Xuân Diệu là “mới nhất trong các nhà thơ mới"?

Chứng minh quan điểm Xuân Diệu là “ nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới"?

An Khoi
An Khoi
Trả lời 9 năm trước

Xuân Diệu-nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới.
I, Cuộc đời
_ 1916: sinh ngày 2 tháng 2 (29 tháng giêng Bính thìn) tại quê má (bà Nguyễn Thị Hiệp) ở Vạn Gò Bồi, xã Tùng Giản, huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định.
Thuở nhỏ học chữ Hán và Quốc ngữ với cha là Ngô Xuân Thọ, đỗ tú tài kép Hán học, vốn quê xã Chảo Nha (nay là Đại Lộc), huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

_1927: Vào học trường Cao đẳng tiểu học Quy Nhơn, được cấp học bổng và nội trú tại trường.

_1933: Bài thơ sáng tác đầu tay, sau này (1938) mới in vào Thơ thơ: Bài thơ tuổi nhỏ (1933).

_1934: Mùa hè, đỗ bằng “Đíplôm” (thành chung) tại trường Quy Nhơn.

_1935 -1936: Ra học tú tài phần thứ nhất tại trường trung hcoj Bảo hộ Hà Nội. Bài thơ đầu tiên được in là bài Với bàn tay ấy trên báo Phong hóa (1938): Yêu, “Vì sao”, Biệt ly êm ái, với bàn tay ấy…

_1936-1937: Vào học tú tài phần thứ hai tại trường Trung học Khải Định Huế.
Tại đây, gặp Huy Cận (1936) và hai người kết nghĩa với nhau cho đến cuối đời.
Thế Lữ viết bài giới thiệu Một nhà thi sĩ mới: Xuân Diệu in trên báo Ngày nay số Tết 1937.

_1938-1940: Ra Hà Nội sống chung với Huy Cận ở gác 40 Hàng Than, ghi tên học luật và dạy ở trường tư thục Thăng Long (do Hoàng Minh Giám làm giám đốc).
Tháng 12 năm 1938 xuất bản tập thơ đầu Thơ thơ với tựa của Thế Lữ và trình bày mỹ thuật của Lương Xuân Nhị.

_1939, cùng với Huy Cận tự tái bản Thơ thơ (nhà xuất bản” Huy Xuân”) và xuất bản tập truyện ngắn Phấn thông vàng (nhà xuất bản Ngày nay).
Đầu 1940, thi đậu vào ngành tham tá thương chính và được bổ nhiệm vào Sở Đoan Mỹ Tho.

_ 1940-1943: Tham tá Sở Đoan Mỹ Tho.

_ 1943: Thôi việc ở Mỹ Tho, ra Hà Hà Nội sống với Huy Cận (đã tôt nghiệp kỹ sư canh nông 1943).Tham gia Việt Minh bí mật cùng với Huy Cận.

_ 1945: + Xuất bản tâp thơ văn xuôi Trường ca và tập thơ thứ hai Gửi hương cho gió (nhà xuất bản Thời đại).
+ Tháng 2 năm 1945, làm cuộc diễn thuyết đầu tiên về đề tài Sinh viên với quốc văn do Tổng hội sinh viên Việt Nam tổ chức. Về sau được xuất bản với tên đề mở rộng: Thanh niên với quốc văn.
+ 1944-1945, cùng với thơ có một loạt bài bút ký, tiểu luận lên án thứ văn thơ ủy mị, trụy lạc, ca ngợi ”nàng tiên nâu” in trên tuần báo Thanh niên, cơ quan của phong trào thanh niên Dân chủ Sài Gòn, do Huỳnh Tấn Phát làm chủ nhiệm.
+ Tháng Tám 1945, tham gia Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền tại Hà Nội. Hăng hái tham gia các hoạt động lên án bọn Việt cách, Việt quốc chông phá chính quyền cách mạng, và làm nhiều bài thơ đả kích mạnh mẽ bọn này: Tổng bất … Đình công, Một cuộc” biểu tình”, Vịnh cái cờ…
+ Xuất bản tập tráng ca Ngọn quốc kỳ ca ngợi cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc.

_ 1946: + Xuất bản tập tráng ca Hội nghị non sông, ca ngợi Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
+ Được bầu là Đại biểu Quốc hội khóa I (1946-1960).
+ Tháng 5-1946, được chọn làm thanh niên trong đoàn đại biểu của chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa do chủ tịch Hồ Chí Minh làm chủ đoàn sang Pháp hội đàm. Trong chuyến đi này có ghé thăm một tiểu đoàn lính Việt Nam đóng ở Tây Đức. Sau đó, in thiên phóng sự dài Từ trường bay đến trường bay trên báo Cứu quốc và xuất bản tập ký bút Việt Nam nghìn dặm phản ánh phong trào đấu tranh yêu nước của Việt kiều, lính chiến và lính thợ, từ 1940-1946.

_1946: + Tháng 12, kháng chiến toàn quóc bùng nổ, lên chiên khu Việt Bắc, công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam (1946-1947), phụ trách mỗi tuần một Câu chuyện văn hóa trên Đài, về sau tập hợp in thành tập Việt Nam trở dạ (1948).

_ 1948: Được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam. Tham gia Ban biên tập tạp chí Văn nghệ cơ quan của Hội- từ những số đầu tiên. Giữ mục Tiếng thơ trên tạp chí, giới thiệu phong trào sáng tác thơ ca của bộ đội và quần chúng; về sau tập hợp thành tập Tiêng thơ (1951).

_ 1949: + Được kết nạp vào Đảng Công sản Việt Nam do Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi giới thiệu.
+ Tham gia các đợt phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất ở Nghệ An và Thanh Hóa. Sau đó xuất bản tập thơ về đề tài này (Mẹ con, 1954).
+ Bắt đầu những cuộc bình thơ trong công chúng, cho đến cuối đời đã thực hiện được khoảng 500 cuộc.

