Trong những ngày đầu xuân, “cụ” rùa Hồ Gươm là vấn đề nóng ran trên báo chí, diễn đàn. Mỗi khi “cụ” nổi, thông thường người ta lại gán với một hiện tượng linh thiêng nào đó. Nhưng giờ ngày nào “cụ” cũng nổi, dù chẳng có sự kiện gì, thì người ta mới tá hỏa: “Cụ” đang bệnh trọng! Mạng sống của “cụ” đang bị đe dọa với những vết thương, vết lở loét ngày một lan rộng.
Nhân dịp cả nước đang lo lắng dõi theo tình hình sức khỏe “cụ” rùa, xin đưa ra vài lời tranh luận về những điều còn chưa rõ ràng quanh “cụ” rùa Hồ Gươm, nhằm có một cái nhìn nhiều chiều, thấu đáo, để chúng ta hiểu hơn nữa và trân trọng, yêu quý hơn nữa “cụ” rùa – linh vật sống của dân tộc Việt.
PGS. Hà Đình Đức đang nghiên cứu rùa. Ảnh: PGS Đức cung cấp.
Tôi cứ nhớ mãi cái lần đầu tiên ngồi trong căn phòng bừa bộn toàn sách trên tầng 2 căn phòng nhỏ của PGS.TS. Hà Đình Đức, còn được gọi là “giáo sư rùa”, trò chuyện với ông về rùa Hồ Gươm. Thi thoảng, tôi lại lỡ miệng gọi cụ rùa là “rùa”, là “con”… lập tức bị ông nhắc nhở là nói trống không, thiếu tôn trọng. PGS. Hà Đình Đức lý sự thế này: “Tôi từng này tuổi còn phải gọi “cụ” rùa bằng “cụ”, anh có ba chục tuổi đầu mà gọi “cụ” là con thì khó nghe lắm”. Những lần sau, khi nói chuyện với ông Đức, cứ phải kính cẩn gọi “cụ” rùa Hồ Gươm bằng “cụ”, dù “cụ” chẳng phải loài người. Như thế, PGS. Hà Đình Đức vui lắm, tiếp chuyện rôm rả.
Thi thoảng, tôi trộm nghĩ, nếu loài vật mà nhiều tuổi hơn mình, mình phải gọi bằng anh, bằng chị, bằng chú, bằng bác, hay bằng cụ nếu nó bằng tuổi cụ mình, thì quả là ngớ ngẩn. Nhưng với rùa Hồ Gươm, cả nước, từ cháu bé bi bô biết nói đến cụ già tóc bạc, từ cô công nhân quét rác ven hồ đến quan chức lớn, đều đã kính cẩn gọi rùa Hồ Gươm bằng “cụ” cả rồi. Việc gọi rùa Hồ Gươm bằng “cụ”, cũng có cái lý của PGS. Hà Đình Đức, vì rùa Hồ Gươm vốn gắn với truyền thuyết trả kiếm báu của vua Lê Lợi. Hồ Gươm và rùa đã thành những thứ linh thiêng, là hồn cốt của đất nước, nên việc gọi rùa Hồ Gươm bằng “cụ” đã nhận được sự hưởng ứng toàn diện.
Tiêu bản rùa Hồ Gươm trong đền Ngọc Sơn.
Nhưng từ ngày tìm hiểu về rùa khổng lồ, cho đến khi gặp PGS. Đức, tôi cứ lăn tăn mãi, rằng không hiểu “cụ” rùa Hồ Gươm là rùa, là giải, giải Thượng Hải, hay là ba ba khổng lồ?
Riêng PGS. Hà Đình Đức thì khẳng định “cụ” rùa Hồ Gươm là một loài mới hoàn toàn. Để chứng minh cho quan điểm của mình, ông đã sang tận Trung Quốc nghiên cứu về giải Thượng Hải, trao đổi với các nhà khoa học khắp thế giới, để tìm ra mọi điểm khác biệt, để chứng minh rùa Hồ Gươm không phải giải Thượng Hải. Vì theo quan điểm của ông, rùa Hồ Gươm là loài mới, nên ông đặt tên khoa học là Rafetus leloii, tức Rùa Lê Lợi.
