Để cùng tham khảo, dưới đây xin giới thiệu một số món ăn có tác dụng chống rét.
- Canh hoa bách hợp, nhân sen, thịt nạc: Hoa bách hợp (cần dựa vào sức khỏe, thể trạng gầy, béo, tuổi tác để định lượng cho phù hợp) từ 30 - 100g, nhân hạt sen và thịt nạc cũng khoảng từ 30 - 100g. Nấu canh ăn, cứ cách 1 - 2 ngày ăn một lần.
- Canh cá chép đậu đỏ: Cá chép tươi 500g, đậu đỏ hạt nhỏ 100g, cùng gừng, vỏ quýt lượng vừa đủ, nấu thành canh ăn, mỗi tuần ăn 2 - 3 lần.
- Canh thịt gà trống: Gà trống to chừng 500g, vặt sạch lông, mổ bỏ nội tạng, cho vừng, rượu gạo ninh nhừ thành canh ăn.
- Bồ câu trắng ninh nhừ: Bồ câu trắng mới nở 1 con vặt sạch lông, mổ bỏ ruột ngũ tạng, nhét vào bụng chim gồm ba kích thiên, hoài sơn, câu quất, mỗi thứ từ 15 - 20g, rồi cho vào nồi đổ nước vừa đủ ninh nhừ, mỗi tuần ăn 1 đến 2 bữa. Người có tính nhiệt hay thận có vấn đề thì không ăn món này.
- Gà gô hầm: Gà gô to chừng 500g, làm sạch mổ bỏ lòng ngũ tạng, nhét vào bụng gà gô các thứ sa sâm, ngọc trúc, câu quất, quế chi mỗi vị chừng 30g, cho vào nồi đổ nước vừa đủ ninh nhừ thành canh, tra ít gia vị vừa ăn. Mỗi tuần cần ăn từ 1 - 2 lần.
- Ruột cá trắm hấp trứng: Lấy ruột cá trắm 60g, cho vào 2 quả trứng gà khuấy tan đều cho lên bếp khi trứng chín, đem ra ăn.
Thời tiết trở lạnh thường khiến chúng ta dễ bị cảm lạnh và cúm. Nhiều loại thực phẩm có thể giúp bạn phòng bệnh, vừa giúp giữ ấm trong mùa đông.
Hãy tham khảo những loại thực phẩm "tuyệt vời" cho mùa lạnh sau đây:
1. Khoai lang, khoai tây
Khoai lang rất bổ dưỡng. Theo các chuyên gia dinh dưỡng đây cũng là một trong những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe vào mùa đông khi giúp chúng ta giữ ấm cơ thể.
Khoai lang cũng cung cấp nguồn chất xơ và carbohydrates dồi dào. Ngoài ra, còn chứa vitamin A và C, các khoáng chất như mangan, đồng. Khoai lang vừa có thể luộc, nướng hoặc nấu canh súp.
Giống khoai lang, khoai tây cũng tốt cho sức khỏe vì dồi dào nguồn chất xơ và vitamin A.
2. Rau bina
Rau màu xanh cũng tốt cho sức khỏe của bạn vào mùa đông vì rất giàu chất chống oxy hóa. Rau bina cũng dồi dào nguồn chất sắt và canxi.
3. Hạt vừng
Hạt vừng có tác dụng tạo nhiệt cho cơ thể và cung cấp nhiều canxi. Do vậy, đây cũng là thực phẩm được chọn thích hợp cho mùa đông. Theo các chuyên gia, ăn hạt vừng sau bữa ăn còn giúp hỗ trợ việc tiêu hóa. Trong hạt vừng cũng chứa nhiều khoáng chất như magiê, mangan, sắt và đồng. Bên cạnh đó, loại hạt này còn giúp giữ độ ẩm cho làn da.
4. Đậu phộng
Đậu phộng rất giàu chất chống oxy hóa và nhiều vitamin E, B3. Đậu phộng cũng có tác dụng giữ ấm cơ thể, hơn nữa loại hạt này chứa nguồn chất béo đơn không bão hòa nên được xem là thực phẩm "thân thiện" với tim mạch.
5. Dầu cá
Dầu cá giúp cung cấp nguồn vitamin D. Vào mùa đông, lượng vitamin D trong cơ thể thường xuống thấp. Ngoài ra, đây cũng là nguồn cung cấp chất béo omega-3, giúp cải thiện tâm trạng nhờ nâng cao mức serotonin trong cơ thể.
