Cho mình hỏi hạch ở bẹn chai thì có bị gì ko ? Nếu mổ hạch ở bẹn thì có bị vô sinh ko ?
Mong các bạn trả lời nhanh dùm mình !!!
Hạch là một tổ chức lympho, nằm ở nhiều nơi như vùng cổ, trên xương đòn, nách và bẹn, bình thường không sờ thấy. Khi phải hoạt động mạnh để bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật, hạch sưng to.
Hạch là một tổ chức liên võng nội mô, có chức năng sản sinh ra dòng bạch cầu lympho và sản xuất kháng thể để chống lại tác nhân gây bệnh. Khi hạch hoạt động mạnh thì sưng to, hay gặp trong các bệnh liên quan đến hệ liên võng nội mạc, bệnh tạo huyết, các bệnh nhiễm khuẩn và bệnh ung thư.
Hạch có thể bằng hạt ngô, hạt lạc, có khi to bằng quả trứng, quả xoài, đau hoặc không đau, rất dễ phát hiện. Có 4 yếu tố quan trọng để giúp chẩn đoán hạch to là: Tuổi bệnh nhân, đặc điểm của hạch bạch tuyết, vị trí hạch, các biểu hiện lâm sàng và toàn thân phối hợp với hạch to.
Hạch to ở vùng cổ, vùng thượng đòn
Lao hạch: Hạch nhỏ, nhiều, xuất hiện dần dần, không đau, xếp thành chuỗi dọc theo hai bên cơ ức đòn chũm, dưới xương hàm. Hạch to nhỏ không đều, cái mềm, cái chắc, lúc đầu di động dễ, lâu dần hạch dính vào nhau, có khi rò ra chất bã đậu, bờ vết rò nham nhở, màu tím, để lâu thành sẹo xấu, dân gian gọi là “tràng nhạc”. Kèm theo có khi sốt về chiều, người gầy, sút cân, xanh xao. Có những tổn thương lao ở nơi khác như phổi, màng phổi, màng bụng.
Hạch Hodgkin: Do Hodgkin tìm ra năm 1832, gặp ở nam giới nhiều hơn nữ, hạch to ở hố thượng đòn trái, rồi lan lên cổ, ít lâu có thể có hạch ở hai bên, nhưng bên trái vẫn to hơn. Dần dần có hạch ở nách (65%), trung thất (70%). Đặc điểm của hạch là rắn, không đau, không dính vào da, không dính vào nhau, không hóa mủ. Thường kèm theo lách to, cứng như đá (65%), ngứa (70%). Bệnh nhân sốt từng đợt, mỗi lần sốt thì hạch to thêm hoặc xuất hiện một hạch khác.
Hạch to xuất hiện ở bẹn
Bệnh Nicolas Favre: Do nhiễm Chlamydia, xuất hiện thành chùm hạch to nhiều hoặc ít, phát triển sâu vào hố chậu. Hạch đau và mềm, có thể rò ra thành nhiều lỗ như kiểu gương sen.
Bệnh hạ cam: Do nhiễm khuẩn đường sinh dục. Hạch bẹn nhiều khi ở một bên, một hạch to, nóng, đau, mõm, tiến triển thành mủ. Tìm thấy trực khuẩn Ducrey trong mủ của hạch.
Bệnh giang mai: Giai đoạn đầu, hạch nổi to ở bẹn, là chỗ xâm nhập của xoắn khuẩn Treponema pallidum. Thường bẹn có 4-5 hạch nhỏ, hơi rắn, di động dễ. Sang giai đoạn hai, hạch có thể mọc mọi nơi trong cơ thể.
Hạch to vị trí không xác định
Viêm hạch: Hạch nhỏ đơn độc hoặc từng chùm, ở bất kỳ vị trí nào: cổ, nách, bẹn. Đau âm ỉ, đau tăng khi sờ nắn, nóng, di động dưới da và tổ chức sâu, có sốt. Hạch viêm nặng có thể vỡ mủ đặc, xanh hoặc vàng. Xét nghiệm máu: Bạch cầu đa nhân trung tính tăng.
Viêm nhiễm gây sưng hạch ở vùng lân cận: Thường thấy hạch to ở những vùng có hạch bạch huyết chi phối. Khi bị viêm nhiễm, các hạch này sẽ sưng lên như viêm họng, viêm amidan, viêm ở vùng răng, hàm, mặt, gây sưng hạch ở dưới hàm, nhọt ở vùng đùi có hạch ở bẹn. Zona ngực có hạch ở nách. Hạch ở đây có đặc tính của một viêm nhiễm: sưng, nóng, đỏ, đau, mật độ chắc, di động được. Có khi hạch tiến triển thành mủ, vỡ ra ngoài.
Ung thư hạch (Lymphosarcome): Còn gọi là bệnh Kundrat (1893), gặp ở người trên 45 tuổi. Nhiều hạch to ở cổ, thượng đòn, nách và hạch mạc treo. Hạch thường dính với nhau thành khối lớn, xuất hiện và phát triển nhanh. Ấn đau, mật độ rắn, dính vào tổ chức dưới da và tổ chức sâu, nên không di động được. Bệnh nhân suy sụp toàn thân, tiến triển nhanh 1-2 năm. Lách to trung bình, làm xét nghiệm sinh thiết thấy tế bào ung thư.
Ung thư di căn: Tính chất của hạch giống như trên. Ung thư từ một cơ quan khác di căn vào hệ thống hạch bạch huyết. Thường ung thư vú di căn vào hạch nách, ung thư xương, dạ dày, phế quản, vòm họng di căn hạch thượng đòn, ung thư tử cung, tinh hoàn di căn hạch bẹn.
Hạch to do cơ địa: Thấy ở một số người gầy yếu, sức khỏe toàn thân kém. Thường hạch ở bẹn, cổ. Hạch nhỏ dễ di động, không đau, mật độ chắc. Không điều trị, sau một thời gian hạch sẽ hết khi sức khỏe cơ thể hồi phục bình thường.
Hạch to do các bệnh về máu
Bệnh bạch cầu cấp: Hạch to, mềm, di động, xuất hiện hầu hết ở các vùng có hạch (cổ, nách, hố thượng đòn, bẹn), hạch chỉ là triệu chứng phụ. Dấu hiệu nổi bật là hội chứng thiếu máu phát triển nhanh, hội chứng chảy máu dưới da, sốt rất cao, lách to nhanh. Có tổn thương loét niêm mạc miệng và họng. Làm huyết đồ thấy giảm dòng hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu tăng rất nhiều...
Bệnh bạch cầu mạn thể lympho: Hạch nhiều, đa số hạch bé, phát triển nhanh. Chỉ trong vòng vài ba tháng là các hạch ở cổ, nách, bẹn to, mềm, di động được. Lách chỉ hơi to, làm huyết đồ và tủy đồ, hồng cầu và tiểu cầu giảm, dòng lympho tăng nhiều.
Hạch to do các bệnh toàn thân
Bệnh dịch hạch (thể nổi hạch): Trước đây có những đại dịch mà năm 1894 Yersin đã tìm thấy vi khuẩn Pasteurella pestis. Ngày nay rất ít gặp loại dịch này. Nguồn bệnh từ loài chuột đồng. Bọ chuột là động vật trung gian truyền bệnh.
Trước khi nổi hạch, bệnh nhân thường có khó chịu như nhức đầu, chóng mặt, đau tứ chi, buồn nôn và gai sốt. Hạch nổi ở bất kỳ nơi nào, phần nhiều hạch ở bẹn, nách, cổ, cơ ức đòn chũm. Hạch hình tròn hay hình quả xoài, hạch dính vào da xung quanh, nắn rất đau. Sau độ một tuần thì đỡ đau, mềm và vỡ mủ. Trong mủ có thể thấy vi khuẩn Pasteurella pestis, tình trạng toàn thể rất nặng. Cơ thể suy nhược, ủ rũ, bơ phờ. Sốt cao 39-40oC. Khi hạch vỡ mủ thì hạ sốt.
Bệnh phát ban: Như Rubella, sốt xuất huyết, sau khi sốt thì nổi ban hay xuất huyết. Sau ba ngày thì hết ban. Hạch to bằng đốt ngón tay, hay nhỏ hơn, mềm, không hóa mủ, đau khi sờ nắn.
Bệnh tăng bạch cầu đơn nhân do nhiễm virus: Nhiều hạch, to bằng hạt lạc đến quả táo, xuất hiện ở toàn thân. Hạch chắc, nhẵn, sờ đau, di động dễ dàng, không hóa mủ. Toàn thân có sốt cao, mạch nhanh, mắt đỏ. Có viêm hoặc loét họng, lách to.
Bệnh BBS (Besnier-Boeck-Schaumann, hay bệnh Sarcoidose): Là bệnh của các tổ chức liên kết. Hạch toàn thân rất rắn, không đau, tiến triển chậm, hầu như không khỏi. Sinh thiết hạch thấy tế bào đặc hiệu. Tổn thương các phủ tạng như: phổi xơ, đưa đến tâm phế mạn tính; tâm viêm mạn, urê tăng, protein niệu, đái ra máu; cơ tim bị xơ, loạn nhịp.
Bệnh mèo cào: Do móng mèo, do gai các cây có mủ (xương rồng), do chấn thương nhỏ đưa virus vào. Sau 15 ngày bị cào, bệnh nhân sốt thì xuất hiện hạch toàn thân, nhưng nhiều nhất là ở khu vực bị cào. Hạch nhỏ không đau, xét nghiệm bạch cầu hạ, dòng tế bào Monocyte và Lympho tăng. Hai, ba tuần sau sẽ khỏi.
Hạch do phản ứng thuốc: Như Hydralazin, Allopurinol…
Khi thấy nghi ngờ hoặc chắc chắn mình có hạch to, nên đến bác sĩ sẽ có những lời khuyên cụ thể và cách xử trí thích hợp.