Với chất lượng hình ảnh vượt trội cùng thiết kế không chỉ đẹp mà còn rất bền bỉ, X-T1 có thể được coi là sản phẩm máy ảnh compact tốt nhất trên thị trường hiện nay.
Điểm mạnh:
- Thiết kế cổ điển.
- Cảm giác cầm tay và sử dụng tuyệt vời.
- Chất lượng hình ảnh vượt trội.
- Ống ngắm (viewfinder) tuyệt vời nhất trong phân khúc.
Điểm yếu:
- Không có màn hình cảm ứng.
- Xử lý JPEG chưa tốt.
Tổng quan
Kể từ thời điểm ra mắt chiếc X100 với ống kính Fujinon 23mm f/2 gắn liền và nhận được phản hồi rất tốt từ thị trường, Fujifilm đã nhanh chóng mở rộng dòng sản phẩm X-Series của mình. Trong số các sản phẩm dòng X, chiếc Fujifilm X-Pro 1 ra mắt vào năm 2012 được coi là một sản phẩm "thay đổi cục diện" cho Fujifilm.
Là model X đầu tiên có ống kính rời (với dòng ống kính sử dụng mount XF riêng biệt), X-Pro 1 là một dòng sản phẩm thu hút được cả những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp lẫn những người hâm mộ bán chuyên. Với chất lượng hình ảnh vượt trội cùng kích cỡ nhỏ nhắn tiện dụng, X-Pro 1 đã chứng minh được sức mạnh tiềm tàng của dòng máy ảnh không gương lật.
Tiếp sau đó, Fujifilm mở rộng tấn công vào phân khúc cấp thấp với các sản phẩm X-E1 và X-E2. Các dòng sản phẩm X-M1 và X-A1 được Fujifilm sử dụng để tấn công vào thị trường người tiêu dùng phổ thông, cạnh tranh trực tiếp với dòng Alpha của Sony và dòng PEN của Olympus.
Giờ đây, Fujifilm đã trở lại với phân khúc cao cấp cùng chiếc X-T1 mới nhất. Là một sản phẩm trung gian của X-Pro 1 và X-E2, X-T1 mang trong mình thiết kế của một chiếc DSLR nhiều hơn là thiết kế rangefinder cổ điển thông thường.
Các tính năng chính của Fujifilm X-T1
Tất cả các tính năng đáng chú ý nhất của Fujifilm X-T1 đều nằm ở sau lưng máy. X-T1 có ống ngắm 0.77x độ phân giải 2,36 triệu chấm. Màn hình độ phân giải 1.040k pixel tỉ lệ 3:2 được đặt ở ngay sau lưng máy, giống như các dòng DSLR thông thường. Với khả năng gập/mở, màn hình của X-T1 chắc chắn sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều khi chụp từ những góc hẹp cao hoặc thấp.
Kết nối Wi-Fi được tích hợp trong X-T1. Fujifilm cũng cung cấp một ứng dụng mới cho phép người dùng điều chỉnh nhiều tính năng hơn, bao gồm cả chọn điểm lấy nét tự động. Bạn có thể lựa chọn grip cầm tay có chứa pin cỡ lớn (VG-X-T1), hoặc lựa chọn grip cầm tay nhỏ hơn bằng kim loại. X-T1 có khả năng quay phim HD, song lại không có đèn flash tích hợp. Thật may mắn, Fujifilm đã cung cấp theo máy đèn flash ngoài dạng clip-on (gắn liền) lên hotshoe tiêu chuẩn.
X-T1 sử dụng một thuật toán lấy nét tự động đã từng được sử dụng trên chiếc XE-2 nhằm cải thiện độ chính xác trong điều kiện thiếu sáng. X-T1 cũng có vi xử lý hình ảnh EXR Processor II của XE-2, với thời gian khởi động chỉ là 0,5 giây và thời gian trễ cò máy chỉ là 0,05 giây.
