Cảm nhận về phim "CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN" ?

Hôm qua đi xem phim "Cánh đồng bất tận". Có mấy phút ngạc nhiên:
1. Thái độ của ông xã: từ nào tới giờ mà đòi xem phim Việt là ông từ chối đây đẩy luôn, hehe. Hôm qua, tự nhiên nói đại thử xem : " anh, hôm nay mình xem phim Cánh đồng bất tận thử nghe, em đọc truyện thấy cũng hay? - OK" => ngạc nhiên tập 1.
2. Đến lấy vé lúc 5h30 cho xuất chiếu 7h10 : cô bán vé bảo : "may mà anh đặt trước nên có vé, chứ hết sạch rồi, chỉ còn mấy chỗ gần màn hình thôi" => ngạc nhiên tập 2.
3. Vào xem : quả thật rạp chiếu phim kín mít, không còn chỗ trống nào => ngạc nhiên tập 3.
4. Xem xong phim, đồng loạt cả rạp vỗ tay rần rần. Chưa khi nào đi xem phim mà có hiện tượng thú vị này. Như một lời khen không lời cho đoàn làm phim Việt và dàn diễn viên tuyệt vời => ngạc nhiên tập 4.
5. Ông xã vốn rất không thích và không bao giờ xem phim Việt, hôm nay dọc đường đi về cứ tấm tắc khen mãi, hehe + ngạc nhiên tập 5.

Tặng hoa cho phim " CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN".

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Phim hay quá! Đã đọc truyện từ ngày mới ra, những gì mình hình dung đúng như phim...
Xem xong mà trong lòng cứ đọng mãi 1 nỗi buồn man mác, khó tả..

pq
pq
Trả lời 13 năm trước

Sự khốn nạn bất tận trên những cánh đồng

Cánh đồng của Nguyễn Ngọc Tư là một cánh đồng bất kỳ nào đó chúng ta thường gặp ở bất cứ thôn quê nào, ở bất cứ miền đất nào. Đó là cánh đồng tối tối gái đĩ dập dìu trên đê, lượn lờ quanh lều của những thợ gặt, bòn mót từ món vay xóa đói giảm nghèo cho đến những đồng tiền công ít ỏi suốt một ngày làm việc của những người đàn ông. Đó là nơi có những người phụ nữ chỉ vì một tấm vải có thể nhẹ dạ theo giai. Có những đứa trẻ tên Hận, tên Thù, nhàu úa, cộc cằn, cắm cẳn, mang khuôn mặt rắp tâm của những thằng trai trả thù đời- Những đứa trẻ "chỉ tiếng chửi thề là tươi rói". Đó là cánh đồng có những cô gái đĩ bị đánh ghen bằng cách đổ keo dán sắt vào cửa mình- mà so ra, chuyện gọt tóc bôi vôi, bỏ thuyền trôi sông "truyền thống Việt Nam" còn nhân đạo hơn rất nhiều. Đó là cánh đồng đầy phèn chua, nơi mà cây lúa quắt queo bị hắt hủi, chua loét vì phèn, nơi những đứa trẻ chốc khắp người gãi ghẻ đến bật máu, nơi mà những người phụ nữ đến chết vẫn chỉ ước được tắm một bữa đã đời. Và đó là cánh đồng tràn ngập sự hận thù, là nơi là con người sinh ra để trà đạp sự cùng quẫn của nhau, chung quy sinh ra từ một đời sống nghèo khổ, vô học và bị chà đạp đến mức nhân phẩm không đáng giá hơn vài con vịt.


Một cánh đồng mà ở đó, đến giấc mơ cũng là xa xỉ.


Tất cả những cái đó đã thiếu, hoặc hoàn toàn không có trong phim, cũng mang tên Cánh đồng bất tận, của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình. Nếu được nói vắn tắt về bộ phim, thì đó là hình thức dùng hình ảnh và âm nhạc minh họa cho truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Cũng còn may là phim có Dustin Nguyễn, có Hải Yến, có Phan Hòa và thật ngạc nhiên, có Lan Ngọc.


