Tháng 4/2009, bộ Thông tin - Truyền thông cấp giấy phép phát triển mạng di động thế hệ thứ 3 (3G) cho 4 nhà mạng Việt Nam, gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone và EVN Telecom - HT Mobile. Đến tháng 10, VinaPhone khai cuộc trở thành mạng di động tiên phong cung cấp các dịch vụ trên nền 3G. Ngay sau đó, MobiFone cũng gia nhập cuộc chơi 3G, trong khi đó, Viettel đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm. “Lùm xùm” vụ Bkis tìm ra “thủ phạm tấn công tấn công DDOS vào Mỹ và Hàn Quốc” Vào đúng dịp kỷ niệm ngày Độc lập của Mỹ 4/7, một cuộc tấn công DDOS quy mô lớn đã diễn ra gây tê liệt nhiều website thuộc chính phủ Mỹ và Hàn Quốc. Mức độ nghiêm trọng của cuộc tấn công được thể hiện qua việc nó trở thành đề tài nóng trên các tờ báo khắp thế giới. Nhiều ngày sau khi nổ ra cuộc tấn công, các websiteở Mỹ và đặc biệt ở Hàn Quốc vẫn trong tình trạng “đông cứng”. Thông tin báo chí quốc tế cho thấy, các cơ quan an ninh mạng Hàn Quốc đã tỏ ra bất lực trong việc xác định thủ phạm và ngăn chặn cuộc tấn công. Bất ngờ, ngày 12/7, Trung tâm An ninh mạng Bách Khoa (BKIS) tuyên bố tìm ra nguồn gốc cuộc tấn công, gửi bản phân tích chi tiết sang Hàn Quốc. Thông tin gây chấn động giới công nghệ. Nhiều tờ báo Hàn Quốc và quốc tế khác đưa tin tìm ra một máy chủ của Anh là nơi “phát động” cuộc tấn công thông qua mã độc điều khiển. Sự việc bỗng trở nên phức tạp khi ngày 16/7, VNCERT gửi công văn tới Đại học Bách Khoa HN, đơn vị chủ quản của BKIS, cho rằng BKIS tiến hành chiếm quyền điều khiển các máy chủ ở nước ngoài là vi phạm luật pháp Việt Nam và quốc tế. Vụ việc dần đi vào “mớ bòng bong” bởi tính pháp lý không rõ ràng trong các cáo buộc, và những “lời qua tiếng lại” giữa BKIS và VNCERT. “Lùm xùm” kết thúc khi Bộ Thông tin và Truyền thông vào cuộc “phân xử”: Cả hai đều có thiếu sót trong cách ứng xử cũng như thông tin. Đọng lại là những bài học cho cả VNCERT, BKIS và những người quan sát.
Windows 7, Chrome OS đối đầu Ngày 22/10, giám đốc điều hành Microsoft Steve Ballmer đã đăng đàn trên một sân khấu ở New York để mở màn cho chiến dịch ra mắt Windows 7 trên toàn thế giới. Microsoft ra sức quảng bá Windows 7 như là một hệ điều hành đột phá, nhanh hơn và đơn giản hơn các phiên bản trước. Hệ điều hành này được coi là nỗ lực của Microsoft nhằm xóa đi “bóng ma” thất bại Vista. Windows 7 ra mắt trong bối cảnh các hệ điều hành của Apple đang ngày càng “tăng điểm” trong mắt người tiêu dùng, cụ thể ở thời điểm đó là Snow Leopard. Trong khi đó, Google bất ngờ gia nhập thị trường hệ điều hành dành cho máy tính với Chrome OS. Dù phải đến năm sau mới ra mắt nhưng những hình ảnh mới được công bố trong buổi họp báo ra mắt mới đây nhất của Google khiến cho giới công nghệ không khỏi xôn xao. Tuy nhiên, việc xây dựng một hệ điều hành dựa trên mô hình “điện toán đám mây”, với hầu hết các ứng dụng trực tuyến khiến người dùng không khỏi thắc mắc: Điều gì sẽ xảy ra nếu máy tính sử dụng Chrome OS không được kết nối Internet? Phải chăng để sử dụng Chrome OS, máy tính luôn ở trạng thái kết nối?” Cuộc chiến giữa Microsoft và Google sẽ tiếp tục cam go trong năm tới. Cuối cùng, những gì mà Microsoft và Yahoo đạt được vẫn chưa đạt tầm một vụ sáp nhập, nhưng bản thỏa thuận hợp tác cũng đã là một bước chuyển biến về cơ bản của hai cái tên huyền thoại trong lĩnh vực tìm kiếm Internet. Một năm rưỡi sau khi Microsoft đưa ra lời đề nghị “bom tấn” trị giá 44,6 tỷ USD để mua lại Yahoo nhưng bị khước từ, hai hãng đã quay lại bàn đàm phán. Bản thỏa thuận hợp tác được công bố sau đó được giới công nghệ mô tả là đòn bẩy để hai hãng chống lại thế thống trị của Google. Hai hãng đã đồng ý để công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft vận hành tìm kiếm trên website của Yahoo. Đổi lại, Yahoo sẽ bán quảng cáo tìm kiếm mang và lợi nhuận sẽ được chia cho cả hai hãng. Bản thỏa thuận đã loại bỏ áp lực duy trì công cụ tìm kiếm, giúp bà Carol Bartz, người tiếp quản cương vị giám đốc điều hành từ tay nhà sáng lập Jerry Yang, trút bớt gánh nặng tài chính trong mục tiêu chèo lái con tàu Yahoo thoát khỏi nguy cơ phá sản. Social Network và Social Media lên ngôi Hai khái niệm trên hiện vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng đã có một bước tiến dài trong những năm gần đây trên thế giới, đặc biệt trong năm 2009. Các mạng xã hội như Facebook hay Twitter khuấy đảo thế giới công nghệ trong suốt năm vừa qua khi lượng người sử dụng tăng mạnh. Sự lên ngôi của các mạng xã hội đã kéo theo những xu thế truyền thông mới, được gọi chung là Social Media (tạm dịch là “truyền thông xã hội”), đứng bên cạnh bổ sung hoặc thậm chí đe dọa các mô hình truyền thông truyền thống. Các mạng xã hội cũng là nơi sức mạnh Web 2.0 thể hiện rõ ràng nhất, mang lại nhiều sức mạnh cũng như sự tiện lợi cho người sử dụng web. Smartphone lên ngôi với “bom tấn” Android
Google Android bắt đầu thách thức các nền tảng di động vốn đã chiếm giữ phần lớn thị trường di động. Bằng những “bom tấn” HTC Hero, Motorola Droid, hệ điều hành Android đang trở thành tâm điểm chú ý của ngành công nghiệp di động. Nhìn lại chặng đường “lội ngược dòng” của Android để thấy sức “công phá” của nền tảng mã mở này. Đầu năm 2009, mới chỉ có duy nhất một chiếc điện thoại sử dụng hệ điều hành này ra đời, đó là T-Mobile G1. Đến cuối năm, nền tảng di động của Google đã trở thành chủ đề được nhắc đến nhiều nhất trên thị trường di động. Giới phân tích còn dự đoán, smartphone sử dụng nền tảng Android sẽ phát triển mạnh mẽ nhất trong năm 2010. Hãng khảo sát thị trường Informa Telecoms & Media dự đoán đến năm 2012, doanh số điện thoại Android sẽ vượt doanh số smartphone của Apple. Sau khi Motorola lập kỳ tích với điện thoại Droid, Samsung gia nhập thị trường này với hai điện thoại Behold I, Behold II Dù Android đang “lên như diều gặp gió” nhưng thông tin Google chuẩn bị trình làng điện thoại Android mang tên hãng đang khiến giới công nghệ dự đoán Nexus One sẽ đặt dấu chấm hết cho nền tảng di động này. Liệu Google có làm phật lòng các đối tác sản xuất điện thoại? Liệu Nexus có giúp hãng giành được một vị thế tốt trên thị trường smartphone? Thời của “hai mang”
Trong khi Acer và Dell - hai hãng sản xuất máy tính lớn thứ 2 và 3 trên thế giới - đã gia nhập thị trường điện thoại thông minh với một loạt sản phẩm mới thì hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới Nokia muốn khẳng định tên tuổi của mình trên thị trường máy tính với netbook Booklet 3G (ra mắt cuối năm 2008). Acer chạy đua vào “lãnh địa” vốn đang thuộc tầm kiểm soát của Apple iPhone với các phiên bản điện thoại cảm ứng, gồm F900, M900, X960 và DX900. Trong khi đó, Dell không kém cạnh với điện thoại cảm ứng Mini 3.
Điện thoại cảm ứng không dùng bàn phím chạy hệ điều hành Google Android của Dell sẽ đến Trung Quốc đầu tiên - mở đầu cho cuộc tiến quân vào thị tường di động. TV 3D rậm rịch lên ngôi Một cuộc khảo sát của Hiệp hội thiết bị gia dụng nhận thấy 50% người dùng sẵn sàng chi thêm tiền để có thêm chức năng 3 chiều (3D) cho TV. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi các hãng sản xuất HDTV đang chen chân hỗ trợ TV 3D. Tuy vậy, các hãng sản xuất đang gặp khó khăn khi thuyết phục người dùng xem TV 3D bằng một cặp kính chuyên dụng với giá 50 USD/chiếc. Giới phân tích dự đoán, trong vài năm tới, TV 3D sẽ lên ngôi, trở thành thiết bị giải trí gia đình. Panasonic và Sony đã tung ra những chiếc TV 3D đầu tiên dành cho gia đình có khả năng hỗ trợ HDTV và đầu Blu-ray. Trong khi đó, trên thị trường máy tính, Acer và Asus đã tung ra chiếc laptop đầu tiên được trang bị màn hình LCD 3D - Acer Aspire 5738D và ASUS G51J 3D. Nhóm PV Sức mạnh số