Phi lộ: 11 máy ảnh, mấy tháng làm việc với 25 trang dài dằng dặc trên dpreview - khó mà có thể dịch hết một lúc, mà nếu chờ hoàn thành thì tính thời sự cũng đã suy giảm, vì vậy starnt quyết định làm trang mở đầu và trang cuối cùng để rộng đường thông tin, còn các trang chi tiết bên trong sẽ chọn lọc và làm từ từ. Nếu các bác có nhu cầu cháy bỏng nào về 1 model cụ thể trong nhóm này thì có thể thông báo để ưu tiên.
Giới thiệu:
Cái ngành hàng gọi là 'Zoom du lịch' (travel zoom) ra đời cũng chưa phải là lâu – thực tế chiếc đầu tiên định nghĩa cho cụm từ này là Panasonic TZ1, công bố vào năm 2006. Ý tưởng tầm zoom lớn trong một hình hài nhỏ gọn (đối lập với loại bắc cầu giả trang DLSR) đã tạo ra sự hấp dẫn lớn và tất cả các hãng máy ảnh chính (và một số nhà sản xuất nhỏ lẻ cũng vậy) đã nỗ lực không ngừng để phục vụ cho nhu cầu này.
Và kết quả là lần đánh giá này bao gồm rất nhiều máy ảnh so với lần trước, cách đây 1 năm. Từ đó tới giờ rất nhiều máy ảnh nhỏ zoom lớn đã được tung ra trong đó có Casio và Nikon, bên cạnh những chiếc đã trưởng thành như Panasonic ZS/TZ.
Các máy ảnh trong đánh giá này được thiết kế linh hoạt nhất trong khi vẫn giữ được dáng vẻ nhỏ gọn. Chúng đều có tầm zoom ít nhất là 10x chiếc góc rộng nhất tương đương 24mm, và tele xa nhất là 392mm.
Sự thèm thuồng 1 chiếc 'zoom du lịch' là rất nhỡn tiền. Nếu bạn đã từng mang một chiếc máy DSLR đi du lịch xa thì mới thấy nó cồng kềnh chiếm chỗ thế nào. Đối với nhiều người, thậm chí là cả những kẻ cuồng tín DSLR, thì việc vác 1 cái máy ảnh lớn nguyên ngày cũng rất đau thương. Với phần đông chúng ta, trọng lượng nhẹ và khả năng chụp linh hoạt thực sự đã nặng ký hơn nhược điểm không tránh khỏi về hình ảnh khi so sánh với các máy ảnh lớn hoán đổi ống kính.
Tất cả các máy ảnh trong thử nghiệm này đều rất nhỏ so với DSLR, cho dù chúng không phải dòng “siêu nhỏ” nhưng hầu hết đều có thể bỏ vào túi được, dù chúng có tầm zoom khá kinh dị. Chiếc rẻ nhất trong nhóm là Kodak EasyShare Z950, cũng có zoom quang 10x với tầm tiêu cự tương đương 35-350mm.
Tầm zoom có được ở những chiếc này là bởi cảm quang của chúng bé tí xíu so với cảm quang của DSLR. Kích thước cảm quang nhỏ sẽ không đòi hỏi ống kính lớn. Tất cả cảm quang trong những chiếc thử nghiệm ở đây gần như cùng kích thước khoảng 1/2,3 inch đường chéo, nghĩa là kích thước bằng 6,1 x 4,6mm - nhỏ hơn nhiều so với các dòng máy hoán đổi ống kính.
Những chiếc được đánh giá
Thị trường zoom du lịch đang bành trướng, công nghệ cũng ngày càng tiến bộ. Một trong những điểm cạnh tranh trong phân khúc này là sự gia tăng tính đa năng của sản phẩm đặc biệt là dải tiêu cự khả dụng của ống kính.
