Thời gian gần đây, trên gáy anh trai tôi xuất hiện những mụn nhọt rất đau, có nhiều mủ. Anh tôi đã dùng kháng sinh hàng chục ngày mà bệnh không khỏi. Đi khám, bác sĩ cho biết anh tôi mắc hậu bối. Xin quý báo cho biết bệnh này do đâu? Điều trị thế nào?
Hậu bối là tên gọi để chỉ cụm đinh nhọt có nhiều mủ, nhiều ngòi và có quá trình hoại tử phần mềm tổ chức dưới da. Bệnh xuất hiện do vi khuẩn tụ cầu vàng độc tính cao gây ra. Hậu bối hay mọc ở gáy, lưng, xương cùng ở những người có sức đề kháng kém, người cao tuổi, người mắc bệnh đái tháo đường... Bệnh thường diễn biến trong khoảng 1 tháng hoặc hơn tùy theo kích thước của hậu bối, tuy nhiên nếu hậu bối to cần chú ý theo dõi đề phòng biến chứng nhiễm khuẩn huyết. Hậu bối xuất hiện ban đầu là một đám mảng đỏ có đường kính rất khác nhau, có thể từ 5-10-20cm kèm theo biểu hiện viêm đỏ, sưng tấy, gồ cao, đau, có nhiều ngòi, tiến triển hoại tử tổ chức dưới da, tổn thương lõm sâu khoảng 0,5-1cm. Khi bị hậu bối, điều quan trọng là tránh làm vết thương bị nhiễm khuẩn, do đó, có thể sử dụng các dung dịch sát khuẩn vệ sinh hàng ngày như dung dịch betadin pha loãng 1/10, dung dịch nitrat bạc 1%... cho sạch mủ ngòi, tổ chức hoại tử. Cần chú ý, không được chích, rạch hay nạo vét mủ tại nhà. Người mắc hậu bối cần điều trị tại bệnh viện, được sử dụng kháng sinh, vitamin C, B1. Anh trai bạn đã đi khám thì nên tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ.