Đánh giá chất lượng HTC Flyer?

mai minh đức
mai minh đức
Trả lời 13 năm trước

Flyer có màn hình đẹp, giao diện Sense nhiều tiện ích, thời lượng sử dụng pin tốt và trải nghiệm dùng bút khá thú vị, dù chưa được như kỳ vọng.

Là một trong những nhà sản xuất di động thông minh hàng đầu nhưng ở phân khúc máy tính bảng, HTC tỏ ra khá chậm chạp. Hơn một tháng sau khi iPad phiên bản 2 bán ra thị trường, Flyer, chiếc tablet đầu tiên của HTC mới đến tay người dùng. Mặc dù vậy, Flyer vẫn sở hữu những nét riêng của HTC để tạo sự khác biệt như kiểu thiết kế nhôm khối vuốt cong điệu đà, giao diện Sense "bóng bẩy" và bút cảm ứng với công nghệ HTC Scribe độc quyền.

HTC Flyer. Ảnh: Tuấn Hưng.
HTC Flyer. Ảnh: Tuấn Hưng.

Thông tin cấu hình chi tiết HTC Flyer bao gồm:

Màn hình kích thước 7 inch độ phân giải 1.024 x 600 pixel, 16 triệu màu hỗ trợ cảm ứng đa điểm và bút viết.

Kích thước 195,4 x 122 x 13,2 mm cân nặng 480,2 gram. Chạy Android 2.3.3, giao diện Sense UI 3.0, kết nối HSDPA 14,4 Mbps, HSUPA 5,76 Mbps, Wi-Fi chuẩn n và Bluetooth v3.0 với A2DP.

Vi xử lý lõi đơn tốc độ 1,5GHz, bộ nhớ RAM 1GB, bộ nhớ trong 32GB, hỗ trợ thẻ nhớ microSD dung lượng tối đa 32GB.

Camera phía trước độ phân giải 1,3 Megapixel cho đàm thoại video. Phía sau độ phân giải 5 Megapixel, hộ trợ tự động canh nét, quay video chuẩn HD 720p.

Phần 1: Thiết kế máy

Kiểu thiết kế nhôm khối đặc trưng là một nét nổi bật của Flyer. Ảnh: Tuấn Hưng.
Kiểu thiết kế nhôm khối đặc trưng là một nét nổi bật của Flyer. Ảnh: Tuấn Hưng.

Flyer có kiểu thiết kế lấy cảm hứng nhiều từ các mẫu di động của HTC. Thiết kế nhôm khối màu bạc vuốt cong tạo nét sang trọng giống như Legend, Wildfire hay mới đây nhất là Wildfire S. Phần nhôm ở giữa với logo HTC lớn, hệ thống loa stereo, dòng chữ "With HTC Sense" đặc trưng và hai đầu bằng các miếng nhựa lắp ghép. Kiểu mở nắp ở một đầu để thay thế cả thẻ sim và thẻ nhớ cũng là một điểm dễ dàng nhận thấy ở các model điện thoại của hãng từ đầu năm 2010 và kéo dài cho tới nay như Desire S, Desire HD và Legend.

Phần nhựa dễ dính bẩn đặc biệt là khi người dùng ra mồ hôi tay. Ảnh: Tuấn Hưng.
Phần nhựa dễ dính bẩn đặc biệt là khi người dùng ra mồ hôi tay. Ảnh: Tuấn Hưng.

Tuy nhiên, khi sử dụng như chơi game và lướt web với hai tay cầm vào hai miếng nhựa trắng khiến chúng rất dễ dính bẩn. Đặc biệt là khi ra mồ hôi, các vết bẩn trông khá rõ nên dù việc lau đi dễ dàng nhưng vẫn khiến người dùng không thật sự thoải mái.

Một điểm nhỏ nhưng khá tinh tế trong thiết kế của Flyer là ở mặt trước có hai đầu hơi được vuốt cong lên vừa tạo nét thẩm mỹ đặc trưng cho máy vừa giúp người sử dụng cẩm ở phương ngang có điểm tỳ chắc chắn không sợ bị trượt lúc chơi game.

Mở nắp nhựa phía trên để thay sim và thẻ nhớ. Ảnh: Tuấn Hưng.
Mở nắp nhựa phía trên để thay sim và thẻ nhớ. Ảnh: Tuấn Hưng.