X-T1 chỉ có thể chụp ảnh RAW ở ISO từ 200 – 6400, song cũng có thể chụp JPEG ở ISO từ 100 đến 12.800 hoặc 25.600. Tốc độ chụp của X-T1 khá tốt: 8 khung hình/giây ở chế độ lấy nét tự động liên tục hoặc 3 khung hình/giây ở chế độ live view, tức nhanh hơn X-E2 1 khung hình/giây và nhanh hơn X-Pro 1 tới 2 khung hình/giây. X-T1 cũng được trang bị tính năng "giả lập" phim truyền thống với các kiểu phim như Astia, Velvia và Provia. X-T1 có 4 chế độ chụp đơn sắc (monochrome).
Cảm biến của X-T1 cũng chính là cảm biến X-Trans CMOS II độ phân giải 16,3Mp, kích cỡ APS-C của X-E2. Kích cỡ 23,6 x 15,6 mm của cảm biến CMOS trên X-T1 nằm ở giữa kích cỡ cảm biến của Panasonic Lumix GX7 (four-thirds) và cảm biến full-frame trên Sony A7/A7R hoặc Nikon Df.
Với cấu trúc giống với cảm biến phim hơn các loại cảm biến thông thường khác, cảm biến X-Trans CMOS II của X-T1 có thể hạn chế tối đa hiện tượng nhiễu vân sọc (moire) và màu "giả", giúp người dùng không cần phải mang theo màng lọc khử răng cưa bên mình khi chụp ảnh. Không chỉ có vậy, cảm biến X-Trans CMOS II còn có 100.000 pixel phát hiện pha (phase-detection) tích hợp nhằm giúp tạo ra hệ thống lấy nét tự động "lai" siêu nhanh có thể tận dụng được cả lợi thế của lấy nét theo pha lẫn lấy nét theo độ tương phản.
Việc chuyển đổi giữa 2 chế độ này nhằm tạo ra tốc độ lấy nét tối ưu chỉ mất 0,08 giây.
Thiết kế
Thiết kế của X-T1 chỉ có thể gói gọn trong hai chữ: "tuyệt vời". Cũng giống như các mẫu máy ảnh khác trong dòng X, lớp thân bằng ma-giê của X-T1 vừa mạnh mẽ, vừa tạo ra cảm giác cầm tay rất đặc biệt: thân máy khá nhỏ, nhưng vẫn tạo ra lực bám rất chắc chắn trong lòng bàn tay.
Phần thân phía trên của X-T1 có rất nhiều bánh xe điều chỉnh bằng nhôm được thiết kế khá đẹp. Các bánh xe này được dùng để điều chỉnh iOS, tốc độ cửa trập và mức bù phơi sáng.
Ở phía trước, bên phải thân máy là gờ cầm tay có kích cỡ hơi to nhưng vẫn khá thoải mái; ở phía sau là phần để ngón cái khá rộng rãi. Với hai chi tiết thiết kế này, X-T1 mang lại trải nghiệm cầm tay thực sự cao cấp, cho thấy Fujifilm đã chú ý tới từng chi tiết nhỏ khi thiết kế X-T1.
Đồng thời, X-T1 cũng là một mẫu máy ảnh có khả năng chống chọi rất tốt với môi trường: Thân máy có tới 75 vị trí được bịt kín để chống bụi, ẩm. Nhiệt độ hoạt động thấp nhất của X-T1 là -10 độ C. Ống kính 18-55mm f/2.8-4 R LM OIS XF đi kèm không được trang bị khe đậy chống thời tiết xấu, và có thể phải tới tháng 7 tới thì Fujifilm mới tung ra các mẫu ống kính có khả năng chịu thời tiết.
