Lúc giao mùa thường hay gặp những bệnh gì vậy? cách phòng tránh thế nao?

Đăng ngọc mạnh
Đăng ngọc mạnh
Trả lời 16 năm trước
Thời tiết giao mùa xuân - hạ là điều kiện thuận lợi cho các bệnh gia tăng. Vậy phải làm thế nào để phòng tránh? Những bệnh gì hay gặp khi giao mùa? Bệnh tăng huyết áp Để phòng cũng như chữa bệnh tăng huyết áp, chỉ có ăn uống hợp lý, rèn luyện cơ thể đầy đủ, đúng cách. Khuyến cáo chung cho bệnh nhân tăng huyết áp chính là ăn giảm muối, ăn đúng mức cho khỏi béo, bớt rượu, tăng cường vận động thân thể... Người bệnh cần tránh các chất béo chứa nhiều acid béo bão hòa làm tăng cholesterol xấu nên gây vữa xơ động mạch như mỡ bò, mỡ cừu, dầu dừa và dầu cọ, sữa nguyên kem, bơ, lòng trắng trứng. Nên thay bằng thức ăn cũng béo nhưng ít acid bão hòa như dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu ngô, dầu ô liu, lòng đỏ trứng, sữa gầy, sữa chua, thịt gà, cá... Nên ăn nhiều rau và quả tươi vì đây là những thức ăn rất cần thiết cho người bị tăng huyết áp cũng như bị các bệnh tim mạch khác. Chúng chứa nhiều kali và hầu như không có natri, hai điều này rất có lợi cho người tăng huyết áp. Rau quả tươi chứa nhiều vitamin thiên nhiên, tốt hơn các vitamin tổng hợp. Chúng lại còn chứa nhiều chất chống ôxy hóa, góp phần giữ cho các tế bào trẻ trung lâu hơn. Rau quả tươi đem lại cho cơ thể nhiều chất xơ, cần thiết cho hoạt động tiêu hóa, và có thể còn góp phần thải trừ cholesterol ra ngoài cơ thể. Chúng cung cấp rất ít calo, chống được béo, giảm được trọng lượng. Tuy nhiên, người bị tăng huyết áp cũng nên hạn chế ăn các loại trái cây quá ngọt như na, mít, vải. Người bị bệnh tăng huyết áp cần hạn chế ăn bánh kẹo vì chất đường không tốt cho thành mạch, và một điều quan trọng nữa là phải tập luyện thể dục thường xuyên, hằng ngày nên đi bộ vào buổi sáng. Bệnh hô hấp Mùa xuân - hè là mùa mà các bệnh phổi - phế quản phát triển mạnh với sự “hậu thuẫn” của độ ẩm cao, khí áp thấp, sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm, các vi sinh vật phát triển thuận lợi... Các bệnh phổi - phế quản dễ phát triển trong mùa này là: - Hen phế quản: Phế quản của người bị hen rất nhạy cảm với mọi kích thích gây bệnh. Kích thích đó có thể là các dị nguyên từ bên ngoài như phấn hoa, hóa chất, bụi sinh vật, nấm, mốc, vi khuẩn, bụi vô cơ..., hay có nguồn gốc nội tại trong cơ thể người bệnh: các nội tiết tố, những thay đổi của môi trường bên trong cơ thể... Phòng tránh bệnh chủ yếu là phải loại trừ được các yếu tố gây bệnh như tránh lạnh, tránh bụi bậm, ký sinh vật, nấm mốc, phấn hoa... Điều trị bệnh phải nhanh, có hiệu quả, cắt được cơn hen trong thời gian ngắn nhất, không để cơn hen phát triển thành ác tính. - Viêm khí - phế quản cấp: Các tác nhân gây viêm khí - phế quản cấp mùa đông xuân thường là virut cúm, virus influenza A và B, các virus parainfluenza, virut hợp bào hô hấp và các loại khác. Phòng bệnh bằng cách giữ ấm, không để bị lạnh, có thể dùng kháng sinh chống bội nhiễm. - Viêm phổi: Yếu tố gây bệnh là S.pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae, các virut gây bệnh đường hô hấp, Chlamydia pneumoniae, H. influenzae, trực khuẩn gram âm ái khí, tụ cầu vàng và các loại khác. Bệnh viêm phổi rất nguy hiểm đối với người cao tuổi và trẻ nhỏ vì sức đề kháng cũng như khả năng chịu lạnh kém. Việc phòng viêm phổi vì thế rất quan trọng. Ngoài giữ ấm, tránh lạnh, tránh ẩm, tránh gió lùa... nếu thấy có các triệu chứng như ho nhiều, sốt cao kéo dài, khó thở... bệnh nhân cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt. - Đợt cấp của tâm phế mạn: Tâm phế mạn là bệnh tim do bệnh phổi mạn tính gây ra. Bệnh thường đột ngột trở nặng trong mùa lạnh. Tuy là bệnh tim nhưng do nguyên nhân phổi nên muốn khỏi bệnh cần điều trị chủ yếu về phổi, điều trị nhiễm khuẩn phổi. Bệnh tâm phế mạn sau vài đợt cấp sẽ đi đến tử vong, do vậy, việc phòng chống không để xảy ra đợt cấp của tâm phế mạn mùa lạnh là vấn đề sống còn đối với người bệnh. Bệnh tiêu chảy Bệnh do virut tiêu chảy gây ra, nguyên nhân chủ yếu là do ăn phải thức ăn ôi thiu, nhiễm khuẩn. Bệnh xuất hiện trong cả năm nhưng nhiều nhất vào mùa hè vì vào mùa này việc bảo quản thức ăn khó, thức ăn nhất là ở những nơi như quán ăn, cỗ bàn rất dễ bị ôi thiu, khả năng nhiễm khuẩn lớn. Bệnh nặng hay nhẹ là tùy thuộc vào vi khuẩn có trong cơ thể nhiều hay ít. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh sẽ bị mất nước, suy kiệt cơ thể khiến suy tim, tử vong. Để phòng tiêu chảy, hãy thực hiện ăn chín uống sôi, hạn chế ăn ngoài quán xá. Khi đã bị tiêu chảy phải uống nhiều nước, uống oresol (pha đúng hướng dẫn ghi trên gói thuốc) và phải được đưa tới trung tâm y tế, bệnh viện để chữa trị. Không nên tự ý điều trị tại nhà như ăn hồng xiêm, búp ổi vì sẽ khiến niêm mạc bị săn lại hạn chế và làm chậm quá trình đào thải vi khuẩn ra khỏi cơ thể khiến tình trạng bệnh nặng thêm. Do tiêu chảy là bệnh dễ lây nên cần phải cách ly người bệnh.
Hien
Hien
Trả lời 14 năm trước
Cảm cúm

Ảnh minh họa.

Cảm cúm là chứng bệnh thường gặp nhất trong khoảng thời gian này, nguyên nhân chính là do thời tiết thay đổi nắng mưa, nóng lạnh thất thường. Nếu hệ miễn dịch kém và cơ thể không kịp thích ứng với những thay đổi này thì bạn sẽ rất dễ mắc cảm cúm.

Cảm cúm tuy không nguy hiểm nhưng sẽ phải chịu đựng cảm giác khó chịu và nếu không sớm điều trị kịp thời có thể gây nên những biến chứng làm viêm họng kèm theo sốt.

Khi bị cảm cúm bạn có thể sử dụng thuốc trị cảm cúm, tuy nhiên mỗi loại thuốc cảm cúm lại phù hợp với từng bệnh nhân. Tốt nhất khi mắc cảm cúm, nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc. Không nên sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị cảm cúm vì thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn trong khi đó cảm cúm là do vi rút gây nên, chính vì thế kháng sinh không có tác dụng trong trường hợp này.

Bên cạnh đó để phòng chứng cảm cúm cần lưu ý một số điều cơ bản như bịt khẩu trang khi ra ngoài để tránh sự xâm hại của vi rút cúm, cần đội mũ nón khi đi ra ngoài, phòng ngủ cũng như nơi ở phải thoáng mát, sạch sẽ, đừng nên biến ngôi nhà của bạn là nơi “cư trú” của vi khuẩn.

Thường xuyên rửa tay để loại trừ mầm bệnh lây lan, tăng cường hệ miễn dịch để bảo vệ sức khỏe của bạn bằng cách ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống đủ lượng nước cơ thể cần.

Dị ứng da

Sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm, kèm theo độ ẩm trong không khí sụt giảm là nguyên nhân gây nên các chứng bệnh da liễu nói chung và dị ứng da nói riêng. Trẻ nhỏ hoặc ở người lớn hay thậm chí là cả người già đều có thể gặp phải rắc rối này.

Biểu hiện của dị ứng da rất đa dạng có thể là mẩn đỏ, ngứa ngáy, phát ban, chảy nước, nổi mề đay, sưng, phù nề..

Khi có những dấu hiệu bất thường này trên da cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ da liễu để được thăm khám thay vì tự điều trị hoặc làm theo những lời khuyên không có cơ sở khoa học sẽ gây nên những hệ lụy khôn lường.

Đau mắt đỏ

“Đến hẹn lại lên”, đau mắt đỏ được coi như thứ dịch bệnh rất phổ biến trong thời điểm giao mùa. Bệnh lây lan rất nhanh và nếu không khống chế kịp thời có thể trở thành dịch. Triệu chứng của đau mắt đỏ là mắt có cảm giác cộm, nhức, đỏ ngầu và tiết ra nhiều nước mắt cùng nhử mắt.

Trên thực tế việc chữa trị đau mắt đỏ phụ thuộc vào nguyên nhân khởi phát của nó, vì có tới 3 dạng đau mắt đỏ khác nhau.

- Dị ứng viêm màng kết gây nên cảm giác ngứa nơi vùng mắt, mắt đỏ ngầu, tiết ra nhiều nước mắt. Thậm chí có những trường hợp bị dị ứng cả vùng mũi và gây sổ mũi.

- Viêm màng kết vi khuẩn thường lan rộng sang cả hai mắt, có nhiều nhử mắt màu vàng xanh, có mày đay xuất hiện ở mí mắt.

- Viêm màng kết vi rút chỉ ảnh hưởng đến một bên mắt, mắt tiết ra nhiều nước mắt và có nhiều nhử mắt.

Vậy nên khi bị đau mắt đỏ bạn cần đi khám để bác sĩ tìm ra nguyên nhân và kê đơn thuốc điều trị.
Theo TPO