Nguyên nhân và phương pháp chữa nói lắp cho trẻ?

hoang
hoang
Trả lời 13 năm trước

Bạn thân mến!

Khi chúng ta nói, có những kích thích tác động vào các bộ phận cảm thụ của lưỡi, môi, má và thanh quản. Các kích thích đó theo cơ quan phân tích lời nói đến vùng phân tích vận động của lời nói (vùng Broca). Khi các bộ phận này không phối hợp được thật tốt với nhau thì lời nói phát ra sẽ khó khăn và sinh ra tật nói lắp
Nguyên nhân gây nói lắp thường do: Chấn thương khi còn sơ sinh (sinh khó, ngã… ảnh hưởng đến vùng Broca). Người mẹ khi mang thai mắc bệnh hoặc trẻ bị bệnh ở não sau khi điều trị khỏi đã để lại tỳ vết nào đó ở trung tâm ngôn ngữ. Trên vỏ não có những đoạn tách rời ngăn những tín hiệu lưu thông bình thường giữa các khu vực trong vùng kiểm soát ngôn ngữ.

Tật nói lắp thường có tính di truyền, người ta nhận thấy trong gia đình có nhiều người nói lắp thì khả năng nói lắp của con cháu họ rất cao.

Bắt chước người khác nói lắp, hoặc thường tiếp xúc với những người nói lắp nên tiếp thu phải những ám thị không tốt, kết quả tự mình dần dần cũng biến thành nói lắp. Tinh thần bị tổn thương, hay bị quát nạt, o ép mà gây nên nói lắp.

Sau khi bị các bệnh truyền nhiễm như cảm, ho gà… chức năng vỏ đại não bị giảm yếu, tinh thần dễ bị kích thích, dẫn đến căng thẳng quá mức, gây nói lắp.

Muốn bỏ được nói lắp, trước hết phải xóa bỏ trở ngại về tâm lý. Nếu xem nói lắp là vấn đề quá nghiêm trọng thì trở ngại tâm lý sẽ tăng lên. Ngược lại, nếu cho đó là một tật bình thường, có thái độ coi thường thì sẽ dễ uốn nắn, thậm chí không chữa cũng khỏi.

Phương pháp hữu hiệu để chữa bệnh nói lắp là tốc độ nói phải chậm, khi nói phải mạnh dạn, vừa phải bình tâm, hòa nhã, tự nhiên, cố gắng phát âm chậm và dịu dàng. Ngoài ra, khi nói cố giữ tiết tấu, có thể chia lời nói thành các ý đơn giản, mỗi ý nói một lần. Câu nói phải nối với nhau. Chỉ có phát âm chậm và có tiết tấu mới có thể khiến cho ngôn ngữ nhẹ nhàng, liên tục mà không bị đứt đoạn.

Người nói lắp nên tập đọc to mỗi ngày một lần, trước hết là đọc cho mình nghe, sau đó dần dần mở rộng phạm vi, có thể tham gia ngâm thơ, biểu diễn văn nghệ trước bạn bè. Điều này vừa có thể khắc phục trở ngại về ngôn ngữ, vừa khắc phục được trở ngại về tâm lý. Người nói lắp phải dám mạnh dạn thể hiện mình, cố ý nói chuyện ở chỗ đông người để cho sự căng thẳng tâm lý giảm đi. Sự tập trung tinh thần vào tiết tấu và âm luật sẽ khiến bệnh nhân chuyển được sự chú ý đối với động tác phát âm, dần dần sẽ nói tự nhiên hơn.

Đứng trước gương tập nói hay thường xuyên nói chuyện cùng với những người thân của mình là một trong những cách đem lại hiệu quả cao. Nhưng lưu ý là phải luyện tập đều đặn, kiên trì hằng ngày. Ngoài ra cũng cần kết hợp thêm với việc luyện tập thể dục thể thao và tập thở.

