Chúng ta có đang "sống ảo" quá nhiều?

 

Ảnh minh hoạ: Media Purge

Thời gian vừa qua, trên Facebook, đã có nhiều cuộc tranh luận về chuyện nhà anh Nghị. Và khi mọi thứ dường như đã đi đến đỉnh điểm, mình cũng muốn viết một bài để bày tỏ một số suy nghĩ liên quan đến dư luận của cộng đồng mạng.

Mạng xã hội & truyền thông: 1 con dao với 2 chiếc lưỡi

 

Ảnh minh hoạ: Soha và Plo

Như bạn thấy: Bên trái là hình ảnh của cha con anh Nghị đang bị các nhà hảo tâm (có thể có cả truyền thông) "vồ vập". Còn bên phải là bức hình được đăng cũng khá lâu rồi, nó là câu chuyện về một chú cá heo không may bị mắc cạn và bị con người vây lấy chụp ảnh lưu niệm cho đến... chết.

Đối với riêng mình, mặc dù hai câu chuyện - hai hình ảnh này xảy ra tại hai thời điểm khác nhau và trên những cá thể không hề liên quan gì cả. Song, chúng cùng gợi cho mình một chuỗi những cảm giác: Ngột ngạt, bị vây lấy, bất lực, không thể làm bất cứ điều gì.

Thật tình mà nói, nhờ mạng xã hội mà nhiều người đã biết và đến gần hơn với nhiều hoàn cảnh cần cưu mang như cha con anh Nghị.

Nhưng cũng chính "nhờ" dư luận từ đây mà cuộc sống vốn yên bình của gia đình này đang dần bất ổn, bởi sau nhiều lời ra tiếng vào thì nay có cả một nhóm người tự xưng là "giang hồ" và hăm doạ hành hung người đàn ông đang "gà trống nuôi con".

 

Ảnh minh hoạ: Thể thao & Văn hóa

Ở đây, trong phạm vi của bài viết này, mình xin không bàn về vấn đề đúng sai. Vậy nên, mình sẽ dành thời gian để nói về những gì mà cư dân mạng đã và đang tạo ra cho họ.

Trước hết thông qua những hình ảnh ở trong bài, khi đến nhà thăm hỏi và trao gửi tiền, bên cạnh việc lắng nghe và chia sẻ, nhiều người còn không quên ghi lại những phút giây "lay động lòng người" bằng smartphone.

Tuy mỗi người có một cách nghĩ cùng những cách hành xử riêng nhưng việc cùng "xâu xé" để chụp những đứa trẻ tật nguyền kia mình nghĩ không phù hợp.

Giả sử bạn có là người đại diện đi quyên góp tiền, cần minh chứng rằng anh Nghị đã được trao tận tay số tiền đó thì bạn vẫn còn khá nhiều cách khác chứ không cần phải đưa điện thoại lên ghi lại hình ảnh kèm mặt mình và những đứa trẻ tội nghiệp kia.

 

Ảnh: Soha

Xin đừng chỉ trích người khác khi ta không giúp được gì

Dù nói như thế, nhưng mình thấy những người đang "sống ảo" vừa nêu vẫn còn tốt so với một số đông còn lại. Đó là số đông những người đang không giúp đỡ nhưng lại thích đi chỉ trích kẻ khác, thậm chí can thiệp và tỏ ra như mình là người tường tận ngọn ngành.

Thật vậy, nếu cho rằng những mạnh thường quân kia đang quá sống ảo thì chúng ta hãy tự vấn lại rằng: Bản thân mình tuy sống thật nhưng có giúp được ai như họ chưa?

Họ (các nhà hảo tâm) có phần không đúng khi làm những điều như vậy nhưng thay vì lên án, ta có thể góp ý và hy vọng họ xem lại để ứng xử đúng mực hơn trong những lần sau.

 

Ảnh minh họa: Kenh14

Kết

Theo mình, cho dù sự thật có như thế nào thì hai đứa trẻ kia vẫn cần sự giúp đỡ. Hơn nữa, bao năm qua chúng chỉ sống với cha là điều mà ai cũng phải thừa nhận.

Vậy nên, đừng bao giờ lấy cái tâm đầy biến động của chúng ta để lay chuyển mọi thiện chí giúp đỡ ban đầu của bản thân hay của người khác. Một khi đã quyết định giúp ai, bạn cũng đừng bao giờ hối tiếc vì nếu họ có lỡ làm sai, pháp luật và nhân quả sẽ trừng trị họ.

Và khi ta không thể giúp được những mảnh đời bất hạnh thì cũng đừng nên góp ý hay chỉ trích việc người khác đang làm.

Hãy cứ để mọi thứ đơn giản, nhẹ nhàng vì cuộc sống như vậy mới đáng để sống! Các bạn có đồng ý với ý kiến này không?

 

Chưa có câu trả lời nào