Mối quan hệ giữa giá trị hàng hóa với chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa

Mối quan hệ giữa giá trị hàng hóa với chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa,giá trị thặng dư với lợi nhuận,tỷ suất giá trị thặng dư với tỷ suất lợi nhuận.Ý nghĩa nghiên cứu.
Bình yên
Bình yên
Trả lời 16 năm trước
Muốn hiểu kinh tế tư nhân hay kinh tế tư bản tư nhân, chúng ta sẽ bắt đầu từ phạm trù kinh tế. Kinh tế phạm trù “tất nhiên” có lẽ ai cũng biết, song cách tiếp cận lại hoàn toàn không phải như vậy, bởi từ nội hàm bên trong của kinh tế là gì và từ đó hình thức biểu hiện của nó ra sao; nghĩa là từ nội dung hay hình thức; từ bản chất hay hiện tượng, chúng ta mới có cách tiếp nhận đúng, trên cơ sở đó hiểu, lý giải và tìm ra cách giải quyết vấn đề một cách đúng đắn, phù hợp với quy luật vận động khách quan và điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Phạm trù kinh tế có nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhiều cách định nghĩa và lý giải khác nhau. Theo Từ điển tiếng Việt, ngôn ngữ học Việt Nam, kinh tế: “Tổng thể nói chung những hoạt động của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất. Phát triển kinh tế. Nền kinh tế quốc dân”. Kinh tế được hiểu là cách thức sản xuất để tạo ra sản phẩm nhằm thỏa mãn nhu cầu. Nếu kinh tế là cách thức tổ chức sản xuất đặc trưng cho một giai đoạn nhất định trong lịch sử là một quan hệ sản xuất xã hội thì “Kinh tế, tổng thể nói chung những quan hệ sản xuất của một hình thái kinh tế - xã hội nhất định. Kinh tế phong kiến. Kinh tế tư bản chủ nghĩa”. Hiểu kinh tế dưới góc độ động lực thúc đẩy nền sản xuất xã hội “Kinh tế có liên quan đến lợi ích vật chất của con người. Sử dụng đòn bẩy kinh tế để phát triển sản xuất”. Kinh tế tiếp cận dưới góc độ là hiệu quả sản xuất kinh tế “Có tác dụng mang lại hiệu quả tương đối lớn so với sức người, sức của và thời gian tương đối ít bỏ ra. Cách làm ăn kinh tế”. Từ điển “Từ và Ngữ Việt Nam” của tác giả Nguyễn Lân lại tiếp cận kinh tế (danh từ, từ Hán Việt). Kinh: sửa trị, tế: cứu giúp. Kinh tế “Toàn bộ hoạt động nhằm sản xuất ra của cải vật chất và trao đổi, phân phối sử dụng những của cải đó trong xã hội loài người”. Nói đến kinh tế (tình từ) là nói đến hiệu quả “Tốn ít mà có hiệu quả”. Còn câu ngạn ngữ “kinh bang tế thế” (Hán Việt: kinh: sửa trị; bang: nước; tế: cứu; thế: đời): dựng nước giúp đời. Từ các cách tiếp cận trên đây, dưới góc độ sản xuất chúng ta có thể hiểu kinh tế là cách tức tài nghệ của con người nhằm cải biến, chiếm lĩnh của cải tự nhiên để thoả mãn nhu cầu ngày càng tốt hơn. Phạm trù kinh tế có nguồn gốc xuất hiện từ khi con người ra đời và biết sản xuất, kinh tế đã từng tồn tại qua các giai đoạn phát triển khác nhau với các hình thức tên gọi khác nhau: kinh tế tự cấp tự túc, kinh tế hàng hóa kinh tế thị trường. Còn xem xét dưới góc độ tính chất sản xuất gắn với quy mô sản xuất có kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước, kinh tế công xã nguyên thủy, kinh tế chiếm hữu nô lệ, kinh tế phong kiến, kinh tế tư bản chủ nghĩa và kinh tế xã hội chủ nghĩa… Còn nếu gắn với sở hữu tư liệu sản xuất tổ chức quản lý và phân phối sản phẩm có: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước… Phạm trù kinh tế theo nghĩa trên đây với nội hàm của nó, tự nó đương nhiên đặt ra ra yêu cầu cho bất cứ ai cũng phải “làm kinh tế”; nhất là những người lao động đang trong độ tuổi lao động. Đặc biệt đối với vai trò lãnh đạo của Đảng nói