6. Lựu
Lựu giàu polyphenols - một chất chống oxy hóa mạnh. Trong lựu cũng dồi dào các khoáng chất như canxi, phốt pho, giúp thúc đẩy hệ miễn dịch của cơ thể.
Một số lời khuyên về cách lựa chọn thực phẩm cho mùa đông:
• Nên chọn những loại quả mọng như dâu tây, nho, việt quất cho chế độ ăn hàng ngày vì đây là nguồn dồi dào các chất chống oxy hóa.
• Đừng quên giữ cơ thể đủ nước, ngay cả trong mùa đông. Điều này rất cần thiết vì không chỉ giúp hệ thống các cơ quan hoạt động tốt, mà còn giúp bạn duy trì làn da khỏe đẹp.
• Tránh các loại thực phẩm chiên xào, nhiều chất béo như pho mát.
• Chọn uống các loại trà thảo dược như trà hoa nhài, hoa cúc.
Trong dân gian, bồi bổ vào mùa rét đã trở thành tập quán. Theo quan niệm của y học cổ truyền “Đông tàng tinh”, “Thu đông dưỡng ấm”; như vậy đông chính là mùa tốt để bồi bổ sức khỏe. Trong những ngày lạnh nhất của năm nếu tiến hành bồi bổ sẽ làm cho năng lượng từ chất dinh dưỡng được lưu trữ nhiều nhất trong cơ thể. Ngày thứ 9 sau đông chí chính là điểm chuyển tiếp âm khí cực thịnh và dương khí bắt đầu sinh trong năm. Cho nên bồi bổ vào lúc này sẽ làm nảy nở nguyên khí, dưỡng tinh, giúp ích cho việc sinh thành và phát triển dương khí trong cơ thể, tạo thành tiền đề sức khỏe cả năm sau.
Ngoài ra vào đông, nhiệt độ thấp, cần bồi bổ để bù đắp lại năng lượng đã mất, để duy trì được thân nhiệt bị tiêu hao do lạnh. Mặt khác mùa rét cũng làm tăng hứng thú ăn uống cho mọi người và khả năng tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng vào cơ thể đều tăng cao tương ứng. Song đối với người già hay trung niên thể chất hư nhược, hay người mắc chứng mạn tính… thì nhu cầu bồi bổ vào dịp này lại càng bức thiết.
Theo “Nội kinh” một bộ sách kinh điển của Đông y cũng đã nói: bồi bổ phải tuân theo nguyên tắc “Thu đông dưỡng âm”. Nói vậy là yêu cầu mọi người trong mùa thu đông phải thuận theo quy luật tự nhiên, mùa thu chủ về thu lại, mùa đông chủ về tàng trữ mà coi trọng việc tích dưỡng âm tinh. Âm tinh ở đây là âm dịch trong cơ thể được chỉ chung cho tất cả dịch thể dinh dưỡng bao gồm cả tinh trong sinh sản, huyết và tân dịch… Y học cổ truyền quan niệm âm tinh là chất quan trọng để cấu thành cơ thể người và duy trì hoạt động sống của cơ thể.
Những thức ăn ngậy béo cần ăn với lượng vừa phải.
Thu đông dưỡng âm, trước tiên là phải điều tiết tinh thần cho thật thoải mái, thanh thản, lòng rộng mở, không quá lo âu, cáu giận… như vậy mới bảo vệ được âm tinh, nếu không dễ xảy ra các chứng sây sẩm đột quỵ. Sau đó là cần bồi bổ những thức ăn dưỡng âm như thịt ba ba, thịt rùa, thịt lươn và các loại cháo thuốc có tác dụng bổ âm nhưng cũng phải tùy theo thể trạng mà chọn lựa sao cho thích hợp. Ngoài ra, còn có thể uống các loại thuốc Đông y có tác dụng dưỡng âm cho những người cơ thể bị suy nhược.
Như vậy khi mùa đông đến cần tiến hành bồi bổ: tốt nhất cần dẫn bổ tức là bổ đáy (để bổ) chính là đặt nền móng, do vậy cần chọn dùng cho thích hợp như khiếm thực hầm thịt bò, hoặc dùng khiếm thực, hồng táo, lạc nhân, cho đường đỏ vào hầm uống. Để điều chỉnh chức năng tỳ vị cũng có thể hầm một ít thịt cừu cho thêm gừng tươi, đại táo nấu thành canh thịt cừu đại táo cũng tác dụng tốt. Trên cơ sở đó uống thêm thuốc bổ sẽ làm tăng cường hiệu lực bồi bổ.
