Ngày tết nên kiêng gì?

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Tết tựa như “trạm nghỉ” giữa chặng đường dài, là dịp nghỉ ngơi, vui vẻ cùng gia đình bạn bè sau cả năm dài bận rộn. Tuy nhiên, các chuyên gia nhắc nhở nên sinh hoạt điều độ, không quên phòng bệnh bảo vệ sức khoẻ, để có một cái Tết bình an, vui vẻ.

1. Người bị bệnh gan nên kiêng rượu

Người mắc bệnh gan uống rượu sẽ trực tiếp làm tổn hại đến tế bào gan, thậm chí có thể làm các tế bào gan bị biến tính hoặc hoại tử. Từ đó sẽ khiến bệnh tình càng nặng thêm.

2. Người bị bệnh túi mật nên kiêng dầu mỡ

Dịp lễ Tết thực phẩm thường nhiều chất béo, những người bị bệnh túi mật nếu ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều dầu, sẽ tạo thêm gánh nặng cho túi mật, gây nguy cơ bị viêm nang túi mật. Do đó, nên kiêng kị các thực phẩm có dầu mỡ.

3. Người bị cảm nên kiêng tụ tập

Thời tiết dịp Tết lạnh, cơ thể con người dễ bị cảm. Khi đi thăm họ hàng, bạn bè dịp năm mới, sẽ là cơ hội tốt cho vi khuẩn “giao lưu”. Do đó, những người bị cảm lạnh không nên đi ra ngoài, nên ở nhà nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Như vậy, vừa có lợi cho việc hồi phục sức khoẻ, vừa tránh không lây bệnh cho người khác.

4. Người bị bệnh tuyến tuỵ kiêng ăn no

Các thức ăn ngày Tết thật phong phú và hấp dẫn nhưng nếu ăn quá nhiều sẽ kích thích tuyến tuỵ bài tiết ra lượng lớn dịch, tạo áp lực cho mao mạch, thậm chí làm vỡ mao mạch, gây ra guy cơ viêm tuyến tuỵ cấp tính.

5. Ngưòi bị cao huyết áp nên kiêng ồn ào

Dịp lễ Tết, qua lại thăm bạn bè họ hàng, không khí thường vui vẻ náo nhiệt, sẽ khiến bộ não ở trạng thái hưng phấn. Từ đó làm cho hàm lượng các catecholamine tăng cao, dẫn đến nhịp tim tăng nhanh, tăng tốc độ lưu thông máu, khiến huyết áp tăng. Như vậy dễ gây ra nguy cơ phát tác các bệnh tim mạch.

6. Người bị bệnh tim mạch vành nên kiêng mệt

Lo lắng quá nhiều cho dịp lễ Tết hay vui chơi quá độ cũng sẽ khiến nhịp tăng tăng nhanh, tăng gánh nặng cho quả tim, làm tăng huyết áp. Từ đó dẫn đến các nguy cơ bị trúng gió nặng, đau tim…

7. Người bị tiểu đường nên kiêng ngọt

Trong dịp Tết, người bị bệnh tiểu đường nên kiêng đồ ngọt, để tránh tạo gánh nặng cho cơ thể, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

8. Người bị viêm mạch hoại tử nên kiêng hút thuốc

Dịp lễ Tết, bạn bè ngưòi thân thường qua lại mừng năm mới, những người bị viêm mạch hoại tử nếu vui chuyện hút điều thuốc, sẽ khiến máu bị tụ lại, gây nguy cơ khiến bệnh trầm trọng hơn.

9. Người có vấn đề về tiêu hoá nên kiêng thức đêm

Chúng ta có thói quen thức qua đêm Giao thừa để đón năm mới. Những người mắc bệnh dạ dày nếu thức cùng gia đình, hay thức cả đêm xem ti vi sẽ khiến cơ thể bị mệt mỏi, giấc ngủ không đủ. Từ đó sẽ tạo điều kiện cho bệnh phát tác, thậm chí trầm trọng hơn.

10. Người có bệnh hô hấp mãn tính nên kiêng lạnh

Dịp Tết nhiệt độ tương đối thấp, những người bị bệnh phế quản hay phổi mãn tính…cần chú ý giữ ấm, không để bị lạnh, tránh không cho bệnh cũ tái phát.

nbbnbmn
nbbnbmn
Trả lời 12 năm trước

Theo quan niệm trong ngày đầu năm (Nguyên Đán) mà có nhiều điều tốt đẹp thì cả năm đó chắc chắn sẽ có nhiều điều tốt đẹp đến cho mọi người, do đó, người Việt có một số kiêng kị như sau:

- Kị mai táng: Ngày Tết Nguyên Đán là ngày vui của toàn dân tộc, ngày mở đầu cho vận hội hanh thông của cả một năm, có ý nghĩa rất thiêng liêng. Gia đình phải tạm gác mối sầu riêng để hoà chung với niềm vui toàn dân tộc.

Vì vậy có tục lệ cất khăn tang trong ba ngày Tết. Nhà nào có đại tang kiêng đi chúc Tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng, ngược lại bà con xóm giềng lại cần đến chúc Tết và an ủi gia đình bất hạnh.Trường hợp gia đình có người chết vào ngày 30 tháng chạp mà gia đình có thể định liệu được thì nên chôn cất cho kịp trong ngày đó, đa số các gia đình kiêng để sang ngày mùng Một đầu năm. Trường hợp chết đúng ngày mùng Một Tết thì chưa phát tang vội nhưng phải chuẩn bị mọi thứ để sáng mùng Hai làm lễ phát tang.

- Kị người khác đến xin lửa nhà mình ngày mùng 1 Tết: vì quan niệm lửa là đỏ là may mắn. Cho người khác cái đỏ trong ngày mùng Một Tết thì cả năm đó trong nhà sẽ gặp nhiều điều không may như làm ăn thua lỗ, trong nhà lủng củng, ra đường hay gặp tai bay vạ gió… nên các gia đình tốt nhất nên kiểm tra bình gas, bếp gas bếp điện hay dự trữ củi lửa, chuẩn bị kỹ lưỡng cho mình từ trước kẻo ngày mùng 1 không có lửa để dùng thì sẽ phiền hà đấy!

- Kiêng cho nước đầu năm: cũng như lửa, nước được ví như nguồn tài lộc trong câu chúc “tiền vô như nước”, nếu cho nước thì coi như mất lộc. Thường thì trước khi bước sang năm mới ở nông thôn nhà nào cũng lo đổ đầy nước vào bể, vào chum hoặc vại. Từ trong tâm thức người ta tin rằng năm mới đến sẽ đem theo của cải nhiều như nước. Chẳng thế mà sáng mùng một Tết rất nhiều nhà thời xưa hay thuê người gánh nước đến. Họ được mừng tuổi đôi ba hào, thế là cả chủ nhà lẫn người quẩy thuê cả năm sẽ đều may mắn.

- Kiêng quét nhà trong 3 ngày Tết: vì Người Việt cho rằng nếu quét nhà trong 3 ngày đầu năm mới thì Thần Tài sẽ đi mất, tiền bạc sẽ không đến được với gia đình, và hiển nhiên nó mang lại điềm xấu, không may mắn.

Theo một điển tích của Trung Quốc, trong "Sưu thần ký" có chuyện người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần cho một con hầu tên là Như Nguyệt, đem về nhà được vài năm thì Âu Minh ăn nên làm ra giàu to. Một hôm, nhân ngày mồng một Tết, Âu Minh đánh Như Nguyệt, nó sợ quá chui vào đống rác, có người lái buôn không biết, mang rác đổ đi, từ đó nhà Âu Minh lại nghèo đi. Kể từ đó mọi người kiêng không dám quét nhà đổ rác trong mấy ngày Tết.

Vì có tục kiêng quét nhà đổ rác ba ngày Tết, sợ rằng sẽ quét hết tiền bạc, vận đỏ ra khỏi nhà, nên ngày 30, dù bận rộn đến đâu mọi người cũng phải dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, bàn thờ sạch sẽ trước lúc giao thừa và những ngày Tết thì mọi người phải hết sức giữ gìn nhà cửa không vứt rác bừa bãi.

Ở Nam bộ sau khi quét dọn phải cất hết chổi, nếu trong ngày Tết bị mất chổi có nghĩa là năm đó nhà sẽ bị trộm vào vét sạch của cải. Ở nông thôn ngày Tết nhà nào cũng rắc vôi bột ở bốn góc vườn, rồi vẽ mũi tên hướng ra cổng để xua đuổi ma quỷ.

- Kiêng việc vay mượn hay trả nợ, cho vay: Chỉ trong hoàn cảnh túng thiếu hoặc cấp bách, người ta mới nghĩ đến chuyện vay mượn tiền bạc hoặc đồ dùng của người khác. Và đây là vấn đề khá tế nhị mà người Việt luôn quan tâm, chú ý để tránh làm mất lòng nhau. Vì vậy mà người xưa quan niệm không nên vay tiền hoặc đồ đạc vào những ngày đầu năm mới, điều đó có thể làm chúng ta rơi vào cảnh túng thiếu cả năm, không may mắn.

- Kiêng ăn thịt chó, cá mè, thịt vịt… Nếu ăn những thứ này vào dịp đầu năm hay đầu tháng sẽ xúi quẩy.

- Kiêng làm vỡ các đồ vật: Ông bà ta quan niệm, từ vỡ, bể là những từ tạo nên sự chia cắt, đứt lìa, đó có thể là vật dụng trong nhà hoặc thậm chí là các mối quan hệ trong gia đình và xã hội. Đó thật sự là những điều không tốt và không ai mong muốn xảy ra trong đầu năm mới. Do đó, người già thường khuyên con cháu trong những ngày này không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén.

- Người ta thường kiêng không nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa trong dịp Tết.

- Kiêng ra đường vào ngày xấu: Theo quan niệm của ông cha ta thì ngày mồng 5 tháng giêng Âm lịch là ngày nguyệt kỵ “Mùng năm, mười bốn, hăm ba/ Đi chơi còn thiệt nữa là đi buôn”, người Việt thường tin rằng ngày này không thích hợp cho xuất hành hay các cuộc du xuân.

- Kiêng mặc quần áo màu trắng, đen: Năm mới là thời điểm mà mọi người mong muốn những điều tốt lành nhất đến với bản thân, gia đình. Theo quan niệm của người xưa, màu trắng và đen là màu của tang lễ, chết chóc, vì vậy những ngày đầu năm thì phải mặc trang phục với những màu sắc sặc sỡ và thu hút sự chú ý, tạo nên sự phấn khởi và vui vẻ để đón chào năm mới, như: màu hồng, đỏ, vàng, xanh…

Dù ở bất cứ nơi nào, vài tục kiêng kỵ còn được lưu truyền lại sẽ tạo nên màu sắc đa dạng cho ngày Tết, vả lại “có kiêng có lành” như ông cha ta đã nói. Tuy nhiên, những tập tục quá mê tín cần phải loại trừ, đừng kiêng quá khiến ngày xuân trở nên phiền hà mất vui các bạn nhé!