_ 1954: + Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, về tiếp quản Hà Nội. Từ 1954 đến cuối đời, sống và làm việc ở Hà Nội.
+ Tập thơ Ngôi sao được giải thưởng văn nghệ 1954-1955
+ Ủy viên chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa 1,2,3 (1957-1985)

_ 1956: Đi thăm Liên Xô và Hunggari. Xuất bản tập ký sự thăm nước Hung (1956).

_ 1958: + Trong Đoàn đại biểu nhà văn Việt Nam dự Hội nghị trù bị các nhà văn Á Châu ở Niu Đêli, thăm Ấn Độ hai tháng, bắt đầu dịch và giợi thiệu thơ R.Tago.
+ Viết một loạt bài tiểu luận ứng chiến lên án nhóm phá hoại Nhân văn - Giai phẩm và in thành tập Những bước đường tư tưởng của tôi (1958).
+ Là diễn giả tại lễ kỉ niệm 138 năm ngày mất thi hào dân tộc Nguyễn Du và cũng là thời điểm mở đầu một loạt các công trình nghiên cứu về các nhà thơ lớn truyền thống của dân tộc .

_ 1961: Xuất bản tập tiểu luận kinh nghiệm sáng tác trò chuyện với các bạn làm thơ trẻ.
Bên cạnh thơ về hai đề tài lớn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và đấu tranh chống thông nhất nước nhà, tiếp tục làm nhiều thơ về đề tài tình yêu ; xuất bản tập trung trong phẩm Cầm tay (tập Mũi Cà Mau, với Cầm tay, 1962).

_ 1975: Trở lại miềm Nam ngay sau khi đất nước hoàn toàn được giải phóng. Thăm lại quê má Bình Định, Sài Gòn, Mỹ tho, Cà Mau, Plâycu… sau hơn ba mươi năm xa cách .

_1980: Dự và phát biểu tại Hội nghị các nhà văn thế giới bảo vệ hòa bình lần thứ hai ở Xôphia. Bắt đầu dịch và giới thiệu Các nhà thơ Bun-ga-ri (S. Ptôphi, C. Bôtép, E. Bagriana, B. Đimitrôva…)

_ 1981: Được mời sang Pháp nói chuyện về thơ Việt Nam tại các trường đại học Pari VII, Nixơ, Xoócbon.

_ 1982: Dự lễ mừng thọ nhà thơ dân tộc Cuba Nicôlai Ghiden bẩy mươi tuổi tại La Havana, dịch và giới thiệu tập thơ Nicôlai Ghiden (1982).

_ 1983: Được Viện Hàn lâm nghệ thuật công hòa dân chủ Đức bầu làm Viện sĩ thông tấn.
Xuất bản Tuyển tập Xuân Diệu: tập I -thơ

_ 1985: +Tham gia đoàn đại biểu Việt Nam dụ tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Liên Xô
+ Thăm miền Nam lần cuối cùng.
+ Từ trần lúc 19 giờ 45 phút ngày 18 tháng 12 năm1985 (mồng 7 tháng 1 Ất sửu) sau một cơn đau tim đột ngột, tại Hà Nội. Được Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, an táng tại nghĩa trang Văn Điển, nay đã cải táng về nghĩ trang Mai dịch.

+ Bài tham luận Sự uyên bác với việc làm thơ (tác phẩm công phu cuối cùng) được công bố tại Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ III (sáng sớm 19 tháng 12 năm 1985), sau đó in toàn văn lần đầu tiên trên Tạp trí Văn học.
II/Thơ văn và con người
Thế Lữ đã từng nhận xét về Xuân Diệu: "Một tâm hồn đằm thắm và rất dễ cảm xúc". Sinh ra và lớn lên ở quê mẹ, sống giữa thiên nhiên phóng khoáng với những ngọn gió nồm và những con sóng biển đã tác động đến hồn thơ nồng nàn, sôi nổi của ông. Phải sống trong hoàn cảnh éo le, ông là con vợ lẽ, phải xa mẹ từ nhỏ và thường bị hắt hủi. Vì thế, thơ ông luôn thể hiện tâm hồn khao khát tri âm, khao khát giao cảm với đời một cách mãnh liệt và da diết. Đúng như ý kiến của một nhà phê bình đã đánh giá: "Xuân Diệu là nhà thơ của niềm khát khao giao cảm với đời".

Về quá trình đào tạo: Một mặt, ông tiếp thu, học hỏi văn hóa phương Đông từ người cha là một nhà nho, tìm về vốn tri thức cổ, văn hóa truyền thống một cách tích cực. Mặt khác, Xuân Diệu là một trí thức Tây học, đã hấp thụ ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, đặc biệt là Pháp và các nhà văn thuộc trường phái tượng trưng một cách có hệ thống. Vì thế có thể tìm thấy ở nhà thơ sự kết hợp hai yếu tố cổ điển và hiện đại, Đông và Tây trong tư tưởng và tình cảm thẩm mỹ. Trong đó yếu tố Tây học, hiện tại ảnh hưởng sâu đậm hơn.

