Thiên nhiên nơi biểu hiện tình yêu quê hương, đất nước, gia đình,
bạn bè
Trên bước đường gió bụi, thiên nhiên là người bạn thân thiết nhất
luôn kề vai sát cánh cùng nhà thơ. Với nhà thơ, thiên nhiên là hiện
thân của cái đẹp. Cái đẹp núi, sông, cỏ cây, tuyết, trăng, hoa… thấm
sâu trong lòng người bằng tình cảm thân thương nhất. Người yêu thiên
nhiên bằng tình cảm chân thành của một “lữ nhân phù thế”. Thiên nhiên
cũng chính là hình ảnh quê hương đất nước. Trên từng bước chân đi trong
lòng thiên nhiên, trong lòng vũ trụ, thời gian trôi bằng “sứ giả” các
mùa thay nhau về ngự trị, thi nhân Basho không tránh khỏi bùi ngùi nhớ
về một cái gì xa xôi trong sâu thẳm tâm hồn về một miền quê mà ông đã
từng gửi thân qua cuộc đời gió bụi. Đó là nỗi nhớ quê hương không
nguôi.
Nghe tiếng chim đỗ vũ
ở kinh đô
mà nhớ kinh đô.
(Đoàn Lê Giang dịch thơ)
Basho đang ở kinh đô nghe tiếng chim đỗ vũ (chim đỗ quyên) hót,
lòng bâng khuâng nhớ về quê cũ vì thời gian trôi nhanh quá. Ở kinh đô
này lại nhớ kinh đô xưa - kinh đô của ký ức một thời đã xa đã vĩnh viễn
mất đi chỉ còn đọng lại trong nỗi nhớ khi nghe tiếng chim kêu báo hiệu
mùa hè. Vì sao lại thế ?
Kinh đô bây giờ là Edo thành phố thị dân đang say sưa với nhịp
sống phồn hoa đô hội. Nhiều thứ văn hóa cổ xưa dần bị mất đi thay vào
đó là “văn hóa thị dân”. Cuộc sống “phù thế” làm con người chỉ biết
hiện tại, quay lưng lại với thần linh xưa cũ. Trong xã hội ấy, Basho
cảm thấy cô đơn lạc loài nên ông tìm về “con đường sâu thẳm” trên
“những bước đường phiêu lãng”. Basho nhớ về kinh đô xưa.
Trên đường đi, nơi nào Basho từng ghé qua là nơi đó là quê hương của ông.
Đất khách mười mùa sương
về thăm quê ngoảnh lại
Edo là cố hương.
Thật vậy, Basho sinh ra ở Ueno, nhưng trong ông Edo là quê hương
thứ hai. Trên hành trình từ đất khách xa xôi về thăm quê, ông ngoảnh
lại thấy Edo thân thiết như quê hương mình vì ông đã từng sống ở Edo
mười năm. Tình cảm này của Basho làm ta nhớ đến bài thơ Độ Tang Càn của
Giả Đảo (Trung Quốc).
Khách sá Tinh Châu dĩ thập sương
Qui tâm nhật dạ ức Hàm Dương
Vô đoan cánh độ Tang Càn thủy
Khước vọng Tinh Châu thị cố hương.
(Ở nhà khách Tinh Châu trải mười năm,
Hôm sớm Hàm Dương chỉ nhớ cố hương
Không biết vì sao qua bến Tang Càn nọ,
Ngoảnh lại Tinh Châu (thấy) đã là quê hương.)
và câu thơ của Chế Lan Viên (Việt Nam) trong bài Tiếng hát con tàu
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn !
Tình yêu quê hương của các nhà thơ thật là sâu lắng mặn nồng.
Basho thoảng nghe tiếng chuông cũng tưởng đó là tiếng chuông ở
ngôi đền nào đó của quê hương, không biết là đền Ueno hay đền Asakusa.
Hoa đào như áng mây xa
chuông đền Ueno vang vọng
hay đền Asakusa.