Để thay thế sim và thẻ nhớ, người dùng cần tháo nắp nhựa ở phía trên. Thời gian đầu khi mới "bóc hộp" thao tác mở khá khó khăn nhưng sau một thời gian sử dụng, có lẽ do các lẫy đã mềm hơn nên việc này dễ dàng hơn rất nhiều. Máy sử dụng sim bình thường và thẻ microSD dung lượng tối đa 32GB. Phần camera bên ngoài trông khá lớn nhưng khi mở ra phần bên trong có kích thước tương đương với các mẫu di động hiện nay.

Cạnh trái máy.
Cạnh trái máy.
Cạnh phải với duy nhất nút tăng giảm âm lượng.
Cạnh phải với duy nhất nút tăng giảm âm lượng.

Các phím bấm như tăng giảm âm lượng hay phím nguồn/bật tắt màn hình đều cho cảm giác bấm rất tốt và nhạy. Tuy nhiên, việc bố trí phím nguồn trên đỉnh giống các mẫu di động tỏ ra chưa tiện lợi vì khi sử dụng ở phương thẳng, muốn khóa hay mở màn hình máy phải hơi với tay một chút.

Dây cáp.
Dây cáp dù theo chuẩn microUSD nhưng thiết kế hơi khác biệt.
Cổng kết nối phía dưới máy.
Cổng kết nối phía dưới máy.

HTC sử dụng duy nhất một cổng kết nối trên Flyer. Dù bản chất là cổng microUSB đang rất thông dụng nhưng hãng lại có chút thay đổi ở cáp nối và cổng cắm khiến các dây cáp bình thường sẽ hơi khó khăn khi cắm vào máy trong khi dây cáp của Flyer không thể sử dụng với bất kỳ model nào khác.

Phần 2: Màn hình, giao diện người dùng, âm thanh

Màn hình

Tuy không xác nhận chính thức nhưng theo đánh giá của người viết, Flyer gần như chắc chắn sử dụng công nghệ màn hình Super LCD thường thấy trên các mẫu di động của hãng gần đây. Màn hình của Flyer rất xuất sắc với khả năng hiển thị sắc nét độ phân giải cao 1.024 x 600 pixel trên kích thước 7 inch. Ngay cả khi thử nghiệm nhìn chéo một góc tới 70 độ so với phương vuông góc màn hình thì hình ảnh vẫn không bị biến dạng màu sắc hay bóng.

Màn hình dùng công nghệ Super LCD.
Màn hình dùng công nghệ Super LCD.

Thử nghiệm khi sử dụng ngoài trời của Flyer cũng rất tốt. Nếu để độ sáng tự động, máy tự động tăng sáng tối đa khi ra sử dụng dưới ánh sáng trời. Ngay cả khi trời nắng gắt nhất vẫn có thể theo dõi nội dung trên màn hình dù không dễ dàng.

Nếu chú ý một chút, dễ dàng nhận thấy trên màn hình của Flyer có một hệ thống lưới bao gồm các điểm chấm nhỏ. Điều này có thể phục vụ cho công nghệ dùng bút của N-Trig trên Flyer. Các điểm chấm nhỏ này rất khó phát hiện, phải khi máy để tắt và nghiêng màn hình dưới sáng một chút mới có thể quan sát được.

Giao diện người dùng

Flyer chọn Android 2.3.3 để tùy biến với nét riêng của mình. Khi sử dụng Flyer, nhiều người dùng có thể sẽ bỏ qua ác cảm "chiếc Desire HD phóng to" nhờ giao diện được tối ưu vừa hết sức bắt mắt lại tiện dụng của Flyer. Giao diện 3D của máy sử dụng mượt với chip 1,5GHz.


Tổng quan giao diện Sense UI 3.0 với giao diện phần mềm, đọc sách, xem video, lướt web và màn hình khóa.

Các widget bên ngoài màn hình chủ cũng được tùy biến với nhiều nội dung bên trong hơn để tận dụng màn hình cỡ lớn như bookmark, friendstream, contact... Giao diện thời tiết trên Sense 3.0 cũng khá ấn tượng ngay cả màn hình khóa. Ngoài hiệu ứng hình ảnh, khi mở máy người dùng còn có thể nghe cả hiệu ứng mưa, sấm chớp hay gió tương ứng.

Không chạy Android 3.0 là một điểm đáng tiếc ở Flyer nhưng trải nghiệm bản 2.3.3 với Sense cũng khá thú vị với việc dễ dàng làm quen và kho phần mềm phong phú sử dụng được hầu hết trên Android Market. HTC cũng khá tinh ý khi tích hợp luôn ứng dụng phóng to ứng dụng full màn hình để phù hợp với màn hình cỡ lớn và độ phân giải cao (trước đây Galaxy Tab của Samsung cần được cài đặt thêm).

Giao diện 3D trên Flyer cho nhiều trải nghiệm thú vị.
Giao diện 3D trên Flyer cho nhiều trải nghiệm thú vị.

Màn hình khóa của Flyer cũng rất thú vị, ngoài hiệu ứng thời tiết rất ấn tượng, máy cũng hỗ trợ mở nhanh các ứng dụng cài đặt sẵn bằng cách kéo vào vòng khóa hoặc kéo vòng khóa để mở màn hình như thông thường.

Mặc dù vậy, dù hiếm khi xảy ra nhưng thỉnh thoảng Flyer cũng xảy ra tình trạng "lag" đơ khoảng một giây nếu vuốt kéo các widget 3D trên màn hình quá nhanh. Đặc biệt là khi mới chơi game hoặc lướt web với bộ nhớ RAM đầy.

Khác với phần chia ứng dụng mặc định của Android, giao diện Sense 3.0 mới cho phép chia ứng dụng ra làm ba thanh khác nhau bao gồm toàn bộ ứng dụng, ứng dụng ưa thích và ứng dụng được tải về.

Flyer chỉ cho phép xoay màn hình theo hai hướng một là thẳng đứng, hai là nằm ngang với logo HTC nằm bên trái. Cả hai hướng này đều có các nút cảm hứng được thể hiện trên viền màn hình riêng biệt. Khi xoay máy theo hướng này thì các nút hướng kia tự động tắt đèn nền và gần như không thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Âm thanh

Hệ thống loa của Flyể cho chất lượng tốt.
Hệ thống loa của Flyer cho chất lượng tốt.

Chất lượng âm thanh của Flyer khá ổn, âm lượng loa có thể tương đương với nhiều laptop hiện nay. Âm thanh lớn và thể hiện âm bass khá tốt nên việc giải trí "tạm" bằng đôi loa ngoài là có thể chấp nhận được.

Trong khi đó, khi thử nghe bằng tai nghe cũng của HTC sản xuất (Flyer không có tai nghe đi kèm), chất lượng âm thanh thực sự xuất sắc. Do được tích hợp công nghệ Dolby Mobile và âm thanh SRS nên Flyer cho trải nghiệm nghe nhạc tương đương so với nhiều mẫu máy nghe nhạc chuyên dụng hiện nay như iPod hay Walkman của Sony.

Phần 3: Ứng dụng, game và pin

Ứng dụng

HTC tích hợp khá nhiều phần mềm ứng dụng riêng cho Flyer để tạo nét khác biệt cho chiếc máy tính bảng này. Một số dịch vụ đặc biệt như ứng dụng đọc sách riêng với giao diện 3D khá bắt mắt. Bút cảm ứng cũng được sử dụng rất hữu ích cho ứng dụng này với việc đánh dấu trang, ghi chép trực tiếp vào sách hay đánh dấu các đoạn hoặc chi tiết hay (xem video phần tổng quan).

Dịch vụ xem video HTC Watch cũng là một nét thú vị của máy nhưng đáng tiếc lại chưa sử dụng được ở Việt Nam. Hiện tại HTC Watch đã hoạt động ở thị trường Anh với giá cả dao động từ 12,5 đến 17 USD để mua trọn gói một bộ phim hoặc từ 2,5 đến 3,5 để thuê phim tùy thuộc vào nội dung và độ dài của mỗi phim mà người dùng thuê.

Ứng dụng được chia làm 2 cột khi sử dụng theo phương ngang.
Ứng dụng được chia làm 2 cột khi sử dụng theo phương ngang.

Một số ứng dụng cũng được HTC tùy biến để phù hợp với màn hình cỡ lớn. Đầu tiên là trình duyệt web với thanh mở nhanh các tab phía trên rất tiện lợi. Người dùng vừa có thể vẫn xem nội dung trang web hiện tại vừa có thể theo dõi các tab đang mở và nhìn lướt nội dung ở một menu hiện ra.

Tiếp đến là các ứng dụng như nghe nhạc, xem ảnh, xem video, email đều được chia làm 2 cột khi sử dụng theo phương ngang. Tuy nhiên, một số ứng dụng của Android như Gmail, youtube thì không thể nhận được sự tùy biến thú vị này.

Chơi game


Chơi thử game trên HTC Flyer.

Với vi xử lý tốc độ 1,5GHz và RAM 1GB, Flyer có thể chơi tốt hầu hết các game "khủng" nhất hiện có trên Market. Trong thử nghiệm cài nhanh, Flyer có thể chơi tốt một số game full màn hình như Asphal 6, Fast Five (chỉ full màn hình khi bắt đầu vào đua), GT Racing, Angry Birds.

Flyer cũng có thể chơi game qua dịch vụ điện toán "đám mây" OnLive tuy nhiên, tính năng này chưa hoạt động ở thời điểm test. Xem video thử nghiệm ở nước ngoài mới nhất tại đây trên Flyer.

Thời lượng pin

Thời gian sử dụng pin của Flyer thực sự rất ấn tượng. Toàn bộ thời gian dùng thử, Flyer luôn được bật cả kết nối Wi-Fi và 3G (vốn rất tốn pin). Máy có thể chơi game liên tục trong hơn 5 tiếng từ mức 100% xuống còn khoảng hơn 10%. Trong một ngày sử dụng với mức độ nhiều, bật tất cả các đồng bộ như danh bạ, email, facebook, thời tiết, tin tức, lướt web và thỉnh thoảng chơi game máy hoạt động trong khoảng 12 tiếng từ mức 100% về 20%.

Trong khi đó, dùng với mức bình thường, ít sử dụng game và web hơn nhưng vẫn bật các kết nối. Wi-Fi và 3G vẫn luôn ở "on" thì máy máy hoạt động trong khoảng 2 ngày mới còn khoảng hơn 10%.

Phần 4: Sử dụng thử bút Magic Pen, Camera

Sử dụng bút Magic Pen


Thử sử dụng bút Magic Pen trên HTC Flyer.

Điều đặc biệt và được nhắc đến nhiều nhất trên Flyer chính là bút cảm ứng với công nghệ Scribe theo giới thiệu của HTC. Với bút Magic Pen đi kèm, máy có thể nhận diệt được tác động nào là của tay và tác động nào là của bút và không xảy ra nhầm lẫn nào. Người dùng có thể vẽ lên màn hinh ở bất kỳ giao diện ứng dụng nào với việc chạm bút vào màn hình, Flyer sẽ chụp lại màn hình ở thời điểm đó sau đó cho phép viết vẽ và lưu lại. Bút cũng có thể sử dụng trong ứng dụng đọc sách để đánh dấu các đoạn, chi tiết đã đọc, đáng chú ý.

Trong khi đó, ứng dụng note gần như được sử dụng hoàn toàn cho bút, người dùng có thể chọn nhiều kiểu bút với nét to nhỏ khác nhau cũng như màu sắc rất phong phú. Thêm nữa, ứng dụng này cho phép chụp ảnh và gắn vào file note rồi trực tiếp viết, vẽ lên. Khả năng quay video và ghi âm cũng được tích hợp trực tiếp vào duy nhất một file note, điều rất tiện lợi nếu sử dụng trong các cuộc họp hay buổi học để lưu trữ lại toàn bộ nội dung.

Camera

Ảnh chụp từ HTC Flyer.
Ảnh chụp từ HTC Flyer (nhấp vào hình xem ảnh lớn).

Flyer sử dụng camera độ phân giải 5 Megapixel tương tự như các mẫu Desire S hay Legend nhưng chất lượng ảnh khá thấp, hình ảnh có cảm giác bị mờ không thể hiện rõ chi tiết khi chụp phong cảnh. Trong khi đó nếu chụp gần (macro) thì hình ảnh chi tiết lại thể hiện khá rõ. Quay video của máy cũng được quảng cáo là chuẩn HD nhưng chất lượng cũng khá tệ. Xem video quay thử từ Flyer đúng độ phân giải tại đây hoặc dưới đây.