Cần lưu ý khi bồi bổ tránh ăn các thức quá ngậy béo, thức ăn sống lạnh để không gây trở ngại chức năng tiêu hóa của tỳ vị, ảnh hưởng đến sự hấp thu thuốc bổ và các thức ăn bổ dưỡng khác.
Trong thời gian bồi bổ nếu bị cảm sốt, táo bón thì tạm ngừng uống các loại thuốc bổ vì có rất nhiều loại thuốc bổ cầm ra mồ hôi, cầm tiêu chảy và kháng lợi tiểu. Như vậy nếu tiếp tục uống thuốc bổ sẽ làm cho cơ thể khó đào thải tà bệnh ra ngoài qua đường niệu và đường mồ hôi. Cho nên cần chờ khỏi bệnh hãy uống tiếp.
Thực ra những người cần bồi bổ vào mùa đông khi cơ thể hư nhược, còn người khỏe mạnh bình thường chỉ cần tập luyện thể dục thể thao, đồng thời ăn uống điều độ với các thức ăn dinh dưỡng thông thường mà không cần tẩm bổ và uống thuốc bổ. Để bồi bổ đúng, không lạm dụng khi dùng thuốc, ăn uống tẩm bổ không đúng cách; dưới đây xin hướng dẫn một vài điều cần quan tâm trong bồi bổ:
Thuốc bổ tuy có nhiều bổ ích cho cơ thể, nhưng uống không đúng cách sẽ gây nên một số tác dụng phụ như chảy máu cam, táo bón, ăn uống kém. Bởi vậy bồi bổ vào mùa đông phải tuân theo nguyên tắc: “Dược bổ không bằng thực bổ” nghĩa là:
- Như chúng ta đã biết, mùa đông khí hậu giá lạnh sẽ làm cho quá trình chuyển hóa của con người giảm, mạch máu dưới da co lại, nên nhiệt tán cũng tương đối ít. Do đó các thức ăn dùng trong mùa đông những thứ ngậy béo như thịt hầm, cá nướng, lẩu tổng hợp… với lượng vừa phải, dinh dưỡng phong phú, đủ nhiệt lượng cần thiết là được.
- Các thức ăn là loại ôn nhiệt, để giúp bảo vệ dương khí cho cơ thể. Dựa vào yêu cầu này Đông y quy lại những nhóm thức ăn chống rét đó là thịt các loại như: thịt cừu, thịt bò, giăm bông, thịt gà, thịt chó… rau gồm ớt, hạt tiêu, tỏi, gừng, nấm, hành, hẹ… các loại quả như hạnh đào, nhãn, hạt dẻ, đại táo, táo khô, vải, bưởi… Các loại kể trên vừa đầy đủ dinh dưỡng, mà khi ăn vào cảm thấy làm ấm áp cơ thể.
Cần bồi bổ các thức ăn nhuận táo, đó là loại thực phẩm thanh nhuận để không quá khô táo vì mùa đông quá khô hanh đã làm cho con người dễ bị khô môi, ho, phổi nóng. Do đó không thích hợp cho việc uống các loại thuốc đại bổ mà cần uống nhiều nước canh thanh nhuận, với bất cứ người nào cũng cần nhuận một chút. Để tiện ứng dụng và tham khảo xin giới thiệu cụ thể các món ăn nhuận táo dưới đây:
- Dùng nước đường phèn lâu năm: Trần bì cho vào cùng đường phèn lượng đủ dùng trong ngày, đổ nước nấu khoảng 2 giờ là được, uống hết, công năng đạt được ngoài nhuận phế, còn hiệu quả rất tốt đối với mọi loại ho do nóng.
- Nước mã thầy, củ cải đỏ: Dùng củ cải đỏ cho mã thầy, hạnh nhân, táo ngọt, lượng tùy ý và 2 miếng trần bì. Tất cả đun sôi 3 giờ là được. Uống nước ăn cái. Tác dụng nhuận phế sinh tân, đặc biệt có hiệu quả với bệnh khô nẻ môi.
- Táo hầm xuyên bối: Táo 1 quả, cắt phần trên làm nắp, khoét rỗng ruột, nhét bột xuyên bối và mật ong vào ruột táo, sau dùng tăm ghim nắp táo lại, đem hầm cách thủy 2 giờ là ăn được.
- Nước lê tuyết, mã thầy: Lấy 250g mã thầy, lê tuyết 250g, đường trắng 50g, rửa sạch mã thầy, thái lát, lê gọt vỏ bỏ hạt thái lát; cho vào vải ép lấy nước đem đun sôi để nguội, bỏ đường vào khuấy tan thì uống.