Cách làm bài văn nghị luận đạt điểm cao nhất?

Các bạn chỉ giúp mình cách làm bài văn nghị luận đạt điểm cao nhất với...

Đỗ Xuân Trường
Đỗ Xuân Trường
Trả lời 9 năm trước
Cách làm bài văn nghị luận đạt điểm cao nhất đây:
Các công thức cần nhớ khi làm bài văn nghị luận bắt nguồn từ những luận điểm, luận cứ cơ bản trong bài văn nghị luận. Từ những công thức dễ nhớ này mà người viết có thể tìm ý, xây dựng khung ý tưởng dồi dào cho bài viết.

Mỗi bài văn nghị luận đều bao gồm 3 phần: mở bài, thân bài và kết bài. Sau đây là các công thức để học sinh có thể viết tốt ba phần cơ bản này.

1. Mở bài
Phần mở bài là chìa khóa cho toàn bộ bài văn. Phần mở bài gây ấn tượng đầu tiên cho người đọc về phong cách nghị luận, phong cách ngôn ngữ riêng của người viết. Phần mở bài gồm có 3 phần, theo 3 công thức: gợi - đưa - báo, trong đó:

- Gợi: Gợi ýra vấn đề cần làm.
- Sau khi Gợi thì đưa ra vấn đề.
- Cuối cùng là Báo- tức là phải thể hiện cho người viết biết mình sẽ làm gì.

Trong đó, khó nhất là phần gợi ý dẫn dắt vấn đề, có 3 cặp/6 lối để giải quyết như sau:

Cặp 1:Tương đồng/tương phản - đưa ra một vấn đề tương tự/hoặc trái ngược để liên tưởng đến vấn đề cần giải quyết, sau đó mới tạo móc nối để ĐƯA vấn đề ra, cách này thường dùng khi cần chứng minh, giải thích, bình luận về câu nói, tục ngữ, suy nghĩ.

Cặp 2:Xuất xứ/đại ý - dựa vào thông tin xuất xứ/ đại ý để dưa vấn đề ra, cách này thường dùng cho tác phẩm/tác giả nổi tiếng.

Cặp 3:Diễn dịch/ quy nạp - cách này thì cũng khá rõ về ý nghĩa rồi.

2. Thân bài


Thân bài thực chất là một tập hợp các đoạn văn nhỏ nhằm giải quyết một vấn đề chung. Để tìm ý cho phần thân bài thì có thể dùng các công thức sau đây để đặt câu hỏi nhằm tìm ý càng nhiều và dồi dào càng tốt, sau đó có thể sử dụng toàn bộ hoặc một phần ý tưởng để hình thành khung ý cho bài văn:

Đối với Giải thích:Gì - Nào - Sao - Do - Nguyên - Hậu

Trong đó, Gì: Cái gì, là gì?
Nào: thế nào?
Sao: tại sao?
Do: do đâu?
Nguyên: nguyên nhân nào?
Hậu: hậu quả gì?

Hãy tưởng tượng vấn đề của mình vào khung câu hỏi trên, tìm cách giải đáp câu hỏi trên với vấn đề cần giải quyết thì bạn sẽ có một lô một lốc các ý tưởng.

Đối với Chứng minh: Mặt - Không - Giai - Thời - Lứa
Mặt: các mặt của vấn đề?
Không: không gian xảy ra vấn đề (thành thị, nông thôn, việt nam hay nước ngoài...).
Giai: giai đoạn (vd giai đoạn trước 1945, sau 1945..).
Thời: thời gian - nghĩa hẹp hơn so với giai đoạn (có thể là, mùa thu mùa đông, mùa mưa mùa nắng, buổi sáng buổi chiều..).
Lứa: lứa tuổi (thiếu niên hay người già, thanh niên hay thiếu nữ...).

Hình thành đoạn văn từ khung ý tưởng

Sau khi dựa vào công thức bạn hình thành được khung ý tưởng, điều tiếp theo là từ từng ý tưởng đó ta triển khai ra các đoạn văn hoàn chỉnh. Cách triển khai đoạn văn dùng công thức.

Nào - Sao - Cảm
Nào: thế nào?
Sao: tại sao?
Cảm: cảm xúc, cảm giác, cảm tưởng của bản thân?

Cứ như vậy bạn sẽ có nhiều đoạn văn, các đoạn văn này hợp lại là thân bài.

3. Kết bài
Có công thức Tóm - Rút - Phấn để thực hiện phần này:

Tóm: tóm tắt vấn đề
Rút: rút ra kết luận gì
Phấn: hướng phấn đấu, suy nghĩ riêng của bản thân

Như vậy trên đây là những kinh nghiệm cô đọng nhất về cách tìm ý cho bài văn dựa vào công thức, phương pháp này do thầy giáo dạy tôi năm cấp 2 hướng dẫn, ông đã áp dụng để giảng dạy học sinh từ những năm 60 của thế kỷ trước, tới nay vẫn còn hiệu quả.

Vũ Thị Hằng
Vũ Thị Hằng
Trả lời 9 năm trước

Cần xác định được dạng bài Nghị luận phù hợp

Dạng đề Nghi luận xã hội được chia làm 2 nhóm đề chính là Nghị luận về một Tư tưởng đạo lý và Nghị luận về một hiện tượng xã hội. Vì vậy, trước khi tiến hành lập dàn ý chung cho bài làm, học sinh cần xác định đề bài thuộc loại nào để có định hướng chung cho bài viết.

Thông thường, Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý đề cập tới những vấn đề liên quan tới đạo đức làm người, quan niệm về một lối sống, một ý kiến bàn về quan điểm sống của các nhà tư tưởng lỗi lạc (Tư tưởng uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, sống đẹp, nhân nghĩa trong đạo làm người…).

Việc xác định đề là điều kiện quan trọng để giúp bạn hình dung được toàn bộ hướng đi của bài viết, tránh được lỗi sai làm lạc đề thường mắc phải của nhiều bạn học sinh khi làm.

Dấu hiệu để nhận dạng nhất của loại đề này đó là nó thường là những câu nói trực tiếp để trong ngoặc kép của các danh nhân nổi tiếng hay là một câu thơ, một ý kiến trích dẫn trong tác phẩm văn học…

Các bạn cần nhanh ý nhận ra những điểm khác biệt này để có thể xác định đúng dạng bài cần làm.

Đối với dạng đề Nghị luận về một hiện tượng xã hội, bạn cũng không cần quá lo lắng, dạng đề này khá phổ biến và nó cũng được đề cập tới nhiều trong cuộc sống hằng ngày như: gian lận trong thi cử của học sinh hiện nay, vấn đề tai nạn giao thông, bạo lực học đường, thanh niên và quan điểm về sống thử, văn hóa thần tượng…

Có thể nói đây là dạng chung mà nhiều năm gần đây Bộ giáo dục đã hướng đến để học sinh tiếp cận trong những mùa thi. Để làm được dạng bài này đạt kết quả cao, nó đòi hỏi học sinh phải có vốn hiểu biết nhất định về thực tế xã hội, như vậy, bài văn viết ra sẽ chân thật, có sức lôi cuốn thực tế.

Bài viết phải đảm bảo đúng bố cục

Dù bài văn thuộc bất cứ dạng đề nào trong hai loại trên đây thì nó vẫn phải đảm bảo đầy đủ bố cục 3 phần làMở bài (Đặt vấn đề), Thân bài (Giải quyết vấn đề) và Kết luận (Kết thúc vấn đề).

Việc duy trì bố cục này sẽ giúp bạn đảm bảo được về mặt hình thức cho bài viết của mình.

Trong trường hợp khi hết giờ làm bài mà bạn vẫn chưa giải quyết xong phần thân bài thì bạn cũng nên nhanh chóng chuyển sang làm phần kết bài để tránh tình trạng thiếu về bố cục bài viết của mình.

Phần Mở bài: Cần trình bày được vấn đề đặt ra trong bài làm (nội dung đề bài) để người đọc có thể biết được bài làm của bạn đề cập tới nội dung chính nào, tránh tình trạng mở bài dài nhưng không đúng chủ đề hay làm lạc đề.

Cần có phần dẫn dắt nhất định để đi vào bài một cách tự nhiên, tránh gò bó, gượng ép gây cảm giác khó chịu cho người đọc. Theo đánh giá chung, mở bài sáng tạo, tự nhiên thường được đánh giá cao và gây ấn tượng đầu tiên đối với người chấm bài.

Phần Thân bài: Được xem như phần làm chính, phần xương sống của cả bài viết bởi nó làm nhiệm vụ giải quyết những vấn đề chính của đề bài đặt ra.

Phần này thường trả lời cho các câu hỏi: Vấn đề đó nghĩa là gì? Vấn đề là đúng hay sai, tại sao? Trong thực tế cuộc sống, nó diễn ra phổ biến như thế nào? Cần làm gì để phát huy những mặt tốt và hạn chế những tiêu cực (nếu là mặt xấu) đó trong xã hội hiện nay?

Bạn cần làm gì và làm như thế nào để góp phần hiện thực hóa nó vào trong thực tế? Đây là những yêu cầu cơ bản trong việc viết một thân bài của bài dạng Nghị luận xã hội.

Đối với dạng văn Nghị luận về một hiện tượng xã hội, bạn cần có những ví dụ thực tế, liên hệ thực tiễn và có số liệu chứng minh (nếu cần) để bài viết thêm sinh động hơn.

Phần Kết bài:tuy ngắn nhưng nó có vai trò vô cùng quan trọng vì nó khép lại vấn đề mà cả bài viết bài đang đề cập tới và mở rộng ra những ý kiến cá nhân nhằm làm người đọc có những liên tưởng rõ hơn về cả bài viết của bạn.

Cần có những nhận xét, đánh giá của bản thân và mở rộng vấn đề

Tuy điều này không được nhiều bạn chú ý tới nhưng nó lại là tiêu chí quan trọng để thầy cô xem xét về hiểu biết của bạn đối với thực tế cuộc sống.

Nhưng phần này cũng không nên quá dài dòng vì nó cũng có thể khiến bạn làm sai đề, lạc hướng mà cần viết ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu.

Để làm tốt phần này, cách tốt nhất dành cho bạn đó là bạn nên tham khảo nhiều sách, báo, tạp chí hay các phương tiện truyền thông, thực tế cuộc sống để dễ lấy ví dụ nhất (Chẳng hạn về vấn đề tai nạn giao thông hay chuyện sống thử của giới trẻ hiện nay…). Bạn có thể trích dẫn thơ hoặc các ý kiến đánh giá có cơ sở để làm bài viết của mình sinh động hơn.

Điều quan trọng dành cho bạn đó là bạn nên làm nhiều đề để luyện khả năng viết mạch lạc, chính xác và nâng cao việc nhận dạng đề và lập dàn ý cho mình. Sau khi viết cần kiểm tra lại cả bài làm để tránh những sai sót không đáng có gây mất điểm.

Vũ Thị Hằng
Vũ Thị Hằng
Trả lời 9 năm trước

Bí kíp để làm bài văn nghị luận đạt điểm cao nhất!

Cần nắm được dạng bài nghị luận xã hội

Trong những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn ra đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn theo hướng mở nhằm đánh giá được năng lực và phân loại trình độ của học sinh, nhất là ở mảng câu hỏi nghị luận xã hội. Điều này cũng giúp học sinh có khả năng vận dụng được những hiểu biết thực tế vào bài viết của mình. Tuy nhiên, nhiều năm qua, vẫn có hiện tượng thí sinh làm xa đề, lạc đề, lan man,… Vì vậy, việc xác định kiểu dạng đề thi nghị luận là rất cần thiết, tránh cho thí sinh đi lạc hướng và làm sai đề. Muốn vậy, mỗi thí sinh phải đọc kỹ đề bài, chú ý những từ ngữ để nhận kiểu, dạng bài văn. Thông thường, ta dễ bắt gặp 2 kiểu, dạng đề đó là: nghị luận về một tư tưởng, đạo lý và nghị luận về một hiện tượng đời sống xã hội.

