Đáp án Văn đề thi đại học khối D năm 2011

Đã có link down  đáp án văn thi đại học khối D chưa các bác cho em xin với

Vespa
Vespa
Trả lời 13 năm trước

Bộ GD-ĐT đã công bố đáp án chính thức giải đề thi ĐH đợt 2 khối B,C,D thi vào ngày 9 và 10-7. Mời bạn đọc xem đáp án.

Khối B
- Đề thi Toán
- Đáp án Toán
- Đề thi Sinh
- Đáp án Sinh
- Đề thi Hóa
- Đáp án Hóa
Khối C
- Đề thi Văn
- Đáp án Văn
- Đề thi Sử
- Đáp án Sử
- Đề thi Địa
- Đáp án Địa
Khối D
- Đề thi Văn
- Đáp án Văn
- Đề thi Toán
- Đáp án Toán
- Đề thi Anh
- Đáp án Anh
- Đề thi Trung
- Đáp án Trung
- Đề thi Pháp
- Đáp án Pháp
- Đề thi Nga
- Đáp án Nga
- Đề thi Nhật
- Đáp án Nhật
- Đề thi Đức
- Đáp án Đức

ĐỀ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2011

Môn: NGỮ VĂN; Khối: D

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề

PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm)

Câu I. (2,0 điểm)

Trong đoạn trích bài thơ Việt Bắc (Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2009), Tố Hữu đã sử dụng những phương tiện nghệ thuật giàu tính dân tộc nào? Những phương tiện đó phù hợp với việc diễn tả tình cảm gì của người cán bộ kháng chiến và nhân dân Việt Bắc?

Câu II. (3,0 điểm)

Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích.

Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên.

PHẦN RIÊNG (5,0 điểm)

Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu III.a hoặc III.b)

Câu III.a. Theo Chương trình Chuẩn (5,0 điểm)

“Hai đứa trẻ” của Thạch Lam là một truyện ngắn trữ tình đượm buồn.

Anh/chị hãy phân tích khung cảnh phố huyện và tâm trạng của nhân vật Liên trong tác phẩm Hai đứa trẻ để làm sáng tỏ ý kiến trên.

Câu III.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)

“Ơi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa

Nghìn năm sau, còn đủ sức soi đường

Con đã đi nhưng con cần vượt nữa

Cho con về gặp lại Mẹ yêu thương.

Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa,

Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.”

(Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên, Ngữ văn 12 Nâng cao,

Tập một, NXB Giáo dục, 2009, tr. 106)

Phân tích đoạn thơ trên để thấy được chất suy tưởng triết lí và nghệ thuật sáng tạo hình ảnh của Chế Lan Viên.

BÀI GIẢI GỢI Ý

Câu I: Thí sinh trả lời ngắn gọn, đảm bảo các ý sau:

  1. Tố Hữu đã sử dụng những phương tiện nghệ thuật giàu tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc:

_ Thể thơ lục bát mềm mại, uyển chuyển của dân tộc được Tố Hữu sử dụng điêu luyện kết hợp với lối hát đối đáp giao duyên vốn quen thuộc trong ca dao dân ca

_ Tác giả đã chọn lựa và sử dụng thật linh hoạt và đầy sáng tạo cặp đại từ nhân xưng vốn quen thuộc trong ca dao dân ca “mình – ta”

_ Tác giả đã sử dụng những biện pháp tu từ truyền thống (so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ, cường điệu, điệp từ, điệp ngữ …) cũng như sử dụng những từ láy và cách nói quen thuộc của thơ ca dân gian đã tạo nên nhạc tính dân tộc của bài thơ như giọng điệu tâm tình.

  1. Những phương tiện nghệ thuật trên rất phù hợp với việc diễn tả tình cảm lớn, ân tình cách mạng (tình quân dân “cá nước” trong chín năm kháng chiến gian khổ mà hào hùng ở núi rừng Việt Bắc, tình cảm đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu) giữa người cán bộ kháng chiến về xuôi và nhân dân (người ở lại) Việt Bắc, làm cho tình cảm giữa họ kín đáo mà không xa vời, gắn bó thắm thiết, mặn nồng sâu sắc mà không gượng gạo, không sỗ sàng.

Câu II : Thí sinh cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản của câu hỏi : Viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ về ý kiến : Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích.