Nếu chưa từng sử dụng dòng X-Series của Fujifilm, bạn có thể sẽ phải mất một thời gian ngắn để làm quen với các bánh xe điều khiển, cách sắp xếp các nút bấm và giao diện màn hình. Ví dụ, để sử dụng chế độ ưu tiên khẩu độ (Apeture Priority) quen thuộc, bạn sẽ phải xoay bánh xe chọn khẩu độ về chữ "A" trước khi điều chỉnh thông số này bằng vòng xoay khẩu độ trên ống kính. Nếu muốn sử dụng chế độ ưu tiên cửa trập, bạn sẽ phải chỉnh vòng xoay khẩu độ trên ống kính về "A" trước khi tùy chọn. Nếu xoay cả bánh xe trên thân máy và vòng xoay trên ống kính về "A", X-T1 sẽ chuyển sang chế độ tự động (Auto).
Một điểm đặc biệt khác về X-T1 là phần ống ngắm được bọc ngoài bởi một lớp đệm cao su khá lớn. Nút Q-Menu đặt rất gần vị trí để ngón cái khi cầm máy, giúp bạn có thể nhanh chóng bật các tùy chỉnh cân bằng trắng, giả lập phim, chỉnh DR (dải động) và AF (lấy nét tự động).
Bạn cũng có thể cài đặt các tùy chỉnh này thông qua các bánh xe điều khiển trên thân máy. Nút điều khiển 4 hướng không có các biểu tượng lên, xuống, phải và trái quen thuộc. Lý do là bởi Fujifilm cho phép người dùng tùy chỉnh 4 nút bấm này.
Theo mặc định, các nút bấm này sẽ truy cập vào các mục Giả lập phim, Macro, Cân bằng trắng và vị trí đặt điểm lấy nét tự động. Bạn có thể tùy chỉnh để chuyển các nút này về các chức năng khác như kích cỡ ảnh, chất lượng ảnh, Wi-Fi, nhận diện khuôn mặt, bấm giờ hoặc xem trước DOF (độ sâu trường ảnh).
Tốc độ hoạt động
Fujifilm X-T1 có hệ thống đo sáng 256 vùng giống như trên X-Pro 1, X-E1 và X-E2. Người dùng có thể chọn 3 chế độ đo sáng của máy, bao gồm Multi, Spot và Average trên một bánh xe điều khiển nằm dưới bánh xe chọn tốc độ cửa trập. Trong quá trình sử dụng thực tế, hệ thống đo sáng của X-T1 cho mức phơi sáng rất dễ chịu. Thậm chí, ngay cả khi chụp ngược sáng X-T1 cũng không cho hình ảnh quá tối hoặc quá chói.
Tuy vậy, bạn sẽ không cần dùng đến tính năng bù phơi sáng, trừ trường hợp cảnh vật quá tối hoặc quá sáng. X-T1 sẽ kích hoạt histogram khi bạn chọn lựa chế độ hiển thị. Bạn cũng có thể xem thông tin phơi sáng ở chế độ xem lại ảnh chụp.
Như đã nói trong phần trên, hệ thống AF (lấy nét tự động) của X-T1 thậm chí còn mạnh mẽ hơn cả X-Pro 1 và X-E1. Trong chế độ AF cho ảnh chụp đơn lẻ (single AF), tốc độ lấy nét của X-T1 vượt qua cả chiếc Alpha 7R của Sony và không thua kém hệ thống AF Light Speed của chiếc Panasonic Lumix GX7.
Song, số lượng các điểm lấy nét của X-T1 trong chế độ AF vẫn chưa hoàn hảo như mong đợi. Trong khi số lượng 49 điểm lấy nét không phải là quá tệ, hệ thống AF của X-T1 vẫn không thể bao trùm các góc xa của khung hình. Đồng thời, do không có màn hình cảm ứng nên bạn buộc phải lựa chọn điểm lấy nét tự động qua 4 nút điều hướng truyền thống. Thật may mắn, bạn có thể lựa chọn 5 kích cỡ khác nhau cho các điểm lấy nét tự động.