Mặc dù tiêu cự 35mm được coi là góc rộng ‘tiêu chuẩn’ nhưng phần lớn máy ảnh liệt kê ở đây bắt đầu từ 24mm và chạy vượt quá 200mm, có nghĩa là về mặt lý thuyết có khả năng chụp từ nội thất, phong cảnh hay tele từ xa. Chiếc Samsung HZ35W/WB650 bao phủ từ góc rộng nhất là 24mm tới 360mm tele, người ta không thể phàn nàn gì với tầm zoom và tầm giá của các chiếc trong đánh giá này.
• Canon SX210 IS
• Casio EX-FH100
• Fujfiilm FinePix F80EXR
• Fujifilm FinePix JZ500
• Kodak EasyShare Z950
• Olympus Mju 9010*
• Nikon Coolpix S8000
• Panasonic Lumix DMC-ZS5 & 7 (TZ8 và TZ10 tại châu Âu)
• Ricoh CX3
• Samsung HZ35W (WB650 tại châu Âu)
• Sony Cyber-shot DSC-H55
• Sony Cyber-shot DSC-HX5
*Lưu ý: Không như tiền bối là chiếc µ/Stylus 9000, chiếc µ-9010 không được bán tại Hoa Kỳ.
So sánh tính năng chính
Thường là có quá nhiều tính năng đa dạng hơn nhiều so với nhóm tính năng “xương sống” dưới đây, nhưng bảng này cũng đủ những tính năng chính của những model đang được đánh giá. Như các bạn thấy, một số tính năng như dải ISO và kích thước cảm biến dường như có một chuẩn chung, dĩ nhiên cũng sẽ có vài nét riêng giữa các máy.
BẢNG
Kích thước cảm quang/MP | Dải ISO | Dải zoom | Hình thức chống rung | Kích thước và độ phân giải của màn hình | Định dạng thẻ nhớ | Quay phim | Giá tại các cửa hàng | |
Canon Powershot SX210 IS | • 1/2.3" CCD• 14.1 MP | 80-1600 | 28-392mm (12x) | Lens | • 3.0" • 230k | SDHC/ SDXC/SD | • 720p • 30fps | $299 |
Casio EX-FH100 | • 1/2.3" CMOS • 10.6 MP | 100-3200 | 24-240mm(10x) | CCD | • 3"• 430k | SDHC/SD | • 720p• 30fps | $284 |
Fujfiilm FinePix F80EXR | • 1/2" CCD • 12 MP | 100-1600 (12800*) | 27-270mm(10x) | CCD | • 3.0"• 230K | SDHC/SD | • 720p• 24fps | $258 |
Fujifilm FinePix JZ500 | • 1/2.33" CCD • 14.1 MP | 100-1600 (3200*) | 28-280mm (10x) | CCD | • 2.7" • 230k | SDHC/ SD | • 720p • 24fps | $199 |
Kodak EasyShare Z950 | • 1/2.3" CCD • 12.0 MP | 100-1600 | 35-350mm (10x) | Lens | • 3.0"• 230k | SDHC/SD | • 720p• 30fps | $159 |
Nikon Coolpix S8000 | • 1/2.3" CCD• 14.0 MP | 100-3200 | 30-300mm(10x) | Lens | • 3.0"• 921k | SDHC/SD | • 720p• 30fps | $240 |
Olympus Mju 9010 | • 1/2.33" CCD• 14.0 MP | 64-1600 | 28-280mm(10x) | Lens | • 2.7"• 230k | SDHC/SD | • 720p• 30fps | £221 |
Panasonic Lumix DMC-ZS5 (TZ8 in Europe) | • 1/2.33" CCD• 12.1 MP | 80-1600 | 25-300mm(12x) | Lens | • 3.0"• 460k | SDHC/SDXC/SD | • 720P• 30fps | $238 |
Panasonic Lumix DMC-ZS7 (TZ10 in Europe) | • 1/2.33" CCD • 12.1 MP | 80-1600 | 25-300mm(12x) | Lens | • 3.0"• 460k | SDHC/SDXC/SD | • 720P• 30fps | $315 |
Ricoh CX3 | • 1/2.3" CMOS • 10.0 MP | 80-3200 | 28-300mm(10.7x) | CMOS | • 3.0"• 920k | SDHC/SD | • 720p• 30fps | $347 |
Samsung HZ35W (WB650 in Europe) | • 1/2.3" CCD • 12MP | 80-3200 | 24-360mm(15x) | Lens | • 3.0"• VGA AMOLED | SDHC/SD | • 720p• 30fps | $349 |
Sony Cyber-shot DSC-H55 | • 1/2.3" CCD • 14.1 MP | 80-3200 | 25-250mm(10x) | Lens | • 3.0"• 230K | Memory Stick/SD | • 720p• 30fps | $199 |
Sony Cyber-shot DSC-HX5 | • 1/2.3" CMOS• 10.1 MP | 125-3200 | 25-250mm(10x) | Lens | • 3.0"• 230K | Memory Stick/SD | • 1080i | $329 |
Số ảnh chụp / lần sạc pin được cung cấp bởi nhà sản xuất, căn cứ vào test chuẩn CIPA. Chỉ số này dựa vào mức độ sử dụng màn hình LCD, trừ khi có hướng dẫn cụ thể.
Kết luận:
Bạn có thể tưởng tượng ra rằng một đánh giá tầm cỡ như thế này, với quá nhiều máy ảnh, sẽ mất rất lâu thời gian. Trong vài tháng qua trong quá trình sử dụng và viết bài, tất cả các thành viên của dpreview.com đã có cơ hội sử dụng và phản hồi về khả năng thực thi của chúng. Một vài chiếc làm chúng tôi ngạc nhiên, số khác thì không. Một số thì tốt hơn dự kiến, và một số - trong chừng mực nào đó, hơi kém hơn chúng tôi tưởng. Tuy nhiên cho dù có sự khác biệt rất lớn về giá cả và tính năng giữa các model được đánh giá, thì không có chiếc nào được coi là 'dở' cả.
Tại ISO nền, với bối cảnh đủ sáng, tất máy ảnh này đều cho hình ảnh chấp nhận được, tuy chẳng có chiếc nào có khả năng cho ảnh đẹp khi in ở khổ poster, nhưng đó không phải là đích tới của chúng. Bạn có thể nhận ra rằng trong quá trình thử nghiệm chúng tôi không đề cập nhiều về chất lượng hình ảnh tới từng điểm ảnh như vẫn làm với các đánh giá cho máy DSLR bởi nó sẽ là không phù hợp khi đánh giá máy ảnh bỏ túi. Tuy nhiên trong các ví dụ mà bạn có thể nhìn thấy ở đây, thậm chí khi coi ở 100% thì hầu hết các model đều cho kết quả rất tốt cho dù gặp phải hạn chế cố hữu của dòng máy ảnh nhỏ.
Bởi tất cả các máy trong nhóm này đều cho hình ảnh đạt tiêu chuẩn khi in hình cỡ nhỏ và chia sẻ online, làm sao chúng tôi xếp hạng đây? Thực ra, cuộc đời còn có nhiều thứ khác hơn là soi từng điểm ảnh, và đó là cách máy ảnh đo sáng, cân bằng trắng và tái tạo màu sắc. Và còn các yếu tố khác như thao tác thuận tiện, chất lượng thân vỏ, và tính linh hoạt của ống kính. Tỷ như chiếc Kodak Z950 cho chất lượng điểm ảnh đẹp hơn Ricoh CX3, nhưng tầm zoom của Ricoh lại hữu dụng hơn, và có màn hình LCD tốt hơn.
Sự khác biệt nói trên, cùng với các tính năng là cái chúng tôi cân nhắc trong phân tích cuối cùng. Và ý kiến của các bạn cũng có thể không trùng với ý kiến của chúng tôi bởi các bạn có thể có các ưu tiên riêng. Hi vọng rằng các thông tin rải rác trong bài đánh giá này giúp các bạn có được lựa chọn đúng đắn nhất về sự hữu dụng của các model khác nhau. Nhưng sau đây là ý kiến tóm tắt để phân hạng của chúng tôi.
