Dù năm nay giới thiệu rất nhiều smartphone đầu bảng nhưng Xiaomi vẫn đảm bảo được các máy không phải là bản sao của nhau về thiết kế. Chiếc Mi 5s Plus mang vẻ ngoài hao hao Mi Note, nhưng được làm khác đi với mặt lưng kim loại phay xước, hơi giống chiếc Redmi Pro. Phần khung viền rộng và cứng hơn, đem lại cảm giác cầm chắc hơn hẳn so với mặt lưng vuốt cong như Mi 5 và 5s.
Chất kim loại ở mặt lưng hơi bóng, có chút khác biệt so với chiếc Redmi Pro. Máy có độ hoàn thiện tốt, viền vuông chứ không mỏng như trên Mi 5s nên cảm giác cầm chắc chắn hơn. Do là sản phẩm cao cấp hơn nên độ hoàn thiện của Mi 5s Plus cũng tốt hơn Redmi Pro nhiều. Phần tiếp giáp giữa mặt lưng và cạnh viền của máy được vuốt cong đều và mịn, không gây cảm giác khó chịu như trên chiếc Redmi Pro. Viền màn hình của máy vừa phải, lưng vuốt cong và cạnh viền phẳng nên cảm giác cầm máy khá thoải mái so với kích thước màn hình 5.7 inch.
Ở cạnh trên có sự xuất hiện của đầu phát hồng ngoại bên cạnh giắc cắm tai nghe. Các nút vật lý của Mi 5s Plus đều được bố trí ở cạnh phải, nổi vừa và dễ bấm. Máy sử dụng cổng USB Type C, cổng kết nối được Xiaomi tích hợp trên các smartphone cao cấp gần đây. Khay SIM ở cạnh trái cho phép lắp 2 Nano SIM và không có chỗ lắp thẻ nhớ, nhưng với dung lượng bộ nhớ trong từ 64GB thì đây cũng không phải là thiếu sót đáng lo ngại.
Khay SIM hỗ trợ lắp 2 Nano SIM nhưng không lắp được thẻ nhớ. Người viết đánh giá cao sự chắc chắn, cứng cáp và cảm giác cầm tốt của chiếc Mi 5s Plus nhưng về chi tiết thì một số điểm vẫn chưa được hoàn thiện tốt. Độ sáng của 3 nút điều hướng dưới màn hình không đều nhau, và điều này lộ rõ khi dùng máy vào buổi tối. Chất liệu kim loại ở mặt sau cũng hơi bóng và dễ bám vân tay, nhưng vấn đề này phần nào được khắc phục nếu sử dụng ốp lưng đi kèm.