Xuân Diệu là một tài năng nhiều mặt: làm thơ, viết văn, nghiên cứu phê bình văn học, dịch thuật. Đặc biệt, ông nổi tiếng là một nhà thơ xuất sắc với mười lăm tập thơ. Đối với Xuân Diệu, làm thơ, văn không chỉ để khẳng định tài năng mà còn là một cách giao cảm với đời, khẳng định sự hiện hữu của mình trong cuộc đời.
Xuân Diệu là một con người có tinh thần lao động nghệ thuật đầy đam mê và bền bỉ ngay từ thuở nhỏ "cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong - Ông đồ Nghệ đeo khăn gói đỏ". Xuân Diệu trước hết học được ở cha - ông đồ Nghệ đức tính cần cù, kiên nhẫn trong học tập, rèn luyện tài năng và lao động nghệ thuật. ở Xuân Diệu, học tập, rèn luyện và lao động sáng tạo vừa là một quyết tâm khắc khổ, vừa là một lẽ sống, một niềm say mê lớn.


Lao động nghệ thuật suốt hơn một nửa thế kỷ, Xuân Diệu đã để lại cho đời một sự nghiệp văn học xuất sắc. Là một con người tài năng nhiều mặt, ở lĩnh vực nào Xuân Diệu cũng có những đóng góp lớn nhưng nói đến Xuân Diệu trước hết phải nói đến một nhà thơ, một cây đại thụ của thơ ca hiện đại Việt Nam. Sự nghiệp sáng tác thơ của Xuân Diệu có thể chia làm hai giai đoạn: Trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945.

Trước Cách mạng tháng Tám 1945, Xuân Diệu được xem là nhà thơ lãng mạn tiêu biểu của phong trào. Thơ mới với hai tập thơ xuất sắc Thơ thơ (1938) và Gửi hương cho gió (1945). Xuân Diệu đã đem đến Thơ mới nguồn cảm hứng mới lạ của một hồn thơ sôi nổi, thiết tha yêu đời, thể hiện niềm khát khao giao cảm tận độ với cuộc đời bằng một cái tôi cá thể ý thức thật rõ giá trị của bản thân trước thế giới.

Nhà thơ bộc lộ niềm khát khao giao cảm nồng cháy, cuồng say trước cuộc đời, bắt nguồn từ quan niệm sống tích cực của cái tôi cá nhân cá thể ý thức sự hiện hữu của bản thân trong cuộc đời và khát khao sống cháy sáng.

Xuân Diệu không muốn hòa lẫn cái tôi của mình vào biển đời mờ mờ nhân ảnh mà khẳng định mình là đỉnh Hi Mã Lạp sơn, "là một, là riêng, là thứ nhất":
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm
Trong khi các nhà thơ mới khác đối lập cái tôi của mình với cuộc đời như tìm đến chốn bồng lai tiên cảnh như Thế Lữ, tìm về chốn quê như Đoàn Văn Cừ thì Xuân Diệu hòa lẫn cái tôi của mình vào cuộc đời trần thế, yêu đời tận tưởng đắm say cuộc đời.

Xuân Diệu là nhà thơ của mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ. Thơ Xuân Diệu luôn thể hiện lòng yêu đời, ham sống đến cuồng nhiệt, niềm khát khao chiếm lĩnh và hưởng thụ những giá trị tươi đẹp của cuộc sống. Cái tôi Xuân Diệu được giải phóng khỏi ước lệ phi ngã cổ điển, nhìn đời bằng cái nhìn xanh non, biếc trời, đầy trẻ trung. Thiên nhiên và con người mang sức trẻ tình tứ sâu sắc, một thế giới xuân đời ngồn ngột hương sắc, tinh vi huyền diệu:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si.
(Vội vàng)

Thơ ca trung đại, tình gắn với nghĩa. Một số nhà thơ như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương nói được tình yêu cả về tinh thần và thể xác nhưng chỉ đến Xuân Diệu, khát vọng về tình yêu mới được thể hiện thành thục và mãnh liệt nhất, đem đến đương thời những ý tưởng mới mẻ và táo bạo.

Trong thơ Xuân Diệu, cảm thức thời gian được bắt nguồn từ quan điểm nhân sinh mới mẻ. Xuân Diệu với tâm hồn nhạy bén ý thức được sự chảy trôi của thời gian một đi không trở lại nên luôn mang trong mình nỗi ám ảnh, lo sợ. Nhà thơ muốn chạy đua với thời gian để giành giật sự sống, tận hưởng từng phút giây của cuộc đời, thể hiện niềm ham sống lành mạnh.

Bên cạnh niềm yêu say cuộc đời, thơ Xuân Diệu cũng thể hiện nỗi buồn chán, hoài nghi, cô đơn. Do Xuân Diệu là một nhà thơ, một nghệ sĩ theo khuynh hướng lãng mạn, đòi hỏi cái hoàn mĩ, tự nuôi mình bằng những ảo mộng cuộc đời, luôn thèm muốn giao cảm vô biên tuyệt đỉnh với cuộc đời, nên khi gặp phải hoàn cảnh xã hội tầm thường giả dối, sống trong đất nước mất chủ quyền, bản thân là người dân mất nước, chịu vòng nô lệ khao khát dâng hiến nhưng gặp phải xã hội kim tiền, Xuân Diệu rơi vào chán nản, hoài nghi, cô đơn, "buồn tịch mịch ngay trong cả những điều ấm nóng tươi vui":
Tôi là con nai bị chiều đánh lưới
Không biết đi đâu giữa sầu bóng tối.

Yêu đời, thiết tha với cuộc sống nhưng mang trong mình nỗi chán nản, hoài nghi, cô đơn. Hai trạng thái cảm xúc này tưởng như đối lập nhưng lại rất thống nhất của một hồn thơ khát khao giao cảm mãnh liệt với cuộc đời, của một cái tôi có thể ý thức đầy đủ về sự hiện hữu và giá trị của bản thân trước thế giới.

Thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám 1945 cũng thể hiện sự cách tân về nghệ thuật đầy mới mẻ và táo bạo Xuân Diệu đem đến nguồn thi tứ mới mẻ: Thơ xưa khi viết về nỗi cô đơn thường tạo ra không gian trống trải, thiếu vắng con người, còn đối với Xuân Diệu, ngay cả khi con người và cảnh vật ở bên mình, nhà thơ vẫn cảm thấy cô đơn:
Dù tin tưởng chung một đời một một
Em là em, anh vẫn cứ là anh
(Xa cách)
Tình yêu trong thơ Xuân Diệu không diễn tả bóng gió, ước lệ như thơ xưa mà hiện lên với ý nghĩa đầy đủ nhất, trọn vẹn nhất, là sự hòa hợp về linh hồn và thể xác.
Hình ảnh thơ mới mẻ, táo bạo, mang đậm cảm giác phồn thực:
Trăng ác mộng đã muôn đời thi sĩ
Giơ hai tay mơn trớn vẻ tràn đầy.
Thơ Xuân Diệu với những hình ảnh đầy rẫy tính cảm giác, được cảm nhận bằng tất cả các giác quan:
Con gió xinh thì thào trong lá biếc
hay:
Hương hiu hiu, nên gió cũng ngọt ngào
Từ ngữ sử dụng mới lạ, táo bạo, rất Tây:
Hơn một loài hoa đã rụng cành
hay:
Lòng anh thôi đã cưới lòng em
Cách ngắt nhịp mới, lạ (4 / 2 / 1):
Đàn ghê như nước lạnh trời ơi
Câu thơ của Xuân Diệu mang đậm yếu tố khẩu ngữ, có tính chất đối thoại, mang màu sắc luân lí:
Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu.
Có nhiều khó từ, câu hỏi, cảm thán. Giọng điệu sôi nổi, cuồng nhiệt, đắm say.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Xuân Diệu trở thành nhà thơ cách mạng, hòa mình vào cuộc sống mới, nhiệt thành phục vụ cách mạng. Thơ nở rộ với nhiều tập thơ lớn: Riêng chung (1960), Mũi Cà Mau - Cầm tay (1962), Một khối hồng (1964), Tôi giàu đôi mắt (1970), Thanh ca (1982).

Nếu trước đây, Xuân Diệu mang trong mình nỗi cô đơn hoài nghi trước cuộc đời thì sau cách mạng, nhà thơ đã nhanh chóng hòa nhập, tìm được sự tri âm. Cảm hứng thơ vì thế tươi vui và ấm áp.
Trước lệ sa ta oán hận đất trời
Nay lệ hòa ta lại thấy đời vui
Tình yêu có sự chung thủy, sum vầy, yêu thương, ấm áp.
Đề tài phong phú hơn, mở rộng hơn. Ngòi bút hướng đến Đảng, nhân dân, cuộc sống lao động mới.

Cảm hứng mới, đề tài mới, nội dung mới đòi hỏi cách thể hiện mới. Ngòi bút của Xuân Diệu không thể đi theo lối cũ đường quen. Xuân Diệu học tập lời ăn tiếng nói của nhân dân, ngôn ngữ giản dị, gần với đời sống, tuy có lúc còn vụng về, dễ dãi.
Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng.
Giọng điệu thơ phong phú, không chỉ đơn thuần là giọng trữ tình mà còn mang giọng trầm hùng cổ kính của sử ca như trong tróng ca Ngọn quốc kỳ hay mang hơi thở triết lý như trong Lệ:

Máu của linh hồn là nước mắt
Còn rơi biết đến thuở nào thôi
Giọng đối đáp giao duyên như trong bài Hỏi:
Ai làm cách trở đôi ta
Vì anh vụng ngượng hay là vì em?
Trăng còn đợi gió chưa lên
Hay là trăng đã tròn trên mái rồi?
Ta còn gặp ở thơ Xuân Diệu sau Cách mạng giọng thơ chính luận, tự sự trữ tình, trào phúng đả kích.

Bên cạnh sáng tác thơ, Xuân Diệu còn viết văn xuôi, nghiên cứu phê bình văn học và dịch thuật. Phấn thông vàng (1939) và Trường ca (1945) là hai tập văn xuôi đặc sắc của ông. Xuân Diệu còn để lại những tập tiểu luận, phê bình có giá trị: Tiếng thơ, Phê bình giới thiệu thơ, Dao có mài mới sắc...

Xuân Diệu là nhà thơ lớn trong văn học hiện đại, nhà thơ lớn của dân tộc. Bài học Xuân Diệu để lại cho đời là tinh thần lao động nghệ thuật cần cù, là niềm tin yêu tha thiết đối với con người, là ý thức chân thành đối với văn chương. Dù đã qua hơn nửa thế kỷ nhưng thơ Xuân Diệu vẫn đầy sức hấp dẫn và lôi cuốn các thế hệ độc giả.
Vũ Thị Hằng
Vũ Thị Hằng
Trả lời 9 năm trước

Bình giảng về ý kiến của Hoài Thanh "Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới"

Xuân Diệu thường nói ông mang trong mình quê hương thống nhất. Cha đàng ngoài má ở đàng trong, -- cái lý của ông thật cụ thể.

Mượn cách nói ấy, khi xem xét sang lĩnh vực thơ, tôi cũng muốn nói rằng ông mang trong mình nền thơ thế kỷ Việt Nam thế kỷ XX.

Nửa đầu thế kỷ, thơ Việt có chuyển đổi về mặt cơ cấu, từ mô hình kiểu trung đại chuyển sang một mô hình hiện đại. Khi thơ như một cơ cấu đã ổn định, từ sau 1945, cái định hướng rõ nhất là chuyển đổi chức năng để phục vụ xã hội. Trong cả hai cuộc vận động, người ta đều thấy Xuân Diệu là một trong những tên tuổi được nhắc nhở nhiều nhất.

