Cháu còn quá nhỏ để đi học xa gia đình nhưng quả thực môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và đặc biệt là nền giáo dục Singapore đã hấp dẫn vợ chồng tôi.
Chào các anh chị,
Nhân dịp hè năm nay, gia đình tôi cho cháu trai đang học lớp 3 trường tiểu học Hà Nội sang học hè theo chương trình học tiếng Anh của một công ty du học có tên tuổi.
Cận ngày cháu kết thúc chương trình, vợ chồng tôi sang kết hợp thăm cháu và tìm hiểu quá trình học của cháu tại Singapore. Với những gì tận mắt chứng kiến điều kiện học tập của các cháu tại môi trường nước bạn chúng tôi đã trao đổi với các thầy cô giáo trong đoàn và tìm hiểu qua mấy người bạn cơ quan đang có con du học đại học tại đây. Vợ chồng tôi đã có quyết tâm cho cháu sang du học Singapore ngay trong năm học này.
Không thể không lo lắng vì quyết định của mình có vội vàng quá không, trong khi cháu còn quá nhỏ để đi học xa gia đình nhưng quả thực môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và đặc biệt là nền giáo dục Singapore đã hấp dẫn vợ chồng tôi.
Quyết định cho cháu sang đã được trao đổi trong gia đình và thực tình có quá nhiều ý kiến khác nhau. Đồng ý thì nhiều nhưng lo toan thì quả thực còn lớn hơn. Tôi nên quyết định ra sao, vì tôi biết chắc chắn một điều nếu cháu sang và học tập tại nước bạn con tôi sẽ có một tương lai tốt.
Mong được anh chị chia sẻ.
Trần Thị Hoa Chi
Cháu cũng sắp đi du học Singapore
Thưa cô chú, cháu hiện nay đã học hết cấp 3 và đỗ vào đại học công nghệ Nanyang bên Sing. Bản thân cháu thì cho rằng em còn quá nhỏ để có thể đi du học. Nếu em có thể sống tự lập thì rất tốt vì tác phong của người nước ngoài khác nhiều với Việt Nam nhưng xa gia đình thì cũng rất dễ vướng phải nhiều vấn đề, bị bạn bè lôi kéo, đặc biết là ở độ tuổi còn non nớt như thế.
Thêm vào đó, chi phí du học bên Sing cũng khá đắt so với Việt Nam, cháu học đại học nên chính phủ Sing có chương trình hỗ trợ học phí 80% cũng đỡ được chút ít.
Theo cháu thì cô chú nên để em học ở Việt Nam xem khả năng thế nào vì thực ra kết quả cấp 1 cũng chưa phản ánh được gì nhiều. Sau đó có thể tìm một học bổng của các trường có uy tín (học bổng A-star cho cấp 3 và Asean cho đại học).
Còn nếu cô chú thấy em thực sự có khả năng và quyết định cho em đi thì cô chú nên đi theo hoặc tìm một người quen để chăm sóc, giúp đỡ, bảo ban em.
( Hải )
Cần tìm hiểu kỹ môi trường sống trước khi quyết định.
Tôi quen biết nhiều gia đình có con cái hiện đang học tập và đã hoàn thành các khoá học bên Singapo. Tất cả mọi người, mọi gia đình đều đánh giá môi trường bên đó là rất tốt, tuy nhiên các cháu thường bắt đầu sang đó du học từ cấp 2 trở đi.
Cháu nhà chị Hoa Chi năm nay mới học lớp 3-10 tuổi (Anh Trung Việt thân mến 10 tuổi chứ không phải 3 tuổi đâu nha) nếu nhà chị có người quen bên đó thi thoảng qua lại quan tâm hỏi han chăm sóc thi tôi nghĩ cháu qua đó du học cũng không có vấn đề gì là lớn cả, mong chị và gia đình cân nhắc kỹ trước khi quyết định, tương lai của cháu như thế nào tất cả phụ thuộc vào quyết định của chị và gia đình đấy ạ.
