Biểu hiện cụ thể của quyền con người được nhà nước quy định đối với công dân của nước đó. Công dân được hưởng các quyền và phải thực hiện các nghĩa vụ do pháp luật quy định. Nhà nước bảo đảm cho công dân được hưởng các quyền và cũng đòi hỏi công dân phải thực hiện các nghĩa vụ của mình đối với nhà nước. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân. Theo quy định của hiến pháp và pháp luật hiện hành, công dân Việt Nam có các quyền tự do cơ bản sau đây:
1. Công dân nam nữ có quyền ngang nhau về mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình.
2. Quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội.
3. Quyền bầu cử và ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước.
4. Quyền khiếu nại và tố cáo.
5. Quyền lao động
6. Quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật.
7. Quyền học tập. 8. Quyền được bảo vệ sức khỏe.
9. Quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp của cải để dành, tự liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản trong doanh nghiệp.
10. Quyền xây dựng nhà ở theo quy hoạch và pháp luật.
11. Quyền thừa kế.
12. Quyền được bảo vệ về hôn nhân và gia đình.
13. Quyền nghỉ ngơi, quyền được bảo hiểm xã hội khi về hưu, già yếu, tàn tật hoặc mất sức lao động nếu là công nhân viên chức.
14. Quyền nghiên cứu khoa học kỹ thuật, phát minh, sáng chế.
15. Quyền được nhà nước và xã hội bảo vệ và chăm sóc nếu là trẻ em.
16. Quyền được nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí.
17. Quyền được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước là thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ; quyền được nhà nước và xã hội giúp đỡ nếu là người già, người tàn tật, trẻ mồ côi.
18. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật
19 Quyền tự do tín ngưỡng.
20. Quyền bất khả xâm phạm về thân thể.
21. Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.
22. Quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín.
23. Quyền tự do đi lại và cư trú.
24. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được bảo hộ về quyền lợi chính đáng của mình.