Tiếng chuông lòng lúc nào cũng vang trong ông. Tình yêu quê hương
của Basho cũng thật dịu dàng mà thâm trầm sâu lắng như tiếng chuông,
như “áng mây hoa” như “hương hoa” quê hương luôn luôn đẹp trong trái
tim nhà thơ.
Ở cố đô Nại Lương
hoa cúc và tượng phật cổ
ngạt ngào hương.
(Đoàn Lê Giang dịch thơ)
Tình yêu quê hương của nhà thơ mang chút màu sắc thiền tông pha với
mỹ cảm truyền thống của người Nhật Bản. Nên đọng lại trong ông của sự
cô đơn hư không và tiếng reo vui khi gặp cuộc sống thanh bình.
Tình yêu quê hương ẩn hiện trong niềm vui khi Basho nhìn thấy cuộc sống lao động bình dị của người nông dân.
Đi hái cải củ
cậu bé con kia
được ngồi lưng ngựa.
Đó là hình ảnh em bé sung sướng khi được “ngồi lưng ngựa”. Hay hình ảnh
Người chèo thuyền
ống điếu ngậm trong miệng
gió mùa xuân lên.
Một người nông dân trên đồng
Trên đồng mùa hạ
nhìn người vác cỏ
tôi lần đường đi.
Tiếng rao người bán cá hòa điệu nên điệp khúc mùa hè.
Tiếng rao người bán cá
hòa trong tiếng chim cu
vang vang mùa hạ.
Hay hình ảnh của một em bé dù làm việc mệt nhọc vẫn ngắm trăng. Đó là tình yêu thiên nhiên và hướng đến với thiên nhiên.
Em bé nhọc nhằn
trong khi xay gạo
vẫn nhìn lên trăng.
Những cuộc sống bình dị, đơn sơ, cơ cực của người dân lao động
nghèo trên quê hương ông đi qua đã để lại trong ông bao tình cảm mặn
nồng về hình ảnh của quê hương.
Basho càng nhớ quê hương ông càng giấu kín trong thơ. Trong nỗi
nhớ, Basho còn nhớ về gia đình người thân. Đó cũng là hình ảnh bé nhỏ
của quê hương trong ông. Chính tình cảm ấy là sợi dây kết ông với người
thân, gia đình và quê hương. Trên bước đường du hành, ông quay lại thăm
quê thăm bạn bè hay nhớ họ trên đường đi
Mùa thu âm u
người hàng xóm ấy
sống như thế nào ?
Mùa thu về, nhà thơ nhớ về người hàng xóm đã bao năm xa cách không
biết bây giờ người ấy sống ra sao ? Nỗi nhớ của bài thơ chỉ có thế.
Nhìn mùa xuân qua hình bóng cố nhân ở quê cũ Omi cũng đọng trong trái tim ông.
Mùa xuân qua đi
sao cứ nhớ mãi
người ở Omi.
Nhưng có nỗi nhớ thâm trầm sâu lắng vào mùa thu, ông về thăm quê và
hay tin người mẹ kính yêu đã qua đời. Gió bụi như ngừng thổi trong ông.
Lệ trào nóng hổi
trên tay tóc mẹ
làn sương thu.
Những giọt lệ nóng hổi của đứa con tha phương nay trở về rơi xuống
bàn tay đang cầm một mớ tóc bạc - kỷ vật người mẹ hiền để lại - của
người mẹ đã khuất, đọng lại như những giọt sương thu. Chẳng biết “sương
thu” là vì nước mắt đọng trên mái tóc nhuộm màu sương của mẹ, hay nước
mắt người con như sương mùa thu, hay cuộc đời như giọt sương thu sớm
tan trong nắng gió cuộc đời. Sương thu là hình ảnh thiên nhiên đất
trời. Mẹ mất đi như sương thu tan vào đất trời. Trong thiên nhiên đất
trời có mẹ, mẹ mênh mông, bao la như thiên nhiên đất trời trong lòng
nhà thơ.