Chào chị!
( (Đức Quang) )
Bạn sẽ cực kỳ hối hận
Chào bạn,
Đó sẽ là quyết định sai lầm nhất trong cuộc đời của hai vợ chồng bạn, và sau này hai vợ chồng bạn sẽ cực kỳ hối hận. Hai vợ chồng tôi đều từng đi du học và hiện đang công tác tại nước ngoài. Theo quan điểm của tôi thì con cái nên cho đi du học tầm đại học trở lên khi các cháu đã định hình nhân cách và sợi dây tình cảm với bố mẹ đã bền chặt.
Tôi có thể đảm bảo với bạn là đứa con bé bỏng của bạn sẽ trở nên xa lạ với bố mẹ. Có chắc cháu sẽ có một tương lai tốt hay không khi ở lứa tuổi đôi khi còn tè dầm mà không có bố mẹ ở bên chăm sóc. Và vô tình các bạn đẩy bé vào thế mồ côi khi vẫn còn bố mẹ?
Chúc các bạn có quyết định đúng đắn, còn nếu vẫn quyết định cho cháu đi học thì 10 năm sau mở ra đọc lại ý kiến của tôi xem có đúng hay không?
( Pham Quan )
Chị Chi nên cân nhắc kỹ càng
Chào chị Chi,
Trước tiên phải giới thiệu em là người đã ở Singapore đến nay hơn 8 năm. Đã học đại học và đang làm việc tại đây. Em cũng khá hiểu Singapore mặc dù không dám nói là sâu sắc gì lắm. Nền giáo dục Singapore nói 1 cách toàn diện thì có thể là tốt hơn khá nhiều so với giáo dục ở Vietnam. Nhưng em phải nói thằng, em tốt nghiệp từ trường ĐH công lập ở đây ra, vẫn phải trật vật đi kiếm việc. Và ngay chính các công ty ở Singapore cũng chẳng quá coi trọng gì cái bằng của các đại học ở Singapore. Đầu tiên, em nghĩ chị nên cân nhắc kỹ cho con chị.
Với một đứa trẻ mới 8 tuổi, kiến thức đi học liệu có quan trọng lắm không, hay quan trọng hơn là sự yêu thương chăm sóc của bố mẹ. Hơn nữa, ở tuổi này đến hết cấp 2 là thời gian quan trọng, hình thành nhân cách của cháu. Cho cháu đi sang đây học từ lớp 3, chả khác nào hành hạ nó cả.
Sẽ là tốt nhất cho cháu nhà chị nếu anh chị có thể chờ đến khi cháu hết cấp 2 hãy quyết định. Từ nay cho đến đấy anh chị có thể cho cháu mỗi mùa hè sang đây học tiếng Anh 2-3 tháng dịp hè. Hết cấp 2 có thể quyết định sang đây học Junior College hay sang 1 nước nào khác (tốt nhất nên sang UK).
Nếu cháu học tốt thì sau 2-3 năm học Junior College, thì cháu có nhiều cơ hội để tiếp tục học ở US hay là UK hơn. Chỉ trừ khi không có lựa chọn hoặc không đủ điều kiện thì hãy để cháu học Đại học ở Sing, còn nếu có điều kiện thì tốt nhất là sang nước khác, chị ạ.
( D L )
Theo tôi thì không nên cho trẻ em đi du học quá sớm
Tôi là một chuyên viên tư vấn du học đã nhiều năm. Tôi xin có lời khuyên là chị không nên cho cháu đi du học quá sớm như vậy. Mặc dù biết là nền giáo dục của họ hơn hẳn mình nhưng ở đâu thì theo đấy chị ạh. Chị cho cháu đi sớm như vậy cháu sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập cộng thêm việc sau này sẽ có thể tác động đến tâm lý của cháu vì cháu phải xa gia đình từ nhỏ mà chưa chắc đã có tương lai tốt như chị suy nghĩ đâu.