Cụ Rùa duy nhất còn sống
Ông Đức đã chụp sọ giải Thượng Hải rất nhiều, rồi so sánh với sọ rùa Hồ Gươm bảo tồn trong chùa Hưng Ký và ông phân tích hai cái sọ khác nhau thế này: cái tù, cái nhọn; cái ổ mắt bầu dục, cái ổ mắt tròn; tỷ lệ ổ mắt so với sọ khác nhau; xương chẩm cái như thìa, cái gờ nhỏ; phía hàm dưới cái gần hình thang, cái nhọn; hình thái của mai cũng khác nhau...
Ảnh so sánh sọ rùa Hồ Gươm và giải Thượng Hải. Ảnh: PGS. Hà Đình Đức.
Ngoài ra, thông tin chắc chắn nhất mà ông Đức đưa ra, để chứng mình rùa Hồ Gươm là rùa Lê Lợi chứ không phải giải Thượng Hải: Cuối năm 2004, Viện Công nghệ Sinh học đã xét nghiệm AND để so sánh rùa hồ Gươm với các loài rùa khác và kết luận “rùa hồ Gươm là một loài rùa mới, thuộc dòng rùa mai mềm nước ngọt khổng lồ”.
Trong số hàng trăm GS, TS, chuyên gia rùa hàng đầu thế giới, cũng có một số nhà nghiên cứu ủng hộ quan điểm của PGS. Hà Đình Đức, như TS. Peter Maylan (Đại học Eckerd), GS. Kraig Adler (Đại học Cornell - Mỹ). Hai nhà khoa học này đã đồng ý với quan điểm của ông Đức rằng rùa Hồ Gươm thuộc loài rùa mai mềm nước ngọt khổng lồ, loài thứ 5 có ở Việt Nam và cũng là loài thứ 23 trên thế giới.
Cụ Rùa dưới chân Tháp Rùa
Ở trong nước, cũng có một số nhà nghiên cứu như Lê Trần Bình, Phan Minh Tuấn và Lê Quang Huấn, thuộc Viện Công nghệ sinh học (ĐHQG HN) khẳng định, rùa hồ Gươm thuộc loài rùa lớn mai mềm nước ngọt ở Việt Nam, được phân bố tại nhiều điểm khác nhau trên sông Hồng, sông Mã, sông Đà... thuộc miền Bắc và chưa từng được nghiên cứu phân loại.
Vì không chấp nhận quan điểm rùa Hồ Gươm là giải Thượng Hải, nên mới đây, ông đã từ chối cung cấp tư liệu, hình ảnh mới nhất về “cụ” rùa cho một chuyên gia nước ngoài, khi vị chuyên gia này liên hệ với ông. Vị chuyên gia này rất cần tài liệu về rùa Hồ Gươm để trình bày tại một hội thảo ở Singapore. Ông Đức từ chối là vì chuyên gia này từng tuyên bố “cụ” rùa Hồ Gươm là
giải Rafetus Swinhoei ở Thượng Hải.
Thậm chí, tại Hội nghị toàn quốc khoa học sự sống diễn ra mới đây, PGS. Hà Đình Đức đã đề nghị Sách đỏ Việt Nam không nên gọi “cụ” rùa Hồ Gươm là con giải, để tránh việc hiểu lầm rùa Hồ Gươm với giải Thượng Hải và giải nơi khác.
Rùa Đồng Mô
Tóm lại, PGS. Đức sống chết khẳng định cụ rùa của chúng ta không phải là loài Rafetus Swinhoei, hay còn gọi là giải Thượng Hải. Dù gì đi nữa, cũng phải công nhận, ông Đức là người quá yêu “cụ” rùa. Chẳng thế mà, ông đã bỏ ra 20 năm trời nghiên cứu, bảo vệ “cụ” rùa của chúng ta, mà không cầu bất cứ lợi lộc gì.
Còn ý kiến các nhà khoa học trong và ngoài nước thì thế nào? Liệu “cụ” rùa đáng kính và đáng mến của chúng ta có phải là một loài mới hoàn toàn, chưa từng được biết đến trong bộ sưu tập rùa, giải của thế giới?