Tóm lại, người bị nói lắp nên tăng cường rèn luyện kỹ năng nói, kiên nhẫn rèn thường xuyên, lâu dài. Mỗi ngày dành từ 50 đến 60 phút để tập đọc và tập nói. Cần đọc thong thả, rõ từng chữ và lưu loát. Ban đầu tập một mình, sau đó có thêm người thân để bớt cảm giác xấu hổ, lo sợ khi nói trước mặt người khác. Nên nhờ bạn bè, người thân giúp đỡ để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Cần phải tập tính tự tin trước đám đông, không nên tự ti, mặc cảm, tập kiềm chế cảm xúc.

djshg
djshg
Trả lời 13 năm trước

Nói lắp xuất hiện ở các trẻ trai nhiều hơn trẻ gái gấp 3 lần. Dạng bất thường này thường phát triển trong giai đoạn bắt đầu tập nói. Khoảng 5-10% trường hợp mắc tật nói lắp khi mới nhập học và 1% sau tuổi dậy thì.

Nguyên nhân gây bệnh

Hiện vẫn chưa rõ, nhưng các yếu tố hay được nhắc đến là:

- Chấn thương ở trẻ sơ sinh: Một số người cho rằng việc dùng forceps khi sinh nở hoặc trẻ bị va đầu vào vật cứng có thể gây tổn thương vùng Broca trong não (vùng phân tích vận động của lời nói), dẫn đến nói lắp.

- Do có bệnh: Có ý kiến cho rằng một bệnh nào đó của thai phụ có thể truyền cho con và gây tổn thương não thai nhi, trong đó có trung tâm ngôn ngữ. Hoặc trẻ nhỏ bị "tì vết" ở trung tâm này sau khi mắc bệnh ở não, màng não.

- Khủng hoảng tình cảm: Theo một số nhà khoa học, khủng hoảng tình cảm, chẳng hạn một cú sốc, có thể khiến trẻ nói lắp. Những dị tật tâm lý xã hội này theo thời gian sẽ trở thành thói quen.

Gần đây nhất, một nhóm nhà khoa học Đức đã chụp cộng hưởng từ não của 15 người bị tật nói lắp, so sánh 15 người nói bình thường và rút ra nhận xét: Ở người nói lắp có những đoạn tách rời vỏ não, cản trở lưu thông tín hiệu bình thường giữa các khu vực trong vùng kiểm soát ngôn ngữ.

Khắc phục

Phương pháp cổ điển

Mỗi ngày để 40-60 phút cho trẻ tập đọc và tập nói. Tập đọc một bài văn (mới đầu chọn bài ngắn), đọc thong thả, rõ từng chữ, nhưng phải lưu loát. Nếu trẻ lắp bắp, ngắc ngứ thì cho đọc lại. Cứ thế cho đến khi cả bài văn được đọc trơn tru. Đọc đi đọc lại cho tới khi trẻ thuộc lòng, gập sách vẫn đọc được. Mỗi ngày chỉ cần một bài. Sau một thời gian thì cho trẻ tập đọc bài dài hơn, rồi dần dần đọc bài dài hơn nữa.

Mỗi buổi đặt ra cho trẻ một câu hỏi ngắn và luyện trả lời cho lưu loát. Nếu trẻ nói lắp khi trả lời, yêu cầu nói lại cho tới khi lưu loát mới thôi, và lại tiếp tục câu hỏi khác.

Các bài tập đọc và câu hỏi thoạt đầu phải ngắn và đơn giản, không làm trẻ mệt óc. Để các buổi rèn luyện khỏi buồn chán, thỉnh thoảng cho trẻ tập đọc các mẩu chuyện cười và đặt các câu hỏi vui.

Phương pháp hiện đại

Một số nhà khoa học Đức đã lập một chương trình máy tính đặt tên là “bác sĩ lưu loát” để chữa tật nói lắp. Phương pháp này dựa trên nguyên tắc: Dù không thể chữa được nguyên nhân nói lắp, bệnh nhân vẫn hoàn thiện tốt khả năng nói lưu loát nhờ tập luyện liên tục.

Bệnh nhân nói các cụm từ đặc biệt vào micro nối với máy vi tính, tăng giảm giọng nói trong giới hạn thời gian quy định. “Bác sĩ lưu loát” sẽ ghi nhận các lỗi sai trong phần phát âm, nhấn giọng, hơi thở của người đọc và lập hồ sơ. Điều này cho phép mỗi bệnh nhân tự chứng kiến sai sót của mình, làm lại lần nữa... Kết quả thử nghiệm cho thấy, ngay cả những người nói lắp nghiêm trọng vẫn có tiến bộ đáng kể.