chung và đảng viên nói riêng không những biết làm kinh tế, phải làm kinh tế mà hơn hết là phải “làm kinh tế” giỏi mới trở thành gương sáng cho quần chúng noi theo mới có khả năng lãnh đạo xây dựng và phát triển ngay trong gia đình, đơn vị cơ quan mình, cũng như toàn bộ nền kinh tế quốc dân, không có gì phải tranh luận đảng viên có được làm kinh tế không? Về mặt bản chất kinh tế là vậy, vấn đề cần nghiên cứu, trao đổi, tranh luận - đảng viên làm kinh tế với hình thức kinh tế nào: kinh tế nhà nước, kinh tế cá thể tiểu chủ, kinh tế tập thể, kinh tế tư bản tư nhân?… Câu hỏi đặt ra đảng viên có được làm kinh tế tư bản tư nhân không? Và nếu làm kinh tế tư bản tư nhân thì làm như thế nào? Có bóc lột giá trị thặng dư không? Lịch sử chứng minh rằng khi con người xuất hiện biết sản xuất đã có sản phẩm thặng dư. Sản phẩm thặng dư chính là sản phẩm dư thừa về sản phẩm. Đây là cơ sở cần thiết không chỉ đảm bảo thỏa mãn nhu cầu ngày càng tốt hơn mà nó còn là điều kiện cần thiết đảm bảo cho quá trình tái xuất mở rộng, sự phát trển của xã hội, tăng trưởng kinh tế. Trong điều kiện kinh tế hàng hóa tổng sản phẩm xã hội được biểu hiện trên hai mặt đó là hiện vật và giá trị, thì phạm trù sản phẩm thặng dư tất yếu cũng được biểu hiện trên hai mặt hiện vật và giá trị sản phẩm thặng dư. Phạm trù giá trị sản phẩm thặng dư tồn tại trong tất cả mọi nền sản xuất hàng hóa và là điều kiện cần thiết cho tái sản xuất mở rộng điều kiện cần thiết cho tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế. Đây còn là điều kiện cần thiết, nhân tố quan trọng khi phân tích về chủ nghĩa tư bản, theo Karl Marx chủ nghĩa tư bản ra đời trên cơ sở một nền sản xuất hàng hóa phát triển cao. Còn đối với phạm trù giá trị thặng dư đây là phạm trù kinh tế riêng có của chủ nghĩa tư bản, phạm trù này chỉ xuất hiện trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, ở đâu có tư bản ở đó có giá trị thặng dư. Đây là phát kiến quan trọng của Karl Marx, do đó chúng ta chỉ đề cập và phân tích khi tác phẩm của Karl Marx được công bố. Và hơn thế về mặt lịch sử để chúng ta phân biệt giữa kinh tế tư nhân và kinh tế tư bản tư nhân. Về mặt lịch sử kinh tế tư nhân xuất hiện từ cuối phương thức sản xuất công xã nguyên thủy khi chế độ tư hữu xuất hiện, song cần nhắc lại đây là kinh tế tư nhân chứ chưa phải là kinh tế tư bản tư nhân, là hình thức kinh tế dựa trên chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất song quy mô sản xuất nhỏ, lao động mang tính chất gia đình, người nắm giữ tư liệu sản xuất là người trực tiếp lao động sản xuất, ở đây xuất hiện và phát triển phạm trù sản phẩm thặng dư, giá trị sản phẩm thặng dư, song chưa xuất hiện phạm trù giá trị thặng dư. Còn đối với kinh tế tư bản tư nhân ra đời trên cơ sở những điều kiện tiền đề nhất định. Để tiền có thể biến thành tư bản thì tiền của phải được tập trung vào tay một số người đủ để thiết lập các doanh nghiệp tư bản, sức lao động phải trở thành hàng hóa. Trong xã hội tư bản để có điều kiện thứ nhất phải tiến hành tích lũy nguyên thủy của tư bản, nhất là ở nước Anh đã dùng bạo lực để tước đoạt tư liệu sản xuất của những người sản xuất nhỏ, biến họ thành những kẻ vô sản tay trắng…Đây là những tiêu chí để chúng ta xem xét nguồn gốc hình thành các chủ doanh nghiệp tư bản tư nhân ở Việt Nam, nguồn vốn mà doanh nghiệp tư bản tư nhân có được như thế nào, quan hệ mua bán sức lao động để doanh nghiệp tiến hành sản xuất từ đó xác định bản chất kinh doanh của doanh nghiệp. Do kinh tế tư bản tư nhân ra đời trên cơ sở một nền sản xuất hàng hoá phát triển cao, do vậy việc phân tích quá trình sản xuất ra giá trị thặng dư nếu không gắn với quá trình sản xuất hàng hóa thì không thể hiểu được bản chất của quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa. Sẽ là thiếu sót lớn khi nói về giá trị thặng dư nếu chúng ta chỉ đề cập ở hình thức biểu hiện của nó không đi sâu vào phân tích bản chất giá trị thặng được sản xuất ra như thế nào?. Phân tích quá trình sản xuất giá trị thặng dư, Karl Marx bắt đầu tư sản xuất hàng hoá. Phát kiến quan trọng của Karl Marx khi phân tích kinh tế hàng hoá là tính chất hai mặt của lao động biểu hiện trong hàng hóa “Tôi là người đầu tiên đã chứng minh một cách có phê phán tính chất hai mặt ấy của lao động chứa đựng trong hàng hoá. Vì đây là điểm xuất phát mà nhận thức của khoa Kinh tế chính trị xoay chung quanh, cho nên ở đây, nó cần phải được xem xét một cách tường tận hơn nữa”, (Tư bản, QI, p1, tr.60). Bởi nhờ phát kiến quan trọng này mà thông qua lao động cụ thể giá trị tư liệu sản xuất được bảo tồn, di chuyển vào sản phẩm mới như thế nào; đồng thời nhờ lao động trừu tượng mà giá trị mới được tạo ra ra sao? Nếu hiểu được như vậy khi ta “soi” vào sản xuất tư bản chúng ta sẽ thấy giá trị thặng dư được tạo ra không chỉ về lượng cả về chất. Hơn thế, khi phân tích công thức chung của tư bản Karx Marx viết: “Lưu thông hàng hóa là khởi điểm của tư bản. Sản xuất hàng hóa và một nền lưu thông hàng hóa phát triển, thương mại, đó là những tiền đề lịch sử của sự xuất hiện của tư bản” (Tư bản, QI,T1, tr.192). Phân tích mối quan hệ giữa sản xuất và lưu thông cũng như vai trò của nó làm cho tư bản xuất hiện, Ông viết: “Vậy là tư bản không thể xuất hiện từ lưu thông và cũng không thể xuất hiện từ bên ngoài lưu thông. Nó phải xuất hiện trong lưu thông và đồng thời không phải trong lưu thông” (Tư bản, QI, T1, tr.216). Sau khi phân tích hàng hóa sức lao động là chìa khóa để giải đáp mâu thuẫn công thức chung, ông đã nêu lên điều kiện để trở thành tư bản là sức lao động phải trở thành hàng hóa và tiền của được tập trung vào tay một số người đủ để có thể lập ra các doanh nghiệp tư bản chủ nghĩa. Còn khi bước vào sản xuất tư bản chủ nghĩa thì công nhân làm việc dưới sự kiểm soát của nhà tư bản, sản phẩm làm ra thuộc về tư bản chi phối. Vậy giá trị thặng dư là gì. Theo Karx Marx chỉ khi nào: “Với tư cách là sự thống nhất giữa quá trình lao động và quá trình tạo ra giá trị thì quá trình sản xuất là một quá trình sản xuất hàng hóa, với tư cách là sự thống nhất giữa quá trình lao động và quá trình làm tăng giá trị thì qúa trình sản xuất là một quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa, là hình thái tư bản chủ nghĩa của nền sản xuất hàng hóa”. (Tư bản, QI, P1, tr. 255). Karx Marx gọi giá trị tăng thêm - số dôi thêm so với giá trị ban đầu” - là giá trị thặng dư. Như vậy Karx Marx muốn nhấn mạnh rằng thứ nhất đó là giá trị, là lao động vật hóa; thứ hai đó là giá trị thặng dư, tức là lao động thặng dư vật hóa. Nhưng đồng thời Karx Marx cũng có ý nhấn mạnh mối liên hệ bên trong giữa giá trị và giá trị thặng dư; nếu như lao động đã hao phí không mang hình thái giá trị, tức không sản xuất hàng hóa, thì lao động thặng dư sẽ không biểu hiện thành gía trị thặng dư được. Ông đã chứng minh rằng lao động thặng dư không được trả công đã từng tồn tại cả trong nền kinh tế phong kiến lẫn trong nền kinh tế chiếm hữu nô lệ, nhưng lao động thặng dư không được trả công đó không sản xuất giá trị thặng dư. Nền sản xuất tư bản chủ nghĩa chỉ có thể ra đời trên cơ sở của nền sản xuất hàng hóa phát triển cao. Karl Marx đã phân tích rõ hơn phạm trù giá trị thặng dư trong chương 5 phần thứ ba sản xuất ra giá trị thặng dư tuyệt đối, Ông đã phân tích quá trình lao động và quá trình làm tăng giá trị: “Nếu việc coi giá trị chỉ là thời gian lao động đã cô đọng lại, chỉ là lao động đã được vật hóa, là rất quan trọng để nhận thức được giá trị nói chung, thì việc coi giá trị thặng dư chỉ là thời gian lao động thặng dư được cô đọng lại, chỉ là lao động thặng dư đã được vật hóa cũng quan trọng như thế để nhận thức được gía trị thặng dư”. (Tư bản QI, P1, Tr.278). Để chỉ rõ bản chất giá trị thặng dư được tạo ra do yếu tố nào của quá trình sản xuất Karl Marx đã phân biệt tư bản bất biến và tư bản khả biến và ông khẳng định chỉ có tư bản khả biến mới tạo ra giá trị thặng dư. Tuy nhiên, ở đây cũng cần lưu ý rằng người ta thường lẫn lộn việc tái sản xuất giá trị sức lao động với việc chuyển dịch giá trị của tư liệu sản xuất: người ta tưởng rằng giá trị sức lao động cũng được chuyển sang sản phẩm mới giống như giá trị tư liệu sản xuất. Người ta cũng chỉ nhìn thấy sự khác nhau giữa chúng ở chỗ: sự tiêu dùng sức lao động thì sản xuất ra giá trị thặng dư, còn sự tiêu dùng tư liệu sản xuất thì bảo toàn giá trị cũ. Thật ra giá trị sức lao động không được chuyển sang sản phẩm mới, việc giá trị sức lao động tăng hay giảm hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến giá trị mới vừa mới được sáng tạo ra, vì giá trị mới này do lao động trừu tượng xã hội cần thiết quyết định chứ hoàn toàn không do giá trị sức lao động quyết định. Việc tăng hay giảm giá trị sức lao động chỉ có ảnh hưởng đến giá trị thặng dư được sản xuất ra. Đến đây cho thấy việc sản xuất ra giá trị thặng dư đã rõ, song có mấy vấn đề liên quan mà chúng ta cần lưu ý cần phải thấy rõ khi phân tích kinh tế tư nhân và kinh tế tư bản tư nhân Có lẽ cũng cần điểm sơ về kinh tế tư nhân và kinh tế tư bản tư nhân. Kinh tế tư nhân là một hình thức kinh tế dựa trên cơ sở sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất với quy mô nhỏ, tổ chức quản lý sản xuất dựa vào sức lao động của mình là chính và do vậy sản phẩm làm ra do tư nhân chi phối, ở đây không xuất hiện phạm trù giá trị thặng dư chỉ có phạm trù giá trị sản phẩm thặng dư. Còn kinh tế tư bản tư nhân xuất hiện gắn với các điều kiện riêng có cơ bản của nó: tiền của được tập trung vào tay một số người đủ để có thể lập ra doanh nghiệp tư bản. Trong chủ nghĩa tư bản phải tiến hành tích lũy nguyên thủy, còn với với thời kỳ quá độ nguồn vốn của doanh nghiệp tư bản tư nhân được hình thành như thế nào? Từ nguồn gốc cơ bản đó, để xem xét bản chất của quá trình sản xuất, bản chất giá trị thặng dư được tạo ra, bản chất của bóc lột giá trị thặng dư. Hơn nữa khi phân tích vận dụng lý luận của Karl Marx cần phải có quan điểm toàn diện, lịch sử cụ thể mới thấy được sự vĩ đại của học thuyết giá trị thặng dư. Do vậy, đảng viên “làm kinh tế”, đảng viên làm “kinh tế tư nhân” là điều bình thường và cần làm tốt. Song nếu đảng viên làm “kinh tế tư bản tư nhân” chắc cần phải phân tích một cách tường tận hơn nữa. “Lý luận thì màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi” và như mục đích Karl Marx viết trong trang bìa của bộ Tư bản “Mục đích cuối cùng của tác phẩm này là tìm ra quy luật vận động kinh tế của xã hội hiện đại”.