Bao nhiêu tình yêu đọng lại trong lòng nhà thơ bằng nỗi nhớ thăm
thẳm sâu. Ngoảnh nhìn lại mình Basho cảm thấy mình già trước cuộc đời
phù thế.
Trong mùa thu này
ta già biết mấy
ôi chim và mây.
Basho thấy mình đã già nhưng những giấc mơ rong ruổi theo chim và
mây vẫn còn đó. Ước vọng ông trao cho cây liễu. Vì nhà thơ đã tìm thấy
niềm vui, sự thanh thản khi kết bạn cùng cây liễu. Còn những bận bịu
của cuộc sống (niềm vui và nỗi buồn), nhà thơ quên đi.
Trao cho cây liễu
mọi điều ước vọng
mọi điều chán chê.
Basho không nói mình cô đơn nhưng lại nói giọt sương cô đơn. Vì
giọt sương nó rời rạc, ngắn ngủi sớm tan biến vào đất trời. Nó không
giống giọt mưa liên kết thành dòng chảy. Dù thế nào đi nữa giọt sương
vẫn cô đơn. Qua đó, ta vẫn thấy nỗi “cô đơn” của nhà thơ khi nhìn thấy
sự cô đơn của giọt sương.
Không bao giờ quên
mùi vị cô đơn
của giọt sương trắng.
Dù Basho ngầm hiểu sự cô đơn, già nua của mình nhưng với ông đó chỉ là “vô thường” của vũ trụ. Ông ung dung về nó vì
Làng chuông không ngân
biết làm chi nhỉ
những chiều mùa xuân.
Basho sinh ra là để gắn với haiku gắn với “lữ nhân phù thế” nên ông
càng phải đi để thực hiện ước vọng bay cùng chim và mây. Đến những đồng
cỏ đầy hoa
Vương trái tim tôi
ngang con đường núi
đồng thảo nở hoa tươi.
1.4. Thiên nhiên của tấm lòng thương cảm
Trên bước đường phiêu lãng, Basho đi qua nhiều nơi, “từ những đô
thị ồn ào náo nhiệt của những người thị dân… đến những cánh đồng khô
cằn, những làng quê xơ xác của những người nông dân cơ cực đói
nghèo”[8, trang 326]. Basho tận mắt nhìn thấy mọi thảm cảnh diễn ra
ngay trước mắt mình. Ông ghi lại một cách lặng lẽ các sự việc vào những
bài thơ haiku dung dị quen thuộc. Trong thơ ông có đủ hình ảnh của
những kiếp người đau khổ, lầm than như: từ những người nông dân lam lũ,
em bé nghèo sớm gặp bất hạnh, những người đánh cá, những cô gái bán
thân, những người lính bỏ thây nơi chiến địa, cho đến những người bạn
yêu thơ yểu mệnh…
Trong một lần đi ngang qua một khu rừng vắng, Basho thấy một chú
khỉ đứng co ro run lên vì lạnh trong mưa mùa đông. Trước cảnh đó, Basho
ước gì có ngay một chiếc áo mưa cho chú khỉ bớt lạnh.
Mưa đông giăng đầy trời
một chú khỉ đơn độc
cũng mong chiếc áo tơi.
(Đoàn Lê Giang dịch thơ)
Hình ảnh “một chú khỉ đơn độc” làm ta liên tưởng đến hình ảnh người
nông dân, những em bé nghèo đứng co ro, run rẩy trong những cơn mưa giá
lạnh. Bài thơ là tấm lòng thương cảm vô vàn của nhà thơ đối với những
người cùng khổ và cả cỏ cây muông thú. Basho mượn hình ảnh của thiên
nhiên để nói lên số phận của con người.
Trong tuyết ban mai
đôi mắt ta nhìn cả
những con ngựa gầy.
Cuộc sống nghèo khổ, người nông dân phải lao động vất vả từ những
sớm ban mai trong tuyết giá rét với “những con ngựa gầy”. Hình ảnh
“ngựa gầy” liên tưởng đến người lao động nghèo khổ gầy gò.
Hay người lao động nghèo phải làm việc vất vả trong thời tiết
khắc nghiệt của mùa hè nóng bức. Đó là những nguời bán cá cứ rao mãi
trong ngày hè hòa vào tiếng chim cu tạo thành điệp khúc mùa hè.
Tiếng rao người bán cá
hòa trong tiếng chim cu
vang vang mùa hạ.
Lại một lần khác, khi đi ngang qua cánh rừng, Basho nghe tiếng vượn
hú. Lòng nhà thơ gợi lên niềm thương cảm và nhớ đến tiếng khóc não lòng
của một em bé bị bỏ rơi trong rừng. Lòng ông tái tê hay “gió mùa thu
tái tê” ?
Vượn hú não nề
hay trẻ bị bỏ rơi than khóc ?
gió mùa thu tái tê.
(Đoàn Lê Giang dịch thơ)
Tiếng vượn hú trong thơ Basho khác hẳn với tiếng vượn hú của Lí
Bạch “Lưỡng ngạn viên thanh đề bất tận” (Tiếng vượn đôi bờ kêu chẳng
dứt), hay tiếng vượn trong thơ Đỗ Phủ “Phong cấp thiên cao viên khiếu
ai” (gió gấp, trời cao vượn nỉ non). Đó chỉ là tiếng vượn gợi lên nỗi
buồn mơ hồ trống rỗng. Còn Basho là cả một tấm lòng thương cảm với
những đứa trẻ bị vỏ rơi trong rừmg. Những đứa trẻ đó gọi là “mabiku”
(tỉa bớt). Ngày xưa Nhật Bản trong những năm đói khổ, mất mùa, những
gia đình nông dân nghèo đông con không nuôi nổi chúng, phải đem chúng
bỏ vào rừng. Có khi, người ta còn giết cả những đứa trẻ sơ sinh.
Tình thương trẻ thơ của Basho thật mênh mông sâu thẳm. Có những
khi đi ngang khu rừng nghe mưa đá rơi ông gọi bọn trẻ (tỉa bớt) tránh
mưa.
Xem kìa bé ơi
hãy chạy nhanh đến
mưa đá đang rơi !
Những đứa trẻ đoản mệnh ấy còn quá nhỏ có biết mưa đá là gì đâu ?
Basho dành cho chúng cả tấm lòng từ bi vô tận. Tình yêu trẻ thơ của
Basho cũng giống thi hào Nguyễn Du (Việt Nam) trong bài Văn chiêu hồn.
Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé
Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha
Lấy ai bồng bế vào ra
U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng.
Tình thương người của Basho thật bao la. Có lần Basho trọ chung
quán với các du nữ. Nghe lời tâm sự của họ, niềm bi cảm trong lòng ông
nổi lên nỗi xót thương cao cả. Ông đặt các du nữ bên cạnh trăng và hoa
thu.
Chung một mái trọ
phòng bên những du nữ ngủ
trăng và hoa thu.
(Đoàn Lê Giang dịch thơ)
Cùng dòng cảm xúc với ông, nhà thơ Busson cũng có bài viết về các du nữ đáng thương
Hoa mơ tưng bừng
bên lầu, du nữ
mua sắm đai lưng.
Trong mắt Basho các du nữ, trăng, hoa thu đều tồn tại trong một vũ
trụ thuần khiết không có phân biệt. Cả ba đều có sự giống như nhau
trong “vô thường”. Với Busson các du nữ cũng như mùa xuân, cũng trau
chuốt cho mình. Hoa mơ và du nữ cùng tắm trong trời mùa xuân. Cuộc đời
các du nữ chỉ là những kiếp lỡ làng nhưng sẽ đẹp như trăng như hoa thu,
hoa mơ và như mùa xuân. Trong mắt Basho, những gì tồn tại trong vũ trụ
này đều đẹp.
