Cách chọn rượu ngon như thế nào ?

Trả lời 16 năm trước
Khi chế biến những món ăn có dùng rượu, hãy nghĩ đến 4 thành phần vị giác cơ bản mà lưỡi nhận biết: mặn - ngọt - chua - cay. Khi tổ chức tiệc, nên biết chọn rượu, kết hợp với thức ăn để bữa tiệc đạt đến sự hoàn hảo nhất. Nói chung, rượu và thức ăn liên quan với nhau, chẳng hạn uống rượu Pháp thì phải dùng thức ăn kiểu Pháp. Sau đây là hướng dẫn: - Rượu đỏ uống buổi tối thường là rượu nguyên chất không pha và nồng, đôi khi hơi chát. Chúng thường được dùng cho những bữa tiệc thịnh soạn hoặc những thức ăn chất lượng cao, như thịt bò, thịt heo, thịt rừng, vịt, ngỗng và mì xào. - Rượu trắng nhẹ hơn và có vị thơm, có thể cũng nguyên chất, chát hoặc ngọt và rất thơm. Dùng rượu trắng với các loại thức ăn như: gà, gà tây, cá, tôm cua sò, thịt jambon và thịt bê. - Rượu hồng thì nhạt hơn rượu đỏ, nó cũng có thể nguyên chất hoặc được pha ngọt. Những rượu này dùng với jambon, gà rán, tôm sò cua, thức ăn nhanh và những món ăn buffet. - Rượu khai vị dùng như rượu cocktail hoặc dùng trước bữa ăn để làm tăng thêm sự ngon miệng. Rượu vermouth - loại rượu trắng pha với hương liệu từ cây cỏ, có thể dùng với bất kỳ món khai vị nào. Rượu cocktail nhẹ thường được làm từ trái cây. - Rượu bữa tráng miệng thì mạnh hơn và ngọt hơn rượu của bữa chính. Có thể chỉ dùng rượu này không hoặc dùng thêm với trái cây, bánh nướng, phômai tráng miệng, bánh cake hoặc bánh quy.
thu
thu
Trả lời 10 năm trước

Đông y thường có các phương thuốc ngâm cùng với rượu rất hiệu quả. Theo Đông y, rượu thuốc giúp đưa thuốc vào máu nhanh chóng, có tác dụng dưỡng huyết, bổ huyết, hoạt huyết, hòa huyết và thông kinh mạch. Do ít biến chất, dễ bảo quản, rượu thuốc rất thích hợp cho các bệnh lý mạn tính, phải điều trị dài ngày.

Để chuẩn bị ngâm rượu thuốc, người dùng cần được khám tỉ mỉ và chẩn đoán bệnh chính xác. Dựa trên kết quả khám, bác sĩ Đông y mới chọn các thứ thuốc phù hợp. Ngay cả khi ngâm thuốc bổ, người cắt thuốc cũng cần nắm được các đặc điểm về tuổi tác, giới tính, thể chất của người dùng, nghĩa là phải xác định được phần nào hư yếu (âm hư, dương hư, khí hư hay huyết hư) và phủ tạng nào cần bồi bổ (tâm, can, tỳ, phế, thận).

Mặt khác rượu cũng có tác dụng hòa tan các chất trong vị thuốc để sử dụng vì vậy nên vai trò và tác dụng của rượu là rất lớn.

Cần chú ý các khâu sau:

Chọn rượu

Loại rượu thường dùng là rượu trắng khoảng 40-60 độ, được cất từ gạo, ngô, cao lương, khoai... Nếu có điều kiện thì chọn loại rượu danh tiếng như Mao Đài, Phượng Tường, Thiệu Hưng, Phần Dương (của Trung Quốc) hoặc Lúa Mới, Làng Vân, Nếp Mới (của Việt Nam).

Rượu trong, càng trong càng tốt, khi lắc thấy sủi tăm lăn tăn, không có mùi khê do nấu quá lửa, là rượu ngon và thích hợp để ngâm.

Rượu càng cao độ thì càng dễ chiết xuất hoạt chất từ dược liệu và càng dễ bảo quản. Tuy nhiên, một số loại rượu thuốc do yêu cầu điều chế đặc thù nên có thể dùng loại rượu nhẹ hơn để ngâm.

Tỷ lệ rượu và dược liệu

Lượng rượu nhiều hay ít tùy thuộc vào độ hút nước của dược liệu. Những dược liệu có độ hút nước lớn thì lượng rượu nên cao hơn một chút, tỷ lệ dược liệu/rượu khoảng 1/10. Ngược lại, với những dược liệu ít hút nước thì tỷ lệ này chỉ khoảng 1/5. Có như vậy mới bảo đảm chiết xuất được hết các hoạt chất trong dược liệu, rượu không dễ biến chất và đạt được độ ngon cần thiết.

Cách ngâm như sau: Có nhiều phương pháp ngâm

- Ngâm lạnh: Là cách hay dùng nhất, áp dụng với đa số dược liệu. Cho dược liệu vào trong lọ, bình hoặc hũ, đổ một lượng rượu phù hợp rồi bịt kín lại, đặt ở nơi tối, mát. Ngâm từ 10 đến 15 ngày. Mùa đông có thể ngâm lâu hơn một chút.

- Ngâm nóng: Thường áp dụng cho các dược liệu có cấu tạo rắn chắc, khó chiết xuất và có khả năng chịu nhiệt. Trước hết, người ta cho dược liệu và rượu vào dụng cụ thích hợp, đậy kín, đun cách thủy cho đến khi sôi rồi đổ ngay sang bình ngâm. Đậy kín và tiếp tục ngâm trong 7-10 ngày như ngâm lạnh. (Lưu ý: Rượu dễ bay hơi và mất tác dụng hoặc cháy nên bình cần đậy kín. Khi bình đậy kín thì cần sử dụng bình chắc để tránh bị vỡ)

Dân gian còn thực hiện ngâm hạ thổ, nghĩa là chôn bình ngâm đã trát kín xuống đất hàng trăm ngày. Cách này thường áp dụng cho các rượu thuốc có dược liệu là động vật.

Ngoài các phương pháp trên còn có các phương pháp ủ, đun, phun, tôi... nhưng ít được sử dụng.

Thời hạn ngâm thường phụ thuộc vị thuốc bạn ngâm, bạn tìm hiểu và nghe theo lời khuyên của thầy thuốc nhé.

Cách dùng:

Tùy theo bệnh tình và tính chất, nồng độ của rượu mà uống mỗi ngày 1-3 lần, mỗi lần 10-30 ml. Những người uống được ít hoặc không biết uống rượu thì trước đó nên dùng một chút nước giải khát các loại. Để tăng hiệu quả điều trị, một số loại thuốc cần được đun nóng trước khi uống.

Rượu thuốc có thể được dùng ngoài bằng cách xông, xoa bóp, bôi, đắp, rửa, ngâm... tùy theo bệnh tình, tính chất của rượu và vị trí tổn thương.

Lưu ý: Do rượu thuốc có tính cay, nhiệt nên những người thể chất âm hư, hỏa vượng và bị nhiệt bệnh không nên dùng.