Chất lượng hình ảnh: ngoài trời / ban ngày
Trước hết, phải nói rằng tất cả các máy ảnh thử nghiệm đều cho kết quả tốt khi đủ sáng / ngoài trời. Chúng tôi cũng không gặp phải trải nghiệm xấu nào về cân bằng trắng, ngoại trừ một xu hướng đo sáng hơi thiếu của Fujifilm F80 EXR khi cảnh chụp có một tỷ lệ lớn trời mây mù hoặc vùng sáng mạnh. Khi soi từng điểm ảnh thì chiếc kém nhất là Ricoh CX3 và Olympus Mju 9010, nhưng nếu chỉ in các kích cỡ nhỏ thì 2 chiếc này vẫn cho hình đẹp chán.
• Tốt nhất hội: Casio FH100, Kodak Z950, Sony HX5, Samsung HZ35W
• Nửa chừng xuân: Panasonic ZS5/ZS7, Sony H55, Fuji F80, Nikon S8000, Canon SX210
• Ô mai sấu đáy lọ: Ricoh CX3, Fuji JZ500 (một xíu), Olympus Mju 9010
Chất lượng hình ảnh: Thiếu sáng / ISO cao
Chẳng có chiếc nào trong số này thực thi tốt trong điều kiện thiếu sáng với ISO cao, và như các bạn đã thấy trong thử nghiệm thiếu sáng thực tế, có những sự khác biệt có ý nghĩa giữa cá model khi chúng bị ép chụp thiếu sáng mà không có flash. Đại đa số cho hình chấp nhận được khi in khổ nhỏ, nhưng cả 2 chiếc Sony cũng như 2 chiếc Panasonic ZS5 và ZS7 gặp khó khăn tương đối với phơi sáng.
Nhìn chung kết quả tốt nhất thuộc về Nikon S8000 với màu sắc được tái tạo chính xác một cách ấn tượng cùng với chi tiết ở khu vực tương phản cao. Chiếc Canon SX210IS (một lần nữa) cho hình ảnh mềm nhất, và chiếc Casio cho màu sắc kém chính xác nhất nhưng lại cho độ nét tốt nhất khi coi trên màn hình và in khổ nhỏ.
• Tốt nhất hội: Nikon S8000, Fuji F80 EXR, Sony HX5, Casio FH100, Sony H55
• Nửa chừng xuân: Kodak Z950, Panasonic ZS5/ZS7, Ricoh CX3, Samsung HZ35W
• Ô mai sấu đáy lọ: Olympus 9010, Canon SX210IS, Fuji JZ500
Chất lượng hình ảnh với đèn Flash
Hầu hết các máy ảnh cho chất lượng ảnh tốt với flash và không có sự khác biệt về thực tế sử dụng. Phân hạng dưới đây chỉ là một xíu khác biệt dựa vào cường độ, tầm xa, lấy nét khi thiếu sáng, thời gian hồi flash và khử mắt đỏ. Có 2 kẻ vô dụng ở đây là Fuji JZ500 và Olympus Stylus 9010, gặp vất vả khi nấy nét thiếu sáng và trường hợp của JZ500 còn là đánh không đúng cường độ.
• Tốt nhất hội: Sony H55 and HX5, Canon SX210IS, Nikon S8000, Casio FH100
• Nửa chừng xuân: Panasonic ZS5 and ZS7, Kodak Z950, Samsung HZ35W
• Ô mai xấu đáy lọ: Olympus Stylus 9010, Fuji JZ500, Fuji F80 EXR, Ricoh CX3
Xếp hạng và khuyên dùng
Trong số 13 chiếc thuộc nhóm này, một số chiếc vận hành rất tốt ở tất cả các thử nghiệm. Một trong số những chàng toàn tài (và là một chiếc mà nhân viên muốn đút vào túi khi đi chơi cuối tuần) là Casio Exilim FH100. Chiếc Casio này là sự tổng hợp của chất lượng thân vỏ, rất nhiều tính năng và zoom 10x linh hoạt với hình ảnh rõ nét chi tiết ở các bối cảnh. Chất lượng video cũng thượng thừa và thậm chí qua mặt cả một số chiếc DSLR có khả năng quay phim với chi tiết và độ sáng rõ.
