Khắc phục suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi?

Bố tôi năm nay 68 tuổi, gần đây bố tôi bắt đầu xuất hiện chứng quên như thường xuyên hỏi hôm nay là thứ mấy, ngày mấy, nhiều khi bố tôi đã lên kế hoạch cẩn thận cho một việc dự định làm nhưng rồi lại quên mất, mấy ngày sau mới nhớ ra. Tôi xin hỏi, đó có phải chứng suy giảm trí nhớ không? Làm thế nào để khắc phục hiện tượng này?

nhan
nhan
Trả lời 13 năm trước

Suy giảm trí nhớ hay Chứng mất trí, thường gọi là lẫn hay đãng trí, là hiện tượng kém dần của trí nhớ và nhận thức do suy thoái không ngừng của não bộ.

Người mắc phải chứng lẫn lúc đầu thường quên những việc mới xảy ra, nhưng về sau khi bệnh trầm trọng sẽ không nhận ra người thân trong nhà, vụng về, hay đi lạc, mất khả năng sinh hoạt hằng ngày và trở thành ngơ ngác hay ngu ngốc, cần người khác chăm sóc kiểm soát mọi mặt.

Cách khắc phục:

Thường xuyên hoạt động, rèn luyện trí óc như: đọc báo, chơi cờ tướng… mục đích để kích thích tư duy não bộ làm việc.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau xanh, chất xơ, cá biển. Ăn đủ chất đạm, cần tránh ăn nhiều chất béo, nhiều đường, muối.

Hạn chế tối đa thói quen có hại như: Hút thuốc lá, rượu bia nhiều.

Sử dụng hợp lý một số thuốc phòng ngừa bệnh tật, suy giảm trí nhớ như các thuốc chứa vitamin E, vitamin C


mùa xuân
mùa xuân
Trả lời 13 năm trước

Sa sút trí tuệ là tình trạng suy giảm mức trí tuệ đã đạt được từ trước. Bệnh nhân sẽ bị giảm trí nhớ, giảm khả năng xét đoán, định hướng không gian và thời gian, ngôn ngữ, tư duy nhận thức, hành động; ảnh hưởng nặng nề đến chức năng và chất lượng cuộc sống.

Quá trình phát triển của hệ thần kinh bắt đầu từ trong phôi thai và đến năm 25 tuổi thì hoàn chỉnh. Sau lứa tuổi này, mỗi ngày có khoảng 3.000 nơron thần kinh bị hủy đi mà không có sự sinh sản thêm. Càng lớn tuổi, cơ thể càng ít tạo ra các chất trung gian cần thiết cho não hoạt động. Vì vậy, từ tuổi trung niên, bạn đã có thể bị suy giảm trí nhớ với các biểu hiện sau:

Suy giảm trí nhớ do tuổi: Khó nhớ tên người mới gặp, quên một việc vừa dự định làm. Những kinh nghiệm và kiến thức ít bị ảnh hưởng. Bệnh nhân vẫn nhớ được những sự kiện đã xảy ra từ rất lâu.

Suy giảm trí nhớ do bệnh lý: Quên cách sử dụng những đồ vật đã từng dùng rất thường xuyên, gặp nhiều khó khăn khi tiếp nhận các thông tin mới; hay lặp lại một câu hoặc câu chuyện trong cùng buổi trò chuyện. Bệnh nhân gặp khó khăn trong việc giữ tiền và không thể giữ nếp sống sinh hoạt thường ngày.

Ở hình thức nhẹ, bệnh nhân có biểu hiện than phiền về tính đãng trí của mình, trí nhớ có giảm so với tuổi mặc dù nhận thức và hoạt động đời sống vẫn bình thường. Ở mức này, người bệnh không sa sút về trí tuệ.

Để đối phó với tình trạng suy giảm trí nhớ, phải thường xuyên hoạt động trí não, sống trật tự, có phương pháp, việc nào ra việc ấy, luôn đọc sách, giao tiếp xã hội, luyện trí nhớ... Tập thể dục thường xuyên cũng là một cách tốt để duy trì khả năng tư duy vì nó thúc đẩy tuần hoàn, hô hấp, giúp tăng cường cung cấp ôxy và dinh dưỡng cho não.

Trong thực đơn hằng ngày, nên tránh uống rượu vì rượu làm tăng nguy cơ nhũn não. Để duy trì trí nhớ, người cao tuổi còn phải thực hiện một chế độ dinh dưỡng đa dạng, giàu chất sắt và các nguyên tố vi lượng cần thiết như phốt pho, kẽm, vitamin nhóm B, các loại dầu thực vật. Giới trẻ nên tăng khẩu phần đạm trong bữa ăn (khoảng 300 gam/ngày) lấy từ thịt, cá, trứng, sữa... để "chăm sóc" cho các nơron thần kinh. Các loại đậu, vừng, trứng chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho trí não.

Bệnh nhân suy giảm trí nhớ do tuổi tác không phải dùng thuốc vì đây là một tiến trình tự nhiên của lão hóa. Cần áp dụng một số biện pháp giảm ảnh hưởng của suy giảm trí nhớ trong sinh hoạt, đồng thời rèn luyện hoạt động trí não: Liệt kê danh sách những việc cần làm, lập thời gian biểu cho công việc hằng ngày để có một cuộc sống ngăn nắp, nề nếp, xây dựng những nguyên tắc trong sinh hoạt.

Với những bệnh nhân bị suy giảm trí nhớ do bệnh lý, cần điều trị theo sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa với các loại thuốc hỗ trợ thần kinh, thuốc ức chế men acetylcholinesterase để quá trình nhớ trở nên dễ dàng hơn.

Bui Thu Phuong
Bui Thu Phuong
Trả lời 13 năm trước

Qua thư bạn kể, có thể bố của bạn đang ở giai đoạn sớm của chứng suy giảm trí nhớ của người cao tuổi. Ở giai đoạn này, người cao tuổi thường xuyên tìm kiếm đồ dùng cá nhân như mũ, chìa khóa nhà, chìa khóa xe..., khó nhớ tên một người mới gặp hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần một câu hỏi, thậm chí quên cả một việc dự định làm (sau này có thể nhớ ra)... Nếu không được phát hiện và điều trị thì chứng quên có thể tiến triển thành giai đoạn trung gian và giai đoạn nặng. Giai đoạn trung gian, người cao tuổi gặp khó khăn khi nói vì quên những từ ngữ thông thường, thay đổi tính cách, quên những động tác sinh hoạt cá nhân, mất định hướng về thời gian và không gian. Giai đoạn nặng, chứng quên ở người cao tuổi rất trầm trọng, họ mất toàn bộ khả năng sinh hoạt thường ngày và phải sống lệ thuộc vào người thân do không thể tự ăn uống, vệ sinh cá nhân... Để phòng ngừa suy giảm trí nhớ, bạn nên khuyên bố thường xuyên hoạt động trí não như đọc báo, nghe nhạc, tham gia các buổi sinh hoạt, kể lại câu chuyện vừa đọc hay một bộ phim vừa xem xong... Luyện tập các động tác thể dục nhẹ nhàng, đều đặn, duy trì chế độ ăn nhiều trái cây, rau, củ, hạn chế ăn chất béo, chất ngọt và các đồ uống kích thích như rượu, bia... Bạn cũng nên đưa bố đi khám để bác sĩ cho sử dụng thuốc giúp ngăn ngừa suy giảm trí nhớ.