Trong phạm vi Thơ mới, ông không có những bài thơ coi là mở đầu như Phan Khôi. Ông không có vai trò người khai phá đầy tài năng như Thế Lữ, không có những tác phẩm chín như Huy Cận. Song nói đến thời đại này là phải nói đến ông. Qua ông, thấy cả sự vận động của Thơ mới.

Tuy cùng nằm trong khuôn khổ hiện đại hóa văn học, song những gì diễn ra trong thơ tiền chiến khác hẳn trong văn xuôi. Với văn xuôi các nhà văn của ta bằng lòng làm người học trò nhỏ của văn học Pháp. Thơ thì khác. Ban đầu người ta không chịu. Phạm Quỳnh từng kể, có những ông đồ tự hỏi: Bên tây cũng có thơ à?

Quan niệm như vậy, cho nên trong thực tế, đồ thị diễn tả vận động của mỗi thể loại cũng khác nhau. Ở văn xuôi mọi chuyện từ từ, không có đột biến. Thơ cũ, sau một hồi chống chọi, như là xảy ra tình trạng “vỡ trận”. Kết quả là có Thơ mới náo động một thời.

Có thể tìm thấy bóng dáng cuộc vận động này trong bước đi của Xuân Diệu. Ông đến trong tư thế ào ạt khẳng định. Ban đầu Thơ mới làm cho người ta ngỡ ngàng ư? Thì Xuân Diệu làm cho chúng ta ngỡ ngàng. Rồi cuối cùng chúng ta thấy Thơ mới gần với ta ư? Thì Xuân Diệu đã được cả một thời say đắm.

Xuân Diệu là tất cả cái hay cái dở của thơ mới. Là sự cởi mở và tham vọng của con người đương thời. Là hào hứng đi ra với thế giới. Nhưng cũng là nông nổi, cạn cợt, là nhanh chóng chán chường và bế tắc.

Nếu cần nói gọn một câu về vai trò của Xuân Diệu trong Thơ mới thì nên nói gì?

Hoài Thanh là người đầu tiên cho rằng “Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới”. Ở Sài Gòn năm 1967, trong tậpBảng lược đồ của văn học Việt Nam(Ba thế hệ của nền văn học mới ), Thanh Lãng cũng viết một câu tương tự. Tôi vừa đọc lại hồ sơ cuộc hội thảo kỷ niệm 10 năm nhà thơ Xuân Diệu qua đời. Cho đến nay công thức đó vẫn được nhiều người nhắc lại.

Có lẽ ý kiến đó hình thành một phần là do từ trước, Hàn Mặc Tử còn ít được đọc và được nghiên cứu. Còn ngày nay với sự phổ biến của Hàn Mặc Tử, thì theo tôi, vai trò người mới nhất của Thơ mới phải thuộc về Hàn mới đúng.

Nhưng sao người ta vẫn thích trích dẫn cái câu của Hoài Thanh?

Tạm thời có thể diễn giải như thế này: Nếu từ góc độ khoa học của vấn đề, Hàn đã là người đi xa nhất, và do đó mới nhất. Còn nếu xem xét hiệu ứng của thơ trong đời sống thì những ấn tượng Xuân Diệu để lại trong lòng người không ai có thể bì kịp.

Thay cho công thức “gương mặt tiêu biểu” đã mòn, tôi muốn nói Xuân Diệu là hiện thân của Thơ mới. Lànhà thơ số mộtkhông phải với nghĩa hay nhất, giá trị nhất, đứng cao hơn hết …, mà là,nếu bây giờ chỉ cần gọi tên một nhà thơ trong thơ mới thôi, thì gần như tất cả sẽ gọi Xuân Diệu.

Giữa các phong cách của Thơ mới, Xuân Diệu là một cái gì vừa phải, hợp lý, ông vốn có cái dễ dàng để đến với đám đông trong văn chương cũng như trong cuộc đời. Thế Lữ hơi cổ. Trong thơ Thế Lữ người ta vẫn cảm thấy một cái gì hơi già, hơi cũ, mắt nhìn về cái mới chứ chân chưa đặt tới cái miền mới mẻ đó. Mong muốn kéo nhà thơ này đi tới nhưng con người ông không theo kịp. Lưu Trọng Lư cũng vậy, mà lại ngả sang mơ mộng xa xôi. Huy Cận chậm rải khoan thai đậm chất văn hóa, và Huy Cận như già trước tuổi nữa. Về độ chín của thơ, Xuân Diệu không bằng Huy Cận. Song sự trẻ trung làm cho Xuân Diệu có sự hấp dẫn hơn, phổ biến hơn nhiều.

Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên ăn nhiều ở sự hướng thượng, suy tư, độc đáo. Các ông có cái gì đó mà người bình thường khó với tới. Họ nhìn theo các ông mà ngại.

Xét về ảnh hưởng với các thế hệ sau, vai trò của Xuân Diệu cũng rất lớn. Như ở thế hệ những người sinh khoảng 40 của thế kỷ trước, những Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật. Nếu đặt ra một hàng những Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử thì trong sự khác nhau rất rõ, họ vẫn gần với Xuân Diệu hơn cả, số người nằm cùng một trục dọc với Xuân Diệu khá đông đảo.

Xuân Diệu như hoa hồng trong một vườn hoa loại nào cũng đẹp. Như một thứ cơm tẻ vừa với mọi người. Đi đến một tổng hợp khái quát nhất Hoài Thanh ở cuối bài tổng luận về thơ mới bảo Xuân Diệu là “nhà thơ đại biểu đầy đủ nhất cho thời đại”.

Thêm một ít khía cạnh trong con người Âu hóavà mỹ cảm hiện đại

Xuân Diệu trước hết đại biểu cho những con người tiếp xúc với văn hóa phương Tây ngay từ nhà trường, làm nên một thứ nhân tố mới hình thành trong xã hội. Nhiều người đã nói về điều này, mấy ghi nhận dưới đây chỉ là một ít khía cạnh nhỏ.

