Sưng, nổi hạch trên người có phải là dấu hiệu cảnh báo ung thư?

Gần đây, tôi phát hiện ra mình thỉnh thoảng bị nổi và sưng hạch ở vùng cổ và bắp chân.

Xin hỏi, sưng và nổi hạch có phải là dấu hiệu cảnh báo ung thư không?

Tống Minh Tùng
Tống Minh Tùng
Trả lời 8 năm trước

Các hạch bạch huyết là một phần quan trọng của hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và nhiều bệnh nguy hiểm khác. Hạch bạch huyết nằm khắp cơ thể, bình thường không thể sờ thấy, cũng không gây đau đớn. Nhưng nếu bị sưng phồng lên thì chúng sẽ cảnh báo một số vấn đề về sức khỏe.

Sưng hạch bạch huyết ở vùng cổ có thể cảnh báo cơ thể đang bị nhiễm trùng nhẹ như cảm lạnh, nghiêm trọng hơn là bị viêm nhiễm, thậm chí là ung thư.
Hạch sưng to ở dạng hình hạt đậu cho đến cỡ quả anh đào nhỏ. Bình thường, hạch nhỏ hơn 1cm đường kính. Khi hạch bạch huyết sưng lên không có nghĩa là sức khỏe đang bị sa sút nghiêm trọng, nhưng một khi sưng lên thì đây chính là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang có vấn đề.

Khi hạch bạch huyết sưng đột ngột mà bạn không cảm thấy đau, không có biểu hiện viêm nhiễm hay do chấn thương gì thì cần đi khám ngay. Đây rất có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư.

Nổi hạch là một dấu hiệu cảnh báo bệnh tật. Hạch thuộc hệ thống bạch huyết của cơ thể, khi có tác nhân xâm nhập từ bên ngoài vào (như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng...) thì sẽ bị sưng lên để bảo vệ cơ thể, ví dụ như bạn bị viêm họng, viêm răng lợi cũng có thể bị nổi hạch ở cổ, vết thương ở chân có thể nổi hạch ở bẹn… Đây chính là một phản ứng bảo vệ của cơ thể.
Các hạch bạch huyết thường nổi nhiều nhất ở vùng cổ, nách, bẹn. Tuy nhiên, các hạch bạch huyết ở những vùng khác nhau cũng có thể bị ảnh hưởng, tùy thuộc vào nhiều nguyên nhân,

Hạch sưng cho thấy cơ thể bị xâm nhập bởi một số mầm bệnh hay do chấn thương, viêm nhiễm. Nguy hiểm hơn là ung thư, có thể là ung thư hạch hoặc ung thư di căn từ các cơ quan khác vào hạch.

Một số bệnh khiến hạch bị sưng, nổi lên có thể là viêm nhiễm tại chỗ như viêm họng, viêm amidan... Ngoài ra, khi bạn bị lao, sởi, quai bị, tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn... cũng có thể sẽ nổi hạch. Các triệu chứng khác của cơ thể kèm nổi hạch như cảm, ho, vết thương, có viêm nhiễm… thì chuyện lên hạch là điều bình thường. Nhưng nếu tự nhiên xuất hiện hạch khi cơ thể không bị làm sao trước đó thì cần phải lưu ý.

Nguy hiểm nhất là sưng hạch do ung thư hạch, hạch di căn do bệnh ung thư ở những cơ quan khác, hay gặp như ung thư phổi, ung thư buồng trứng, ung thư tử cung, dạ dày, hạch bạch huyết... Với các tác nhân thông thường khiến hạch nổi thì hạch sẽ tự động biến mất trong 3 – 4 tuần là cùng. Nhưng nếu hạch sưng kéo dài trên 1 tháng đến vài tháng thì rất có thể đây là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý mạn tính nguy hiểm hoặc ung thư.

Hạch có thể sưng ở vùng ngoại vi như cổ, nách, bẹn, trên xương đòn, dưới xương đòn, vùng khuỷu tay, hoặc sâu hơn như hạch cổ tử cung, hạch trung thất. Đây là những loại hạch dễ và hơi khó phát hiện. Ngoài ra còn có những hạch rất khó phát hiện vì nằm ở trong nội tạng, mạc treo... phải chụp chiếu kỹ mới có thể phát hiện được.