Trong một số trường hợp, phụ nữ mắc bệnh tim mạch không được có thai và nếu có thai phải được bác sĩ (BS) theo dõi sát sao.
Trong một số trường hợp, phụ nữ mắc bệnh tim mạch không được có thai và nếu có thai phải được bác sĩ (BS) theo dõi sát sao.
Trong thai kỳ, tim phải tăng cường hoạt động
Trong thai kỳ, những thay đổi sinh lý ảnh hường đến hệ tim mạch, bắt tim phải tăng cường hoạt động.
- Tăng khối lượng máu: trong 3 tháng đầu, khối lượng máu tăng đến 40 - 50% tổng lượng máu khi chưa có thai và duy trì suốt thai kỳ.
- Tăng cung lượng tim: cung lượng tim là khối lượng máu được tim bơm ra mỗi phút, sẽ tăng lên 30 - 40% do tăng khối lượng máu.
- Tăng nhịp tim: trong thai kỳ, nhịp tim sẽ tăng lên 10 - 15 lần/phút.
- Giảm huyết áp: một số thai phụ có hiện tượng giảm huyết áp 10mmHg trong thai kỳ, do thay đổi nội tiết tố và tăng lượng máu đến tử cung. Tình trạng này thường không phải điều trị gì, nhưng cần theo dõi.
Những thay đổi trên nhằm cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng cho bào thai. Tim bình thường có thể thích nghi với các thay đổi này trong khi tim mắc bệnh có thể bị quá tải. Chúng có thể khiến người mẹ cảm thấy mệt mỏi, khó thở, nhức đầu nhẹ trong suốt thai kỳ. Vì vậy, có một số người mẹ không biết mình mắc bệnh tim mạch cho đến khi có thai.
Mắc bệnh tim mạch, cần tham khảo ý kiến BS khi muốn có thai
Phụ nữ mắc bệnh tim mạch cần nhớ rằng, việc tham khảo ý kiến BS khi muốn có thai là cần thiết và hữu ích. BS giúp đánh giá và giải thích tình trạng bệnh, mức độ an toàn khi mang thai, nguy cơ đối với mẹ và thai nhi, có cần điều trị bệnh ổn trước khi có thai không, có cần dùng thuốc hoặc cách thức điều trị nào trong thai kỳ không…? Việc tìm hiểu và chuẩn bị kỹ trước khi có thai hoàn toàn không dư thừa.
Tùy theo tình trạng sức khỏe và bệnh tim mạch đang có mà người mẹ gặp các nguy cơ khác nhau trong thai kỳ. Thậm chí, một số tình trạng bệnh lý quá nặng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người mẹ khi mang thai như: tăng áp động mạch phổi nặng, bệnh cơ tim giãn nở có suy tim, hội chứng Marfan có giãn động mạch chủ, bệnh tim bẩm sinh tím, hẹp khít van hai lá, hẹp van động mạch chủ nặng. Với các bệnh lý này, BS có thể khuyến cáo bệnh nhân tránh có thai hoặc gián đoạn thai kỳ.
Cần nhớ rằng, bất cứ loại thuốc nào sử dụng trong thai kỳ cũng có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Để điều trị bệnh tim mạch, người mẹ có thể đang dùng một số thuốc. Chính vì vậy, nếu biết người mẹ muốn có thai, BS sẽ cung cấp một chế độ điều trị an toàn nhất, chỉnh liều hoặc sử dụng thuốc thay thế… Người mẹ không nên tự ý dùng thuốc, ngưng thuốc hoặc chỉnh liều thuốc.
Thai kỳ ở phụ nữ mang van tim cơ học
Người mang van tim cơ học phải uống thuốc kháng đông sintrom mỗi ngày đến suốt đời để làm “loãng” máu, tránh tạo cục máu đông khi dòng máu đi qua van cơ học. Việc uống thuốc này phải có sự theo dõi của BS, vì nếu thuốc chưa đủ liều hoặc quá liều đều có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Do phụ nữ có thai có tình trạng tăng khối lượng máu nên dễ hình thành cục máu đông hơn bình thường. Vì thế, phụ nữ mang van tim cơ học mà có thai dễ bị biến chứng tắc van do cục máu đông. Mặt khác, sintrom có thể đi qua nhau thai nên dùng trong thai kỳ sẽ nguy hiểm: có nguy cơ gây dị dạng thai nhi trong 3 tháng đầu, gây cho mẹ nguy cơ xuất huyết và sảy thai trong 3 tháng cuối thai kỳ. Chính vì vậy, BS có chiến lược sử dụng thuốc kháng đông áp dụng cho thai phụ mang van tim cơ học để đảm bảo van không bị tắc bởi huyết khối, không gây nguy hiểm cho thai nhi và thai phụ trong thai kỳ.
Tóm lại, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có mang van tim cơ học cần ghi nhớ:
- Khi dùng sintrom phải có kế hoạch ngừa thai, có thể dùng thêm thuốc ngừa thai.
- Nếu muốn có thai phải đến gặp BS để được đổi thuốc kháng đông khác ngoài sintrom.
- Trong thai kỳ, tuyệt đối tuân theo chế độ điều trị kháng đông của BS tim mạch. Thai phụ phải khám thai định kỳ để BS sản khoa theo dõi sức khỏe của thai nhi và mẹ, siêu âm phát hiện có hay không dị tật thai nhi.
Giữ sức khỏe cho mẹ là giữ sức khỏe cho con
Khi mang thai, phụ nữ có bệnh tim mạch cần lưu ý chăm sóc sức khỏe bản thân. Điều này cũng mang lại ích lợi cho thai nhi. Một số biện pháp cần áp dụng:
- Trong thai kỳ, người mẹ phải khám thai theo đúng lịch để theo dõi và xử trí kịp thời các biến cố, uống thuốc theo đúng toa điều trị.
- Thường xuyên nghỉ ngơi, tránh các hoạt động thể lực nặng.
- Theo dõi cân nặng: người mẹ tăng cân theo sự phát triển của thai nhi, tuy nhiên, tăng cân quá nhiều là một gánh nặng cho tim.
- Ngừa huyết khối: khi ngồi, tránh thói quen bắt chéo chân, nên thay đổi tư thế thường xuyên, luân phiên co duỗi 2 chân, thỉnh thoảng đi lại để máu dễ hồi lưu về tim. Mang vớ y khoa bó chân cũng là một biện pháp tốt.
- Giữ ấm: thời tiết quá nóng hay độ ẩm quá cao làm giãn mạch máu khiến tim phải tăng cung cấp máu.
- Cố gắng kiềm chế các cảm xúc như: lo lắng, xúc động…
- Không uống rượu, không hút thuốc lá và không dùng thực phẩm có tính kích thích.
- Việc sinh con với người mẹ mắc bệnh tim mạch là sự kiện có nguy cơ cao nên cần sinh con tại một cơ sở y tế đủ điều kiện theo dõi và xử trí trong quá trình chuyển dạ.
Đối với những người mắc bệnh tim, để có thể duy trì sự sống và khả năng sinh hoạt bình thường, cần phải hạn chế rất nhiều sức lực lao động, phải có một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và theo dõi sức khỏe nghiêm ngặt. Những phụ nữ mắc bệnh tim khi mang thai càng phải đặc biệt chú ý hơn vì có rất nhiều tai biến có thể xảy ra, đe dọa đến tính mạng của thai phụ và thai nhi. Hoạt động của tim khi mang thai Khi có thai, nhịp tim của người phụ nữ tăng dần từ tuần lễ thai nghén thứ 10. Vào cuối thai kỳ, nhịp tim có thể tăng hơn trước mỗi phút 10 nhịp, lượng máu tim phải bơm để nuôi cơ thể mẹ và thai nhi cũng tăng lên. Ở tuần thai nghén thứ 25 trở đi, lượng máu qua tim có thể tăng từ 30-50%, người ta ước tính mỗi ngày khối lượng “làm thêm” này của tim là từ 2.160-3.600 lít, tương đương với khoảng 2-4 tấn. Quả tim phải làm việc nhiều hơn như vậy vì khi có thai ngoài việc nuôi dưỡng bản thân, cơ thể người mẹ còn phải cung cấp ôxy và các chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng thai nhi. Với những phụ nữ khỏe mạnh thì thai sản là vấn đề hoàn toàn tự nhiên, những thay đổi trong quá trình mang thai là bình thường, nhưng với những người mắc bệnh tim thì sự thay đổi trong thời gian này sẽ trở nên rất nguy hiểm. Những tai biến có thể gặp đối với người mắc bệnh tim khi mang thai Tai biến có thể xảy ra ngay từ những tuần thai đầu đối với những người mắc bệnh tim nặng, với những sản phụ mắc bệnh tim thì tai biến thường xuất hiện từ tháng thứ 3 của thai nghén trở đi, khi cơ thể người mẹ có những thay đổi rõ rệt ở hệ tuần hoàn. Càng về nửa sau của thai kỳ, những tai biến càng có nguy cơ nhiều hơn, nhất là vào lúc chuyển dạ, sinh, sổ nhau và những ngày đầu sau sinh. Những tai biến thường gặp là: Suy tim cấp: Khi bị bệnh chức năng tim đã bị suy yếu, kèm theo khi có thai tim phải hoạt động nhiều hơn, đặc biệt là khi lấy sức rặn đẻ, hậu quả là làm cho cơ tim bị suy kiệt và yếu đi, nhịp tim yếu và chậm dần, thậm chí ngừng đập hoàn toàn, gọi là suy tim cấp. Phù phổi cấp: Do cơ tim bị suy giảm sức co bóp nên không đẩy máu kịp thời, làm máu ứ đọng nhiều ở phổi, máu tràn vào phổi làm ngập các phế nang nên bệnh nhân không thở được, cơ thể thiếu ôxy và dẫn đến tử vong. Loạn nhịp tim: Khi thai phát triển, tử cung to chèn ép cơ hoành và làm thay đổi trục của tim so với lúc bình thường, quả tim như bị nằm ngang. Nhưng khi thai nhi sổ ra ngoài, tử cung co nhỏ lại một cách nhanh chóng làm cho tim cũng đột ngột thay đổi từ vị trí nằm ngang trở về bình thường, giống như bị rơi xuống. Sự thay đổi đột ngột này góp phần làm rối loạn chức năng của tim, có thể dẫn đến đột qụy, hoặc làm rối loạn nhịp tim. Nhiễm khuẩn: Biến chứng này thường xảy ra sau khi sinh, vi khuẩn thường lan truyền theo đường máu vào gây các tổn thương ở màng trong của tim gây ra tình trạng nhiễm khuẩn và viêm màng trong của tim, gọi là viêm nội tâm mạc. Nhiều bệnh nhân có bệnh tim tính mạng được bảo toàn trong suốt quá trình mang thai, sinh nở nhưng vẫn còn nguy hiểm sau khi sinh vì tình trạng nhiễm khuẩn này. Tắc mạch do huyết khối: Sự hình thành các cục máu đông trong quá trình mang thai, nhất là sau khi sinh làm bít tắc dòng chảy của mạch máu, nguy hiểm nhất là làm tắc động mạch phổi, biểu hiện là bệnh nhân khó thở, ngực đau dữ dội, tím tái và tử vong nhanh chóng. Những chăm sóc cần thiết khi mang thai Khi đã mắc bệnh tim, người mẹ luôn thiếu ôxy và chất dinh dưỡng làm phôi thai kém phát triển trong tử cung. Trong 3 tháng đầu có thể làm sảy thai hoặc thai chết lưu. Tình trạng thiếu ôxy và chất dinh dưỡng kéo dài dẫn đến suy thai, thai sinh ra bị thiếu cân (dưới 2.500g) hoặc sinh non, những đứa trẻ này ốm yếu, không đủ sức thích nghi với môi trường bên ngoài cơ thể mẹ nên rất dễ bị nhiễm khuẩn. Nếu trẻ sinh quá non tháng, phổi chưa phát triển hoàn thiện làm trẻ dễ mắc bệnh màng trong (các phế nang của phổi có một lớp màng trong suốt bao phủ) nên trẻ không thở được và dẫn đến tử vong. Bệnh tim có nhiều loại, thể nặng hay nhẹ đều ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ và thai nhi, đe dọa trực tiếp đến tính mạng như các bệnh hẹp, hở van hai lá, suy tim... Chính vì vậy những phụ nữ mắc bệnh tim cần có sự lựa chọn cẩn thận khi quyết định mang thai. Nếu đã có thai cần đi khám xem có thể chịu đựng được quá trình mang thai và sinh nở hay không để quyết định giữ thai hay bỏ thai. Trong quá trình mang thai, phải được theo dõi sức khỏe chặt chẽ, có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi đặc biệt, tâm trạng luôn luôn thoải mái, nếu có những biến đổi khác thường phải đến ngay các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời, tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra.