Tỉ lệ chọi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011: Ảo và thật tính thế nào?

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Con số mà các trường ĐH, CĐ công bố sau khi đã nhận đầy đủ hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) do các sở GD-ĐT chuyển về chỉ là tỉ lệ chọi ảo, chưa phản ánh chính xác số lượng thí sinh sẽ thi vào trường.

Như năm 2010 Trường ĐH Cần Thơ có hơn 65.000 hồ sơ ĐKDT. Chỉ tiêu vào trường khoảng 6.100 nên tỉ lệ chọi chung vào trường khoảng hơn 1/10. Như vậy cứ mười thí sinh dự thi sẽ có một thí sinh trúng tuyển. Tuy nhiên do thí sinh nộp hồ sơ vào nhiều trường hoặc nhiều ngành khác nhau trong cùng một trường nên thực tế chỉ có 53.800 thí sinh dự thi. Tỉ lệ chọi thực tế lúc này là 1/8,7, xác suất trúng tuyển đã cao hơn so với tỉ lệ chọi ảo ban đầu.

Hồ sơ ảo, tỉ lệ chọi thật

Năm trước Trường ĐH Sài Gòn nhận gần 44.300 hồ sơ ĐKDT trong khi chỉ tiêu là 2.300 sinh viên, tỉ lệ chọi theo hồ sơ ĐKDT lên đến 1/19,3. Nếu căn cứ vào con số này sẽ thấy một thí sinh phải “đánh bật” hơn 19 thí sinh khác mới giành được một chỗ học ở đây.

Tuy nhiên khi kỳ thi diễn ra, chỉ có 37.800 thí sinh dự thi. Tỉ lệ chọi giảm xuống còn 1/15,3. Trong đó nhiều ngành có tỉ lệ chọi ảo rất cao như giáo dục tiểu học (1/53,9) giảm xuống còn 1/44,9; khoa học môi trường 1/28,8 giảm xuống còn 1/24,3...

Ở các trường khu vực phía Nam, tỉ lệ thí sinh dự thi thực tế thường chênh lệch với hồ sơ ĐKDT từ 20-35%. Trong khi đó ở các trường phía Bắc, tỉ lệ dự thi thực tế thường chỉ khoảng 50-70% so với hồ sơ ĐKDT. Như Trường ĐH Kinh tế quốc dân có 20.500 thí sinh ĐKDT, chỉ có 10.204 thí sinh đến dự thi trong khi chỉ tiêu là 4.000. Như vậy tỉ lệ chọi ảo ban đầu là 1/5 giảm xuống chỉ còn 1/2,5.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2010 tuyển 5.600 sinh viên với 15.500 thí sinh ĐKDT, tỉ lệ chọi 1/2,7 nhưng thực tế chỉ có 7.740 thí sinh dự thi và tỉ lệ chọi thực tế chỉ là 1/1,4. Nhiều trường khác như ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Công nghệ, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội)... tỉ lệ thí sinh đến dự thi chỉ khoảng 50-60% so với số hồ sơ dự thi. Như vậy tỉ lệ chọi ảo ban đầu và tỉ lệ chọi thực tế có một sự chênh lệch lớn và sự cạnh tranh cũng sẽ bớt phần căng thẳng.

Chọi cao, điểm không cao

Theo các chuyên gia tuyển sinh, không nên xem tỉ lệ chọi là dữ liệu để quyết định chọn trường, chọn ngành. Trình độ thí sinh thi vào mỗi trường cũng khác nhau nên nhiều trường dù tỉ lệ chọi rất cao nhưng điểm chuẩn không cao và ngược lại. Mùa tuyển sinh những năm gần đây cho thấy tỉ lệ chọi không có nhiều ý nghĩa trong tương quan với điểm chuẩn. Tuy nhiên, ở các trường ĐH mới thành lập hoặc các trường chưa có nhiều uy tín thì hai yếu tố trên lại tương quan với nhau.

Nhiều năm nay tỉ lệ chọi vào Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) ở mức khá thấp, các ngành thường có tỉ lệ chọi thực tế khoảng 1/3. Tuy nhiên điểm chuẩn ở mức khá cao, hầu hết 17-20 điểm. Hay như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân... dù tỉ lệ chọi thực tế chưa đến 1/2 nhưng điểm chuẩn hầu hết trên 20. Thí sinh dự thi vào các trường này hầu hết có học lực giỏi nên dù ít thí sinh cạnh tranh thì điểm chuẩn vẫn cao.

Ở các trường có lượng thí sinh dự thi đông như ĐH Cần Thơ, ĐH Sài Gòn, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Nông lâm TP.HCM... tỉ lệ chọi giữa các ngành trong trường thường phản ánh tương đối chính xác điểm chuẩn vào ngành đó. Do mặt bằng trình độ thí sinh dự thi vào các trường này không cao nên ngành nào có thí sinh dự thi đông, tỉ lệ chọi thật cao thường điểm chuẩn sẽ cao hơn các ngành còn lại.

Chẳng hạn tại Trường ĐH Cần Thơ, năm 2010 ngành hóa dược có tỉ lệ chọi cao nhất trường và điểm chuẩn vào ngành này cũng dẫn đầu. Các ngành sư phạm, kinh tế cũng có tỉ lệ chọi cao hơn các ngành còn lại và điểm chuẩn cũng cao hơn. Hoặc tại Trường ĐH Sài Gòn, các ngành kinh tế, sư phạm có tỉ lệ chọi cao nhất trường và điểm chuẩn cũng cao hơn các ngành còn lại 1-3 điểm.