Canon EOS 1100D. Ảnh: Tuấn Hưng. |
EOS 1100D mới chỉ là mẫu máy ảnh DSLR thứ hai của Canon thuộc dòng 4 số (xxxxD) sau 1000D ra mắt năm 2008. Sự xuất hiện của series này là động thái của Canon nhằm tăng sức cạnh tranh trong phân khúc máy ống kính rời giá rẻ, đặc biệt là với thế hệ máy mirrorless từ Panasonic, Sony hay Olympus. Rất nhiều các tính năng tưởng như chắc chắn phải có trong các mẫu DSLR như bánh xe điều khiển phía sau, joystick, cảm biến định hướng, động cơ lấy nét cũng đã được lược bỏ nhằm làm giảm chi phí.
Sự xuất hiện của Canon 1000D chưa hẳn được coi là thành công nhưng khi mà trận chiến còn dài, Canon rõ ràng phải tiếp tục thể hiện mình trên phân khúc này nếu không muốn bị bỏ lại. Đây có lẽ chính là lý do cho sự xuất hiện của 1100D với một số cải tiến đáng kể đầu năm nay. Do hướng tới đối tượng người dùng trẻ, máy có nhiều màu sắc để lựa chọn, điều từng thấy trên các máy ảnh sặc sỡ của Pentax.
Một số thông tin kỹ thuật chính của Canon EOS 1100D.
Giá bán Canon EOS 1100D tại thị trường Việt Nam.
Phần một: Thiết kế, màn hình hiển thị.
Thiết kế
EOS 1100D được thiết kế bằng nhựa nhưng là loại nhựa bóng và nhẹ hơn so với kiểu nhựa sần chắc chắn thường thấy trên các dòng 3 số của Canon khác (xxxD). Báng cầm máy đã có một chút thay đổi so với 1000D cho cảm giác cầm chắc chắn hơn trong tay.
Kiểu bố trí nút mở đèn flash khá lạ lẫm với người dùng DSLR. Ảnh: Tuấn Hưng. |
Canon EOS 1100D có kích thước tổng thể 130 x 100 x 78 mm, cân nặng 495 gram (không bao gồm thẻ nhớ và pin), nặng hơn gấp đôi Pentax Q và khoảng gấp rưỡi so với NEX-C3 của Sony. Model này trông lớn hơn người tiền nhiệm 1000D một chút và có khá nhiều thay đổi trong cách bố trí các nút.
1100D (bên phải) "bầu bĩnh" hơn một chút so với người tiền nhiệm 1000D. Ảnh: Dpreview. |
1100D (bên phải) đã có nhiều phím bấm hơn. Ảnh: Dpreview. |
Đầu tiên là vị trí nút bật đèn flash nằm khác hẳn so với tất cả các mẫu máy DSLR hiện tại. Thay vì nằm ngay bên cạnh đèn thì 1100D lại tích hợp nó ở gần bánh xe điều khiển và nút chụp. Tuy nhiên, người dùng có thể vào menu CF-n 9 để thay đổi nút này thành điều khiển ISO nếu cảm thấy cần thiết.
Thiết kế mới giúp 1100D cầm chắc chắn hơn trên tay. Ảnh: Tuấn Hưng. |
Các phím bấm phía sau máy cũng được thay đổi khá nhiều với việc đưa vào nút chỉnh ISO và cân bằng trắng thay vì Picture Style và đo sáng như ở model 1000D do nhận thấy đây mới là các thiết lập người dùng hay sử dụng hơn. Tương tự như 60D, model này cũng trang bị nút Menu Q để điều chỉnh nhanh các thiết lập như ISO, cân bằng trắng hoặc các thiết lập khác có thể thay đổi trong CF-n. Một điểm rất đáng tiếc và khá kỳ lạ ở 1100D là nút xóa ảnh nằm quá xa so với tầm với của tay khi đang cầm máy. Điều này làm việc xóa ảnh rất khó khăn.
Kiểu thiết kế thẻ nhớ cùng với pin ở cạnh dưới khá giống các mẫu máy du lịch. Ảnh: Tuấn Hưng. |
1100D sử dụng thẻ SD (hỗ trợ chuẩn SD/SDHC/SDXC) để lưu trữ dữ liệu. Vị trí cắm thẻ nhớ được đặt cùng với pin nằm ở cạnh dưới máy, kiểu thiết kế giống với các loại máy du lịch. Pin của máy là Lithium-Ion LP-E10. .