Ống ngắm điện tử (EVF) của X-T1 có độ phân giải 2,36 triệu chấm và cũng được trang bị giao diện người dùng trực quan (GUI) khá ấn tượng.
Cụ thể, EVF của X-T1 có kích cỡ lớn hơn cả ống ngắm quang học của dòng EOS 1DX, dòng sản phẩm đầu bảng của Canon. Tính từ thời điểm bạn đưa mắt lên ống ngắm, X-T1 mất không đầy một giây để bật chế độ hiển thị. Mức phóng to 0,77X mang lại hình ảnh sắc nét và rõ ràng, đồng thời với trường nhìn 100% bạn sẽ nhìn thấy chính xác những gì cảm biến thu lại.
Đồng thời, X-T1 cũng hỗ trợ chế độ "VERICAL": Ống ngắm sẽ tự động nhận biết khi nào thì bạn đang chụp dọc ("portrait) và sẽ tự động thay đổi các thông số tùy chỉnh cho phù hợp. Chuyển từ AF sang MF (lấy nét bằng tay) sẽ ngay lập tức kích hoạt chế độ DUAL trên ống ngắm của X-T1, chia màn hình thành 2 nửa.
Thời gian trễ trên X-T1 không quá tệ. Độ sắc nét của màn hình 3 inch độ phân giải 1.040k chấm ở phía dưới là không có gì đáng chê trách.
Cuối cùng, X-T1 có thể quay được video độ phân giải Full HD 1920 x 1080 pixel ở tốc độ 60 khung hình/giây hoặc 30 khung hình/giây trong vòng 14 phút tối đa. Ở độ phân giải 1280 x 720 pixel, X-T1 có thể quay được video dài tối đa 27 phút.
Chất lượng hình ảnh
Hiện tại, file RAW do X-T1 chụp vẫn chưa được Adobe hỗ trợ trên Camera Raw, do đó người dùng sẽ phải sử dụng các ứng dụng khác (ví dụ như Silkypix Raw File Converter EX) để xử lý ảnh. Tính năng DR trên máy hoạt động rất tốt: Trong các bức ảnh có độ tương phản cao, vùng bóng có lượng chi tiết rất tốt, trong khi các vùng sáng cũng có lượng chi tiết tối rất ấn tượng.
Ảnh chụp 1/160 giây, f/4, ISO 200, ống kính AWB Zeiss 12mm f/2.8
Cần phải lưu ý rằng, bạn chỉ có thể sử dụng DR200 tại ISO 400 hoặc cao hơn; DR400 chỉ hỗ trợ ISO 800 hoặc cao hơn. Các bức ảnh chụp cảnh có độ tương phản cao cho thấy DR200 và DR400 cho kết quả tốt nhất trong vùng sáng và vùng tối. Do đó, hãy sử dụng 2 mức DR này khi chụp ảnh có độ tương phản cao.
Bạn cũng có thể lựa chọn chế độ tự động DR Auto. X-T1 cũng có tùy chọn chỉnh tông cho vùng tối và vùng sáng với các tùy chọn từ -2 đến 2.
Ảnh chụp ở 1/1000 giây, f/4, ISO 200, AWB, ống kính Fujifilm XF 18-55mm F2.8-4 R LM OIS
Ảnh chụp của X-T1 từ ISO 100 đến 800 gần như không gặp bất cứ một vết nhiễu sáng nào cả. Ở ISO 1600, vi xử lý tín hiệu hình ảnh của máy có thể loại bỏ nhiễu trong ảnh JPEG khá tốt mà không làm mờ các chi tiết khác.
Ở ISO 3200 và ISO 6400, ảnh chụp xuất hiện khá nhiều nhiễu, nhưng X-T1 vẫn có thể xử lý ảnh để tạo ra các bức JPEG đủ dùng cho ISO 12.800. Người dùng chụp ảnh RAW có thể sẽ thấy các mức ISO trên 1600 bị mất chi tiết, song những bức RAW ở ISO 6400 vẫn có chất lượng ở mức chấp nhận được.