Thí sinh có thể trình bày bài viết theo những nội dung cụ thể khác nhau. Sau đây là một số gợi ý :

- Giới thiệu ý kiến của đề bài: Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích.

- Giải thích :

+ Người nổi tiếng : là người có tiếng tăm được nhiều người biết đến.

+ Người có ích : là người có cuộc sống có ích, có ý nghĩa, cũng cần thiết và có giá trị đối với người khác, gia đình, xã hội.

+ Ý kiến là một lời khuyên về một trong những mục đích sống của con người : hãy sống với một mục đích sống chân chính đừng cố gắng theo đuổi tiếng tăm, danh vọng mà hãy quan tâm đến giá trị của cuộc sống, nhất là với mọi người.

- Phân tích chứng minh :

+ Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng :

× Tiếng tăm, danh vọng : thường không phải là mục đích cao đẹp nhất của cuộc sống.

× Danh vọng có thể làm tha hóa con người, làm băng hoại đạo đức và đẩy con người ta vào tội lỗi.

× Để cố trở thành người nổi tiếng có những người đã đi vào những con đường bất chính, sử dụng những phương cách xấu xa. Do đó, nổi tiếng như thế chỉ là vô nghĩa.

+ Trước hết, hãy là người có ích :

× Người sống có ích mang lại nhiều ích lợi cho người khác trong cuộc sống.

× Sống có ích sẽ làm thăng hoa giá trị con người, thăng hoa giá trị cuộc sống.

× Người có ích dù không được nổi tiếng nhưng cuộc sống của họ là cần thiết, có giá trị, có ý nghĩa đối với người khác, gia đình, xã hội. Ngay cả trong quan niệm của người xưa về “chí nam nhi”, chữ “danh” (Phải có danh gì với núi sông) luôn gắn với thực chất của hành động (Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ).

- Bình luận :

+ Nổi tiếng cũng có mặt tốt, có tác dụng tốt. Tiếng nói của người nổi tiếng thường có tác động nhiều hơn, lớn hơn đối với người khác, xã hội.

+ Nhưng đừng cố gắng chạy theo việc trở thành người nổi tiếng bằng mọi cách vì điều đó mang lại nhiều tác hại. Hãy để cho tiếng tăm được đến một cách tự nhiên bằng hành động có thực chất: hữu xạ tự nhiên hương.

+ Làm sao để là người có ích :

× Hãy sống có lý tưởng;

× Hãy sống có đạo đức, có trách nhiệm;

× Hãy sống vì gia đình, vì xã hội, vì cộng đồng;

+ Ý kiến này là một biểu hiện cụ thể của vấn đề danh và thực trong cuộc sống con người. Giải quyết tốt mối quan hệ của vấn đề nổi tiếng và có ích, của danh và thực, người ta sẽ dễ có cuộc sống bình an, hạnh phúc, chân chính.

- Đây là một ý kiến có giá trị đúng đắn. Đồng thời nó cũng là một lời khuyên rất có tính thời sự, nhất là trước hiện tượng một bộ phận giới trẻ ngày nay đang có xu hướng tìm sự nổi tiếng bằng mọi giá.

Câu III.a.

1.Giới thiệu vấn đề cần nghị luận

- Thạch Lam là một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Ông là thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn nhưng có một gương mặt riêng so với các nhà văn của Tự lực văn đoàn. Văn của Tự lực văn đoàn thường đượm nỗi buồn lãng mạn còn văn của Thạch Lam lại chất chứa những nỗi đau hiện thực. Nó như một thứ “hương hoàng lan” được chưng cất từ những nỗi đời.

- Truyện ngắn Hai đứa trẻ in trong tập Nắng trong vườn (1938), rất tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Thạch Lam. Đó là kiểu truyện ngắn trữ tình đượm buồn. Nét phong cách này thể hiện sâu sắc ở khung cảnh phố huyện và tâm trạng của nhân vật Liên trong tác phẩm.