Nếu được phép chấm điểm cho phim, Tại hạ sẽ chấm do đạo diễn Quang Bình điểm âm (-). Phim không có dấu ấn đạo diễn chỉ là một yếu tố, cái đáng bàn hơn là anh đã, một cách xuất sắc, tầm thường hóa một truyện ngắn đã quá nổi tiếng. Một ví dụ: Trong truyện, Nguyễn Ngọc Tư để cho cô gái Sương trả lời cái nghề của mình là: Làm đĩ. Hai chữ này đã được Quang Bình chuyển thành "Làm gái". Chắc để cho nó nho nhã. Không hiểu sao khi viết đến đây, Tại hạ nhớ lại Nguyễn Huy Thiệp. Trong truyện ngắn Phẩm Tiết, Thiệp đã để cho vua Quang Trung chửi bậy rằng: "Thằng mặt xanh kia! Kề miệng lỗ còn dê ư! Ta cho cắt dái mày! Ta cho mày ăn cứt!". Nhưng sau đó, có lẽ sợ phạm thượng, một NXB sau đó đã sửa lại thành: "Thằng mặt xanh kia! Kề miệng lỗ còn ham gái đẹp ư? Ta cho thiến mày!". Có người đã bình luận mỉa mai rằng: Giả sử nếu muốn cho "lịch sự" hơn, hợp với "khẩu khí đế vương" hơn nên sửa nữa, thành: "Trẫm truyền cắt dương vật nhà ngươi". Lại nói: Không ai chửi tục như thế. Ðó là thứ ngôn ngữ chết, ngôn ngữ ghép chữ.


Cánh đồng của Nguyễn Ngọc Tư có tính khái quát đến mức Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Cà Mau mau mắn nhận rằng: Vùng đất tác phẩm thể hiện chủ yếu ở Cà Mau, huyện Đầm Dơi là nơi có nhiều địa danh lịch sử như Bàu Sen, đầm Bìm Bịp. Và không phải chỉ ở Cà Mau, mà "đã nói chung cả vùng Tây Nam bộ". Một vị còn mượn lời người khác để quy kết: đây là thứ văn chương phản động, thậm chí là chống cộng; tục tĩu dâm ô; chống lại chủ trương của Đảng và Nhà nước.


Văn của Nguyễn Ngọc Tư nhẹ nhàng, đầy chất miền Tây, với cả phong vị, cảnh sắc, lối suy nghĩ và cả phong cách nhân vật. Tất cả những cái đó được thể hiện bằng những chi tiết quyết liệt. Đến phim của Quang Bình, tất cả đã được hạ tông. Ao rau muống mà cô gái điếm đã tắm để gột rửa nỗi đau được thay bằng một hồ sen nên thơ. (Eo ơi, thế còn chuyện ước mơ của những người phụ nữ cả đời chỉ mong được tắm một bữa đã đời?). Hai chức sắc "kiểm vịt" được đổ vấy cho những kẻ côn đồ giả danh. Cánh đồng bất tận những nỗi đau, sự điếm nhục, và khốn nạn mà bất cứ ai đó có thể gặp ở bất cứ đâu trên đất nước này được tinh giản, rút gọn, và vo viên trong một không gian số phận vài con người. Và không thể không nhắc tới cái dở nhất của Quang Bình: Cái kết của phim.


Ngay sau khi người đàn ông hận thù ngửa mặt giang tay nhìn trời mà gào thét khi vừa chứng kiến cảnh con gái bị hiếp. Ngay sau khi Nương, đôi mắt thất thần rồi bò lết về phía cha của mình trong một nỗi đau câm lặng, chỉ còn bầu trời im sẫm, mênh mông nơi mà ánh mặt trời bị những khuôn mặt nghèo đói, dốt nát tăm tối che khuất, chỉ còn cảm giác mình đang chết, và khi những ký ức về người mẹ tưởng chừng đã chôn sâu nay chợt ùa về, và khi trên thinh không, từng đàn chim én chao liệng tan tác như có ai đó vừa vãi chúng lên. Ngay sau tất cả những mất mát tận cùng ấy, người xem được thấy thằng đàn ông hận thù đóng vai ông bụt, chèo đò đưa đám trẻ đi học. Và cô gái Nương, đã mất đi đôi mắt trong trẻo của mình, đã lại nghĩ về đứa con của cô: Nó sẽ tên Thương, không cha, nhưng sẽ được đến trường, sẽ vui tươi vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn. và The end


Một cái kết y như kiểu một nhà phê bình cách mạng đã đòi chị Dậu của Ngô Tất Tố phải đi xa hơn "Trời tối đen và tối như cái tiền đồ của chị", bắt chị phải nhìn thấy ở phương trời xa có vừng đông hửng lên và nơi đó có tiếng trống cách mệnh! Hoặc như có người đã đề nghị Hoài Tường Phong sửa 1 chữ "Chưa" thành chữ "sẽ" trong câu thơ kết bài thơ Trăng nghẹn. Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê. Lý do sửa: Để cho êm đẹp.


Vợ bỏ theo trai mà gã Võ khốn nạn đã làm nát tan bao nhiêu gia đình, đã giết chết tâm hồn hai đứa con dứt ruột đẻ ra, đã chà đạp một cái bỉ ổi và lạnh lùng lên nhân phẩm người phụ nữ. Thế thì có nên tin vào cụ cười ông bụt của gã lúc cuối phim? chỉ khi chứng kiến thêm một nỗi đau, dù là của con gái mình?


Một cái kết hèn, thiếu logic và chắc là để cho nó lành, cho êm đẹp.


Trước khi phim được công chiếu và "đốt rạp" ở Hà Nội, tràn ngập trên báo là ảnh của Hải Yến, Dustin Nguyễn, và đáng ngạc nhiên, là Tăng Thanh Hà. Dương như với sự xuất hiện của Tăng, người đẹp "vô tình lộ dzú", cô gái "đẹp từng centimet" mặc ba mảnh đạp xe một cách vô duyên và phi lý giữa sân bóng, cùng với những cảnh "nóng bỏng" trên trailer, các nhà làm phim muốn kéo khán giả đến rạp. Chí ít khi họ Tăng đã xuất hiện và ký tặng búa xua dân Hàn tại LHP Pusan thì cô cũng phải có một vai trò gì đó trong phim chứ. Có đấy. Họ Tăng xuất hiện trong 3 cảnh, tất nhiên trong đó phải có cảnh cởi áo làm tình với một thằng "Ngộ ba tàu". Độ dài của 3 cảnh này chưa bằng cảnh anh cu Điền, con trai cô, ăn trộm cái áo ngực của Sương và vầy vò, và phóng tinh, và lao xuống nước đen trong một tình cảm quá phức tạp. Nụ cười của Tăng Thanh Hà, trong phim là một phụ nữ đẹp, có chồng, hai con và nghèo giống y hệt nụ cười của cô gái mặc ba chấm trong phim "Đẹp từng cen-ti-met". Làm sao mà nụ cười của một người phụ nữ nhà quê nghèo khổ lại cứ phải giống một cô gái thành phố chỉ nhăm nhăm cởi quần, lột áo nhỉ? Người mẫu, diễn viên hot đấy chứ đâu phải người phụ nữ nông thôn đẹp và nghèo khổ, nghèo khổ và đẹp. Cô diễn sáo đến mức ngay cả khi đứa con gái nói rằng: "Chắc nó nhìn thấy mấy chuyện bậy bạ đó" thì cô chỉ nhăn đôi chân mày một cách...đáng yêu. Sao một người mẹ lại tỏ ra "bỗng dưng đáng yêu" khi biết 2 đứa con đã nhìn thấy chuyện bậy bạ của mình nhỉ. Sự xuất hiện của họ Tăng trong phim chỉ càng chứng tỏ cô xứng đáng với danh hiệu "Ngôi sao phim mì ăn liền". Nói cách khác là cô chỉ hợp với những bộ phim đại loại phải cởi thật nhiều, phải hở thật lắm, đại loại là những phim kiểu "Bỗng dưng muốn... chén". Nếu phải chấm điểm cho cô thì thật tội nghiệp cho cái bảng điểm.


Cũng còn may là phim còn có Hải Yến, còn có Dustin Nguyễn. Nguyễn quá góc cạnh. Dường như nhìn thấy bản mặt của gã Võ do anh thủ vai là người ta đã nhìn thấy sự tăm tối, sự khốn nạn. Một khuôn mặt cay đắng, ít học, bị đời đạp cho không thương tiếc. Một khuôn mặt tràn đầy hận thù. Còn Hải Yến, cô gái điếm tên Sương của cô dường như đã không hề rơi một giọt nước mắt ngay cả khi cô bị đòn ghen, bị đuổi đánh, bị đổ keo dán sắt vào cửa mình, ngay cả khi cô bị ném tiền vào mặt để "trả tiền hồi hôm", và ngay cả khi cô bị người đàn ông mà cô hy vọng còn có trong lòng một chút xót thương đã chà đạp không thương tiếc ngay khi cô vừa mang nhân phẩm của mình đi hối lộ để cứu vịt cho gã. Không khóc được nữa. Khi người ta đã quá đau khổ rồi thì có lẽ người ta sẽ không còn khóc bằng nước mắt được nữa.