Ông là con người của ham muốn say đắm muốn sống hết mình. Chỉ cần đọc một câu thơAnh nhớ tiếng anh nhớ hình anh nhớ ảnh -- Anh nhớ em anh nhớ lắm em ơi, cảm nghe hết cái sự nồng nàn của nó …người ta đã biết ngay nó không thể có ở nhà thơ cổ điển, nó phải thuộc bề một nhà thơ hiện đại.

Mặc dù có những bài tuyệt bút, song Xuân Diệu thường vẫn để lại ấn tượng có chỗ sượng, chưa chín, chưa đều tay. Ông là người rất có ý thức mà cũng là rất nhạy cảm khi bênh vực cho cái dang dở. So sánh ca dao Nam Trung bộ và ca dao miền Bắc, ông nói rằng ca dao miền Bắc quá chau chuốt quá hoàn chỉnh, trong khi ca dao Nam Trung bộ trần trụi thô mộc nên dễ gần. Có lần, nhận xét về một bài thơ, Xuân Diệu bảo khi người ta cảm động quá, người ta có gì đó run rẩy lúng túng. Trong những trường hợp này, Xuân Diệu đã biện hộ cho mình. Chính ở cái vẻ vội vàng hấp tấp dở dang chưa thành này mà Xuân Diệu gần với con người đương thời.

Nhưng không chỉ có thế. Không chỉ có hồn nhiên tuổi trẻ, mà càng về sau, Xuân Diệu càng tỏ ra sống hết với cái đã đầy của cuộc sống. BàiHy mã lạp sơnlà một cách ướm thử sự vượt lên cái thông thường, tự làm khác mình đi và đẩy suy nghĩ của mình tới cùng, tới cái tuyệt đối. Nhưng một lần tới rồi thì lộ ngay ra là không bao giờ nên trở lại nữa. Biết điều tội nghiệp run rẩy thiết tha, Xuân Diệu là chính mình hơn trongLời kỹ nữ.

Sự khác nhau giữa Thơ cũ và Thơ mới bắt đầu từ sự đổi khác của tâm lý con người, của cách xúc động… và điều này đã được nhiều người như Lưu Trọng Lư, Hoài Thanh diễn tả sâu sắc. Mối quan hệ giữa lý trí và cảm xúc là một vấn đề lớn của con người hiện đại. Hồi 1961, nhân tuyển thơ 15 năm sau Cách mạng, Chế Lan Viên nói như một câu buột miệng “Xuân Diệu cần hồn nhiên hơn và Tế Hanh phải bớt tự nhiên đi”. Tôi đọc và tưởng là về già Xuân Diệu mới vậy. Sau đọc lại, thấy cái cách sống và làm việc theo lý trí này có từ Xuân Diệu hồi Thơ mới. Xét trên toàn cục, Xuân Diệu đã là một con người nhất quán, những năm cuối đời chỉ tô đậm những nét cốn có của ông lúc trẻ. Và đó chính là dấu hiệu làm chứng cho sự có mặt của nền văn hóa mà ông tiếp nhận từ nhỏ.

Nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn gần đây nói rằng con người ông có cả văn hóa Việt Nam lẫn văn hóa Mỹ. Trong Xuân Diệu cái yếu tố Mỹ được thay bằng văn hóa Pháp. Cố nhiên là cách kết hợp những yếu tố khác nhau ở người này không bao giờ giống như ở người khác, nhưng họ đều là hiện tượng đa văn hóa.

Thơ tám chữ, thơ bảy chữ

Trên phương diện hình thức nghệ thuật thơ, so với các nhà Thơ mới khác, Xuân Diệu cũng để lại ấn tượng riêng, về một cái gì vừa miệng với số đông, nghĩa là rất phổ biến.

Sáng tạo của Thơ mới trên phương diện thể thơ gồm hai phần: một là đưa thể tám chữ lên mức hoàn chỉnh và thứ hai là có những cách tân mới đối với các thể cũ như thơ bảy chữ, thơ lục bát.

Sở dĩ đọc Thế Lữ ta cảm thấy một cái gì cũ cũ, bởi vì ngoàiNhớ rừng, các bài tám chữ khác của ông để lại ấn tượng nặng nề do sự xâm nhập của yếu tố văn xuôi còn thô. Ở các bài nhưĐi giữa đường thơm, Nhạc sầucủa Huy Cận,Nhớ con sông quêhươngcủa Tế Hanh, chúng ta thấy thơ tám chữ tự nhiên như một sản phẩm thuần Việt. Mà cái đó đến sớm với Xuân Diệu. Những bài nhưTương tư chiều,Vội vàng, Hoa đêmcủa ông cùng vớiLời kỹ nữ Hy mã lạp sơnvừa nói ở trên là những sáng tác hoàn thiện.

Hoài Thanh bảo thơ tám chữ của Xuân Diệu có nguồn gốc ở ca trù. Cảm giác gần gũi có được là do cái hồn thơ, một cái gì thanh thoát mà lại hơi lẳng lơ tinh nghịch. Mặt khác là hơi thơ, biểu hiện ở độ dài. Tính số câu của một bài thơ, trong khiTiếng địch sông Ôcủa Huy Thông làm chúng ta ngợp, thì các bài tám chữ của Xuân Diệu và những bài vừa nhắc trên của Huy Cận, Tế Hanh…cũng gần gũi hơn hẳn.

Một đóng góp khác của Xuân Diệu trong thể thơ bảy chữ, những bài gồm ba –bốn khổ, nó là một hơi thơ mạnh đi như một lát dao sắc.