Màn hình hiển thị
Mặt sau của Canon 1100D. Ảnh: Tuấn Hưng. |
Không giống như xu thế "lật, xoay" hiện tại, EOS 1100D vẫn trang bị màn hình không khớp như trước đây. Máy đã có màn hình kích thước lớn hơn một chút so với 1000D là 2,7 inch nhưng do để giảm giá thành, độ phân giải màn hình vẫn ở mức khá tệ, 230.000 điểm ảnh thậm chí còn kém khá nhiều mẫu máy du lịch hiện nay. Cảm giác khi theo dõi màn hình này có màu sắc hơi nhạt hơn so với ảnh thực tế, các lưới điểm ảnh nhìn khá rõ nên việc kiểm soát chất lượng hình ảnh trên màn hình này không thực sự tốt.
Phần hai: Hoạt động, điều khiển.
Điển hình cho dòng DSLR bình dân, 1100D tuy đã có nhiều phím bấm hơn 1000D nhưng vẫn rất hạn chế về khả năng điều chỉnh thông số so với các mẫu máy như dòng xxD hay xD. Màn hình hiển thị thông số phụ luôn là "mơ ước" đối với những người sử dụng dòng máy này.
Bố trí phím chụp dễ thao tác như truyền thống của Canon, bánh xe chế độ với các hình minh họa cũng không có thay đổi so với các đàn anh. Ảnh: Tuấn Hưng. |
1100D thay đổi bố trí các nút phía sau như Disp, trao đổi file, Meu sang bên phải, đặt nút xóa ảnh lên phía trên và thêm nút quay video/bật tắt liveview cho các tính năng mới xuất hiện này. Điều chỉnh ISO, cân bằng trắng (WB) đã được thêm vào phím điều hướng 4 chiều trong khi cài đặt chế độ ảnh và đo sáng đã được lược bỏ, người dùng muốn điều chỉnh phải truy cập vào hệ thống menu.
Q Menu là thay đổi lớn nhất gần đây giống với việc hãng đã làm với 60D. Phím menu nhanh này giúp người dùng thay đổi các cài đặt, thông số chụp như cân bằng trắng, Picture Styles, đo sáng...
Phần trình bày về các chế độ chụp chưa hoàn hảo. Ảnh: Tuấn Hưng. |
Màn hình hiển thị màu sắc hơi nhạt hơn so với thực tế. Ảnh: Tuấn Hưng. |
EOS 1100D không có màn hình phụ phía trên nên toàn bộ các thông tin đều được hiển thị trên màn hình chính phía sau duy nhất. Cách bố trí hiển thị thông số hầu như không có thay đổi so với truyền thống của Canon. Ở model này, các chế độ chụp đã được Canon thêm vào phần giải thích cụ thể để người dùng hiểu rõ chức năng nhưng vẫn không có hình ảnh minh họa cụ thể giống như các dòng giá rẻ mới bên Nikon như D3100.
Hệ thống menu của 1100D. Ảnh: Tuấn Hưng. |
Như thường lệ, ở các chế độ như ưu tiên khẩu độ (Av), xoay bánh xe điều khiển sẽ làm thay đổi thông số này hay trong chế độ ưu tiên tốc độ chụp (Tv), bánh xe điều khiển sẽ làm thay đổi thông số thời gian đóng mở màn trập.
Kích thước kính ngắm của 1100D so với các "đàn anh". Ảnh: Dpreview. |
So với các đàn anh, kính ngắm của 1100D có kích thước nhỏ nhất (0,48x, nhỏ hơn cả của đối thủ D3100 của Nikon (0,51x) và 0,57 ở 60D.
Thông số hiển thị trong kính ngắm. Ảnh: Dpreview. |
Trong kính ngắm của 1100D hiển thị 9 điểm lấy nét hình thoi có thể nhìn thấy. Dãy hiển thị thông tin bên dứoi bao gồm ISO, chế độ bật đèn flash, cân bằng trắng.... 1100D có thể bù trừ sáng +/- 2 EV.
Kích thước khung ngắm so với hình ảnh thực tế. Ảnh: Dpreview. |
Hầu hết các máy DSLR hiện nay đều cho hình ảnh khi ra thành phẩm lớn hơn một chút so với những ghì người chụp thấy trong khung ngắm. Ở 1100D, độ bao phủ là 95% (như minh họa trong hình với phần hình chữ nhật phía trong). Một số mẫu máy DSLR hiện nay đã có kính ngắm độ bao phủ 100%.
