Theo kết quả tốt nghiệp THPT năm nay, nhiều tỉnh phía Nam có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp môn Lịch sử rất thấp, thậm chí như An Giang chỉ có 48% số bài thi điểm trên trung bình. Vì sao có hiện tượng này?
Tại An Giang, chỉ có 48% bài thi môn Lịch sử đạt diểm trên trung bình so với 90% của năm ngoái. Thậm chí tại TPHCM, Lịch sử là môn thi có ít thí sinh đạt điểm trên trung bình nhất với tỷ lệ 65%. Chỉ có trên 60% số bài thi Lịch sử của thí sinh tỉnh Đồng Tháp đạt trên trung bình. Các môn Sử, Địa và tiếng Anh tại Kiên Giang đều có tỷ lệ dưới 50% điểm trung bình.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang cho biết điểm môn Sử tụt quá thấp khiến kết quả thi môn Sử tại An Giang thấp nhất trong cả nước. Chỉ trong ngày 17-6, đã có rất nhiều thí sinh nộp đơn xin phúc khảo tại Sở GD&ĐT tỉnh An Giang. Chiếm đa số trong đó là đơn xin phúc khảo môn Lịch sử.
Theo TS Hà Minh Hồng - Trưởng khoa Lịch sử trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TPHCM), có ba lý do giải thích cho việc này. Đầu tiên là tâm lý năm ngoái thi môn Sử rồi nên thí sinh có suy nghĩ năm nay không thi nữa. Điều này khiến giáo viên không tổ chức ôn tập cho học sinh và học sinh cũng xem thường không để ý học từ đầu năm.
Thứ hai, giữa Hướng dẫn chuẩn kiến thức kỹ năng và sách giáo khoa (SGK) có khoảng cách, không thống nhất. Thứ ba là quá trình học hành và ý thức của học sinh về Lịch sử đất nước càng ngày càng giảm và chỉ xem Lịch sử như một môn thuộc bài.
TS Hà Minh Hồng cũng cho biết: “Tôi không ủng hộ việc có cả chuẩn kiến thức và SGK cùng tồn tại. Chúng ta vẫn phải trung thành với SGK và phải làm cho SGK thật chuẩn chứ không phải hướng đến việc học theo bất kỳ sách chuẩn kiến thức nào.
Tôi vẫn giữ ý kiến như trước đây từng trả lời vớiphóng viênlà nên có hai bộ SGK. Một sách khai thác về các mẩu chuyện lịch sử, nên được xem là sách chính dùng để học vì sẽ tốt, gần gũi, phù hợp hơn. Một sách như SGK hiện nay khai thác tình tiết, lý luận, con số để nghiên cứu là chính.
Tại sao khi học Lịch sử từ cấp 1, học những câu chuyện lịch sử có thể nhớ đến tận bây giờ còn học lên THPT chỉ vừa học là quên ngay? Tâm lý ai cũng thích nghe chuyện kể cả. Và hai cuốn sách này cũng nên phụ họa cho nhau, không đối lập nhau. Đó chính là cái chuẩn!”.
((Theo Thanh Niên)