Tản Đà không có bài thơ nào sử dụng tứ tuyệt như vậy. Trong số 47 bài củaMấy vần thơcủa Thế Lữ, tôi chỉ thấy có một bài mang tênYêulà cũng gồm ba khổ như thế này. Nhưng đây là một bài thơ rất ít người nhớ.

Còn với Xuân Diệu chúng ta thấy hàng loạt trường hợpNguyệt cầm,Nụ cười xuân,Trăng, Huyền Diệu, Gặp gỡ,Yêu, Tình trai, Đây mùa thu tới, Ý thu, Hẹn hò, Đơn sơ.

Tôi chợt nhớ tới thểsonnetcủa Pháp, và muốn giả thiết rằng ở những bài thơ nói trên, Xuân Diệu đã làm một cuộc hôn phối giữa thơ Pháp và thơ dân tộc. Ông Việt hóasonnettừ nền văn hóa mà ông mới tiếp nhận và mang lại cho nó một âm hưởng phương Đông, bằng cách lai tạo nó với thất ngôn tứ tuyệt. Giờ đây loại thơ gồm ba hay bốn khổ tứ tuyệt -- 12 hoặc 16 câu bẩy chữ -- đã là một cấu trúc cổ điển. Thơ tình của Xuân Diệu sau 1945 thường trở lại với thể nàyNguyện, Hoa nở sớm, Tình yêu san sẻ, Ngược dòng sông Đuống.Và đây, tạm kể một số bài thơ được nhiều người thuộc của các tác giả về sau :

Buồn, Xuân, Em về nhà, Vạn lý tình, Gánh xiếc… của Huy Cận

Đây thôn Vĩ Dạcủa Hàn Mặc Tử

Cô hái mơcủa Nguyễn Bính

Xuân ýcủa Hồ Dzếnh

Sầu chung, Chiều loạn(Chiều loạn mây rồi gió đã lên) của Trần Huyền Trân

Từ sau 1945 , tôi muốn nhắcHoa cỏ may(Cát vắng sông đầy cây ngẩn ngơ)của Xuân Quỳnh, cũng như bàiThanh xuâncủa Nhã Ca, giữa hai bài của hai thi sĩ có gì như là đồng vọng và cùng âm hưởng.

Cái mới đến từ hội nhập

Nhớ lại khi Xuân Diệu mới xuất hiện, Hoài Thanh thú nhận:

“Bây giờ khó mà nói được cái ngạc nhiên của làng thơ Việt Nam hồi Xuân Diệu đến. Người đã tới giữa chúng ta với một y phục tối tân và chúng ta đã rụt rè không muốn làm thân với con người có hình thức phương xa ấy. Nhưng rồi ta cũng quen dần vì ta thấy người cùng ta tình đồng hương vẫn nặng”

Cái tình đồng hương nói ở đây gồm hai yếu tố:

Một là những yếu tố thuần Việt. Đã nhiều người nói tới cái phần thi liệu Việt ở Xuân Diệu từ“Đã nghe rét mướt luồn trong gió / Đã vắng người sang những chuyến đò”tới “Hoa bưởi thơm rồi đêm đã khuya”hoặc “Con cò trên ruộng cánh phân vân”

Hai là những yếu tố mượn từ đời sống và văn hóa Trung Hoa đã được Việt hóa. Cái yếu tố Tàu này vốn thấy ở nhiều nhà văn tiền chiến, từ những ông già thả thơ đánh thơ ởVang bóng một thờicủa Nguyễn Tuân, tới chú khách bán mằn thắn và mấy người khách ở phố Cẩm Giàng của Thạch Lam …

Bấy lâu ta cứ ngỡ ở Xuân Diệu chỉ có Rimbaud với Verlaine, hóa ra ta nhầm.

Nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ đọc lại báoNgày nay1938 còn dẫn ra cả một đoạn Xuân Diệu ca ngợi mùa thu “mặc dầu ở bên tây vẫn có mùa thu, thiên hạ vẫn cứ thấy mùa thu là ở bên Tàu. Mùa thu cũng đồng một quê quán với Tây Thi, với nàng Tây Thi quá xa nên quá đẹp “

Trong cảThơ thơlẫnGửi hương cho gió, cái chất Trung Hoa này xuất hiện ở nhiều dạng.Trong vốn từ ngữ. Trong cái nhịp thơ tứ tuyệt nói ở trên. Và trong thi liệu :Tôi yêu Bao Tự mặt sầu bi/Tôi yêu Ly Cơ hình mơ màng / Tôi tưởng tôi là Đường Minh Hoàng / Trong cung nhớ nàng Dương Quý Phi.Có cả một bài mang tênMơ xưa, nhắc lại nhữngGió liễu chiều còn nhớ kẻ dương quan. Yếu tố Trung hoa cố điển ở đây là một bộ phận của yếu tố Việt Nam. Nước Việt trong thời gian. Nước Việt với chiều dài lịch sử, với cái vẻ quý tộc tinh thần... Tất cả lại hiện diện.

Xin nói tiếp vềNguyệt cầm. Trăng ở đây được gọi là nguyệt, đàn gọi là cầm. Nguyệt và trăng, đàn và cầm cùng tồn tại song song. Cái hồn hiện đại nhập vào cảnh cũLinh lung ánh sáng bỗng rùng mình. Nhưng trăng và đàn lại là những motip của thơ cổ phương Đông. Còn chữ linh lung với nghĩa ánh sáng chấp chới thì không biết có phải lấy từ bàiNgọc giai oáncủa Lý Bạch (khước há thủy tinh liêm -- linh lung vọng thu nguyệt),[3]chỉ biết sau Xuân Diệu, không ai dùng nó nữa, và các từ điển tiếng Việt mới in nửa sau thế kỷ XX chỉ ghilung linhchứ không còn ghilinh lung.

