Dù H5N1 vẫn lởn vởn đâu đây, tâm hồn nghệ sỹ sẽ trỗi dậy khi bạn bắt gặp một chú chim non nho nhỏ đang ngơ ngác trước đợt gió mùa. Chẳng ai có máy ảnh trong tay lại không vội vàng chớp lấy khoảnh khắc vàng mà thiên nhiên ban tặng.
Đầu tư cho ống kính - càng dài càng tốt
Với loại máy "ngắm và bấm" đơn thuần, bạn có thể tận dụng ống kính mà nó có. Hãy nhớ tắt chế độ zoom số vì nó khuyếch đại các điểm ảnh ở chính giữa khung hình - giống như ta dùng lệnh "crop" trong Photoshop. Loại máy có ống kính từ 18 đến 55 mm thích hợp khi chụp chim cảnh trong nhà vì bạn có thể tiếp cận dễ dàng.
Tuy nhiên, muốn chụp được những tấm hình quý giá về chim chóc trong không gian rộng lớn, bạn nên đầu tư loại máy ảnh có ống kính dài hoặc ống kính rời để dễ "nâng cấp".
Với số tiền 100-300 USD, bạn có thể mua ống kính G 70-300 mm của Nikon hay EF 75-300mm của Canon. Nhưng chúng khá chậm (f/5.6) nên không phù hợp với teleconverter - đầu nối nhân tiêu cự để hỗ trợ chụp xa.
Với số tiền 300-1.100, bạn có thể mua ống kính 80-200mm f/2.8. Loại này dùng "xả láng" với teleconverter.
Nếu rủng rỉnh 1.100-1.600 USD, dân "pro" có thể chơi ống kính dài 80-400mm VR của Nikon hay 100-400 IS của Canon.
Còn nếu là "đại gia" với số tiền 5.000-9.000 USD, hãy tậu một trong các loại như 200-400 f/4 VR của Nikon, loại 500 mm của Canon hay loại 600mm f/4.
Chụp cảnh chim đang hành động
Thông thường, các bức ảnh dạng chân dung tĩnh không hề gây ấn tượng. Bạn nên chớp lấy khoảnh khắc "xuất thần" của đối tượng khi nó ngó nghiêng cái đầu, xòe cánh, há miệng hót, bay nhảy tung tăng hay bất cứ hành động gì để thể hiện rằng "nó là một con chim".
Các phẩm chất cần có của nghệ sỹ chụp chim
- Rất kiên nhẫn quan sát và chờ đợi.
- Tìm hiểu tính khí của từng loại chim (dạn người hay không...).
- Cố gắng tiến sát đối tượng.
- Chụp nhanh và liên tục khi có cảnh đẹp.
Chọn ánh sáng và không gian, thời gian
Phần lớn người chụp ảnh nghiệp dư mắc lỗi chụp trong ánh sáng trực tiếp và chói chang, từ khoảng 11 giờ trưa đến 4 giờ chiều. Lúc này, nếu trời không có mây che, hình ảnh chụp được sẽ quá tương phản và nhạt nhòa. Vì vậy, lý tưởng nhất là chọn lúc sáng sớm hoặc chiều muộn, trước lúc hoàng hôn để có được ánh sáng dịu nhẹ và màu sắc chuẩn. Ngoài ra, đây cũng là thời gian chim chóc hoạt động nhiều nhất - khi chúng bắt đầu đi kiếm ăn hay quay về tổ ấm.
Thời điểm sau cơn mưa cũng thực sự lý tưởng. Lũ chim sẽ vươn mình ra khỏi tổ đi kiếm mồi và trình diễn các điệu múa, những trò nghịch ngợm vui mắt. Lúc này ánh sáng cũng dịu dàng, giúp bạn phô bày được nhiều cảnh sắc thực trên tấm ảnh.
Chọn chế độ exposure thích hợp
Ngoài chế độ dùng tay, các máy ảnh số cho dân chuyên có những chế độ tự động đặc biệt bạn cần tìm hiểu và khai thác.
Ví dụ: khi muốn chụp chim đang bay, bạn có thể dùng chế độ AI Servo của Canon hay Continous AF của Nikon. Các tùy chọn này sẽ giúp máy theo dõi đường đi của đối tượng chuyển động. Hãy để máy ảnh ở trạng thái dùng tất cả các bộ cảm biến tiêu cự. 3D Color Matrix trong Nikon cũng thể hiện ưu thế khi chụp chuyển động nhanh. Chế độ AP (aperture priority) cũng tỏ ra rất thích hợp với cách chụp nhanh - khi đặt ở mức cao nhất.
Dùng chế độ sáng hỗ trợ
Khi những chú chim núp dưới vòm cây, ánh sáng ngoài trời không đủ để thể hiện hình ảnh, bạn nên dùng đến chế độ fill-flash.
Tuy nhiên, một số trường hợp đùng đèn flash tự động có thể không gặt hái kết quả như mong muốn. Các bộ flash cao cấp sẽ cho phép "nhiếp ảnh gia" đặt chế độ chiếu sáng ở mức vừa phải, ví dụ 1/3.
Ví dụ như trong hai bức ảnh dưới đây. Một dùng fill-flash khiến bức ảnh không có bóng. Bức thứ hai không dùng fill-flash khiến bức ảnh hỏng vì có bóng cành cây chiếu vào cổ con chim.