Lòng thương cảm Basho còn dành cho cả những chiến binh gục ngã rồi
mà “giấc mộng vẫn chưa thành”. Đó là những người lính chiến đã hi sinh
nhưng giấc mộng được hạnh phúc lúc còn sống vẫn chưa thực hiện được.
Nay sau khi đã chết rồi, họ vẫn còn ôm giấc mộng ấy bằng linh hồn từ
cõi chết. Họ chết vì chiến tranh phi nghĩa. Còn người đời quá vô tình
như chỉ trong một giấc mộng ngắn hơn cả giấc ngủ mà “cỏ mùa hạ ngút
xanh”. Thiên nhiên, cỏ cây cũng vội vàng lãng quên. Cuộc sống này là vô
thường. Mọi thứ rồi sẽ qua đi, biến đổi theo thời gian.
Những chiến binh ngã xuống
giấc mộng chưa thành
cỏ mùa hạ ngút xanh.
(Đoàn Lê Giang dịch thơ)
Và đây là cảnh một gia đình đi viếng mộ người thân. Cả gia đình tóc
đều bạc, phải chống gậy đi. Hẳn là người mất còn trẻ lắm. Basho cảm
thômg cùng họ bằng niềm xúc động của “kẻ đầu bạc khóc người đầu xanh”.
Chống gậy đưa chân
cả gia đình bạc tóc
đi viếng mộ người thân.
Trong một buổi chiều rét Basho gặp con nhạn ốm đau rơi, lòng ông
đầy thương cảm như đấy là một “lữ khách nào”. Tình thương ông dành cho
cả những kiếp người tha phương.
Con nhạn ốm đau
rơi trong chiều rét
ôi lữ khách nào.
Một người bạn nhà thơ đã mất như “lá ngô đồng rơi”, làm động lại
bao nỗi buồn trong nhà thơ. Vì nhà thơ cứ chờ đợi nhưng chẳng thấy bạn
đâu ? Càng thấm thía nỗi buồn tan thương vì cái chết đến với con người,
nhưng Basho chỉ xem như “lá ngô đồng rơi” như “trăng rụng”.
Trăng rụng rồi
bốn góc bàn quen thuộc
còn lại mà thôi.
Người bạn nhà thơ đã mất như “trăng rụng”. Chỉ còn lại bốn góc bàn
quen thuộc nơi người ấy vẫn ngồi. Sự sống và cái chết đều ở thế giới vô
thường trong vòng xoay vũ trụ. Đó là cảm thức bi cảm của aware. Basho
trân trọng nâng niu từng khoảnh khắc ấy là mong manh và ngắn ngủi bằng
cả tình thương và nỗi nhớ khôn nguôi. Tấm lòng từ bi bao la của Basho,
tình thương của người với nhân thế mãi mãi vẫn ngưng đọng trong lòng
người yêu thơ. Dù những bi ai mà Basho gặp trong đời đã qua rồi như
Vầng trăng tan nhanh
giọt mưa còn đọng
đó đây trên cành.
Giọt nước mắt thương người, thương đời của thiền sư Basho cứ rơi
mãi như mưa dù hết rơi vẫn còn ngưng đọng trong từng câu chữ. Nên thơ
haiku của Basho nó trầm lặng, sâu lắng thiết tha trong bí ẩn mơ hồ…
Tóm lại, Basho thật sự là nhà thơ của tình yêu thương. Những bài
thơ haiku của ông không chỉ là thơ của thiên nhiên mà nó còn là thơ về
tình yêu thương về lòng con người. Hình ảnh trong thơ chất chứa những
nỗi niềm bi ai sâu lắng. Thiên nhiên còn là nơi của những tấm lòng
thương cảm thiết tha mà Basho dành cho người, cho đời.