Nhưng thành công nhất trong phim phải là nhân vật Nương do Lan Ngọc thủ vai. Sau khi phim chiếu thử, Lan Ngọc, cô gái 20 tuổi, sinh viên năm 3, sống ở thành phố, lần đầu tiên đóng phim và còn chưa kịp có tên trên google, đã thổn thức rằng: Lúc Sương bỏ đi, tôi đã quên mình là diễn viên, tôi đã là Nương thật sự. Tại hạ tin Lan Ngọc, bởi cô đâu có diễn. Cô đang chứng kiến một cuộc sống khác tủi nhục, nghèo đói, khốn khổ của những người không còn được coi là người. Thì đấy, một tâm hồn trong hồn hậu, trong trẻo đến mức đối xử với thù hận bằng lòng vị tha mà cuối cùng cũng bị sự thô bạo, tăm tối và vô học đè nghiến giữa sình để tước đoạt nốt thứ của cải duy nhất còn chưa mất thì làm sao mà cô không khóc cho được.


Rất nhiều nước mắt đã rơi khi khán giả nhìn vào đôi mắt của cô thẫn thờ từ đầu đến cuối phim, và nhất là khi đôi mắt đó vô hồn nhìn trời xanh sau tấn bị kịch chưa chắc đã phải là cuối cùng.


Bạn gái Tại hạ, sau khi tan phim, vẫn còn lã chã nước mắt. "Buồn cười nhỉ. Chẳng liên quan gì đến mình mà vẫn cứ muốn khóc"- lát sau nàng nói. Ô hay, thì đó là tình thương, là sự cảm thông của những con người với con người.


Trả lời phỏng vấn Tuổi trẻ ít lâu sau khi Cánh đồng bất tận xuất bản, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Cà Mau ném đá không thương tiếc: Cái xấu nhiều quá! Và cũng cô đọng quá! Những nhân vật ông già, con cháu, gái làm đĩ..., kể cả cán bộ xã đều là nhân vật xấu...Nguyễn Ngọc Tư dùng từ (gái đĩ) “dập dìu trên bờ đê” thì làm gì có. Hay như đoạn viết có nội dung: sau đợt dập dịch cúm gia cầm xong thì một phụ nữ đã buồn tiếc của mà uống thuốc tự vận. Thực tế trong cả nước đến nay vẫn chưa có người tự vận như vậy mà chỉ có thể buồn chán thôi. Hoặc như chi tiết: ông già chơi đĩ xong đã trả tiền cho đĩ ngay trước mặt con là không có. Từ những chi tiết như thế, chúng tôi cho rằng tác phẩm này không có tác dụng giáo dục xã hội, giáo dục con người.


Một tác phẩm mang đến cho người ta lòng căm phẫn trước sự khốn nạn và hận thù. Khi người ta có thể khóc vì đồng cảm với những nỗi đau của đồng bào, hơn tất cả những luân lý giáo điều, hơn tất cả những cuộc thi, tìm hiểu, phong trào, thi đua, và những kỷ lục, thì tại sao tác phẩm đó lại không có tính định hướng, không có tính giáo dục, thưa ngài trưởng ban tuyên giáo?

biet roi
biet roi
Trả lời 13 năm trước

Mình và xã đi xem, cả 2 đều thấy phim hay xem xong cả rạp cũng vỗ tay, mình thấy cảm động ở nhiều đoạn. Đặc biệt là cảnh cô Sương gái điếm nhét tiền của Võ cho trước mặt 2 đứa con, mình thấy cô ấy khóc một cách tủi nhuc và cô ấy cố giấu những giọt nước mắt trước 2 đứa trẻ. Rồi lúc cô ấy bảo: mẹ em ác 1 thì bố em ác 10, ác thế sống làm sao được..Mình và xã đều rơi nước mắt. Mình thấy Hải Yến đóng phim này rất hay và chuyên nghiệp. Mình thấy đây là phm mà các bạn nên xem,không chỉ là ủng hộ điện ảnh nước nhà mà đó là phim hay. Mình chỉ thấy chán là trong phim con người ác độc và tàn nhẫn quá, sống không có luật pháp và kết thúc không có hậu.

lu mo
lu mo
Trả lời 13 năm trước

Tớ vừa đi xem hôm qua cùng mấy chị cơ quan (trốn làm). Cảm nhận của tớ thế này:
1. Ấn tượng nhất với diễn xuất của hai chị em Nương, sau đó là nhân vật ông Võ. Lan Ngọc diễn xuất rất tâm trạng.
2. Cảnh phim rất đẹp (bầy cò trắng, hồ sen, bầy vịt cánh đồng mênh mang...).
Một số nhận xét negative:
1. Diễn xuất của Hải Yến chưa tới.
Giọng của HY nghe chói tai và lạc điệu so với "tông" của phim. Nghe giọng HY, mình cảm thấy bị "đứt mạch phim". Cũng như khi nghe từ "đụng hàng", "size"; ko biết trong nguyên tác có từ này không, nhưng mình thấy nó cũng khiến bị lạc lõng vì xa lạ quá.
Đoạn đánh ghen thì mình nghĩ thường cô gái điếm sẽ ôm mặt và co người để bảo vệ "vốn tự có" của mình. Nhưng Hải Yến chỉ ôm ngực và váy. Mình cảm tưởng để tránh bị lộ hàng chứ chưa hoàn toàn nhập vai.
Sương là vai diễn khó, nhiều đoạn diễn tả tâm trạng. HY chưa thực sự nhập vai ở nhiều phân đoạn, chỉ thấy đạt nhất (chứ ko có nghĩa là ko thể làm hơn) ở đoạn gái điếm S nhét tiền vào ngực và đoạn Sương bỏ ra đi.
Mình đồng ý là đoạn Sương bỏ đi nên kéo dài hơn một chút để diễn tả hết sự "mênh mang" của "cánh đồng bất tận".
2. Ông Võ hơi cực đoan.
Có thể ĐD giữ nguyên tính cách nhân vật trong truyện, nhưng mình nghĩ ko nhất thiết phải thế. HÌnh ảnh ông Võ thiếu tính nhân văn. Nhiều đoạn, như đoạn ông Võ định bỏ con ở lại và đoạn HY đổi tình lấy đàn vịt, chỉ thấy là ô Võ bạc tình, chứ ko thấy nỗi đau của ông Võ. Tính cách này xuyên suốt phim nên mình cho là không phải diễn xuất của DV mà là ý đồ của ĐD.
3. Các diễn viên phụ
PHim VN thường yếu ở DV phụ. DV phụ trong phim CDBT không thoát khỏi điểm yếu này là diễn xuất mờ nhạt, gượng gạo thể hiện ở cả những phụ nữ đánh ghen, chàng trai đốt rơm ở đồng, nhóm người đi chôn vịt lẫn nhóm đầu gấu. (mà mấy bao tải chôn vịt trông cứng như bìa các tông).
4. Diễn xuất của Tăng Thanh Hà
Đúng như nhận xét của ai đó, TTH diễn xuất phim nào cũng giống phim nào, một kiểu cười như tiểu thư thành thị. Mặc dù xuất hiện rất ít nhưng cô đáng lẽ vẫn có thể thể hiện được cái sự "shock", cái sự ê chề khi con cho biết đã nhìn thấy "chuyện bậy". Thực sự không thấy khả năng diễn xuất của TTH. Không biết ĐD chọn Lan Ngọc vì nhìn hao hao giống cô hay chọn cô vì hao hao giống Lan Ngọc?

Trên đây là những nhận xét từ những điều đọng lại của bộ phim CDBT mà mình xem hôm qua. Lúc nào mình nhớ tiếp thì nhận xét tiếp (hihi). Tuy vậy, cũng nên xem bộ phim này vì sự cố gắng của dàn diễn viên và khuôn hình rất đẹp mà ĐD và đoàn làm phim chắc phải rất vất vả để có được.

roi biet
roi biet
Trả lời 13 năm trước

Ui, đúng đấy. Hai cảnh này mình trào nước mắt, Hải Yến đóng cực đạt đoạn này: ánh mắt rưng rưng, làn môi run run, mà miệng vẫn mỉm cười chua chát " Tía mấy cưng sộp quá trời!". Và mình đính chính cảnh hai " Má mấy cưng ác một thì tía mấy gưng ác mười" chứ không phải "mẹ" và "bố" cho nó ....miền Tây bạn nhé.

@all: ông gì đó viết bài phản biện về phim này của đạo diễn Quang Bình mình thấy rất ...tức cười. Ở cái xứ mình muốn làm phim, muốn không bị cấm chiếu thì buộc ông ta phải có cái đoạn kết ấy. Mà theo mình thì cho dù thế nào đi nữa, cả phim coi thực sự rất xúc động khiến người xem có một sự trĩu nặng trong lòng, vậy thì cái kết ấy cũng khiến người xem có thể nở một nụ ười mãn nguyện, nó đầy chất "mác xít".


Theo mình ( đã đọc truyện và đã xem phim) thì quả thật từ trước đến nay, mình chưa thấy bộ phim Việt nào vừa có kịch bản và đạo diễn cùng dàn diễn viên hoàn hảo đến thế.


Cô bé đóng vai Nương, Hải Yến đóng vai Sương, Dustin Nguyễn đóng vai Võ, và cậu gì đóng vai Điền, tất cả nhập vai rất chuẩn, khiến cho người xem xúc động thật sự. Lời thoại trong phim rất ít ( như chính cốt truyện của Nguyễn Ngọc Tư vậy) nhưng ánh mắt, cử chỉ trên nét mặt nói hết. Theo mình cô bé Lan Ngọc sau phim này sẽ được mời đóng phim nhiều hơn cho mà xem.


Mẹ nào chưa đi xem thì nên đi xem.

Trước khi mình xem phim, mình cũng có một suy nghĩ : DN làm phim cứ dùng Tăng Hà với cả Dustin Nguyễn nghe cho ...kêu, để kéo khán giả, chứ phim chắc dở ẹc. Khi xem phim thì rất ngạc nhiên: nhân vật mà Tang Hà đóng rất mờ nhạt, còn Dustin Nguyễn thực sự là một nông dân miền Tây với đầy đủ cái tính chất của Võ mà Nguyễn Ngọc Tư đã tả.

HAY!!!

biet rui
biet rui
Trả lời 13 năm trước

3 điểm cho chiến dịch PR + 2 điểm cho tính nhân văn của kịch bản + 0.5 cho diễn xuất,diễn viên trẻ, xinh đẹp + 0.5 vì ưu ái cho nền điện ảnh nước nhà đang cố gắng + 0.25 cho cảnh Hot = 6.25 >>> 6/10 cho " Cánh Đồng Bất Tận "

gfhfghgg
gfhfghgg
Trả lời 13 năm trước

-Thích nhất: cách diễn của bé Lan Ngọc, đáng yêu và rất tự nhiên
-Ko thích nhất: giọng của Hải Yến, tự nhiên giữa miền sông nc miền Tây lạc vào giọng bắc chói tay nghe ... lạc điệu quá
+1 cho nhạc phim ở những đoạn lấy nc mắt khán giả

tun oi
tun oi
Trả lời 13 năm trước

Đã đọc cánh đồng bất tận từ ngày mới xuất bản, nên cũng chộn rộn đi xem khi lên phim...

thích nhất là diễn viên đóng vai con gái ông Võ (Lan Ngọc đúng không nhỉ?), mình thấy hình như chỉ duy nhất cô ấy diễn xuất đạt, rất tự nhiên và có hồn, đọc được nhiều tâm trạng trong nét mặt cô ấy.

cảnh đồng ruộng sông nước thì quá đẹp, thích cái lạch nước và cánh đồng xanh mướt khi Hải Yến ra đi...rất đẹp.

và cũng khóc nhiều khi xem phim, nhưng là khóc với những cảm xúc đã có và đọng lại khi đọc truyện ngày trước, còn cảm nhận khi xem phim là rất thất vọng, thất vọng ở đây là vì phim không diễn đạt được 1/2 cái hay của truyện. có lẽ mình đã quá đặt nặng tâm lý, mong mỏi 1 bộ phim hay với toàn bộ cái hồn từ từng lời văn, câu chữ của Nguyễn Ngọc Tư chăng?...

pqy
pqy
Trả lời 13 năm trước

Ngạc nhiên tập 6 - phim không hay mà sao nhiều người khen hay thế nhỉ?
Xin lỗi bạn nhưng đó là ý kiến cá nhân của mình. Thật sự phim này so với Trăng Nơi Đáy Giếng, Chuyện Của Pao, Chơi Vơi mình đã xem thì thua xa về ngôn ngữ điện ảnh. Mấy phim này mình đều thấy là các đạo diễn đều diễn tả sâu sắc nội tâm nhân vật, dù có nhiều điểm mình chưa thích nhưng nhìn chung thì đó là những phim có tính nghệ thuật cao. Còn Cánh Đồng Bất Tận cảnh đẹp 1 cách không cần thiết. Một câu chuyện Nguyễn Ngọc Tư xây dựng hay như thế mà đạo diễn xử lý một cách hời hợt, vụng về. Diễn xuất của diễn viên thì đều chưa tới.
Mình ghét nhất lả những cảnh xuất hiện của Tăng Thanh Hà, mái tóc ép tỉa không hợp với hình ảnh 1 cô thôn nữ, diễn biến nhân vật lại vô cùng nhạt. Ví dụ như cảnh 2 đứa con chạy vào nhà trong rình rình, rồi giật mình phát hiện ra mẹ đang ngủ với người đàn ông khác. Nếu là 2 đứa đang đuổi bắt, hay làm gì đó rồi tình cờ nhìn thấy còn hợp lý, đây rõ ràng là 2 đứa đi rón rén vào dòm... vô duyên cực kỳ. Điểm nữa là 2 cái áo trắng của Sương và Nương mỏng manh tới mức lộ cả áo lót 1 cách phản cảm, khiến nhiều người trong rạp xì xào bàn tán. Rồi cảnh Sương đang ngủ thì thức dậy và ra ngồi cạnh ông Võ và sex... Không có 1 chút tự nhiên nào cả.
Thêm nữa là lời kể của Nương, nó quá thừa. Cảnh kết ai chẳng biết khi nhìn hình ảnh sẽ biết là Nương có thai và 2 cha con có cuộc sống mới. Nhưng chính vì Nương nói vào khiến cho người xem chẳng việc gì phải suy nghĩ về cái kết của nó cả. Và mình cũng không thích cái kết mà Nương lết đến chân ông Võ, rồi ông ngửa lên trời và kêu than... Cảnh này thấy đạo diễn xử lý quá vụng về luôn: đau khổ tột cùng đâu phải là hét lên, mà cái đau tận xương tủy, không thể nói thành lời... cái đau đó mới là cái đau chua xót.
Mình thích 2 diễn viên nhí, nhưng tiếc là diễn xuất tốt nhưng đạo diễn lại xử lý tình huống cho nhân vật chưa hợp lý nên cũng chưa đạt đến độ xuất sắc. Hải Yến thì vẫn vậy, cô ấy diễn hợp nhất với vai Chuyện Của Pao - vì chất giọng đúng kiểu dân tộc, và hành động ngây ngô,còn trong Chơi Vơi và cả Cánh Đồng Bất Tận, diễn xuất của cô ấy quá mờ nhạt. Dustin Nguyễn trong film này lại thấy là 1 diễn viên có tiềm năng, chẳng bù trong Huyền Thoại Bất Tử mình rất thích anh này đóng.
Tóm lại mình đánh giá đạo diễn phim này quá dở, nội dung hay vậy mà... tiếc... thật sự tiếc, vì đáng ra với câu chuyện của NGuyễn Ngọc Tư có thể xây dựng 1 bộ phim sâu sắc, tính hiện thực cao.

gj
gj
Trả lời 13 năm trước

Mình nghe mọi người kể thì muốn xem phim vì nội dung có vẻ có ý nghĩa và giá trị.
Nhưng khi thấy nói có diễn xuất của Hải yến thì hết ...muốn xem.
Cô ấy vào vai cô gái điếm trong người mỹ trầm lăng, mình không hiểu sao báo chí khen ngợi và lăng xê. Mình rất ghét vai đó: 1) phụ nữ việt xuất hiện trong phim chỉ là cô gái làm tiền 2) nội dung tẻ nhạt xoay quanh 2 ông người mỹ cùng chung chạ với 1 cô gái điếm 3) cảnh lộn xộn của chiến tranh và lý luận của người mỹ cho rằng mình đến VN là mang đến nền văn minh. Rất nhảm nhí.
Nếu HY vì phim đó mà nổi tiếng thì mình cũng vì xem phim đó mà không thích HY, đó không phải là 1 hình tượng hay ho gì, và cũng chẳng có giá trị nhân văn hay lịch sự gì khhi nhắc đến gái điếm, bà đầm trong thời chiến tranh khi mà bao con người mất đi bộ đội, các bà mẹ Việt....