Các điện thoại Oppo gần đây có hai điểm có rất ít sự thay đổi là kiểu dáng thiết kế và phần mềm. Chiếc Oppo F3 Lite cũng vậy. Điện thoại này hiện có hai lựa chọn màu là đen nhám và màu vàng. Thiết kế của máy có lẽ là giống hệt với chiếc Oppo A39 trước đó chúng tôi đã có bài đánh giá. Chiếc F3 Lite (hay Oppo A57) và A39 có cùng kích cỡ màn hình, thông số kích thước (dài, rộng và độ dày) và trọng lượng. Các chi tiết, đường nét thiết kế và chất liệu cũng tương tự. Điểm khác ở F3 Lite là có thêm cảm biến vân tay đặt phía mặt trước cùng với camera trước 16MP lấy từ chiếc Oppo F1s sang.
Điện thoại này có thân máy bằng nhựa, mặt lưng có màu sắc đồng nhất với khung máy và gắn kết liền mạch nên tạo cảm giác như một sản phẩm nguyên khối. Ở phía mặt trước, viền màn hình được tối ưu ở mức trung bình với tỷ lệ màn hình/mặt trước đạt khoảng 69% và quanh viền được bo cong 2.5D. Hai phím điều hướng (đa nhiệm và back) đặt hai bên phím Home tích hợp cảm biến vân tay dạng chạm, chỉ cần chạm để mở khoá chứ không cần bấm. Tốc độ nhận diện của cảm biến vân tay khá nhanh, chỉ cần chạm là màn hình đã mở khoá tức thì. Ngoài việc mở màn hình thì cảm biến vân tay có thể dùng để mở khoá bảo mật các ứng dụng.
Chất lượng của Oppo F3 Lite có thể nói là khá tốt về mặt hoàn thiện. Ở điện thoại này, nhà sản xuất cũng dán sẵn tấm dán khá dày giống như các máy khác gần đây của họ. Tháo tấm dán này ra thì hiện tượng gai tay không còn nữa.
Nhìn chung thì máy có chất lượng tương đối tốt và bền. Điểm trừ lớn nhất ở sản phẩm này là sự thiếu đổi mới trong thiết kế, không tạo được sự mới mẻ. Đây là điểm hạn chế khi mà đối thủ lớn nhất của Oppo ở thị trường Việt Nam là Samsung đã thay đổi thiết kế trên dòng J (J5 Pro và J7 Pro), dòng sản phẩm cạnh tranh chính với Oppo F3 và F3 Lite.