Phần 3: Chất lượng ảnh, video.
Chất lượng hình ảnh, khả năng lấy nét, đo sáng, cân bằng trắng. Canon 1100D sử dụng cảm biến CMOS độ phân giải 12,2 Megapixel kích thước 22,2 x 14,7 mm chuẩn APS-C, hệ số crop 1,6x tương tự như mẫu máy EOS 450D trước đây của hãng. Model này trang bị chip xử lý ảnh DIGIC IV, hỗ trợ độ nhạy sáng ISO từ 100 đến 6.400. Tốc độ chụp liên tiếp của 1100D tương đối chậm. Thực tế thử nghiệm cho thấy tốc độ này khoảng 3 khung hình mỗi giây với ảnh JPEG thông thường, máy chụp đến khi đầy thẻ. Chụp ảnh RAW với tốc độ 2 khung hình mỗi giây, chụp một lần được 6 hình sau đó tốc độ chậm lại còn khoảng 1,2 khung hình mỗi giây. Sau mỗi lần chụp ảnh RAW, 1100D mất khoảng 3 giây để hồi phục. Đối với chế độ chụp liên tiếp bao gồm cả ảnh RAW và JPEG, máy chụp tốc độ 1,2 khung hình mỗi giây và chỉ chụp được 2 ảnh sau đó tốc độ giảm về 0,8 khung hình mỗi giây. Máy mất 3 giây để hồi phục sau mỗi lần chụp với chế độ lưu ảnh kép như này. Tất cả các thử nghiệm tiến hành với thẻ SDHC SanDisk Pro tốc độ ghi 45MB/giây.
Là dòng máy giá rẻ nhưng nhìn chung 1100D cho hiệu suất hoạt động bao gồm độ trễ màn trập, tốc độ chụp, xem lại hình ảnh khá tốt, không có nhiều khác biệt so với các dòng máy DSLR bình dân khác. Trong phần lớn các ảnh chụp, 1100D đều cho khả năng lấy nét tự động rất chính xác và nhanh. Do sử dụng cảm biến đo sáng tốt giống như 7D là iFCL 63 nên 1100D có khả năng đo sáng khá chính xác và được đánh giá rất tốt.
Tốc độ bắt nét chậm đi đáng kể ở chế độ Live View, toàn bộ quá trình chụp bao gồm đo sáng, bắt nét, lật gương và chụp mất tới khoảng 3 giây cho mỗi kiểu chụp. Tuy nhiên, chế độ này có thể sẽ chỉ sử dụng trong các điều kiện khó nên ít khi người dùng sử dụng đến.
Ảnh chụp thử từ các mức ISO khác nhau (crop 100% và giữ nguyên kích thước ảnh). Ảnh: Tuấn Hưng. |
So với các đối thủ cùng dòng entry-level DSLR và cảm biến DSLR khác, 1100D nói chung có khả năng kiểm soát nhiễu khá tốt. Ở thiết lập mặc định, máy duy trì khả năng tái tạo chi tiết tốt đến mức ISO 1.600, sau đó các thay đổi mới dễ nhận thấy hơn ở các mức ISO từ 3200 nhưng vẫn có thể sử dụng tốt với kích thước nhỏ trên web. Độ nhạy ISO có thể không bằng các mức tối đa mà phía Nikon hỗ trợ như 12.800 hay 25.600 ở Pentax nhưng nói chung chất lượng hình ảnh ở độ nhạy sáng cao của 1100D ở mức chấp nhận được.
Ảnh chụp thử từ Canon EOS 1100D cùng ống kit 18-55mm đi kèm.
Ảnh với tiêu cự 18mm, khẩu độ f3.5, ISO 200, tốc độ 1/128 giây (nhấp vào hình xem ảnh lớn). Ảnh: Tuấn Hưng. |
Ảnh với tiêu cự 18mm, khẩu độ f3.5, ISO 200, tốc độ 1/128 giây (nhấp vào hình xem ảnh lớn). Ảnh: Tuấn Hưng. |
Ảnh với tiêu cự 18mm, khẩu độ f3.5, ISO 200, tốc độ 1/128 giây (nhấp vào hình xem ảnh lớn). Ảnh: Tuấn Hưng. |
Ảnh với tiêu cự 18mm, khẩu độ f3.5, ISO 200, tốc độ 1/128 giây (nhấp vào hình xem ảnh lớn). Ảnh: Tuấn Hưng. |
Ảnh với tiêu cự 18mm, khẩu độ f3.5, ISO 200, tốc độ 1/128 giây (nhấp vào hình xem ảnh lớn). Ảnh: Tuấn Hưng. |
Ảnh với tiêu cự 18mm, khẩu độ f3.5, ISO 200, tốc độ 1/128 giây (nhấp vào hình xem ảnh lớn). Ảnh: Tuấn Hưng. |
Chất lượng video
Điểm khác biệt lớn nhất đối với người tiền nhiệm 1000D là 1100D đã có chế độ quay video. Tuy nhiên, quay video trên model này đã được lược bỏ khá nhiều tinh chỉnh, độ phân giải chỉ dừng lại ở chuẩn HD tốc độ 30 hoặc 25 khung hình mỗi giây (chuẩn nén H.264), ít các tùy chỉnh tay và không thể kết nối microphone bên ngoài. Tuy nhiên, với cảm biến lớn, độ sâu trường ảnh mỏng, khả năng thay thế ống kính 1100D vẫn có thể cho ra các đọan video xuất sắc hơn nhiều so với các dòng máy ảnh du lịch cùng tầm tiền như Panasonic LX5 hay Canon G11.
Trong khi quay video, 1100D không có chế độ lấy nét tự động lại mà bắt buộc phải thực hiện bằng tay. Máy cũng không thể chụp ảnh tĩnh khi đang quay video. Giống các dòng máy như 500D hay 550D và 600D, 1100D bố trí một chế độ quay video riêng biệt trên bánh xe chế độ.
Giống như phần lớn các mẫu máy DSLR khác, do độ trể của cửa trập và cảm biến, khi thay đổi vị trí quay của máy quá nhanh, hình ảnh khi quay video có cảm giác bị lệch so với phương ngang. Cụ thể, phần hình ảnh phía trên sẽ di chuyển nhanh hơn một chút so với phía dưới tạo cảm giác hơi bị méo hình trong khoảng 1 giây trước khi máy thực hiện chuyển đổi cảnh quay nhanh.
So sánh đối thủ và kết luận.
EOS 1100D gần như là mẫu máy thay ống kính rẻ nhất trên thị trường hiện tại. Chất lượng hình ảnh của máy ở mức chấp nhận được, dễ sử dụng với các giao diện trực quan nhanh chóng. Nhưng trên thị trường, mẫu máy này sẽ phải cạnh tranh với khá nhiều đối thủ "sừng sỏ".
Mẫu máy cạnh tranh bên phía đối thủ Nikon gần nhất là D3100. Model này có mức giá đắt hơn 1100D chỉ khoảng gần một triệu đồng (cũng bao gồm ống kit 18-55mm VR giá khoảng 13,3 triệu đồng) nhưng sở hữu nhiều tính năng tốt hơn. Đầu tiên là màn hình kích thước lớn hơn, khả năng quay video chuẩn Full HD 1080p, hỗ trợ ISO tối đa cao hơn (lên tới 12.800 so với 6.400 của Canon 1100D). D3100 của Nikon cũng có các điểm lấy nét nhanh và mạnh hơn theo đánh giá của Dpreview.
Trong khi đó, một đối thủ khác là Pentax K-r đắt hơn một chút, cũng quay video HD 720p nhưng màn hình độ phân giải cao hơn, chụp nhanh liên tục, kính ngắm lớn và giao diện tùy biến tốt hơn 1100D.
Mặc dù chất lượng hình ảnh khá tốt nhưng 1100D sẽ khó cạnh tranh với các đối thủ như D3100 hay Pentax K-r về độ phong phú tính năng.
Đánh giá chung.
Ưu điểm |
- Mức giá hấp dẫn cho một mẫu máy DSLR. - Chất lượng hình ảnh, khả năng khử nhiễu ở ISO cao tốt. - Nhỏ nhẹ. |
Nhược điểm |
- Tính năng kém phong phú hơn các đối thủ cùng tầm tiền. - Tốc độ chụp liên tiếp chậm. - Bố trí phím xóa ảnh bất hợp lý. - Không thể kết nối microphone ngoài cho chế độ quay video. |