2.Phân tích làm rõ ý kiến

a.Giải thích ý kiến: Truyện ngắn của Thạch Lam là kiểu truyện ngắn trữ tình đượm buồn. Vì truyện của ông là kiểu truyện tâm tình, dường như không có cốt truyện; giàu cảm xúc, nhẹ nhàng mà thấm thía như một bài thơ. Truyện Hai đứa trẻ bộc lộ niềm cảm thương chân thành của nhà văn với cuộc sống chìm khuất, mòn mỏi, quẩn quanh của những con người nhỏ nhoi nơi phố huyện tăm tối, cùng sự trân trọng những ước mong khiêm nhường mà thiết tha của họ về một cuộc sống trong sáng, tốt đẹp hơn.

b.Phân tích làm rõ ý kiến

Bức tranh phố huyện được miêu tả theo trình tự thời gian: Cảnh phố huyện lúc chiều xuống. Cảnh phố huyện lúc đêm về. Cảnh phố huyện lúc có chuyến tàu khuya đi qua. Liên là một cô gái nhỏ. Vì cha mất việc cả nhà phải chuyển từ Hà Nội về sinh sống ở một phố huyện nghèo. Tuy còn nhỏ nhưng Liên đã tỏ ra đảm đang, thay mẹ trông coi một quán tạp hóa nhỏ để kiếm sống và Liên cũng rất chu đáo khi thay mẹ chăm sóc em là bé An. Đặc biệt Liên là một cô gái nhỏ dịu hiền, nhân hậu, đa cảm. Diễn biến tâm trạng của nhân vật Liên được khắc họa qua ba cảnh phố huyện, như ba nấc thang tâm lí: chiều muộn, đêm về và chuyến tàu khuya qua phố huyện.

- Trước hết là tâm trạng buồn man mác của Liên, khi chiều về, phố huyện hiện lên trong sự nghèo khổ, xơ xác:

+ Với cảm xúc và bút pháp lãng mạn, thì cảnh thiên nhiên phố huyện mang một vẻ đẹp trữ tình thơ mộng.

+ Với cảm xúc và bút pháp hiện thực thì cuộc sống xã hội nơi phố huyện lại là bức tranh nghèo khổ, xơ xác, tăm tối. Cái áo khoác ngoài thơ mộng của thiên nhiên cũng không che lấp nổi cảnh ngày tàn, cảnh chợ tàn và cảnh những kiếp người tàn.

+ Liên tuy không lam lũ vất vả như những mảnh đời kia nhưng là những số phận đáng thương nhất. Vì quá khứ tươi đẹp của hai chị em Liên đã thuộc về dĩ vãng. Hiện tại thì buồn tẻ, tăm tối, bế tắc. Chúng có cái để so sánh, để cảm nhận cuộc sống tăm tối tẻ nhạt của phố huyện. Đúng là cuộc sống phố huyện cứ đang tàn dần, lụi dần trong đói nghèo lam lũ, quẩn quanh. Những tâm hồn mới lớn như chị em Liên, chứng kiến những cảnh đó không buồn sao được. Nhưng vì còn là những đứa trẻ nên nỗi buồn cũng chỉ “man mác”, đọng trong đôi mắt Liên “bóng tối ngập đầy dần”. Và cái buồn của chiều quê thấm vào tâm hồn ngây thơ của Liên.

- Liên càng buồn thấm thía hơn khi đêm về, phố huyện chìm trong bóng tối và cuộc sống cứ lặp lại đơn điệu, buồn tẻ, bế tắc.

+ Về đêm phố huyện là sự tương tranh giữa bóng tối và ánh sáng. Màn đêm buông xuống, bóng tối cứ lan dần từng con đường nhỏ, từng ngõ xóm, để rồi nhấn chìm phố huyện trong bóng tối dày đặc. Ánh sáng phố huyện cũng nhiều: có ánh sáng của thiên nhiên (ánh sao, ánh đom đóm), có ánh sáng của cuộc sống lao động nhưng chỉ là những khe, chấm, hột…tất cả đều quá nhỏ nhoi, yếu ớt trước vũ trụ thăm thẳm bao la ngập trong bóng tối. Nó không đủ thắp sáng phố huyện mà dường như chỉ càng tôn lên màn tối dày đặc bao phủ phố huyện nghèo.

+ Khi đêm về cuộc sống phố huyện cứ lặp đi lặp lại đơn điệu, buồn tẻ, bế tắc. Ngày hôm nay là sự lặp lại y nguyên những gì đã diễn ra hôm qua và sẽ lặp lại ở ngày mai. Mẹ con chị Tí lại dọn hàng nước, gia đình bác xẩm lại xuất hiện với tiếng đàn ế khách. Bác phở Siêu lại gánh phở đi bán…Phố huyện như một sân khấu cuộc đời chỉ độc diễn một màn buồn tẻ, không có sự thay đổi cả người lẫn cảnh. Đó là cuộc sống cứ “mốc lên, mòn đi, rỉ ra, mục ra” không lối thoát (Sống mòn- Nam Cao). Nó gợi liên tưởng tới hình ảnh “chiếc ao đời phẳng lặng” trong truyện ngắn Tỏa nhị kiều của Xuân Diệu. Nhà văn không trực tiếp tả tâm trạng này của Liên. Nhưng cảnh vật và cuộc sống phố huyện tăm tối, tẻ nhạt trong đêm lại được cảm nhận qua tâm trạng của Liên. Sống trong hoàn cảnh như vậy, chị em Liên sao không khắc khoải chờ đợi một cái gì đó dù mơ hồ, nỗi buồn dường như thấm thía hơn. Nhưng không hy vọng thì làm sao sống nổi. Và chuyến tàu đêm đã thắp lên niềm hy vọng đó.

- Cảnh chuyến tàu khuya và tâm trạng buồn vui của Liên

+ Trong cả chuỗi thời gian dài buồn tẻ thì chuyến tàu đêm qua phố huyện là cả một niềm vui lớn với hai chị em Liên. Hai đứa trẻ đêm nào cũng náo nức thức chờ tàu, không hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu vật chất. Chúng không chờ tàu để bán hàng, dù mẹ vẫn dặn cố thức đợi chuyến tàu để bán hàng. Hai chị em chờ tàu là xuất phát từ nhu cầu cuộc sống tinh thần. Khi tàu đến Liên và An đứng cả dậy, hướng về phía con tàu và khi nó đi rồi Liên vẫn “lặng theo mơ tưởng”.

+ Con tàu đến rồi lại đi nhanh để lại trong hai đứa trẻ nỗi buồn nhớ tiếc. Tàu đi rồi phố huyện lại trở về với đêm tối và sự tĩnh lặng. Bóng đêm và sự tĩnh lặng càng nặng nề hơn. Niềm vui của hai đứa trẻ vừa lóe lên lại bị dập tắt như đám than bỗng bùng lên cháy rực rồi lụi tàn hẳn trong đêm. Nỗi chờ đợi bắt đầu khắc khoải từ khi bóng chiều đổ xuống, rồi đêm về và phố huyện vào khuya. Hai đứa trẻ khắc khoải chờ đợi từng bước đi của thời gian, từng bước xích lại gần của chuyến tàu: tàu sắp đến, tàu vụt qua, tàu đi rồi chỉ còn chấm đèn ghi nhỏ xa mãi rồi khuất sau rặng tre. Đêm tối lại bao bọc phố huyện.

3.Đánh giá

- Miêu tả khung cảnh phố huyện buồn, nghèo nàn, tẻ nhạt, bế tắc và tâm trạng của hai đứa trẻ, đặc biệt là Liên một cách trực tiếp và gián tiếp, qua thực tại và hồi ức đan xen; miêu tả bằng một giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, giàu chất thơ; nhà văn bộc lộ niềm xót thương những kiếp người đói nghèo cơ cực, sống quẩn quanh bế tắc trong xã hội cũ.

- Từ đó tác giả như muốn lay tỉnh những tâm hồn uể oải, đang lụi tàn, nhen lên trong họ ngọn lửa của lòng khát khao được sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn, khát khao thoát khỏi cuộc đời tăm tối đang chôn vùi họ. Truyện ngắn Hai đứa trẻ đã thể hiện sâu sắc cái tài và cái tâm của nhà văn Thạch Lam. Cái tài của Thạch Lam là sở trường về truyện ngắn và nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế. Ông đã đem đến cho văn học dân tộc kiểu truyện ngắn trữ tình đượm buồn, truyện ngắn tâm tình. Truyện dường như không có cốt truyện, nhẹ nhàng mà thấm thía, giàu cảm xúc mà cũng giàu chất triết lí. Cái tâm của Thạch Lam là tình người sâu sắc. Thạch Lam không chỉ thấu hiểu, cảm thương những đau khổ thiệt thòi của những số phận nhỏ bé bị lãng quên khi miêu tả diễn biến tâm trạng của nhân vật Liên, mà còn thấu hiểu đồng cảm với những khát vọng chân chính của họ, dù nó mới chỉ là những khát khao rất đỗi bình dị, mơ hồ.

Câu III.b.

I. Yêu cầu về kỹ năng :

- Biết cách làm một bài nghị luận văn học để cảm nhận đoạn thơ về nội dung, nghệ thuật.

- Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp, dùng từ.

II. Yêu cầu về kiến thức : Trên cơ sở hiểu biết, thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần đảm bảo các ý chính sau :

1) Giới thiệu tác giả, tác phẩm và đoạn thơ :

- Chế Lan Viên là nhà thơ nổi tiếng của phong trào Thơ mới với phong cách thơ suy tưởng, giàu triết lí và nghệ thuật tạo hình sâu sắc.

- “Tiếng hát con tàu” ® trích từ trong tập “Ánh sáng và phù sa”(1960).

® trích dẫn đoạn thơ (nêu cảm nhận chung về đoạn thơ - trình tự của mạch thơ)

2) · Phân tích cụ thể :

* Đoạn 1 : “Ơi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa

Nghìn năm sau, còn đủ sức soi đường.

Con đã đi nhưng con cần vượt nữa

Cho con về gặp lại Mẹ yêu thương.”

- Nội dung chủ yếu : công lao của Tây Bắc trong mười năm nhưng sức lan tỏa là “nghìn năm sau”. Phân tích hình ảnh: ngọn lửa, thời gian: mười năm - nghìn năm, cách xưng danh “Con – Mẹ”.

- Nghệ thuật đặc sắc : giọng thơ như lời tâm sự, mang ý nghĩa triết lí sâu sắc (mười năm – nghìn năm, ngôn từ: Mẹ - Đất nước, Tây Bắc).

* Đoạn 2 : Hành trình trở về Tây Bắc

“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa,

Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.”

- Nội dung chủ yếu : trở về với nhân dân, Việt Bắc là sự cần thiết nhất trong cuộc sống: cội nguồn, môi trường để con người phát triển tài năng, thỏa mãn những nhu cầu vật chất lẫn tinh thần.

- Nghệ thuật đặc sắc : biện pháp tu từ so sánh, ngôn từ tạo hình, biểu cảm.

· Cảm nhận chung : Đoạn thơ mang phong cách suy tưởng và ý nghĩa triết lí sâu sắc “Uống nước nhớ nguồn” và nhất là ngôn từ tạo hình, tạo cảm.

3) Đánh giá về tác giả, đoạn thơ để rút ra bài học triết lí :

“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”

(Chế Lan Viên)

Cao Thị Đan Thanh

(TT Luyện thi Đại học Vĩnh Viễn – TP.HCM)


Bắt đầu từ 7h15 ngày 09/07/2010, kỳ thi đại học 2010 đợt II diễn ra với các thí sinh thi khối B,C,D và các môn năng khiếu, với khoảng 550.000 thí sinh trên khắp toàn quốc tham dự.

Đây là một bước ngoặt vô cùng quan trọng với các sĩ tử, có thể coi là sự kiện đánh dấu bước chuyển mình trong cuộc đời học sinh trước ngưỡng cửa tương lai sau 12 năm đèn sách. Bước ra khỏi cửa phòng thi, điều sĩ tử lo lắng nhất chắc chắn sẽ là: Không biết mình làm bài có đúng không?

Liệu đã trả lời đúng chưa? Mình có khả năng được bao nhiêu điểm? Thấu hiểu điều đó, Vatgia.com sẽ liên tục cập nhật lời giải và hướng dẫn làm bài chi tiết các môn thi đại học, cao đẳng sớm nhất, nhanh nhất ngay sau khi kết thúc các môn thi. Đặc biệt môn Ngữ Văn thi đại học khối D sẽ có sớm nhất sau 30p thi.

Tran Quynh Nhung
Tran Quynh Nhung
Trả lời 13 năm trước

KÌ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2010

MÔN THI: NGỮ VĂN; Khối C

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề

PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm)

Câu I (2,0 điểm)

Anh/chị hãy trình bày ngắn gọn về sự đa dạng mà thống nhất của phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh.

Câu II (3,0 điểm)

Như một thứ a-xit vô hình, thói vô trách nhiệm ở mỗi cá nhân có thể ăn mòn cả một xã hội.

Từ ý kiến trên, anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về tinh thần trách nhiệm và thói vô trách nhiệm của con người trong cuộc sống hiện nay.

PHẦN RIÊNG (5,0 điểm)

Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu III.a hoặc III.b)

Câu III.a Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau :

Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay ?

(Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử, Ngữ văn 11,

Tập hai, NXB Giáo dục, 2008, tr. 39)

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.

Lòng quê dợn dợn vời con nước,

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

(Tràng giang – Huy Cận, Ngữ văn 11,

Tập hai, NXB Giáo dục, 2008, tr. 29)

Câu III.b Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn văn sau:

(…) Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm, Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về (…)

(Người lái đò Sông Đà – Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12 Nâng cao,

Tập một, NXB Giáo dục, 2009, tr. 157)

(…) Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm, và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo mà từ đó, người ta luôn luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây nam thành phố, “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” như người Huế thường miêu tả (…)

(Ai đã đặt tên cho dòng sông – Hoàng Phủ Ngọc Tường,

Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập một, NXB Giáo dục, 2009, tr. 179)

BÀI GIẢI GỢI Ý

PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5 ĐIỂM)

Câu I (2 ĐIỂM)

Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, đồng thời là tác gia lớn. Trong sáng tác, Hồ Chí Minh có phong cách nghệ thuật hết sức đa dạng, độc đáo, thể hiện trên các thể loại với những nét đặc sắc riêng.

- Văn chính luận của Người rất ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, dẫn chứng thuyết phục, giàu tính chiến đấu, đa dạng về bút pháp, về giọng điệu nhưng cũng rất giàu cảm xúc, tình cảm.

- Truyện và kí của Người rất hiện đại, thể hiện tính chiến đấu mạnh mẽ, sắc bén. Tác phẩm của Người luôn toát lên cái nhìn hóm hỉnh, nụ cười trào lộng nhẹ nhàng, giàu tình cảm nhưng vô cùng thâm thuý.

- Thơ ca thể hiện sâu sắc và tinh tế con người chiến sĩ và con người thi sĩ Hồ Chí Minh. Những bài thơ tuyên truyền cách mạng thì nhẹ nhàng mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ giàu màu sắc dân gian hiện đại nhưng cũng giàu tính triết lí khái quát, dễ đi sâu vào nhận thức, tình cảm của người đọc. Những bài thơ nghệ thuật giàu tính thẩm mĩ, kết hợp hài hoà giữa màu sắc cổ điển và bút pháp hiện đại.

- Tuy đa dạng và phong phú trong phong cách sáng tác, nhưng vẫn thống nhất ở tư duy thơ biểu hiện bằng hình tượng thơ luôn vận động về phía sự sống, ánh sáng và con người.

Câu II (3 ĐIỂM)

  1. Giải thích

+ Axít là một loại hoá chất ăn mòn.

+ Vô trách nhiệm là không muốn đảm đương bất cứ việc gì, với bất cứ ai và cả chính mình.

- Ý nghĩa; Phê phán lối sống vô trách nhiệm làm suy thoái xã hội; đề cao cách sống có trách nhiệm.

  1. Bình luận:

- Thế nào là Sống vô trách nhiệm ?

+ Đối với bản thân: Không tự nghiêm khắc để rèn luyện nhân cách; sống buông thả, sống hoài, sống phí.

+ Đối với gia đình: không dành tình thương và trách nhiệm cho hạnh phúc gia đình.

+ Đối với xã hội: không cống hiến để xã hội phồn vinh.

ð Lối sống này làm cho xã hội ngày càng suy thoái ở mọi mặt.

- Thế nào là sống có trách nhiệm ?

(Ngược lại với thói vô trách nhiệm)

- Nêu những dẫn chúng về con người lịch sử, con người xã hội,... đã sống một đời sống hữu ích.

ð Khẳng định giá trị con người khi sống có trách nhiệm.

ð Liên hệ bản thân, đề ra lối sống hữu ích và tuyên chiến với thói vô trách nhiệm.