Khi sử dụng tùy chọn H1 và H2, bạn sẽ thấy ảnh có nhiều nhiễu hơn và mờ hơn. Tuy vậy, nhìn chung cảm biến 16,3 Megapixel trên X-T1 cho chất lượng chi tiết rất tốt.
Ảnh chụp tại 1/1800 giây, f/2.8, ISO 200, AWB, ống kính Zeiss 12mm f/2.8
Bạn có thể tùy chỉnh 10 cài đặt cân bằng trắng trong menu chính hoặc Q.Menu. Điểm đáng phàn nàn là khi tùy chọn theo cách này, X-T1 không hiển thị ghi chú mà chỉ hiển thị các biểu tượng tùy chỉnh.
Ảnh chụp tại 1/2500 giây, f/2.8, ISO 200, AWB, Fujifilm XF 18-55mm F2.8-4 R LM OIS
Khi sử dụng tùy chỉnh tự động (Auto), X-T1 cho tông màu khá dễ chịu trong nhiều điều kiện sáng khác nhau. Bạn sẽ ít khi phải dùng tới màng lọc màu sau khi đã chụp hình.
Độ tương phản ấn tượng
Màu sắc trên Fujifilm X-T1 rất chính xác
Trong điều kiện sáng tốt ngoài ánh nắng mặt trời, màu sắc của ảnh chụp rất rực rỡ và sống động. Trong những ngày tối trời hơn, màu sắc dù không nổi trội bằng nhưng vẫn rất chính xác. Bạn có thể sử dụng các chế độ giả lập phim để tạo ra màu sắc đậm hơn.
Kết luận: Bạn có nên mua Fujifilm X-T1?
Có rất ít điểm đáng phải chê trách về X-T1. Trong một thị trường tràn ngập các mẫu máy ảnh compact và các dòng DSLR hoài cổ như Nikon Df, Fujifilm là một trong số ít các sản phẩm hiếm hoi vừa có kiểu dáng ấn tượng, vừa có chất lượng ảnh vượt trội. X-T1 đang được bán ở mức giá 1.400 USD (30 triệu đồng, giá gốc tại Mỹ) cho phiên bản chỉ có thân máy và 1.700 USD (36 triệu đồng, giá gốc tại Mỹ) cho phiên bản đi kèm ống 18-55mm f2.8-4.0.
Fujifilm X-T1 sẽ phải cạnh tranh với 2 sản phẩm có chất lượng khá tốt là Olympus OM-D E-M1 và Panasonic Lumix GX7. Tại thời điểm viết bài, OM-D E-M1 (chỉ bao gồm thân máy) đang có giá gốc tại Mỹ là 1.300 USD (27,4 triệu đồng), còn GX7 (ống liền) có giá chỉ 784 USD (khoảng 16,7 triệu đồng). Như vậy, X-T1 đang có mức giá đắt nhất so với các sản phẩm cạnh tranh.
Tuy vậy, nếu sẵn sàng bỏ ra khoản đầu tư lớn cho X-T1, bạn sẽ thấy sản phẩm mới nhất của Fujifilm hoàn toàn xứng đáng với tầm giá của mình. Dù vẫn là một mẫu máy ảnh khá tuyệt vời song E-M1 vẫn mắc phải điểm yếu khá trầm trọng: Xử lý JPEG chưa tốt, trong khi GX7 là một sản phẩm nhắm vào thị trường phổ thông, không thuộc vào phân khúc bán chuyên/chuyên nghiệp như X-T1 và E-M1. Nhìn chung, với thiết kế đẹp và khả năng chụp hình tuyệt vời trong gần như tất cả các điều kiện chụp, X-T1 có lẽ đang là chiếc máy ảnh compact đáng mơ ước nhất trên thị trường hiện nay.