Với bài viết kinh điểnMột thời đại trong thi ca, Hoài Thanh đã sớm cảm thấy cái mới ở Xuân Diệu nói riêng và Thơ mới nói chung là là đến từ hội nhập.Gần đây nhà thơ Hoàng Hưng (bàiThơ mới và thơ hôm nay) phát hiện thêm. Ông bảo:“thơ Pháp thế kỷ XIX đã thúc đẩy Huy Cận Xuân Diệu tìm ra những ý vị lãng mạn của thơ Đường mà suốt một thế kỷ trước đó, các vị túc nho đã không cảm nhận nổi mà chỉ nhai cái bã niêm luật”. Tức là nhờ hội nhập hôm nay mà ta phát hiện lại thành tựu của hội nhập hôm qua. Ta được làm giàu lên nhiều lần hơn là ta tưởng.

Hơn thế nữa, hội nhập không phải chỉ có một chiều là hướng ngoại, hội nhập còn là quay trở về phát hiện lại bản thân và nhận diện lại những yếu tố nội sinh. Nói cách khác, nhờ hội nhập mà cốt cách của dân tộc được phát hiện.

Xuân Diệu đã làm công việc này một cách có ý thức. Ồng có riêng một bài viết mang tênTính cách An Nam trong văn chương(báoNgày nay28-1-1939 ), ở đó ông nói rằng “Trong lòng An Nam của chúng ta vẫn có những phần những ý những cảm giác mà người Tây có. Xưa kia ta không nói là vì ta không ngờ; bây giờ cái não khoa học của Âu Tây đã cho biết rằng ta có, vẫn có đã lâu những của cải chôn giấu trong lòng thì sao ta không nói”[4]

Lịch sử không lặp lại

Không phải là thơ Việt Nam sau 1945 không có những đổi mới về hình thức, song một sự thay đổi có tính chất bước ngoặt như hồi 1932-41 không còn nữa. Nhu cầu của xã hội lúc này là tận dụng sự phát triển đã có từ Thơ mới để hướng thơ vào các hoạt động tuyên truyền giáo dục quần chúng. Ngay ở Sài gòn trước 1975 nơi sự hội nhập với thế giới còn được làm trong lặng lẽ, thì thơ vẫn không tạo được những bước nhảy đáng kể. Tuy xuất phát từ những tình thế khác nhau, song giữa sự tìm tòi của Thanh Tâm Tuyền, Nhã Ca …với tìm tòi của Nguyễn Đình Thi, Trần Mai Ninh, Trần Dần, Hữu Loan ở miền Bắc suy cho cùng có sự tương tự. Nhìn chung là thưa vắng lót đót và không sao tạo được cao trào hoặc trở thành xu thế bao trùm.

Nổi lên trên bề mặt thơ sau 1945 vẫn là sáng tác của các nhà thơ mới: Huy Cận, Chế Lan Viên Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, ấy là không kể một lớp nhà thơ trẻ mới hình thành, tất cả mang lại cho thơ mới một sự hồi sinh, một đỉnh cao thứ hai.

Trên hướng phát triển này, Xuân Diệu tiếp tục vị trí hàng đầu của mình. Năng lực của ông không còn hướng vào việc tìm tòi cái mới; có cảm tưởng với ông tất cả đã đủ, vấn đề bây giờ chỉ là tìm cách khai thác tận dụng cái đã có. Mà về việc này thì từ bản tính “tay hay làm lụng mắt hay kiếm tìm”ông có cả, từ sự thành thạo, tức thói quen lao động siêng năng tới sự nhạy cảm biết tìm ra những phương án tối ưu trong lao động.

Thơ Xuân Diệu những năm cuối đời gợi cho ta cảm giác một trái cây không còn được tiếp nhựa sống từ toàn thân mà chỉ tự chín, thời gian chín lại kéo quá dài, nên -- nói như dân gian vẫn nói -- chín rụ chín rị, tức có cả cái phần đã đầy, nát, vỡ, lữa ra , là cái phần “suy đồi” xảy ra ở mọi quá trình lão hóa. Nhưng ở chỗ này nữa lại càng thấy tính chất “đại diện toàn quyền” của Xuân Diệu với Thơ mới.

Người ta không thể đòi hỏi quá nhiều ở một người. Đặt trên cái nền chung của lịch sử thì vẫn thấy ông đứng sừng sững ở giai đoạn chuyển đổi của nền thơ Việt Nam, như một thách thức và một điểm đối chiếu.

Dat Tuan
Dat Tuan
Trả lời 9 năm trước
  • Vì sao Hoài Thanh lại nói Xuân Diệu “mới nhất trong các nhà thơ mới”? Cần trả lời theo lập luận sau đây:

- Thế nào là “nhà thơ mới”? Đó là các nhà thơ hiện đại của thời đại thi ca mới (1932-1941) lấy cái tôi - cảm xúc của mình làm cảm hứng sáng tác, đối lập với các nhà thơ trung đại của thời đại thi ca cũ thường chỉ viết theo cái ta - đạo lí của xã hội phong kiến.

- Xuân Diệu “mới nhất trong các nhà thơ mới” có nghĩa là “cái tôi” của nhà thơ bùng nổ mãnh liệt, phát triển ở độ cao và đem đến nhiều cái mới nhất cho thơ để thành một gương mặt tiêu biểu, một đỉnh cao của thơ mới thời này.

  • Nêu và phân tích những cái mới trong thơ Xuân Diệu trên ba mặt:

- Cái mới về nội dung cảm xúc thơ.

- Cái mới trong sự cách tân nghệ thuật của thơ mới.

- Cái mới trong sự tiếp thu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây.