Tại sao khi mọc răng khôn lại bị đau?

Tôi đã mọc được 2 cái răng khôn, mỗi lần  như thế, tôi đau phát sốt, tại sao các răng khác không bị đau khi mọc mà chỉ răng khôn mọc mới bị đau?

Hoang Trung Thuc
Hoang Trung Thuc
Trả lời 13 năm trước

Chào bạn!

Một người bình thường sẽ có 4 cái răng khôn (răng số 8) ở góc hàm và thường bắt đầu mọc khi chúng ta 17 tuổi. Tuy nhiên cũng có người không thấy răng khôn mọc ra vì vẫn còn nằm trong xương hàm. Do mọc sau cùng, phía trước có răng số 7, phía sau có ngành lên xương hàm dưới nên răng khôn hàm dưới có thể bị thiếu chỗ để mọc thẳng dẫn đến mọc lệch, mọc ngầm, khiến chúng ta cảm thấy đau đớn, khó chịu, khó vệ sinh răng nên dẫn đến viêm nhiễm, sâu răng và đau tủy răng. Thường thì răng khôn hàm dưới hay gây biến chứng hơn. Khi có sưng đau ở vùng răng khôn khiến miệng không thể há được, người bệnh thấy đau nhức và sốt thì nhất thiết phải tới bệnh viện chuyên khoa răng-hàm-mặt để được các bác sĩ khám và điều trị đúng (giữ lại hay nhổ).

Tuyệt đối không được dùng tăm hay vật nhọn chọc ngoáy vào chỗ viêm.

jdhgjfg
jdhgjfg
Trả lời 13 năm trước

Răng khôn là răng mọc sau cùng trên cung hàm. Sự có mặt của nó gây phiền toái cho rất nhiều người, là thủ phạm của những cơn đau có thể rất ghê gớm. Nhiều khi, bác sĩ phải ra quyết định nhổ bỏ.

Răng khôn (còn gọi là răng hàm lớn thứ ba) thường bắt đầu mọc từ tuổi 17 trở lên, nếu còn đủ chỗ sau răng số 7. Mỗi người có bốn răng khôn ở bốn góc hàm; tuy nhiên cũng có người không thấy răng khôn mọc ra vì vẫn còn nằm trong xương hàm.

Do mọc sau cùng nên răng khôn hàm dưới có thể bị thiếu chỗ để mọc một cách bình thường, dẫn đến mọc lệch, mọc ngầm. Những trường hợp này gọi chung là mọc kẹt, nghĩa là cái răng đó không có đủ chỗ để mọc lên bình thường hoặc hướng mọc bị nghiêng nên không trồi lên được.

Khi răng khôn hàm dưới mọc ngầm, có thể sẽ có nang thân răng bao quanh và gây viêm nhiễm. Răng khôn mọc lệch sẽ dễ gây kẹt thức ăn và khó vệ sinh răng miệng, dẫn đến viêm nhiễm. Răng khôn hàm trên nếu thiếu chỗ thường mọc chếch ra phía má và phía sau. Trong lúc ăn nhai, bệnh nhân dễ cắn phải má. Nói chung, răng khôn hàm dưới thường gây biến chứng nhiều hơn và nặng hơn hàm trên.

Biến chứng thường gặp khi răng khôn hàm dưới mọc lệch là viêm túi quanh răng khôn rồi lan ra mô mềm xung quanh. Mủ có thể chảy ra mặt ngoài xương hàm dưới, xuống vùng thành bên họng rồi xuống cổ.

Khi có sưng đau và hạn chế há miệng ở vùng răng khôn, bệnh nhân cần được dùng kháng sinh và các thuốc giảm đau chống viêm. Nên uống kháng sinh phổ rộng và dùng nước súc miệng thường xuyên vì trong túi lợi răng khôn thường có vi khuẩn kỵ khí.

Nếu mủ tụ lại thành ổ áp xe thì cần được chích rạch và dẫn lưu. Sau khi bệnh nhân hết sưng đau thì cần được nhổ răng khôn. Bệnh nhân được tiêm thuốc tê để mất cảm giác hoàn toàn ở quanh vùng răng khôn; một số trường hợp có thể gây mê nếu răng khôn kẹt hoàn toàn trong xương hàm (bệnh nhân không được ăn trong vòng 6 giờ trước khi gây mê).

Bác sĩ rạch lợi, lấy ra chiếc răng khôn nguyên vẹn hoặc phải cắt nó làm nhiều phần nếu bị kẹt vào răng số 7. Sau đó, cần làm nhẵn rìa xương ổ răng khôn, rửa sạch, sát trùng rồi khâu đóng vạt lợi. Nếu dùng chỉ không tiêu thì sau 5 ngày, bệnh nhân cần quay lại để cắt chỉ.

djshg
djshg
Trả lời 13 năm trước

Bộ răng vĩnh viễn của người lớn có 32 răng, bốn chiếc lớn ở bốn góc hàm trong cùng gọi là răng khôn, chỉ mọc khi đến tuổi trưởng thành (trên 17 tuổi). Hai răng khôn hàm dưới (răng số 8) khi mọc rất dễ gây tai biến, nhiều khi rất nặng, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như viêm xương hàm, viêm phần mềm có mủ, phải chích để lại sẹo xấu...

Răng khôn hay mọc lệch vì chúng mọc sau cùng, khi đã bị chiếm hết chỗ, chỉ còn lại một khoảng quá nhỏ so với kích thước của răng. Một nguyên nhân nữa là răng khôn cùng chung lá mầm với răng số 7. Khi mọc, răng số 7 kéo mầm răng số 8 hướng về gần, dễ gây tư thế lệch gần.

Khi răng khôn mọc ở tư thế gần, nó sẽ húc vào răng số 7 và gây các tai biến sau: Không mọc lên được, lợi trùm lên răng (răng khôn có túi lợi trùm). Khi ăn uống, cặn vụn thức ăn giắt vào túi lợi, gây viêm túi lợi có mủ. Người bệnh bị đau ở vùng răng khôn trong cùng, vướng, khó nhai, có khi sốt. Nếu viêm lan rộng, bệnh nhân có thể sưng to một bên mặt, rất đau, không há được miệng, không ăn uống được. Nếu còn há được miệng, người bệnh tự soi gương sẽ thấy vùng răng trong cùng sưng to, cả vùng lợi ở góc hàm căng đỏ, trên mặt răng có ít mủ vàng, nếu lấy tay hoặc dụng cụ (thìa, đũa) ấn lên chỗ lợi trùm răng khôn sẽ thấy có mủ ứ thêm ra.

Để giải quyết những trường hợp này, thầy thuốc răng hàm mặt phải chích mủ, điều trị bằng kháng sinh và lấy bỏ răng khôn mọc lệch. Nếu không được xử lý kịp thời, viêm túi mủ răng khôn có thể chuyển thành viêm phần mềm xung quanh, áp xe hoặc viêm tổ chức liên kết lan tỏa. Viêm có thể lan vào xương hàm, gây cốt tủy viêm xương hàm - một bệnh nặng trong chuyên khoa răng hàm mặt. Lúc này, tuy bệnh nhân không còn bị sưng to một bên mặt như trước nhưng có lỗ rò chảy mủ ở góc hàm, hằng ngày mủ chảy ra rất hôi thối. Muốn chữa khỏi, người ta phải mổ lấy bỏ xương chết, nhổ bỏ răng khôn, cắt bỏ đường rò.

Đối với những trường hợp nhẹ hơn, vùng răng khôn mọc lệch đau âm ỉ mấy ngày rồi hết. Nếu răng khôn mọc lệch húc vào răng số 7 gây sâu răng, kẽ răng ở đây bị viêm lâu ngày sẽ gây tiêu xương. Cuối cùng răng số 7 cũng bị viêm tủy, viêm quanh cuống răng và lung lay, phải nhổ bỏ, làm giảm hẳn sức nhai vì số 7 và số 6 là hai răng chủ lực nhai của hàm.

Để tránh tình trạng trên, khi đến tuổi trưởng thành và mọc răng khôn, cần chú ý khám kịp thời, xác định vị trí mọc răng. Nếu thấy bất thường thì phải có biện pháp điều trị sớm, từ dự phòng (như nong cung hàm cho rộng chỗ để răng không mọc lệch) đến điều trị tai biến ngay từ đầu tránh những hậu quả nặng nề.