PHẦN RIÊNG (5,0 ĐIỂM)

CÂU III.a. THEO CHƯƠNG TRÌNH CHUẨN (5,0 điểm)

Thí sinh có thể trình bày nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo những ý cơ bản sau đây.

I. Giới thiệu:

- Hàn Mặc Tử và Huy Cận là hai trong những thi sĩ nổi tiếng của phong trào “Thơ mới” (1932-1941) của Việt Nam. Cả hai đều mang nỗi buồn thế hệ.

- “Đây thôn Vĩ Da” và ‘Tràng giang” là những bài thơ thuộc hàng kiệt tác trong vườn “Thơ mới”.

- Hai chủ thể trữ tình trong hai đoạn thơ đều mang cái “tôi” bế tắc, cô đơn và tha thiết, khao khát hạnh phúc cuộc đời.

II. Nội dung

1. Cái “tôi” trữ tình trong đoạn thơ của Hàn Mặc Tử.

a. Cảm giác cô đơn vì chia cách

- Mượn hình ảnh thiên nhiên bộc lộ tâm trang.

+ Gió, mây như đôi bạn “tâm giao” của tạo vật luôn quấn quýt bên nhau, thế nhưng ở đây, “gió” ở đầu kia, còn mây tận cuối trời tạo một khoảng cách vời vợi.

+ gió, mây đứng bên nhau nhưng “Gió theo lối gió” còn “mây đường mây” như hai ốc đảo cô đơn.

+ Hình ảnh “ dòng nước buồn thiu” vì chứng kiến cảnh chia lìa và cô đơn của “gió, mây”.

ð Dòng nước “buồn thiu” kia, có ý nghĩa tượng trưng cho dòng đời tăm tối của xã hội Việt Nam trước cách mạng tháng Tám.

b. Niềm khao khát hạnh phúc cuộc đời

- Những hình ảnh: thuyền, bến sông, ánh trăng giàu ý nghĩa tượng trưng cho niềm khao khát hạnh phúc cuộc đời.

- Hình ảnh con thuyền “mô côi’ nằm trên bến khắc khoãi đợi chờ một “vầng trăng hạnh phúc”, đã gợi niềm tha thiết hướng đến hơi ấm tình người, tình đời và “ngôi vườn cuộc đời”.

==> “Đây thôn Vĩ Dạ” tuy có thấp thoáng bóng dáng của tình yêu lứa đôi qua giai thoại “bức bưu ảnh” của một tiểu thư xứ Huế gởi đến Hàn Mặc Tử và trở thành niềm cảm hứng cho sự xuất hiện của tuyệt tác thi ca này. Nhưng, đièu đáng quý, là Hàn Mặc Tử đã vượt qua những nỗi đau thân thế và tình riêng để hướng đến một tình yêu quê hương xứ sở.

2. Cái “tôi” trữ tình trong đoạn thơ của Huy Cận

a. Sự buồn lắng cô đơn trước thời khắc của ngày tàn.

- Hình ảnh thiên nhiên “Lớp lớp mây cao” ngỡ như tươi sáng nhưng thật sự “đùn” lại thành nặng nề, u ám.

- Cả buổi chiều nặng nề ấy như đè nặng trên cánh chim nhỏ, nhưng đó là “cánh chim” hiện thân của chủ thể trữ tình kiên quyết từ bỏ tràng giang u ám của cuộc đời, để tìm một chân trời mới.

b. Đau đáu một tình yêu thầm kín với quê hương, xứ sở.

- Hình ảnh con nước buồn “vời con nước” và mất luôn cả tín hiệu sự sống “không khói hoàng hôn”, càng làm cho nỗi buồn thêm thấm sâu.

- Đó là nỗi buồn của chủ thể trữ tình mang nặng “ nỗi nhớ nhà”- quê hương xứ sở trong cảnh nước mất nhà tan.

3, Đánh giá chung

- Đều mượn thiên nhiên để bộc lộ tâm trạng.

- Cả hai đều là những thi sĩ lãng mạn với cái tôi trữ tình hoang mang bế tắc trước dòng đời u ám.

- Tha thiết hướng đến hạnh phúc cuộc đời.

- Gởi gắm tình yêu thầm kín với quê hương, xứ sở.

- Ý thơ giàu tính nhân văn.

- Hồn thơ u uẩn mà tình thơ cao đẹp.

CÂU III.b. THEO CHƯƠNG TRÌNH NÂNG CAO (5,0 điểm)

Đề bài yêu cầu thí sinh trình bày cảm nhận của mình về hai đọan văn viết về hình ảnh dòng sông trong hai tác phẩm khác nhau. Mỗi thí sinh có thể có những cảm nhận, có cách trình bày riêng. Sau đây là một số gợi ý:

1) Hình ảnh sông Đà nhìn trong tổng thể dòng sông

a) Vẻ đẹp trữ tình của con sông.

_ Hình dáng mượt mà , đầy nữ tính thấp thóang ẩn hiện trong mây trời huyền ảo , diễm lệ của núi rừng Tây Bắc.

_ Màu sắc rất độc đáo và đặc sắc của con sông: con sông mỗi mùa có sắc màu riêng và rất khác biệt với màu sắc của những dòng sông khác. Màu xanh của nó là màu xanh ngọc bích, khác với màu xanh canh hến của sông Gâm, sông Lô. Màu đỏ của con sông là màu lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn, bực bội vào mỗi độ thu về. Đó là thứ màu sắc gợi cảm, đầy ấn tượng.

b) Cái tôi trữ tình của Nguyễn Tuân.

_ Đó là cái tôi nghệ sĩ, rung cảm với vẻ đẹp đầy màu sắc, óng ả của nước sông Đà. Nhà văn đã nhìn con sông bằng con mắt của một người họa sĩ.

_ Đó là cái tôi tài hoa, nhìn sự vật dưới góc độ thẩm mĩ. Sông Đà, cái sợi dây thừng ngoằn ngoèo trên đại dương đá, trở thành áng tóc trữ tình tuôn dài, tuôn dài của một người thiếu nữ thấp thóang trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa gạo, hoa ban và cuồn cuộn khói núi mèo đốt nương xuân.

_ Đó là cái tôi uyên bác biểu lộ qua sự phong phú về tri thức trước đối tượng miêu tả: sông Đà và núi rừng Tây Bắc.

2) Hình ảnh sông Hương trước khi chảy vào kinh hoành Huế

a) Vẻ đẹp đặc sắc của dòng sông: trữ tình trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ

_ Trữ tình ở màu sắc xanh thẳm của dòng sông, ở hình dáng mềm như tấm lụa, ở khung cảnh dòng sông nằm giữa những ngọn đồi tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời Tây Nam thành phố, sớm xanh, trưa vàng, chiều tím.

_ Khung cảnh hùng vĩ: sông Hương đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trảng giữa hai dải đồi sừng sững như thành quách, từ đó nhìn thấy những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé bằng con thoi.

b) Cái tôi lãng mạn, trữ tình của Hòang Phủ Ngọc Tường

_ Đó là cái tôi của một người nghệ sĩ rung cảm trước vẻ đẹp của sông Hương, con sông đã từ lâu gắn bó với nhà văn.

_ Đó là cái tôi tài hoa, say đắm với những cảm nhận tinh tế về vẻ đẹp của sông Hương.

_ Đó cũng là một cái tôi uyên bác với sự thấu hiểu phong phú về sông Hương. Chỉ trong một đoạn văn nhưng nhà văn đã bộc lộ được nhiều tri thức về con sông. Đúng như nhà văn đã thổ lộ: bài bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? được viết trong một thời gian ngắn nhưng nó là kết quả của mấy mươi năm nhà văn gắn bó với sông Hương.

3) Nhận xét, đánh giá chung

_ Hai đoạn văn, hai dòng sông trong hai tác phẩm của hai tác giả khác nhau.

_ Mỗi dòng sông có những vẻ đẹp cụ thể riêng ở hai vùng khác nhau của tổ quốc nhưng điều thể hiện vẻ đẹp của đất nước quê hương. Qua đó, thể hiện tình yêu tha thiết của hai tác giả đối với quê hương đất nước.

_ Hai tác giả đều có phong cách nghệ thuật độc đáo: tài hoa, uyên bác, thấm đẫm chất trữ tình lãng mạn; điều là những cây bút tài ba của thể văn bút kí Việt Nam hiện đại.

Nguyễn Đức Hùng

(Trường THPT Nguyễn Khuyến – TP.HCM)