiệm, cụ thể với Core 2 Extreme QX9650, BXL 4 nhân vẫn chưa có “đất dụng võ”, chưa thể hiện được sức mạnh do các ứng dụng audio, video, game hiện không tận dụng hết khả năng của 4 nhân. Với tiêu chí “mạnh mẽ, tiết kiệm”, bạn có thể hài lòng BXL dòng E6x50 có FSB 1333MHz so với 6x00 FSB 1066MHz (tham khảo bài “Chọn BXL”).
Card đồ họa (Graphic card)
Chúng ta không thể sử dụng card đồ họa tích hợp hoặc card rời dòng phổ thông nếu muốn “thỏa sức tung hoành” trong các game “sát phần cứng”. Bạn có thể tham khảo hướng dẫn chọn card đồ họa trong bài “Chọn card đồ họa chơi game”. Nếu thích “táy máy”, bạn có thể chọn những loại card được chính NSX chuẩn bị sẵn cho ép xung (ID: A0712_70). Card đồ họa cũng đa dạng không kém BMC, từ dòng phổ thông dưới 40USD cho đến dòng cao cấp trên 600USD với nhiều tên tuổi; thậm chí một số sản phẩm chỉ khác nhau chút xíu về tên gọi và giá tiền. Để giúp “gỡ rối” cho người dùng, một số NSX cung cấp tính năng so sánh sản phẩm, chẳng hạn Asus - http://www.asus.com/products_compare.aspx, bạn chọn sản phẩm (tối đa 5) và nhấn Compare.
Bộ nhớ (RAM)
Sau card đồ họa, RAM là phần cứng cần quan tâm trong cấu hình máy game. Bạn có thể chọn dòng RAM cao cấp của những thương hiệu nổi tiếng như Apacer, Corsair, Kingston... hoặc dòng phổ thông nếu muốn “tiết kiệm”.
Chúng ta đều biết RAM chất lượng kém sẽ làm hệ thống hoạt động không ổn định, treo máy hoặc tự khởi động lại mỗi khi chạy ứng dụng, game nặng. Hiện tại, RAM DDR3 đã xuất hiện (ID: A0712_81) nhưng vẫn chưa thay thế được dòng DDR2 do giá vẫn còn cao và chưa có sự khác biệt hiệu năng. Hơn nữa, chỉ một số ít BMC chipset P35 hỗ trợ DDR3 như Asus Blitz Extreme. Để chọn được loại RAM phù hợp, bạn cần xem khả năng của BMC. Chipset P35 có khả năng hỗ trợ RAM DDR2 bus 1066MHz (theo đặc tả kỹ thuật JEDEC, DDR2 có bus từ 400MHz đến 800MHz và DDR3 từ 800MHz đến 1600MHz). Dù vậy, bạn đừng bất ngờ khi thấy trên thị trường các loại RAM DDR2 có xung cao hơn 800MHz. Đây là các model được NSX ép xung sẵn; dĩ nhiên các sản phẩm này đã được kiểm tra về tính ổn định. Sau “bài toán” DDR2 hay DDR3, dung lượng RAM là lựa chọn tiếp theo. Kinh nghiệm cho thấy bạn nên đầu tư 2GB RAM cho cấu hình chơi game vì bộ nhớ có vai trò không nhỏ khi xử lý đồ họa trong các game 3D hiện nay. Chúng ta sẽ chọn cặp Corsair Twin XMS2, bus 800MHz, dung lượng 2x1GB để chạy ở chế độ kênh đôi (dual channel).
Ổ cứng (Hard disk)
Công nghệ ổ cứng không có nhiều thay đổi nên việc lựa chọn chủ yếu dựa vào dung lượng, tốc độ quay, chuẩn giao tiếp, giá cả và thời gian bảo hành. Chipset P35/ICH9 hỗ trợ từ 4 đển 6 cổng SATA2 và RAID 0, 1, 5, 10 (ICH9R) cho phép gắn nhiều ổ cứng nhằm cải thiện tốc độ truy xuất hoặc tăng tính an toàn của dữ liệu. Tuy nhiên, việc giải quyết trục trặc của ổ cứng khi thiết lập RAID sẽ rắc rối hơn nhiều. Với dung lượng cài đặt của các game hiện nay, bạn nên chọn ổ cứng SATA2 từ 320GB trở lên.
Ổ quang (Optical drive)
Ổ quang cũng ít có sự thay đổi trong vài năm qua ngoại trừ sự xuất hiện ổ DVD-ROM giao tiếp SATA. Thời của ổ CD-ROM đã qua, chỉ còn “sót lại” vài tên tuổi trong bảng báo giá. Chúng ta sẽ chọn ổ DVD-ROM do hầu hết các game hiện nay dùng đĩa DVD. Ngoài ra, bạn có thể chọn ổ combo (đọc DVD, ghi CD) nhưng cũng không có nhiều tên tuổi để lựa chọn. Nếu đã trang bị DVD-ROM, bạn cũng nên chọn thêm ổ ghi DVD cho đủ “cặp”.
Màn hình (Monitor)
Thiết kế mỏng, gọn nhẹ, mẫu mã đẹp, hiện đại, màu sắc ấn tượng và giá ngày càng giảm, màn hình LCD đã chiếm lĩnh thị trường, đẩy màn hình CRT chịu chung “số phận” với ổ CD-ROM. Hiện nay, LCD khá phong phú về chủng loại, kiểu dáng và tính năng với rất nhiều thương hiệu như Acer, Asus, AOC, CTX, HP, LG, Prolink, Samsung, Sony, TCL, ViewSonic... Với khoảng 150USD, bạn đã có trong tay LCD 15”, tuy nhiên xu hướng hiện nay là LCD 17” trở lên, khung hình 16:10 (wide) đáp ứng công việc lẫn giải trí thay cho khung hình 4:3 “đơn điệu”. Một vài LCD tham khảo như LG L177WSB 17” khung hình 16:10. ViewSonic VA2226w 22”, chất lượng, giá phải chăng hoặc Asus PG191 có loa âm thanh hay, thêm ngõ USB.
Loa (Speaker)
Sẽ thiếu sót lớn khi chơi game chỉ cần “nhìn mà không thèm nghe”. Loa cho game có những đòi hỏi khác biệt so với phim và nhạc, cần độ động cao, hiệu ứng vòm tốt và tiếng bass phải thật bốc. Nếu là “dân chơi”, bạn có thể chọn bộ loa Z-5500 của Logitech (G0611_65) hay Gigawork ProGamer G550 của Creative (G0701_68). Những bộ loa này có thể làm rung chuyển cả căn phòng nếu bạn tậu card âm thanh tương xứng như Creative Sound Blaster X-Fi Xtreme Fidelity. Nếu chỉ cần một bộ loa nhỏ gọn, đủ để mang lại cảm giác, Logitech Z-5300 (G0703_84), Edifier M3350 (G0712_84) sẽ phù hợp với âm thanh tích hợp Intel High Definition Audio của BMC chipset P35.
Chuột, bàn phím
Đây là những vũ khí “bất ly thân” trên con đường chinh chiến, ảnh hưởng đến sự thành bại của bạn; nhất là trong thể loại game bắn súng FPS. Chuột laser sử dụng công nghệ cảm biến bằng tia laser có độ nhạy cao hơn, chính xác hơn so với chuột quang. Độ phân giải của chuột laser từ 800 cho đến 2000dpi, thậm chí một số sản phẩm cao cấp của Microsoft, Logitech, Razer lên đến 4000dpi. Cũng trong tháng này, Razer tiếp tục trình làng sản phẩm bàn phím chơi game “nhện độc” Tarantula. Tuy chi phí đầu tư cao nhưng bộ đôi Tarantula và Copperhead chắc chắn sẽ là trợ thủ đắc lực, đáng giá.
Thùng máy (Case)
Thông dụng trên thị trường hiện nay là sản phẩm của Asus, Cooler Master, Gigabyte và NZXT. Các tên tuổi khác như Antec, Alienware, Thermaltake... chỉ có dạng “xách tay”, bạn phải chịu khó tìm kiếm. Thùng máy có ảnh hưởng đến sự ổn định và tuổi thọ thiết bị phần cứng. Khi chọn thùng máy, bạn cần lưu ý một số yếu tố như độ cứng, độ chắc chắn của dàn khung; tính chính xác, không biến dạng khi lắp ráp; lớp sơn tĩnh điện “phủ” bên ngoài đủ dày để không bị giật. Những thùng máy “hàng hiệu” làm bằng nhôm có khả năng tản nhiệt tốt hơn; thiết kế bên trong hợp lý, không vướng víu khi lắp ráp. Một số thùng máy còn có những ngõ dành riêng cho tản nhiệt nước. Đa số thùng máy đều hỗ trợ cổng USB, ngõ âm thanh, FireWire và cả eSATA ở mặt trước.
Bộ nguồn
Hiệu suất, độ ồn, công suất và giao tiếp đa dạng là các yếu tố cần lưu ý khi chọn mua bộ nguồn. Đừng tiếc tiền khi đầu tư cho bộ nguồn hệ thống vì chúng sẽ giúp bạn tránh những sự cố đáng tiếc khi xảy ra quá tải. Tham khảo thêm thông tin liên quan việc lựa chọn bộ nguồn hợp lý trong “Cẩm nang Mua gì? Ở đâu? 2007” của chúng tôi.