Tớ muốn đi du lịch TP Hồ chí Minh, vậy thuê phòng trọ 5 ngày giá bao nhiêu?

Muốn thuê phòng trọ 5 ngày giá bao nhiêu,một ngày ở đâu cám ơn

Chita
Chita
Trả lời 14 năm trước

Giá cả thì tùy bạn ạ. Giao động vào khoảng 170 - 300.000 VNĐ với nhà nghỉ hoặc khách sạn bậc trung chưa phải cao cấp. Ngay quận Phú nhuận đường PHAN XÍCH LONG khách sạn VỸ HẠ 1 và VỸ HẠ 2 ok , giá 170k, ngay cây xăng to đùng đường phan xích long á, ở đó gần trung tâm thành phố rồi. Hoặc Quận 1 bạn vào Đường Bùi Viện, khu phố Tây nhưng giá khá mềm. Số nhà 53 Bùi Viện nhé, ngày trước là SV mình làm thêm ở phòng tranh dưới ks đó nên bít giá. Khoảng 8-10$/ngày nhưng KS có vẻ không đẹp lắm.

Thông thường, khách du lịch đến Tp. HCM thường đặt một city tour tham quan vòng quanh thành phố.

Một citytour chuẩn thường bao gồm:

(1) Thăm quan các địa điểm nổi tiếng tại khu trung tâm (bao gồm: chợ Bến Thành, Thương xá Tax, Ủy ban Nhân dân Thành phố, Nhà hát Thành phố, đường Đồng Khởi, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Dinh Độc lập, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, v.v...)

(2) Tham quan quận 5 được biết đến như là Chinatown của Sài Gòn: tham quan các khu thương mại buôn bán của người Việt gốc Hoa như An Đông plaza, chợ Lớn, v.v...

Đây là một citytour mà các công ty du lịch thường tổ chức cho du khách nước ngoài, công thêm một số chương trình mua sắm và tour đi địa đạo Củ Chi hoặc Tây Ninh.

Tuy nhiên, nếu bạn muốn hiểu hết Sài Gòn thì ngoài một citytour chuẩn bạn nên đi thêm nhiều nơi khác nữa: chẳng hạn tham quan những tuyến phố và con đường đặc biệt tựa như 36 phố phường ở Hà Nội vậy. Hơn nữa, Sài Gòn nổi tiếng với các ngóc ngách, đường hẻm và ẩm thực đường phố chắc chắn sẽ cho bạn một trải nghiệm thú vị. Hơn hết, Sài Gòn có nhiều trung tâm mua sắm sầm uất xen kẽ những cửa hàng mang phong cách hè phố nơi bạn có thể mua những mặt hàng từ cao cấp đến bình dân một cách dễ dàng.

Giao thông tại thành phố khá "thoáng", nếu bạn đi xe ôm thì nên ngã giá trước, hệ thống xe buýt cũng khá tiện dụng. Nếu người thân không ra đón bạn, thì nên đón xe taxi nhưng bạn có thể ngã giá, vì các hãng taxi cũng đang cạnh tranh kịch liệt tại sân bay. Tuy nhiên, bạn nên tránh những giờ cao điểm vì thường hay xảy ra kẹt xe.

Bạn có thể bỏ thêm một ngày để thăm quan đồng bằng sông Cửu Long như Bến Tre hay Tiền Giang.

Dự định là tìm hiểu thật nhiều, thật hết mọi thứ có thể trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó nhưng nhiều việc xảy ra ngoài ý muốn, thành phố thì quá rộng, lực bất tòng tâm, tôi xin ghi chép lại chút cảm xúc của một người lần đầu tới thăm loanh quanh mấy nơi trong thành phố mang tên Bác.

Nóng – là cảm giác đầu tiên lúc đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, dù trời vừa mưa xong và dù chỉ mặc mỗi chiếc áo phông. Tới sáng hôm sau thì quen hẳn thời tiết, một chút lành lạnh vào sáng, nắng nóng vào trưa và lại mát vào tối.

Bụi – Sài Gòn có vẻ khá bụi, ai ra đường ban ngày cũng mang khẩu trang bất kể đàn ông hay phụ nữ. Buổi tối, không khí mát hơn, ít người đeo khẩu trang hơn, mọi người diện hơn, đổ ra các khu phố dạo chơi và mua sắm. Thành phố rất đẹp về đêm với nhiều đèn điện, ồn ào, sôi động.

Nhiều xe xấu - Dù nghe nhiều người nói nay được tận mắt chứng kiến, người Sài Gòn đi xe ít kén chọn hình thức thật. Ít ô tô con, ít xe máy đẹp, những chiếc xe máy giản dị, cũ kỹ đôi khi còn trơ trọi chỉ có bộ khung máy vẫn ung dung chạy trên đường tạo nên những âm thanh ồn ào hòa vào không khí náo nhiệt của thành phố có tiếng là năng động này.

Kỷ luật đường phố của họ tốt, các xe phân luồng khá nghiêm túc, ô tô bên trái, xe máy bên phải và vẫn có thể đi khá nhanh nhưng ít va quẹt trên các tuyến phố lớn. Các con hẻm, đường ngách cũng vẫn có tắc đường, giống y chang Hà Nội. Nghe bạn tôi bảo, ở đây chủ yếu cảnh sát bắt phạt là vì quên không bật đèn và đi sai làn đường. Mấy hôm rong ruổi trên phố, hiếm hoi gặp một chú cảnh sát đứng, khác hẳn mật độ dày đặc của đội ngũ cảnh sát giao thông ở Thủ Đô.

Xe buýt trong thành phố có hãng SaiGonBus và xe buýt liên hiệp. Xe màu xanh trông xấu hơn chứ không đỏ vàng và mới như ở Hà Nội. Lạ ở chỗ là xe chạy liên tục, không dừng nếu khách không yêu cầu và không có ai vẫy xe. Nhưng xem chừng, xe buýt ở đây cũng như ở Hà Nội vẫn là những anh hùng xa lộ.

Địa chỉ ở Sài Gòn cũng hơi loằng ngoằng, thành phố lớn, lại nhiều tên đường trùng nhau thế nên hỏi địa chỉ phải hỏi cặn kẽ, đầy đủ không thì nhầm nhọt là cái chắc. Lại nhìn thấy nhiều khi bên cạnh địa chỉ mới là số nhà cũ. Quy hoạch lại đường phố xem chừng là một kế hoạch dài hơi, tốn kém tài sản xã hội. Lại nhớ tới vụ mở rộng Hà Nội ngày càng to hơn, không biết sẽ thế nào nhỉ?

Hàng quán về đồ ăn uống rất nhiều và gần như có ở khắp nơi, mọi khoảng thời gian. Những tủ hàng nước giải khát, nước sinh tố thường có dọc các vỉa hè. Hoa quả bày trong các tủ kính khá đẹp mắt, đủ màu sắc: cà rốt, dừa, quả bơ, mãng cầu, bưởi, cam… Có thêm mấy món giải khát khá phổ biến ở đây nhưng hơi lạ tai với tôi là nước sâm lạnh, sâm bổ lượng (không hiểu sao nó có tên như thế), sương sáo, sương sa, bạch quả, … và một món rất ngon mát là món rau câu trái dừa.

Trà đá và cà phê đá là hai thức uống có ở hầu hết các hàng quán ăn. Trà đá nhạt hơn ngoài Bắc và nhiều những viên đá ống, nhỏ, trong suốt, kèm theo một ống hút. Cà phê đá là cà phê đen, thêm chút đá, chút đường quả là khó uống với một kẻ không nghiền như tôi nhưng vẫn quyết gọi uống thử cho biết vị đắng cà phê đá Sài Gòn. Quán cà phê ở Sài Gòn tạo cho tôi cảm giác phóng khoáng, thật giống như nét phố phường ở đây. Có lẽ đi cà phê là một nét văn hóa của người miền đất này, bạn bè tới là phải đi cà phê, không thể khác được. Và vì thế, dù rất nhiều quán cà phê thì vẫn sẽ còn phát triển thêm những quán độc đáo, sáng tạo và lãng mạn.

Món ăn ngọt ơi là ngọt – khác hẳn khẩu vị Bắc khiến tôi dù đói mèm cũng không thể ăn hết bát mỳ ở khu chợ đêm. Nước chấm cũng ngọt nhưng sau vài lần đánh chén, tôi cũng quen dần, ăn ngọt một chút cũng vô tư.

Vài ngày ở trong đó, nghe nhiều đâm quen, thi thoảng tôi lại dùng mấy từ “quẹo” thay vì nói “rẽ”, nói “vô” thay vì nói “vào” hay không giật mình khi bị gọi là “cưng, bé”… Lại thêm một vài sự khác biệt thú vị về ngôn ngữ khi tôi ra chợ mua giò lụa và chả quế. Tôi bảo bác bán hàng cho cháu mua hai lạng giò và hai lạng chả nhưng bác ấy cứ hỏi đi hỏi lại. Té ra ở trong này, gọi giò cũng là chả, phải nói mua lụa và quế.

Tác phong phục vụ tại các quán hàng khá chuyên nghiệp. Tại các shop lớn luôn có những anh chàng đẹp trai đứng, sẵn sàng mở cửa cho bạn vào dù bạn là ai. Các cà phê, nhà hàng, shop thông thường thì nhân viên bảo vệ, trông xe cũng rất niềm nở dù bạn chỉ vào ngó, chẳng mua gì. Chợ Sài Gòn đông đúc và nhộn nhịp, họ cũng nói thách nhiều nhưng không thấy ai quát hét hay đốt vía khách hàng như ở ngoài Bắc. Thấy yêu cái tính này của người Sài Gòn ghê.

Giọng con gái Sài Gòn dễ thương và con trai thì ấm nhưng nghe họ nói với nhau thì những người vừa tiếp xúc lần đầu như tôi cứ gọi là lắc đầu không hiểu. Cứ như chim hót, hệt hai cái đài cassette bật cạnh nhau, không hiểu nổi.

Người Sài Gòn hiền thật. Bạn tôi chạy xe đâm uỳnh vào họ, chưa kịp ngẩng lên xin lỗi, anh chàng đi luôn chẳng thèm quát nạt nửa câu làm hai đứa cứ áy náy. Trong khi vừa tối về tới Hà Nội, chứng kiến cảnh một anh chàng phóng xe đâm một nhóc xe đạp ngã, không quay lại mà vù đi luôn. Thấy buồn buồn…

Còn bao nhiêu điều để nói, nhưng chưa kịp nhớ ra, chưa biết viết thế nào. Sau chuyến du hành, tôi rút ra một điều một điều giản dị cho bản thân là: Hãy đi thì sẽ khám phá được những điều băn khoăn. Hãy làm để không tiếc những điều chưa làm.

P/S: Tôi tiếc một vài điều chưa làm được, nhưng hẹn Sài Gòn lần sau nhé!