Theo tôi chị có thể cho cháu học tại các trường quốc tế, mùa hè thì có thể cho cháu tham dự các khóa học mùa hè ở các nước và tốt nhất là nên cho cháu đi du học từ phổ thông cấp 3 hoặc đại học.
( Nguyệt Nguyệt )
Đừng cho con đi du học khi cháu còn quá nhỏ
Chào chị, Tôi hiện đang sống với chồng và các con tại Mi. Tôi rất hiểu tâm sự của các bậc cha me, khi có điều kiện tiếp xúc với nền giáo dục của các nước phát triển như Sing, Anh hay Mi và ước muốn cho con du hoc của các bậc cha mẹ . Nhưng trường học chỉ là trường học, họ chỉ dạy con chị kiến thức chứ không dạy con chị nhân cách nghị lực lòng thương người... Điều này chỉ có cha mẹ bên cạnh uốn nắn hàng ngày mới có thể làm được. Tôi co con trai cung do tuoi cua con chi, 8 tuổi va học lớp 3. Chau cung rat thông minh nhưng tôi vẫn phải dạy bảo chau hàng ngày về nết ăn nết ở. Tuổi này trẻ bắt đầu ý thức được điều đúng điều sai va là lúc cần phải uốn nắn cháu. Nếu chị cho con chị đi sang đó có nghĩa là chị không có điều kiện ở bên cạnh để dạy dỗ cháu, an ủi và nâng đỡ cháu những khi đau ốm. Điều kiện có tốt đến đâu thì cũng không bao giờ có được tình thương của cha mẹ bên cạnh. Mai mốt cháu lớn lên tình cảm gia đình của cháu sẽ ra sao. Hay tôi là người cả lo, chứ con tôi ra khỏi tầm mắt của tội là tôi không an tâm, không biết cháu làm gì, có làm bậy suy nghĩ bậy hay không. Theo tôi chị chưa nên cho cháu đi lúc này vi cháu còn quá non. Đừng bắt con trẻ trở thành người lớn quá sớm. Hãy cho cháu được sống hồn nhiên là một đứa trẻ trong vòng tay âu yếm của cha mẹ và gia đình và rèn luyện cho cháu tính độc lập để đến lúc học xong lớp 12, cháu đã vững vàng và trưởng thành sống một mình ở một môi trường hoàn toàn xa la. Nếu chị có điều kiện có thể cho cháu sang Sing hay bất cứ nước nào hoc tập trong thời gian cháu nghỉ hè để cháu co kinh nghiệm trải nghiệm cuộc sống. Đó là cách chị dạy con minh tập bơi và bơi cho vững trước khi thả con ra biển cả bao la cho cháu vùng vẫy mà không sợ con mình chết đuối. Vài dòng tâm sự mong chi và những cha mẹ có ý định đưa con đi du học cũng đừng bắt các cháu đi khi còn quá nhỏ. Thân ái ( Hellen )
Một đất nước hoàn hảo?
Chào chị,
Một môi trường chỉ tốt cho việc học, chứ sống thì không đến nỗi hoàn hảo mà bạn nên đánh đổi tuổi thơ bên bố mẹ cho cháu. Tôi công nhận nhiều người bên đó khá giỏi, chính sách nhà nước công minh, nhưng trong một xã hội có người Malaysia, có người Singapore, có người Trung Quốc, có người Ấn Độ, có nhiều người từ nhiều nước khác đến mà sống trong một quốc đảo nhỏ, đa số là nhân tạo, vườn, bãi biển... Đó chỉ là nơi hợp cho đi shopping cuối tuần đúng hơn là sinh sống.
Học giỏi thì ở đâu cũng giỏi, tất nhiên môi trường giáo dục cũng ảnh hưởng, nhưng như vậy thì Châu Âu, Úc, Mỹ không phải hơn sao? Tôi chỉ có một nhận xét về những đồng nghiệp Singapore đã gặp (6 người): họ thích di chuyển, họ thích sự thay đổi, họ thích đến những nơi mới, thích những cái mới, và với nhiều người, cuộc đời là những chuyến thay đổi triền miên (tôi gọi đó là sự hời hợt trong cuộc sống, và sống gấp), vì S'pore quá nhỏ bé chăng? Khi còn trẻ thì không sao, nhưng khi đã có gia đình rồi thì đối với tôi, đó là một sự không ổn định.
Tôi xa gia đình khi 12 tuổi, sống ở nước ngoài một mình từ khi đó. Cuộc sống tốt, nhưng không lúc nào không nghĩ đến cha mẹ, có 2 chiều, một là thật tốt vì mình thấy cuộc sống ở nhiều nơi trên thế giới, vì thế suy nghĩ rộng hơn, hiểu biết hơn, sung túc hơn (không phải ai cũng dễ dàng kiếm việc tốt dù ở nước ngoài), nhưng một chiều kia luôn hỏi sao mình thiệt thòi thế, lúc đau ốm có thể tự lập, vì luôn có riêng một y tá trông nom, nhưng vẫn muốn có gia đình ở bên, cảm giác đó vô cùng da diết, đau đáu và đôi khi luôn tự hỏi mình đã bao tuổi rồi, tôi quên mất cảm giác được mẹ nâng đầu đặt lên gối khi mình ốm là thế nào, và nghĩ đến, chỉ muốn khóc, vì giật mình khi thấy tóc mẹ bạc rồi, cuộc đời có thể có 2 lần trẻ thơ bên mẹ không?
Chị đang nghĩ cho mình thì đúng hơn, mình mong muốn con thành đạt, đừng đặt gánh nặng lên cháu quá sớm. Cháu giỏi thì qua cấp 2, 3 cháu có thể đi du học. Cháu bé thế lạc lõng giữa chốn đông người mà không người thân tội nghiệp cháu. Chị làm tôi nghĩ đến nước Anh thời xa xưa, khi mà bố mẹ khắc nghiệt mong con thành đạt trong tương lai gửi con đi học và tự lập từ khi 8 -9 tuổi, nhiều bé bị viêm phổi, nhiều bé bị trầm uất, nhiều bé bị có cảm giác bị bỏ rơi... Và cuối cùng, không còn tình yêu bền chặt với gia đình nữa.
Chị thử tìm đọc xem...
Nen hay khong nen
Chào chi,
Gia đình tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Sing. Toi cũng có con đang đi học lớp một bên này. Tôi xin chia sẻ với chị một vài ý kiến về vấn đề này. Tôi có thể nói luôn là không nên cho cháu đi du học khi cháu ỏ độ tuổi còn quá bé như con chị.
Thứ nhất chị hơi ngộ nhận khi nói rằng nếu cháu được sang sing du học thi chắc chắn cháu sẽ có một tương lai tốt. Đúng là môi trường học hành ở bên sing tốt, tuy nhiên thành công hay không còn phụ thuộc vào chính bản thân cháu.Cháu quá nhỏ chưa thể nói lên điều gì. Ỏ Sing cũng vậy thôi, cũng có em giỏi em dốt, đâu có nghĩa là tất cả học sinh ở Sing sẽ có một tương lai tốt hơn, học giỏi hơn, thành công các em ở Việt Nam?
Thứ hai, ở Sing , truờng Đại học thì tôi không nói làm gì nhưng trường phổ thông cũng có trường giỏi trường dốt. Tất nhiên , không như ở VN là đút tiền để chạy vào truờng giỏi nhưng liệu con chị có vào được các trường giỏi không? Liệu con chị có xin được vào trường công lập không. Hệ thống trường công lập mới tôt, còn sang mà học mấy trường quốc tế thì vút đi chị ạh. Cũng như ở VN, ho cũng chạy đua, rồi học thêm hoc nếm đủ kiểu như ở VN. 40% các em giỏi sẽ được vào học ba truờng Đại học Quốc gia ở Sing là NÚ, NTU và SMU. Dốt thì phải du học. Môi trường học hành cũng khắc nghiệt chứ không đơn giản. Họ chon lọc kỹ.
Theo tôi cháu có thể sang du học từ Đại hoc là hợp lý nhất . Nếu tôi có con ở VN, con tôi học giỏi , được học bổng dể đi du học thi tôi sẽ cho di, chunéu không có khả năng thi môi trường giời vẫn thế chi ah. Chưa kể cháu quá nhỏ, bố mệ rất quan trọng.
Đấy là một vài suy nghĩ của tôi để chị tham khảo
Tôi là một người may mắn được trải nghiệm cả nền giáo dục Việt Nam và phương Tây. Những điều tôi viết ở đây hoàn toàn rút ra từ bản thân và gia đình tôi, chứ không phải nghe nói hoặc đọc được ở đâu đó.
Tôi đang là nghiên cứu sinh ở Montreal, Canada, con trai sống cùng tôi ở đây và đang học lớp 2. Mỗi ngày đi học của cháu là một ngày vui, có bao nhiêu chuyện để kể về trường lớp, bạn bè. Khi đưa con sang, tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất là gia đình được đoàn tụ, vì khi đó cháu mới 5 tuổi nên tôi chưa thấy lo lắng về chuyện học hành nhiều.
Qua một năm học mẫu giáo ở đây, cháu đã nói được tiếng Pháp. Tôi đã để ý tìm hiểu nền giáo dục ở đây nhiều hơn. Với trẻ con, chúng không phải học quá nhiều kiến thức hàn lâm như chúng ta và con cái ta đã và đang được học nhưng những kiến thức xã hội và kỹ năng sống tối thiểu của con người thì được dạy rất cẩn thận.
Chẳng hạn, các cháu từ mẫu giáo cho đến lớp 5, 6 của bậc tiểu học thường xuyên được đến bể bơi 2-3 lần một tháng tùy lứa tuổi. Mới đầu thì làm quen với nước để không sợ nước nữa, sau thì tự tập bơi với các bạn cùng sự giám sát của các giáo viên, phụ huynh và nhân viên tại bể bơi.
Trường con tôi đang theo học có giờ dạy bơi nghiêm chỉnh. Họ cũng không có bể bơi trong trường mà học sinh được dẫn đến bể bơi của khu vực. Ở nước mình, con gái thành phố hiếm khi biết bơi, may chăng một số gia đình tranh thủ cho con học bơi dịp nghỉ hè. Bạn bè tôi ở đây khá ngạc nhiên khi biết tôi không thể bơi.
Tôi thiết nghĩ, bơi không chỉ là một môn thể thao hay giải trí đơn thuần, mà đó là một kỹ năng cần thiết. Đã có bao nhiêu chuyện đáng tiếc xảy ra chỉ vì không biết bơi. Các cháu còn được dạy nấu ăn từ lớp 2. Nhiều trường một năm vài lần đầu bếp sẽ đến hướng dẫn trẻ chuẩn bị các món ăn đơn giản nhưng có trường trẻ em được tham gia các lớp nấu ăn.
Thử hỏi, ở nước mình, có bao nhiêu phần trăm đàn ông tự nấu nướng hoặc đơn giản là biết làm một số việc bếp núc giúp chị em? Riêng tôi cho rằng, đàn ông Việt Nam rất giỏi giang, có điều chuyện bếp núc gần như mặc định là của phụ nữ nên ở nhà, ít khi mẹ dạy con trai, ở trường học thì gần như không có mục này.
Không học nhiều Văn, Toán... nhưng ở đây các cháu lại được học về các kiến thức rất gần gũi với cuộc sống và hết sức hấp dẫn bọn trẻ như cấu tao cơ thể con người ngay từ mẫu giáo, trẻ được cùng nhau lắp ráp các mô hình bộ phận cơ thể sao cho đúng vị trí. Các bạn nghĩ xem, hiểu biết về cơ thể ngay từ bé có quan trọng không? Ít ra ta có thể đoán được có gì không ổn khi bị đau ở vị trí nào đó.
Chuyện đi học hàng ngày, các cháu chỉ phải mang theo 3-4 quyển vở mỏng và một quyển lịch, gần giống vở ghi đầu bài của ta, bố mẹ cũng có thể liên hệ trao đổi với giáo viên thông qua quyển lịch đó. Hầu như các sách vở khác đều để lại trên lớp, trong ngăn bàn riêng vì không có nhiều bài tập ở nhà nên trẻ không phải đeo nhưng chiếc cặp nặng đến gẫy xương.
Trong lớp học, trẻ em không nhất thiết phải ngồi khoanh tay, thẳng lưng như tôi vẫn từng làm trước đây (tất nhiên vẫn trong khuôn khổ nhất định) nên bọn trẻ không bị gò bó quá. Nhiều trường có những chương trình rất vui và hữu ích, ví dụ như các em được làm ngôi sao của lớp trong một tuần, các em phải chuẩn bị cùng bố mẹ một quyển vở giới thiệu về mình, dán ảnh gia đình, nêu thói quen, sở thích, ước mơ... của mình.
Học lớp 1 mà ai cũng từng được làm một ngôi sao đứng trước lớp để các bạn và cô giáo tha hồ phỏng vấn, trẻ con vừa thích vừa bạo dạn và vô cùng có ích cho công việc tương lai. Cách làm thế này tôi biết một số trường ở Hà Nội đã làm, vậy mà tại sao các trường khác không áp dụng. Khẩu hiệu trong lớp học thì thật giản đơn và thực tế, ví dụ " Tôi không nói chuyện riêng trong giờ học, tôi lắng nghe và nhìn vào người đang nói với mình".
Tôi cho rằng đó là những nguyên tắc tối thiểu trong lớp học cũng như trong cuộc sống, trẻ con 6-7 tuổi khó có thể hiểu nổi những khái niệm trừu tượng và to tát. Chuyện họp phụ huynh cũng rất thoải mái, một năm có 2 lần họp, lần đầu thì họp chung cả lớp, còn lần sau thì các phụ huynh sẽ đăng ký giờ để họp riêng với giáo viên chừng 15 phút. Tuy nhiên điều này khó thực hiện ở nước ta, vì sĩ số lớp quá đông.
Giữa tây và ta không chỉ khác nhau nhiều về giáo dục tiểu học. Ở bậc học cao hơn cũng không hề giống nhau. Tôi đang học bậc tiến sỹ. Tôi và nhiều bạn tôi nhận thấy nền giáo dục của mình khác thế giới nhiều quá. Đi du học, vấn đề khó khăn lớn nhất là bất đồng ngôn ngữ, nhưng không chỉ có thế, kiến thức mà chúng tôi được học không đủ đáp ứng với những đòi hỏi của thế giới. Nhiều khi các kiến thức cơ bản đã được học rồi nhưng khi đụng đến lại không nhớ, phải chăng do chúng ta học gạo?
Tôi vẫn còn nhớ như in nhiều giờ trong trường đại học, thầy giảng, trò chép, khi thi thì phải học thuộc các kiến thức thầy dạy để viết hoặc trả lời vấn đáp. Vượt qua mỗi kỳ thi như vậy nhẹ cả người rồi thì kiến thức cứ theo nhau rơi rụng dần. Tôi rất thích cách học của phương tây, họ không bắt ta học thuộc lòng nhiều (không nhiều nhưng có một số thứ đương nhiên phải nhớ), mà khuyến khích cách tư duy, phải nghĩ để đưa ra ý kiến riêng của mình.
Những kiến thức mà ta đã đọc thì sẽ nhớ rất lâu vì nó thực sự cần thiết cho công việc, hơn nữa ta đã dùng kiến thức đó để giải thích cho một hiện tượng hoặc đưa ra các định hướng chứ không chỉ nhớ để trả bài. Có rất nhiều câu hỏi "Tại sao...", "Bạn nghĩ như thế nào..." mà các giáo sư đặt ra trong mỗi kỳ thi chứ các câu hỏi về định nghĩa hay khái niệm rất ít thấy.
Tôi không muốn so sánh khập khiễng giữa các bậc học khác nhau, vì chuyện đào tạo tiến sỹ ở Việt Nam, tôi hiểu rất rõ. Một chị bạn của tôi khi bảo vệ luận án tiến sỹ tại một trường đại học danh tiếng của Hà Nội xong đã nhắn tin cho tôi rằng "xong rồi, mệt quá, chạy lo thủ tục mất mấy tháng, cứ đánh bóng mặt đường suốt ngày, lên Bộ, về trường, đến gặp thầy...". Chị còn bảo "chán lắm, chả có thêm kiến thức mấy".
Tôi nghĩ chị bạn tôi là người có tâm nên mới thấy chán. Bản thân tôi cũng đã học đại học và thạc sỹ trong nước, khi nhận tấm bằng cử nhân khoa học tự nhiên, tôi thấy tự hào lắm, còn với tấm băng thạc sỹ, tôi thấy chẳng vui gì. Mặc dù cách đào tạo đại học của ta cũng có nhiều điều tôi thấy chưa thực sự hay như phải học thuộc lòng quá nhiều nhưng dù sao ở nhiều trường đại học lớn như trường tôi, đào tạo cử nhân thực sự nghiêm túc.
Nhưng đến bậc thạc sỹ và tiến sỹ thì cần phải bàn nhiều, đúng là mệt vì lo thủ tục hơn là học tập và nghiên cứu. Trong khi ở các trường nước ngoài, có những người chuyên trách về các thủ tục, bạn không phải lo gì, cần gì thì có thể trao đổi qua e-mail, cứ lo sao có đủ kiến thức để đứng trước hội đồng.
Vì sao nhiều gia đình khá giả ở Việt Nam luôn tìm cách đưa con cái du học, và vì sao nhiều người đã hy sinh bản thân, ở lại xứ người làm thuê để con cái được hưởng nền giáo dục tây phương? Chắc hẳn ai cũng có thể trả lời được.
Những dẫn chứng mà tôi bàn trên đây chỉ để nói lên một điều: Nền giáo dục của chúng ta quá nghiêm khắc với trẻ thơ trong khi luôn làm dễ dàng cho người lớn. Vì vậy tôi mong muốn một sự cải tiến. Hãy cho mầm non của chúng ta được có một cuộc sống của trẻ thơ và hãy nghiêm khắc hơn trong đào tạo sau đại học cũng như các hệ đào tạo tại chức.
Cần thời gian
Tôi nghĩ rằng chị không nên quyết định vội vàng. Thật sự con chị còn rất nhỏ mới 3 tuổi chưa hình thành được cá tính và chưa có khả năng tự lập.
Bên Úc tôi thấy nhiều em đi du học khoảng lớp 10 thậm chí đại học nhưng thấy còn rất khó khăn trong việc hòa nhập. Cộng với việc du học quá sớm các em sẽ không biết về văn hóa, lịch sử và đức tính của người Việt nam sau này sẽ tác động tâm lý của em.
Đôi khi du học còn lúc nhỏ các em sẽ bị Tây hóa và anh chị sẽ rất khó "quản lý".
Thân chào!
( Trung Việt )