Ấn tượng của anh/chị như thế nào khi đọc truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam?

Là một nghệ sĩ có tâm hồn lãng mạn, Thạch Lam yêu cái đẹp, hướng tới cái đẹp. Ấn tượng của anh/chị như thế nào khi đọc truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam?


Trả lời 9 năm trước
Văn chương là nghệ thuật của ngôn từ và mỗi nhà văn lớn đều là những nghệ sĩ bậc thầy về tiếng nói. Khác với ngôn ngữ không có tính nghệ thuật, chỉ nhằm mục đích chủ yếu là thông tin, truyền đạt một điều gì đó chính xác, nội dung được giới hạn chặt chẽ. Ngôn ngữ nghệ thuật bao giờ cũng tìm cách truyền các quan điểm của nghệ sĩ vào đối tượng được miêu tả, truyền vào đấy một lối nhìn sự vật, cách nhận thức và cảm quan về thế giới của nhà văn, nói cách khác là ngôn ngữ mang dấu ấn của cá tính và phong cách nghệ sĩ. Xuất hiện trên văn đàn cùng thời với rất nhiều nhà văn khác, Thạch Lam mang một dấu ấn rất riêng. Không trào lộng như Vũ Trọng Phụng, không hài hước như Nguyễn Công Hoan, không triết lý như Nam Cao. Thạch Lam nhẹ nhàng và tinh tế. Ngôn ngữ và giọng điệu trữ tình cũng vì thế là đặc trưng cơ bản của truyện ngắn Thạch Lam. Mỗi truyện ngắn của ông như một bài thơ về những cuộc đời, những thân phận nhỏ bé, côi cút và bất hạnh, gợi sự thương cảm, xót xa sâu sắc của tình người. Giản dị mà sâu sắc, chứa chan tình nhân ái, Thạch Lam hướng người đọc tới sự thanh cao của cái đẹp, cái thiện. Ông luôn đi sâu vào khám phá đời sống tâm linh của nhân vật bằng một ngòi bút rất tinh tế, rất hiểu sự đời - đó là những vẻ đẹp lẩn khuất bên trong tâm hồn con người: tình thương, sự cảm thông, lòng vị tha giữa người với người, giữa người với vật. Thật cảm động trước tình thương mà bọn trẻ dành cho lũ chim non trong cơn giông tố, sự sám hối bởi một phút giận dữ đã gây bất hạnh cho một con người, sự cảm thông với số phận nghèo khổ của những tấm lòng cao cả, những tâm hồn trong sáng, hồn nhiên của những em bé nghèo nơi phố huyện… những con người nhỏ bé, bình thường ấy bỗng vút cao trong tác phẩm Thạch Lam, gợi sự ám ảnh về nhân cách và tình người cao cả. Ngôn ngữ truyện ngắn Thạch Lam là lối ngôn ngữ dư ba, có sức đọng lớn: “…Tôi ngạc nhiên tự hỏi sao mình hãy còn là người lương thiện, không phải là kẻ ăn cắp, cái đó cũng không khiến tôi lấy làm ngạc nhiên hơn. Mà còn là người lương thiện, tôi tự thấy mình cũng chẳng có gì là đáng khen. Tôi nhớ rõ lúc đó không một ý nghĩ nào về danh dự, về điều phải, điều trái ngăn cản tôi, và khiến tôi đi vào con đường ngay, như người ta vẫn nói. Không, không có một chút gì như thế. Cái gì đã giữ tôi lại? Tôi không biết… có lẽ chỉ có lời nói không đâu, một cử chỉ nào đấy, về phía này hay phía kia, đã khiến tôi có ăn cắp hay không ăn cắp. Chỉ một sợi tóc nhỏ, một chút gì đó, chia địa giới hai bên…” (Sợi tóc) “Bà Cả hình như không nghe thấy gì nữa. Mắt bà đờ ra như đang theo đuổi một ước vọng xa xôi, bà đang nghĩ rằng không bao giờ bà biết được những nỗi lo sợ ấy, bởi không bao giờ bà được bồng đứa con trên tay, nâng niu ấp ủ một cái mầm sống trong lòng. Không bao giờ… giá bà đánh đổi tất cả của cải để lấy đứa con…” (Đứa con). “… Hình như có những cái lẽ tối tăm làm cho nàng sợ hãi, không dám nhận lời. Liên lờ mờ thấy rằng nàng không đủ can dảm làm một việc như thế, không đủ quả quyết với mình để chống lại những cái cay nghiệt gây nên xung quanh nàng. Không phải vì nàng quyến luyến đứa con lên sáu: nàng không yêu nó vì nó xấc láo như bố. Nhưng bỏ chồng bỏ con để lấy Tâm, để được sung sướng riêng lấy mình nàng, Liên cho như là một sự việc không bao giờ có thể làm được.” (Một đời người) Thạch Lam không gân guốc, không đao to búa lớn mà luôn thâm trầm kín đáo. Và đằng sau những dòng chữ lặng lẽ ấy là bao nhiêu những dằn vặt của sự thức tỉnh nhân cách con người. Mỗi người ai rồi cũng sẽ có tình huống phải lựa chọn, những phút giây chống chếnh bên bờ vực của sự sa ngã nhân cách. Nếu không sáng suốt và bản lĩnh để chiến thắng người ta sẽ ngã, sẽ tự đánh mất mình. Truyện ngắn Thạch Lam với những lời văn nhẹ nhàng và kín đáo, như những khúc tâm tình giúp người ta sáng suốt để lựa chọn cho mình lối đi đẹp nhất cho cuộc đời. Thuở sinh thời, Thạch Lam luôn tâm niệm: “Văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên…, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn.” (Theo dòng)