Lập dàn ý theo bố cục của từng dạng đề nghị luận

Sau khi xác định được kiểu, dạng đề nghị luận, chúng ta cần bắt tay nhanh vào việc lập dàn ý. Tuy nhiên, muốn lập dàn ý đầy đủ thì ta phải nắm được bố cục chung của từng kiểu bài văn nghị luận xã hội. Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý thường đề cập tới những vấn đề về đạo đức, lối sống, quan điểm sống của các nhà tư tưởng lỗi lạc hay các danh nhân nổi tiếng. Dấu hiệu để nhận biết kiểu đề này thường là những câu nói trực tiếp để trong ngoặc kép của các nhà tư tưởng, các danh nhân nổi tiếng hay là một câu thơ, một ý kiến trích dẫn trong tác phẩm văn học, …

Về bố cục, trước hết phần mở bài, ta phải giới thiệu khái quát tư tưởng, đạo lý cần nghị luận. Phần thân bài cần giải thích các từ ngữ, thuật ngữ, khái niệm. Sau đó, ta phân tích và chứng minh mặt đúng - sai của tư tưởng, đạo lý đó. Từ đó chỉ ra tầm quan trọng, tác dụng của tư tưởng, đạo lý đối với đời sống xã hội. Cuối cùng, ta cần phải bình luận mở rộng vấn đề: có thể là bác bỏ những biểu hiện sai lệch, khẳng định tính đúng đắn. Tất cả những bước trên ta phải có dẫn chứng đi kèm nhằm tăng tính thuyết phục cho người nghe, người đọc. Phần kết bài cần đánh giá khái quát ý nghĩa tư tưởng đạo lý đã nghị luận và rút ra bài học nhận thức và hành động về tư tưởng đạo lý đó.

Đối với dạng đề nghị luậnvề một hiện tượng đời sống xã hội thường đề cập tới nhiều vấn đề trong cuộc sống hằng ngày và mang tính chất thời sự, thu hút sự quan tâm của nhiều người như: gian lận trong thi cử, vấn đề tai nạn giao thông, bạo lực học đường, quan điểm về sống thử, văn hóa thần tượng,… Có thể nói, đây là dạng chung mà nhiều năm gần đây Bộ Giáo dục đã hướng đến để học sinh tiếp cận. Để làm dạng bài này đạt kết quả cao, đòi hỏi thí sinh phải có vốn hiểu biết nhất định về đời sống xã hội để vận dụng vào bài làm. Phần mở bài, cần giới thiệu hiện tượng đời sống cần nghị luận. Phần thân bài, cần triển khai các điểm sau: nêu thực trạng của hiện tượng đời sống: hệ quả tác động (tích cực, tiêu cực) của hiện tượng, thái độ của con người và xã hội đối với hiện tượng, lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đó (nguyên nhân chủ quan, khách quan), đưa ra giải pháp để giải quyết hiện tượng đời sống. Phần kết bài cần khái quát lại vấn đề đang nghị luận đồng thời bày tỏ thái độ của bản thân về hiện tượng đời sống cần nghị luận.

Tích lũy kiến thức xã hội và nắm bắt thông tin

Nhiều giáo viên khi chấm bài làm của thí sinh đều cho rằng số rất ít thí sinh làm bài tốt ở câu nghị luận xã hội. Bởi lẽ, ở trường học, các em còn quá lệ thuộc vào cách học khuôn mẫu, thiếu tư duy, sáng tạo. Do vậy để đạt điểm cao, ngoài kiến thức được học tại trường, các em phải có lượng hiểu biết về xã hội. Thí sinh có thể ủng hộ hay phản đối một quan niệm nào đó song phải có khả năng lập luận sắc bén và cách hành văn trôi chảy, có sức thuyết phục. Văn nghị luận xã hội khác với nghị luận văn học ở chỗ nó là những kiến thức được tích lũy và lấy ra từ cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, bạn cần sự tìm kiếm, học hỏi và nắm bắt thông tin nhanh chóng. Muốn vậy, cần khai thác thông tin trên đài, báo, truyền hình hàng ngày; ghi chép lại những nhân chứng, bài học, tình huống hay và có ý nghĩa trong cuộc sốngđể làm tư liệu, dẫn chứng cho bài làm.

Chú ý về thời gian

Một bài nghị luận xã hội thường có yêu cầu về số lượng câu chữ nên thí sinh cần phân phối lượng thời gian làm bài sao cho phù hợp, tránh viết dài dòng, sa vào kể lể, giải thích vấn đề không cần thiết. Trên cơ sở dàn ý, chúng ta cần luyện cách viết và trình bày sao cho ngắn gọn, mạch lạc, dễ hiểu và có tính thuyết phục cao.