Tất cả những chiếc này đều thuộc nhóm 'zoom du lịch' và nổi bật là chiếc Samsung HZ35W với tầm zoom hữu dụng nhất với 1 khoảng tiêu cự choáng váng, tương đương 24-360mm. Chiếc Samsung thực sự là bá nghệ bá tri, vừa lấy được chi tiết của vật ở xa lại mở rộng để chụp thiên nhiên và nội thất. Chiếc này đồng thời cho hình ảnh tuyệt vời, và tương tự như Casio FH100, nó có một danh sách tính năng dài khác thường. Chỉ có một phàn nàn về HZ35W là GPS tích hợp lằng nhằng tới mức mà chẳng sử dụng nổi, nhưng may mắn là có cả đống tính năng dễ mến hơn cái này, nên cho dù bỏ nó đi thì HZ35W vẫn là một chiếc máy ảnh tuyệt vời.
Chiếc Sony Cyber-shot HX5 vì thiếu 1 xíu mà bỏ lỡ cơ hội được giải vàng, mà các lý do đã được nêu ở phần đánh giá riêng. Tuy nó cho hình ảnh rất tuyệt, nhưng tốc độ thực thi chậm và giao diện quanh co cũng khá là khó chịu với chúng tôi. Tuy nhiên nếu coi nó là một chiếc thuần túy ngắm và chụp thì bạn sẽ không thất vọng.
Về phía các chiếc tầm trung là Canon Powershot SX210IS và Panasonic ZS5 and ZS7. Trong thử nghiệm năm ngoái về các máy zoom du lịch các chiếc Panasonic đã làm bá chủ, nhưng cuộc cạnh tranh đã trở nên khốc liệt hơn và với giá hơi cứng thì khó mà khuyên khách hàng mua chúng khi so sánh với một số model khác. Thực tế cả 2 chiếc Panasonic đều là những tuyển thủ khá vững, ống kính tốt, nhóm tính năng hợp lý. Trong 2 chiếc này thì ZS7 hấp dẫn hơn, và đối với một số người thì GPS tích hợp quá là hấp dẫn. Chúng tôi thích nó, và nó vận hành tốt, và nếu tính năng này nằm trong danh sách mong muốn của bạn thì hãy lấy ngay ZS7, bạn sẽ không thất vọng.
Canon SX210IS là một chiếc máy ảnh thú vị, nhưng đây cũng là một chiếc làm chúng tôi bực mình. Thế vận hành khó chịu cùng với hình ảnh hơi mềm mờ không đem lại hứng thú cho chúng tôi, tuy nhiên hệ thống đo sáng, lấy nét cân bằng trắng rất tuyệt vời, quay phim cũng rất tốt. Cũng chẳng có sai lầm lớn nào với SX210IS, chúng tôi đơn giản là không thiết tha lắm với nó. Hãy cứ coi những hình ảnh trong đánh giá này để rút ra kết luận cho mình. Giống như chiếc Sony Cyber-shot DSC-H55, đây là chiếc tốt và đáng tin cậy, có thể là một lựa chọn tốt, nó chỉ không có gì đặc biệt nổi bật hơn những chiếc khác trong loạt thử nghiệm này mà thôi.
Chiếc Nikon Coolpix S8000 cũng là một chiếc máy ảnh thú vị, nó “tốt” tới mức nào còn phụ thuộc vào việc bạn thích cái gì ở một chiếc máy ảnh. Nếu bạn muốn có thể điều khiển tất cả các thông số nhiếp ảnh thì bạn nên tìm ở chỗ khác. Nhưng sẽ là nó nếu bạn muốn có một chiếc nhỏ gọn cho ra ảnh sáng đẹp, sống động ở các tình huống khác nhau, giá cả rất hợp lý. Màn hình đẹp với độ phân giải cao cũng là một yêu tố cân nhắc, đặc biệt khi chụp ở ngoài trời nắng.
