Hôm nay tôi đọc tin tức thấy cơ quan chức năng phát hiện hàng tấn thịt lợn ghẻ đội lốt thịt lợn Mán được bán ra thị trường mà tôi sợ quá.
Nhà tôi rất cẩn thận, thường đặt mua thịt lợn Mán về ăn vì sợ ăn phải thịt lợn công nghiệp có chứa chất tạo nạc. Tình hình thế này thì tôi chẳng biết phải làm sao.
Xin hỏi có cách nào phân biệt thịt lợn ghẻ đội lốt thịt lợn Mán và thịt lợn Mán thật không ạ?
Về đặc điểm bên ngoài, thịt lợn rừng thật có lớp da và lông khá dày, mõm lợn rừng dài cứng do đặc điểm bản năng dũi đào đất để tìm kiếm thức ăn, cặp nanh dưới dài chìa ra khỏi mồm, hơi cong. Lợn rừng tai bé hơn lợn nuôi, các lỗ chân lông khá sát, hốc mắt to, chân to chắc.
Đặc điểm lớp da và lợn rừng, các lỗ chân lông khá sát nhau. Da khá dày và cứng giòn không dai. Lớp thịt nạc gần như dính liền vào với da vì lớp mỡ ở giữa rất ít. Da lợn rừng thật hơi sần sùi,thô ráp và không bóng, trơn láng như da của lợn nhà nuôi hoặc lợn lai.
Về màu sắc, lông trên da lợn rừng có màu sắc xám đen nhạt, không có màu hồng như thịt lợn nuôi lấy thịt và trước khi chế biến có mùi hôi đặc trưng. Đặc trưng là bì dày nhưng giòn, không nhão, lớp mỡ ít hoặc hầu như không có. Một số cơ sở sản xuất lợn rừng tinh vi, lựa chọn loại lợn rừng nái khoang đen nhằm làm giả giống lợn rừng lai. Để có thể có bữa ăn đặc trưng đúng vị, người tiêu dùng nên lựa chọn giống lợn rừng thuần chủng.
Về mùi vị, thịt của lợn rừng được chế biến nhưng luôn giữ được vị đậm, chắc đặc trưng, không ra nhiều nước, do chế độ ăn không tăng trọng. Đặc biệt, nếu là giống lợn rừng thuần chủng thì chất lượng thịt săn chắc hơn hẳn lợn rừng lai khác. Bì lợn rừng dày, cứng và thô ráp.
Về thời gian chế biến, thường thịt lợn rừng phải để trên bếp hơn 20 phút thì mới ăn được. Còn thịt lợn rừng lai hoặc thịt lợn nuôi nhà thường nhiều mỡ, thịt mềm và không giòn. Khi mua ngoài chợ, dù nhìn bên ngoài thịt lợn bày bán rất giống thịt lợn rừng do các cơ sở làm giả lợn rừng bằng cách chọn lợn nái già, 1 tháng trước khi giết mổ bị ép hạn chế uống nước và ăn, để thịt khô và giảm nước giống như lợn rừng nhưng khi chế biến sẽ thấy sự khác biệt.
Về lông của miếng thịt lợn, thịt lợn rừng thật có 3 sợi lông chụp vào một chỗ. Các cơ sở thường làm giả lợn rừng bằng cách bắn thêm lông hoặc xăm vào bằng 3 kim được nung nóng đỏ. Để kiểm tra, người tiêu dùng nên bứt thử lỗ chân lông ở trên bì lợn xem đó là thật hay giả chứ không thể nhận biết bằng mắt thường.
Người ta có thể dùng máy bắn lông để tạo thành chân lông 3 lỗ trên bì lợn. Cũng có thể dùng lợn nhỏ, nuôi cám tăng trọng để giống hệt lợn mán. Việc trà trộn, nhập nhèm lợn mán trên bàn thịt là hoàn toàn có thể xảy ra.
Thịt lợn mán có da khá dày và cứng, lớp mỡ cực ít hoặc không có. Da lợn mán sần sùi, không bóng như da lợn nhà hay lợn lai, thường có ba sợi lông mọc chụm ở một chỗ. Thịt lợn rừng có màu nhạt chứ không đỏ như thịt nhà và có mùi hôi khá đặc trưng. Khi chế biến, thịt lợn rừng ngọt và thơm hơn thịt lợn nuôi. Điểm đáng chú ý là bì thịt lợn rừng phải nấu trong vòng 15 – 25 phút thì mới giòn và ăn được.
Thịt lợn mán có giá đắt gấp đôi, gấp ba thịt lợn nhà. Giá thịt dao động trong khoảng từ 300.000 – 400.000 đồng/kg tùy từng phần thịt khác nhau. Có một số loại thịt được gắn mác lợn mán nhưng chỉ có giá dưới 200.000 đồng/kg.
Đặc trưng của lợn mán là da dày, đen, nhiều nạc, lớp mỡ mỏng cũng gần giống với đặc trưng của lợn siêu nạc hiện nay. Điểm khác dễ phân biệt là trọng lượng lợn mán nhỏ, chỉ từ 10 – 15 kg/con, lợn càng nhỏ, thịt càng chắc càng thơm ngon.