Mặc dù chúng tôi không thế xếp chiếc này vào chiếu trên ở bất kỳ chi tiết nào, nhưng chúng tôi vẫn cực kỳ ấn tượng với chiếc Kodak EasyShare Z950. Yếu tố trở ngại chính là thiếu góc rộng, màn hình kém, nhưng với tầm giá đó thì Z950 chính xác là một chiếc tuyệt vời. Nó làm một trong những chiếc hay nhất nhóm hay được sử dụng. Nó không thực sự nhỏ như những chiếc khác, nhưng cũng không lớn tới mức khó chịu. Nếu bạn đang thắt lưng buộc bụng thì Z950 rất có lý.
Một chiếc máy ảnh giá tốt nữa, đó là Fujifilm FinePix JZ500, nó có hàng tá tính nắng trong một ngoại hỉnh nhỏ, nhẹ và rẻ tiền. Tuy chúng tôi tán thành một cách hạn chế chiếc JZ500, nhưng thực ra nó đã tìm ra chỗ đứng tốt nhất trong cuộc cạnh tranh bằng những khía cạnh có ý nghĩa nhất, đó là – phơi sáng đúng, màu sắc và tiện dụng.
Anh lớn của JZ500's là FinePix F80 EXR mới lẫn lộn buồn vui, Mặc dù nó cho kết quả tuyệt vời ở chế độ 'DR', nhưng chức năng EXR lẽ ra làm nổi bật nó trước đám đông thì lại không tốt lắm và quá là phức tạp. Nếu bạn không phiền lòng với độ phân giải 6Mp (mà chúng tôi cảm thấy rất thoải mái), thì bạn sẽ yêu thích dải tương phản mở rộng phần quá sáng mà F80 EXR mang lại khi chuyển qua 'DR', nhưng nếu thiết lập ở đầu ra 12Mp, thì chiếc F80 chẳng có gì đặc biệt, giao diện rắc rồi và tốc độ thực thi chậm làm cho việc sử dụng nó hơi khó chịu.
Về phía cuối bảng là Olympus Stylus 9010, và Ricoh CX3, tuy nhiên chúng tiều tụy nằm dưới bởi các lý do rất khác nhau. Chiếc Olympus cho ảnh chụp đẹp, nhưng sử dụng lại không được thoải mái khi so sánh với các chiếc kia. Cấu tạo siêu nhẹ và thao tác bị đơn giản hóa không làm người dùng tự tin, và tùy thuộc vào tay của bạn có lớn không, nhưng các nút bấm nhỏ xíu có thể hơi bất tiện. Tuy nhiên hình ảnh từ chiếc 9010 là rất tốt và nó thuộc nhóm phản ứng nhanh, vì vậy lời khuyên cho bạn là 'thử trước khi mua'. Chúng tôi không hề có ý định xua đuổi chiếc này.
Trái lại sử dụng chiếc Ricoh CX3 rất là thú vị, và theo chúng tôi, chiếc này có một nhóm tính năng rất hợp lý nhất trong nhóm được đánh giá. Tuy nhiên phần đo sáng và cân bằng trắng không đáng tin cậy như hầu hết các chiếc khác – đặc biệt là ở thiết lập ISO cao – ngoài ra hình ảnh cũng thiếu độ rõ nét, không phải là cái chúng tôi mong đợi ở một chiếc máy hơn $300.
Và thế là, phần quan trọng nhất của đánh giá, Người chiến thắng là ...
Đồng giải nhất: Casio FH100 và Samsung HZ35W
2 chiếc Casio Exilim FH100 và Samsung HZ35W chính xác là làm được những gì chúng tôi kỳ vọng ở những máy ảnh số dòng này – cho ảnh đẹp, rõ nét một cách nhanh chóng với chất lượng thân vỏ tốt, cơ cấu chụp thuận tiện. Bạn hoàn toàn có thể bỏ qua những tính năng “hàng đầu” như GPS (ở Samsung) chụp và quay tốc độ cao (ở Casio) mà vẫn hoàn toàn thỏa mãn với hai thiết bị nhiếp ảnh này.
Nguồn: tinhte